Friday, March 29, 2024

Các chính trị gia nói dối bởi vì công chúng muốn được nghe nói dối

Cali Today News – Trong mấy tháng qua của cuộc tranh cử nhiệm kỳ Tổng Thống Hoa Kỳ sắp tới, có lẽ mọi người đã nghe các ứng cử viên bày tỏ lập trường của mình và chỉ trích đường lối của đối phương một cách mạnh mẽ như thế nào. Đôi khi còn dùng một số ngôn ngữ không lịch sự cho lắm. Các cơ quan truyển thông báo chí đã bình luận chỉ trích chê bai cả hai ứng cử viên của hai đảng Cộng Hòa lẫn Dân Chủ ra rả mỗi ngày. Chúng ta đã đọc và nghe nhiều tin tức về các ứng cử viên tuyên bố lập trường và chủ trương của họ rất tuyệt vời. Nhưng những điều đó có thể chỉ đúng một nửa của sự thật và một số điều không khả thi. Có lẽ điều này không chỉ có ở Hoa Kỳ mà các chính trị gia trên thế giới đều có một “bản chất” giống nhau. Vấn đề quyền lực luôn luôn là điều ưu tiên hàng đầu, còn việc quốc gia đại sự thì hạ hồi phân giải sau khi ngồi vào chiếc ghế tối cao.

Nói dối hay hứa hẹn “lèo” là chuyện đương nhiên của các chính trị gia. Nếu chúng ta đi ngược lại dòng lịch sử sẽ thấy điều đó không sai. Chính trị gia càng nói dối nhiều thì dễ đắc cử hơn người nói thật. Phải chăng, chính trị gia có quyền nói dối bởi vì công chúng muốn được nghe nói dối chăng? Cũng như con người chỉ thích khen hơn là bị chê vậy. Nói dối là một nghệ thuật cao mà các chính trị gia xử dụng cộng thêm một tổ họp phía sau chuyên lo tìm việc nói dối để chinh phục mọi người. Thật cũng lạ! Nếu biết chính trị gia nói dối thì tại sao chúng ta phải tin họ?. Còn những người bình thường nói dối thì bị chê bai khinh ghét? Chúng tôi xin nêu lên một vài ví dụ điển hình mới đây:

 

-Donald Trump nói rằng thuế má ở Hoa Kỳ cao nhất so với bất cứ nước nào trên thế giới.
-Hillary Clinton cho rằng ISIS sử dụng cảnh quay của Trump trong việc tuyển dụng người.
-Bernie Sanders khoe Valley News đã giới thiệu ông như một Tổng thống.
-Marco Rubio nói rằng Hoa Kỳ không hiện đại hóa vũ khí hạt nhân.v.v. và .v.v.

Tất cả những điều trên đây không đúng sự thật nhưng họ vẫn nói. Như vậy các chính trị gia có quyền được nói dối hay sao?! Nói dối là điều thiếu tôn trọng đối với toàn thể người dân. Khi các chính trị gia dối trá, họ nghĩ rằng công chúng đều là những người ngu ngốc. Nói dối là một trong những tội lỗi tồi tệ nhất mà các chính trị gia đồi bại đã cam kết. Chúng ta ai cũng nhận ra rằng, họ nói dối như một sự tư nhiên không ngượng ngùng. Mặc dù, chúng ta có thể dung hòa những niềm tin này, như là một sự nói dối trong hoàn cảnh đặc biệt. Nhưng dù gì đi nữa, vấn đề đạo đức của một chính trị gia xem như đã đánh mất. Khi làm như vậy, các chính trị gia phải sẵn sàng có “bàn tay bẩn”, “đầu óc bẩn” để hành động mới đạt được mục tiêu quyền lực họ mong muốn. Hậu quả sẽ trầm trọng hơn khi sự việc được đặt lên tay họ sau khi nắm đủ quyền lực để cai trị.

Nhiều người cho rằng, tham gia vào đời sống chính trị, người ta phải bỏ đi một số đạo đức hay đánh bóng nó bằng hình thức che đậy. Thật vậy, nhiều chính trị gia đã khẳng định chính trị phải độc quyền, phải tạo ra “bàn tay bẩn”( Dirty Hands) cần thiết để giành chiến thắng. “Bàn tay bẩn” bắt buộc phải từ bỏ đạo đức cá nhân mà nghĩ đến quyền lợi đảng hay chính cá nhân họ. Điều đó tạo cho các chính trị gia sự khôn ngoan và nhẫn tâm. Giống như sự nhẫn tâm và tàn ác trong cuộc chiến Việt Nam vậy. Quyền lực và quyền lợi luôn là mục tiêu hàng đầu.

Có người lập luận rằng nghề của các chính trị gia là một nghệ thuật được đánh giá đúng khi đối mặt với nhu cầu không thể. Mặc dù, có nhiều điều không thể nói lên sự thật. Như chúng ta thường thấy trong các cuộc phỏng vấn với các chính trị gia, họ luôn lẩn tránh trả lời các câu hỏi hóc búa cần nói lên sự thật, nhưng họ rất khôn ngoan chỉ tìm cách nói loanh quanh của sự việc. Họ làm có vẻ như đang trả lời, nhưng thật sự không phải thế. Đó là một xảo thuật của một chính trị gia tài giỏi. Bất kỳ những lời nói dối nào đều có chứa một số rủi ro. Có thể không bao giờ chắc chắn tạo được kết quả tốt trong những hành động của họ; tuy nhiên, có khi việc nói dối được tiếp tục nhiều lần và được mọi người nghĩ là đúng, nếu chính trị gia đó nói dối có chiến lược để mọi người hy vọng. Và trong đó có thể pha loãng niềm tin của công chúng vào chính phủ. Giống như cách làm của Cộng Sản, cứ nói dối lâu ngày rồi điều đó sẽ được tin là có thật kiểu điển tích “Tăng Sâm giết người”.

Tuy nhiên, có những cách nói dối được mọi người chấp nhận như là lời nói dối hữu ích mang đến kết quả tốt. Nếu một chính trị gia nói dối một cách chính đáng để cứu nhiều sinh mạng bị đe dọa, thì điều đó có thể chấp nhận được. Ví dụ Tổng Thống Obama đã nói dối với chính phủ Pakistan để giữ bí mật trong vụ giết trùm khủng bố Osama Bin Laden. Tuy nhiên, đó là vì lợi ích chung nhưng trên phương diện đạo đức vẫn không thể cho phép. Vì người lãnh đạo mà không có đạo đức thì quyền lực cai trị của họ sẽ có nhiều vấn đề không minh bạch. Nếu họ nối dối được hôm nay thì ngày mai chẳng lẽ họ không thể nói dối lần nữa? Bất kỳ lời nói dối nào của các chính trị gia với mục đích đánh bại đối thủ của mình đều không thể chấp nhận vì đó là hành vi không đạo đức. Nếu sau này họ là người chiến thắng để trở thành lãnh tụ của đất nước thì nguy hiểm biết bao. Nói dối là một hành động vô đạo đức, nó có thể liên quan đến một cái gì đó tốt hay xấu và một số hành động sai trái. Trong các cuộc tranh luận của các nhà triết học về đạo đức, họ cho rằng bản chất của việc nói dối là hành vi vô đạo đức. Họ luôn phản đối vì sự dối trá có hậu quả tiêu cực khi chúng ta cố lừa dối hoặc đưa ra quyết định quan trọng dựa trên thông tin sai lạc. Nói dối sẽ làm xói mòn lòng tin của xã hội và gia đình, nền tảng tin cậy của tất cả cộng đồng.

Nhiều người cũng tin rằng, nói dối là một hành động phản bội sẽ bị phản đối vì nó thể hiện sự thiếu tôn trọng người khác. Tuy nhiên cũng có sự nói dối được chấp nhận như ví dụ nói trên hay một vài ví dụ sau đây: Trong bối cảnh của một cuộc tấn công khủng bố lớn, viên chức có thẩm quyền đã tuyên bố sai lệch là đã bắt được một trong những thủ phạm. Đây là cách nói dối có lợi ích để ngăn cản những kẻ khủng bố khác hoặc buộc họ phải thay đổi kế hoạch. Hay một viên chức y tế công cộng nói dối về các chi tiết của một tác nhân gây bệnh nguy hiểm để ngăn chặn cuộc hoảng loạn thậm chí gây ra tử vong. Hoặc Tổng thống nói dối về sự phát triển kinh tế của đất nước để ngăn chặn cuộc suy sụp đang trên bờ tuột dốc gây hoang mang cho người dân.v.v. Nhiều người nghĩ rằng đây là những lời nói dối tốt vì những hậu quả tiêu cực của sự việc. Có nhiều lời nói dối vì lợi ích quốc gia như: Lời dối trá về vụ đánh bom ở Campuchia, hoặc về cuộc chiến tranh ở Iraq với vũ khí hủy diệt hàng loạt, cho dù ông Bush, Cheney, Kissinger hoặc Nixon họ đều tin rằng làm việc đó vì lợi ích quốc gia.

Trong bất kỳ cuộc bầu cử nào, các chính trị gia đều biết rằng đối thủ chính trị của họ đang nói không đúng sự thật trong quan điểm về chính sách đối ngoại, chăm sóc sức khỏe, và thậm chí cả chính sách an ninh quốc gia. Họ nói dối với mục đích đánh bại đối thủ chính trị của họ. Hầu như không có sự trung thực trong các chiến dịch chính trị, điều thật khó chấp nhận. Tóm lại, theo nhận định của Francis Fukuyama trong cuộc tranh luận Foreign Affairs, ông cho là “Toàn bộ mục đích của chiến dịch là phải làm sáng tỏ cho công chúng “. Hiện nay Hoa Kỳ đang lâm vào tình trạng suy đồi chính trị và các nhóm lợi ích đang ngăn chặn chính phủ thực hiện các công việc hơn là sử dụng chính phủ để thúc đẩy lợi ich chung.

Bất kỳ ứng cử viên nào thắng cuộc được bầu làm Tổng Thống hôm nay đều là kẻ nói dối tài năng. Nói dối, với một năng lực hùng biện, gây rối, trấn an, tạo hy vọng…với con người hai mặt ẩn núp phía sau. Khi họ có quyền lực thì bắt đầu dùng đến chiêu đạo đức để nói với công chúng, hay một vài câu xin lỗi để chứng minh lòng tự trọng. Chúng ta thường nghe những bài diễn văn nhậm chức, những buổi nói chuyện trong ngày lễ quốc gia với những mỹ từ nghe êm tai, hấp dẫn, nhưng những ý tưởng đó đều do một nhóm người chuyên nghiệp nặn óc viết ra. Hay gần đây nhất bài diễn văn của đệ nhất phu nhân mà mọi người cho là rất cảm động và rơi lệ. Nhưng tất cả cũng chỉ là một ly nước ngọt đầy hóa chất. Gs Meg Mott của Marlboro College ở Vermont nói “ngay cả Honest Abe với “diễn văn Gettysburg” nổi tiếng cũng là một kẻ nói dối có năng khiếu.

Nói dối là một kỹ năng chính trị cần thiết cho cả hai ứng cử viên bước vào Phòng Bầu Dục. Tuy nhiên, muốn đạt được chiến thắng các ứng cử viên chỉ cần dùng bàn tay bẩn “Dirty Hands” với xảo thuật thượng thặng điêu luyện là đủ. Những lý do chính trị gia nói dối là vì công chúng không muốn nghe sự thật, nếu ứng cử viên nào muốn giành chiến thắng trong cuộc bầu cử thì họ phải biết nói dối; bởi vì những người nói lên sự thật sẽ không có cơ hội chiến thắng; ví dụ:

– Cuộc bầu cử tổng thống năm 1988. “read my lips: ‘không có thuế mới’!” đó là lời nói dối nổi tiếng của Tổng thống Bush. Ông Dukakis nói muốn chấn chỉnh lại sự thâm hụt thời Reagan, chúng ta sẽ phải tăng thuế. Nhưng đó không phải là những gì công chúng muốn nghe. Công chúng muốn được nghe nói dối. Hay nhiều tin đồn sai sự thật về Dukakis được các cơ quan truyền thông khai thác, bao gồm cả các khiếu nại của đảng Cộng hòa Idaho, Thượng nghị sĩ Steve Symms rằng vợ Dukakis – bà Kitty – đã đốt cờ Mỹ để phản đối chiến tranh VN; hay chuyện Michael Dukakis yêu cầu bồi thường điều trị bệnh tâm thần (Lee Atawater đã bị buộc tội vì đã tung tin sai lạc).

– Ứng cử viên Bob Dole hứa cắt giảm thuế 15%. Sự thật có vị TT nào đã làm được điều đó.
– Cuộc bầu cử năm 2000 Thượng nghị sĩ John Ashcroft (R-MO) dùng lời hứa bất khả thi giống như sai lầm mà Bob Dole đã làm. “Bỏ phiếu cho tôi, tôi sẽ cắt giảm thuế của bạn”,
– Richard Nixon, người đã từ chức tổng thống sau vụ bê bối Watergate.
– Bill Clinton đã nói dối không có quan hệ tình dục với người phụ nữ cô Lewinsky: “Tôi không biết những gì đã xảy ra”
– Tổng thống Obama khi tuyên truyền chương trình Obamacare, ông đã nói với người Mỹ rằng họ có thể giữ cho bảo hiểm y tế của họ nếu họ muốn. Nhưng điều đó không đúng với một số người vì kế hoạch của họ không đáp ứng được yêu cầu Obamacare cho việc chăm sóc toàn diện hơn. Obama đã nói dối. Machiavelli viết trong quyển “The Prince.” rằng một lãnh tụ vĩ đại “phải là một kẻ giả đò và vờ vịt”. Và các sử gia nói một TT cũng phải vậy như việc TT Obama nói dối để quảng bá Obamacare.

– Trong khi chuẩn bị cho Thế chiến II, Franklin Roosevelt đã nói với người Mỹ trong năm 1940 rằng “con trai của các bạn sẽ không bị gửi đi tham dự bất kỳ cuộc chiến tranh nào ở nước ngoài. Nhưng thực tế không phải như vậy.

– TT John F. Kennedy hồi 1961 tuyên bố “đã nói và lập lại rằng US không có kế hoạch xâm chiếm Cuba” nhưng rồi đã phát động trận chiến Vịnh Con Heo.

– Ronald Reagan hồi 1986 nói “tôi xin lập lại là tôi đã không trao đổi vũ khí hay bất cứ thứ gì cả với Iran để đổi lấy con tin và sẽ không làm như vậy”. 4 tháng sau ông thú thực đã làm điều mà ông chối.

– Tổng thống William McKinley nói dối với công chúng Mỹ vào năm 1898 khi ông nhấn mạnh rằng Tây Ban Nha đã bắn chiến hạm USS Maine ở Havana Harbor, Cuba. Điều này ông không có bằng chứng. Ông đã dùng lời nói dối đó để dẫn đến cuộc chiến tranh Tây Ban Nha-Mỹ.

– TT Lincohn, một nhà Machiavalli học vĩ đại đã nói dối về việc thương thuyết với miền Nam để chấm dứt chiến tranh như đã thấy trong phim “Lincohn” của Steven Spielberg. Lincohn cũng nói dối về quan điểm đối với chế độ nô lệ khi ông bảo không tin rằng có sự bình đảng vê chính trị đối với dân nô lệ vì không muốn vượt quá quan điểm công chúng. Gs Mott viết “ông ấy phải quanh co về phiếu cử tri đoàn”.

– TT Franklin Roosevelt nói dối ngay cả với bạn thân. Ông bảo 3 người rằng sẽ chọn họ làm phó nhưng rồi lại chọn Harry Truman. Gs David Barrett của Villanova University ở Pennsylvania nói rằng ông TT thiện nghệ đến độ cả 3 ông bạn đều tin rằng mình sẽ được chọn.

– Gs James Hoopes viết rằng TT Andrew Jackson đã vận động kiểu chồn hồi 1828 khi nói dối rằng ông ta chuộng “thuế quan hợp lí” đối với cử tri miền Nam. Thế rồi sau khi đắc cử, QH đã thông qua luật quan thuế cao khiến các lãnh tụ miền Nam nổi giận đòi bãi bỏ và ly khai. Con chồn Jackson đã biến thành con sư tử khi úp quân bài dùng quân sự vốn gây ra các vụ xử tử thường dân của địch và treo cổ binh sĩ nổi loạn dưới quyền 1 cựu tướng lãnh.

– Tổng thống Dwight Eisenhower chối rằng Hoa Kỳ không có máy bay thám thích U-2 do thám Liên Xô, cho đến khi Liên Xô bắn hạ một trong những chiếc máy bay, bắt phi công và sau đó ông buộc phải thừa nhận sự thật,

– Tổng thống James Polk nói dối với Quốc hội năm 1846 rằng Mexico đã xâm lược Mỹ. Lời nói dối đó đã dẫn đến cuộc chiến tranh Mexico-Mỹ.

– Tổng Thống Jimmy Carter, người đoạt giải Nobel Hòa bình, sau khi rời văn phòng đã là vị TT được ca ngợi rộng rãi cho những nỗ lực nhân đạo của ông trên toàn cầu. Ông giúp đỡ và xây dựng nhà ở cho người nghèo trên thế giới. Trong suốt nhiệm kỳ 4 năm không có một bài báo nào nói ông là người nói dối hay hành động vô đạo đức của một chính trị gia. Thế mà với sự chân thật và lòng tốt của ông, không ai ca tụng ông là một TT vĩ đại cả.

– Tổng thống Lyndon Johnson đã lưu giữ và che giấu toàn bộ ngân sách chi tiêu cho chiến tranh Việt Nam từ Quốc hội và công chúng để bảo vệ chính sách của mình.

– Năm 1992 Jennifer Flowers đã nỗ lực đưa ra lý do chính đáng để làm hỏng cơ hội của bà Clinton trở thành tổng thống. Clinton thừa nhận sự “sai trái” và sau đó nói dối về Jennifer Flowers. Nếu Clinton không nói dối về Flowers thì có lẽ nhiệm kỳ 4 năm kế tiếp của Bush sẽ chấp dứt và ngân sách Quốc gia sẽ không thâm thụt trên $ 800 tỷ và gây ra cái chết, thương tích cho hàng ngàn người Mỹ.

– Eric Massa, cựu Nghị sĩ của New York, người đã từ chức vì phải đối mặt với một cuộc điều tra các cáo buộc về hành vi không phù hợp với các nhân viên nam.

– Rod Blagojevich, Thống Đốc tiểu bang Illinois đã bị kết tội lạm dụng quyền lực và tham nhũng. Vì đã bán ghế Thượng viện bỏ trống khi Barack Obama rời nhiệm vụ, ông đã bị cách chức và cấm không được giữ bất kỳ chức vụ công nào trong tiểu bang Illinois lần nữa.

– Cựu chính trị gia William Jefferson, thành viên Hạ viện thuộc đảng Dân Chủ tiểu bang Louisiana đã bị kết tội tham nhũng sau khi FBI tìm thấy 90.000 $ trong tủ lạnh của ông. Năm 2008, Jefferson đã tìm cách tái tranh cử trong khi bản cáo trạng gồm mười sáu tội tham nhũng hối lộ. Ông là người trước đây đã hứa hẹn rất nhiều điều tốt đẹp cho người dân Louisiana, nhưng lời hứa đó chính là lời nói dối để kiếm phiếu và kiếm tiền cho bản thân.

– Edwin Edwards là cựu Thống đốc tiểu bang Louisiana đã phục vụ chín năm sau khi bị kết tội danh gian lận và tham nhũng. Những năm 1980 và 1990, ông thống đốc bị đưa vào một tranh cãi về việc ông nhận những đóng góp của những chiến dịch bất hợp pháp trong hai nhiệm kỳ đầu tiên của ông, sự cờ bạc thường xuyên của ông ở Las Vegas, vụ môi giới gạo Tongsun, tạo dựng vụ “smoke screen” để lái khỏi sự chú ‎ý nhắm vào việc mặc cả tình ái của chính mình .v.v.

– Kwame Kilpatrick là cựu thị trưởng Detroit, người bị buộc tội lạm dụng công quỹ, vu khống và khai man liên quan với hai tổ chức không rõ ràng để chuyển tiền tài trợ của chính phủ, cản trở công lý trong các cuộc điều tra, các vụ liên quan đến tình dục .v.v.

– Thượng nghị sĩ Anthony Weiner với những bằng chứng về ảnh Twitter bất hợp pháp. Sau đó ông thừa nhận sự lừa dối và từ chức.
– Thượng nghị sĩ Jon Kyl tiểu bang Arizona tuyên bố rằng hơn 90% ngân quỹ nhà nước phải tài trợ cho chương trình Planned Parenthood (tiền phá thai) nhưng thực tế chỉ có 3% . Đây là lời nói dối vô trách nhiệm về những vu khống và vận động chính trị bẩn.

Thật ra còn rất nhiều tài liệu nói về lời nói dối và sự hứa hẹn “lèo” của các chính trị gia trước đây và bây giờ nhưng chúng tôi không thể nêu lên hết được; nào là Thống đốc Mark Sanford, Thượng nghị sĩ John Ensign, R-Nev, Thượng nghị sĩ David Vitter, R-La, cựu Chủ tịch Hạ viện Newt Gingrich, R-Ga, John Edwards và Gary Hart, cựu Thống đốc New York Eliot Spitzer, cựu Thị trưởng New York Rudy Giuliani, Thống đốc David Paterson.v.v. chỉ là một số tượng trưng.

Tuy nhiên, có những lời nói dối có thể tha thứ được, khi lời nói dối đó giữ cho đất nước khỏi bị tổn hại như lời nói dối của Cơ quan An ninh Quốc gia về phạm vi gián điệp là trong thể loại này. Vì họ bảo vệ chúng ta khỏi những kẻ khủng bố. Người dân Mỹ có thể tha thứ cho các chính trị gia nếu lời nói dối đó mang lại lợi ích thiết thực cho tất cả mọi người. Có người đặt câu hỏi rằng: Liệu công chúng Mỹ có thể chấp nhận một lời nói dối từ một tổng thống, nếu đó là lời nói dối phục vụ lợi ích quốc gia?

Các chính trị gia và các nhà lãnh đạo thường biện minh cho lời nói và hành động của mình để bào chữa cho phương diện đạo đức hầu biện minh cho phương tiện. Đây là một phần trách nhiệm cho những vu khống và vận động chính trị bẩn. Nếu chính trị gia dùng lời nói dối về đối thủ của mình mà không tai hại đến đại cuộc thì có thể chấp nhận được. Nhưng nếu ông hoặc bà ấy được bầu vào chức vụ quan trọng thì nó sẽ là một thảm họa. Dù là trường hợp hay hoàn cảnh nào thì phương diện đạo đức vẫn rất cần thiết cho một lãnh tụ.

Francis Fukuyama đã nói trong cuộc tranh luận Foreign Affairs rằng “Mỹ đang lâm vào tình trạng suy đồi chính trị. Hệ thống kiểm soát và quân bình quyền lực của hiến pháp nước này cùng với sự phân cực chính trị đảng phái và sự trỗi dậy của các nhóm lợi ích giàu có về tài chính, đã kết hợp lại để tạo ra cái mà tôi gọi là “chế độ phủ quyết” (vetocracy), một tình trạng trong đó các nhóm lợi ích dễ dàng ngăn chặn Chính phủ thực hiện các công việc hơn là sử dụng Chính phủ để thúc đẩy lợi ich chung”. Không biết ứng cử viên Donald Trump có tuyên bố lếu láo không, ông sẽ “Làm cho nước Mỹ vĩ đại như trước!” (Make America Great Again!). Trong bài nói chuyện của ông Francis Fukuyama cho rằng nước Mỹ đang cần một lãnh đạo mạnh, một nhân vật muốn đổi mới cơ chế (an institutional reformer) tạo chính phủ hoạt động thật hữu hiệu; chứ không phải bởi các chính trị mị dân (a personalistic demagogue) coi thường các luật lệ đã được củng cố. Ai là người hiện nay đúng vào vị thế đó? Donald Trump hay Hillary Clinton?. Theo hai học giả Thomas Cronin và Michael Genovese trong quyển “The Paradoxes of the American Presidency” viết rằng chúng ta muốn các TT của mình có chút máu “anh chị” trong họ. Với nghệ thuật cai trị trong tác phẩm The Prince của Machiavelli rằng họ phải vừa là chồn vừa là sư tử”: chồn khám phá ra cái bẫy và sư tử gây khiếp đảm cho kẻ thù đã bẫy mình.
Như vậy bàn tay bẩn “Dirty Hands” có cần thiết cho một chính trị gia hay không? Bàn tay bẩn và sự dối trá là những việc làm vô đạo đức để đạt được mục tiêu của họ. Các chính trị gia thường ngụy biện một cách xảo quyệt là “Mục đích biện minh cho phương tiện”. Nhiều người lý luận rằng bàn tay bẩn hay nói dối có thể chấp nhận được nếu có sự yêu cầu cần thiết trong chính trị cho nên phải hy sinh mặt đạo đức miễn làm cho con người hay thế giới tốt hơn. Mặc dù là trên phương diện lợi ích nào thì các chính trị gia sẽ cảm thấy tội lỗi về hành động của mình. Nhất là trong nền văn minh, dân chủ hiện đại thì bàn tay bẩn hay nói dối vẫn là một điều nghịch lý và thiếu tính hợp lệ. Mặc dù, tiết kiệm được mạng sống hoặc ngăn chặn một thảm họa toàn cầu. Các chính trị gia cần có hành vi đạo đức nó rất quan trọng, bởi vì đạo đức sẽ hướng dẫn hành động của con người. Hành vi đạo đức bao gồm toàn vẹn, sự công bằng, trung thực và nhân phẩm

Hy vọng kỳ bầu cử Tổng Thống năm nay người dân Mỹ sẽ sáng suốt hơn để chọn người xứng đáng. Đừng thích nghe những câu nói dối, những lời hứa “lèo”. Năm 2016 sẽ có điều mới lạ trong chu kỳ chính trị. Suy nghĩ của người dân sẽ thay đổi và chuyển hướng. Đừng để các chính trị gia lừa dối mãi. Đừng nghe nhiều lần lời nói dối tẩm đầy mật ngọt. Nên nhớ quyền lực, danh vọng và lợi ích cá nhân của họ luôn ở hàng đầu. Điều tôi muốn viết ra hôm nay là chúng ta hãy cẩn thận để nghe “lời nói dối” của các chính trị gia mà không nên nghiêng về đảng phái nào. Nên nhớ rằng vị lãnh tụ vĩ đại, là người không được quyền nói dối, phải là người có đạo đức.
(Tham khảo tin tổng hợp và các tài liệu: Benjamin Ginsberg, author of “The American Lie”, “Lying Cheating Scum” Ed Uravic, CNN polytics, Quora, Political Philosophy Jean-Jacques Rousseau, John Locke, Thomas Hobbes, Dirty hands and clean gloves: Liberal ideals and real politics, The new American, Howstuffworks Culture, Acheson, Dean, 1965, “Ethics in International Relations Today”,.v.v. .)

Linh Vũ

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT

spot_img