Monday, March 18, 2024

Cái chết của hùm thiêng Yên Thế

Cali Today News – Yên Thế là một vùng đồi núi thấp ở trung du Bắc phần, nằm cách Hà Nội khoảng 50 cây số về phía đông bắc, giữa rặng Cai Kinh ở phía bắc, thượng lưu sông Cầu ở phía tây và thượng lưu sông Thương ở phía đông. Vào thời nhà Nguyễn, Yên Thế thuộc tỉnh Bắc Ninh. Qua thời Pháp thuộc, Yên Thế thuộc về Bắc Giang cho đến ngày nay. Phía bắc Yên Thế (Yên Thế thượng) cao khoảng từ 100 đến 150 mét, trong khi càng xuống phía nam, càng thoai thoải, nhiều đồng ruộng. Ở Yên Thế, rừng cây rậm rạp, um tùm, rất tiện lợi cho việc ứng dụng du kích chiến chống Pháp. Khí hậu tại đây quanh năm ẩm thấp, sương mù, có nhiều loại muỗi truyền bịnh sốt rét chết người và nhiều thú dữ.

Từ năm 1888, Pháp cho làm đường xe lửa từ Hà Nội đi Lạng Sơn, để nối liền với con đường sắt sang Quế Lâm (Quảng Tây, Trung Hoa). Con đường nầy có một đoạn khá dài từ Phủ Lạng Thương đến Lạng Sơn, chạy dọc phía đông của vùng Yên Thế. Công trình nầy phải mất 7 năm mới hoàn thành. (Paul Chack, Hoang-Tham Pirate, Paris: Les Éditions de France, 1933, tr. 7.)
Yên Thế một thời là địa bàn chiến khu chống Pháp của hai nhân vật lẫy lừng là Hoàng Đình Kinh và Hoàng Hoa Thám.

1.- XUẤT THÂN CỦA ĐỀ THÁM
Hoàng Đình Kinh, một cai tổng ở tỉnh Bắc Giang, nổi lên hùng cứ Yên Thế năm 1885, nhưng thất bại, nên bỏ trốn sang Trung Hoa năm 1886. Năm 1887, Cai Kinh trở về, lập căn cứ ở vùng núi Đồng Nãi, phía bắc Yên Thế. Ông rất nổi danh, nên cả vùng núi nơi ông lập căn cứ được gọi là rặng Cai Kinh. Cai Kinh bị ám sát chết khoảng tháng 8-1888. Người ta không biết ai là thủ phạm. Lúc bấy giờ, các thuộc hạ của Cai Kinh chia nhau đóng giữ vùng Yên Thế và các vùng lân cận.
Pháp tiếp tục tấn công và cuối cùng Pháp chiếm được toàn bộ vùng Yên Thế. Một số thủ lãnh nghĩa quân đem lính của mình lần lượt ra đầu thú với Pháp, như đề Toán (13-4-1892), đề Kiều (16-4-1892), và đề Sặt (20-4-1892). Tính đến ngày 1-6-1892, có tất cả 193 nghĩa quân mang theo 144 súng trường và 21 súng lục (súng sáu viên) ra quy thuận với Pháp. Sau vụ nầy, Hoàng Hoa Thám nổi lên thành lãnh tụ chống Pháp chính của Yên Thế. (Paul Chack, sđd. tr. 17.)
Lúc nhỏ Hoàng Hoa Thám tên là Trương Văn Nghĩa, con của ông Trương Văn Thận và bà Lương Thị Minh, gốc làng Dị Chế, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên. Tác giả Paul Chack cho biết khi Pháp đánh chiếm Hà Nội lần thứ hai năm 1882, Hoàng Hoa Thám được 20 tuổi. Vậy Hoàng Hoa Thám có thể sinh 1862. Cha mẹ chết sớm, ông theo người chú đến sống ở làng Trũng, phủ Yên Thế, tỉnh Bắc Ninh.
Khi Pháp chiếm Hà Nội năm 1882, Trương Văn Nghĩa gia nhập đạo quân chống Pháp của lãnh binh Bắc Ninh là Trần Quang Loan. Sau đó, Nghĩa theo Thân Bá Phúc, phó tướng của cai tổng Hoàng Đình Kinh, tức Cai Kinh. Bá Phúc nhận Nghĩa làm con nuôi. Bá Phúc và Nghĩa đi theo Cai Kinh khi Cai Kinh bỏ trốn sang Trung Hoa năm 1886. Cai Kinh rất quý mến tài trí của Nghĩa, cho đổi qua họ của mình là họ Hoàng, đặt tên là Hoàng Hoa Thám, và phong chức chánh đề đốc, nên Hoàng Hoa Thám được gọi là Đề Thám.

2.- HOẠT ĐỘNG CỦA ĐỀ THÁM

Sau khi Cai Kinh bị ám sát năm 1888 và một số lãnh tụ Yên Thế đầu hàng Pháp năm 1892, Đề Thám cho tái lập nhiều căn cứ ở Nhã Nam. Từ đây, Pháp tập trung chú ý vào Đề Thám. Pháp tiếp tục chiêu dụ các lãnh tụ nghĩa quân. Tháng 2 năm 1894, Bá Phúc, cha nuôi của Đề Thám, đóng căn cứ ở Luộc Hạ, dẫn một số thuộc hạ ra đầu thú với Pháp. Pháp liền sử dụng Bá Phúc để ám sát Đề Thám. Tháng 4 năm 1894, Bá Phúc mời Đề Thám cùng một viên quan đại diện cho tổng đốc Bắc Ninh là Lê Hoan, đến Luộc Hạ để bàn thảo điều kiện cho Đề Thám quy hàng. Khi gặp nhau, Bá Phúc đưa chén trà mời Đề Thám. Đề Thám tinh ý, không uống, mà giao cho một viên tùy tùng của Bá Phúc uống. Uống xong, tên nầy chết tại chỗ.

Ngày 18-5-1894, Bá Phúc đến thăm Đề Thám ở Hố Chuối (Hữu Thuế). Phúc lén đặt một cái tráp (hộp nhỏ bằng gỗ) dưới gầm giường. Trong tráp có chứa quả mìn. Sau khi đốt ngòi nổ, Phúc kiếm cớ cáo từ. May mắn, Đề Thám phát hiện được âm mưu nầy. Ông ra lệnh nghĩa quân rút ra xa, để cho quả mìn nổ, và phục binh sẵn ở đó. Pháp được tin nầy, tưởng Đề Thám đã chết, liền tung hai cánh quân từ Nhã Nam và từ Bắc Ninh, gồm khoảng 450 người, đến tấn công Hố Chuối, không ngờ bị phục kích nặng nề. Khoảng vài chục lính Pháp Việt bị chết và bị thương, trong đó phó giám binh Trouvé bị chết, giám binh Lambert và công sứ Muselier bị thương nặng. Ngày 22-5-1894, quân Pháp tấn công Hố Chuối (Hữu Thuế) lần nữa, nhưng Đề Thám đã rút qua Thái Nguyên. Pháp phá hủy hoàn toàn căn cứ Hố Chuối.

Ba tháng sau, Đề Thám đem quân trở về Yên Thế lập căn cứ mới ở Lạng Thương, giữa Chợ Gò và Hữu Thuế, phía bắc của Nhã Nam. Ngày 17-9-1894, bang Kinh, một thuộc tướng của Đề Thám, phục kích trên đường xe lửa Hà Nội-Lạng Sơn, đoạn giữa Suối Ngành (Ghềnh) và Bắc Lệ (Bắc Lộ), bắt được hai người Pháp là Chesnay và Logiou. Chesnay là chủ thầu việc đốn cây để làm đường xe lửa và Logiou là nhân viên của Chesnay. Đề Thám báo tin cho người Pháp ở Nhã Nam biết.

Pháp nhờ giám mục Velasco, người Tây Ban Nha, phụ trách giáo xứ Bắc Ninh, đến Yên Thế điều đình. Giám mục Velasco gởi 3 linh mục tên là Khâm,chánh xứ làng đạo Bi-noi, Trần Chính Nhã, làng Dao-ngan, và Nguyễn Đức Hạnh từ Phủ Lạng Thương. Ba linh mục nầy đến Yên Thế, bị nghĩa quân bắt đưa về gặp Đề Thám. Đề Thám cho linh mục Khâm về mời giám mục Velasco đến nói chuyện, còn giữ hai linh mục kia ở lại làm con tin. Giám mục Velasco đến một mình. Đề Thám đón vào thảo luận với giám mục tại một ngôi chùa trong rừng. Khi cần, thì có người của Đề Thám đưa tin của giám mục Velasco về Bắc Ninh để hỏi ý kiến Phủ toàn quyền Pháp. (Paul Chack, sđd. tt. 104-105.)

Sau hai tuần lễ thảo luận, phủ toàn quyền Pháp ở Hà Nội bằng lòng trả cho đề Thám 15,000 đồng bạc Đông Dương, tiền chuộc hai người Pháp. Đồng thời, để cho Đề Thám quy thuận, phủ toàn quyền Đông Dương đồng ý giao cho Đề Thám cai quản bốn tổng ở Yên Thế Thượng là Yên Lễ, Hữu Thượng, Mục Sơn, Nhã Nam, và được hưởng thuế trong ba năm, bắt đầu từ ngày 23-10-1894.
Sau khi giảng hòa, Đề Thám đóng bản doanh ở Phồn Xương, tổ chức làm ruộng, khai khẩn đồn điền, khuếch trương thế lực, tích trữ lương thực, mua thêm vũ khí. Trong khi đó, chung quanh Yên Thế xảy ra nhiều cuộc tấn công, cướp bóc, mà Pháp đổ lỗi cho thuộc hạ của Đề Thám. Pháp còn cho rằng các “tướng cướp” đã trốn lên Yên Thế, một cứ địa an toàn, để tránh bị truy nã.

Dựa vào lý do đó, phủ toàn quyền Pháp giao cho đại tá Galliéni, trưởng quân khu 2, đóng ở Lạng Sơn, giải quyết việc Yên Thế. Galliéni gởi thư cáo buộc Đề Thám đã bao che cho thuộc hạ đi đánh cướp, gây mất an ninh, và buộc Đề Thám phải giải giới tất cả mọi người. Đề Thám trả lời rằng ông hoàn toàn không hay biết việc cướp bóc và hứa sẽ đem nạp 30 thủ hạ và 30 khẩu súng. Galliéni không chấp thuận, ra lệnh tấn công Phồn Xương ngày 29-11-1895, nhưng Đề Thám đã lẫn trốn. Ông dẫn gia đình và thuộc hạ di chuyển hết căn cứ nầy đến căn cứ khác, không ở yên một chỗ, để tránh bị tấn công. Lực lượng của ông khi ẩn khi hiện khắp vùng rừng núi Thái Nguyên, Bắc Giang và Bắc Ninh.

Tháng 1-1897, Paul Doumer đến làm toàn quyền Đông Dương. Lúc đó, Doumer dự tính xin quốc hội Paris thuận cho vay 200 triệu quan để thực hiện dự án cai trị Đông Dương. Muốn thế, ông phải chứng tỏ cho quốc hội Paris thấy rằng Đông Dương hoàn toàn ổn định, không còn mất an ninh. Do đó, ông gấp rút giải quyết vụ Yên Thế, nhờ giám mục Velasco đứng làm trung gian một lần nữa, cho Đề Thám biết ý định hòa bình của tân toàn quyền. Ngày 13-11-1897, Đề Thám viết thư cho Doumer đồng ý quy thuận với những điều kiện cũ, nghĩa là Đề Thám sẽ cai trị bốn tổng như trước đây. Phủ toàn quyền chấp thuận và Đề Thám trở lại Phồn Xương tháng 12-1897. (Paul Chack, sđd. tt. 128-130.) Lần nầy, Đề Thám tạm sống yên ổn ở Yên Thế. Được bốn năm, tin tưởng rằng Đề Thám hoàn toàn chịu quy thuận, Pháp long trọng tổ chức lễ tuyên thệ của Đề Thám tại Nhã Nam ngày 17-4-1901.

3.- ĐỀ THÁM VỚI PHONG TRÀO DUY TÂN VÀ ĐÔNG DU
Tình hình chính trị Việt Nam yên tĩnh một thời gian vào đầu thế kỷ 20 và bắt đầu sôi động trở lại với sự thành lập phong trào Duy tân và phong trào Đông du ở miền Trung Việt Nam. Hoạt động của hai phong trào nầy vang dội đến rừng núi Yên Thế, nhất là khi lãnh tụ của cả hai phong trào nầy đến thăm điền trang của Đề Thám.

Thứ nhứt, khoảng đầu năm 1906, Phan Châu Trinh ra Hà Nội. Ông giúp các ông Lương Văn Can, Nguyễn Quyền, thành lập Đông Kinh Nghĩa Thục. Trước khi lên đường qua Trung Hoa, Phan Châu Trinh đến Yên Thế thăm Đề Thám, nhờ sự hướng dẫn của Ông Ích Đường. Ông Ích Đường là con của Ông Ích Kiền và là cháu nội Ông Ích Khiêm. Ông Ích Khiêm, với một bà vợ người Hà Đông, có một người con trai là Ông Ích Thọ. Như thế Thọ là em của Kiền và là chú của Đường. Nhân ra bắc thăm quê ngoại, Ông Ích Thọ lên Yên Thế, gia nhập lực lượng Đề Thám. Ông Ích Đường đem theo gia phả nhà mình cùng Phan Châu Trinh lên Yên Thế, gặp Ông Ích Thọ. Hai bên nhận ra chú cháu. Thọ đưa Phan Châu Trinh đến gặp Đề Thám. (Theo lời kể của Ông Ích Bật, con trai của Ông Ích Đường, cho người viết trong các cuộc phỏng vấn năm 1972, 1973 tại Đà Nẵng.) Không ai rõ Đề Thám và Phan Châu Trinh đã trao đổi những gì, nhưng đường lối của hai ông hoàn toàn khác biệt nhau, một bên bạo động, một bên bất bạo động, nên về sau không nghe nói đến nữa.

Thứ hai, vào đầu 1907, Phan Bội Châu từ Nhật Bản, qua Trung Hoa, theo đường bộ về Việt Nam, đã ghé Yên Thế thăm Đề Thám trong 10 ngày. (Phan Bội Châu niên biểu, đăng trong Chương Thâu, Phan Bội Châu toàn tập, tập 6, Huế: Nxb. Thuận Hóa, 1990, tr. 131.) Thật ra, đây là lần thứ hai Phan Bội Châu lên Yên Thế. Ông lên Yên Thế lần đầu vào cuối năm 1902, nhưng không gặp được Đề Thám vì ông Đề bị đau. (Chương Thâu, sđd. tt. 62-63.)

Trong lần thứ hai nầy, khi gặp nhau, Phan Bội Châu đề nghị Đề Thám ba điều: 1) Mời Đề Thám gia nhập hội Duy tân và thừa nhận Cường Để làm hội chủ. 2) Xin Đề Thám dung nạp những nghĩa sĩ Trung Kỳ bị khủng bố. 3) Nhờ Đề Thám ứng viện khi Trung Kỳ xướng nghĩa. Đề Thám cũng đề nghị Phan Bội Châu ba điều: 1) Trung Kỳ viện trợ cho Phồn Xương, nếu có việc đánh Pháp. 2) Hội Duy tân lo việc ngoại giao nếu Phồn Xương đánh Pháp. 3) Hội Duy tân trợ giúp nếu Phồn Xương thiếu thốn. Đề Thám liền chọn một hòn núi nhỏ phía sau đồn Phồn Xương để Phan Bội Châu lập căn cứ cho người Trung Kỳ. Chính tại núi nầy, Phạm Văn Ngôn, hiệu là Tùng Nham, dựng một đồn riêng, gọi là đồn Tú Nghệ, cho những nhà hoạt động Trung Kỳ tá túc. (Chương Thâu, sđd. tt. 132-133.)

Sau khi Phan Bội Châu rời Yên Thế, Đề Thám bí mật lập đảng Nghĩa Hưng, nhận Kỳ Ngoại Hầu Cường Để làm minh chủ, đúng theo đề nghị của Phan Bội Châu. (Paul Chack, sđd. tt. 154-158.) Đề Thám còn bí mật cử thuộc hạ là lý Nho tổ chức đánh úp Pháp tại Hà Nội ngày 17-11-1907, nhưng bất thành. (Paul Chack, sđd. 168-169.) Ngày 27-6-1908, tại Hà Nội, một nhóm lính khố đỏ tổ chức đầu độc lính Pháp, với sự yểm trợ ở bên ngoài của lực lượng Hoàng Hoa Thám. Công việc bị bại lộ nên mưu tính nầy bị Pháp chận đứng.

Cần lưu ý rằng trước vụ đầu độc lính Pháp tại Hà Nội (tháng 6-1908), là vụ xin xâu chống thuế ở Trung Kỳ (tháng 3-1908). Pháp đàn áp dữ dội và dẹp yên ngay tức khắc. Sau vụ nầy, tổng thống Pháp ký sắc lệnh ngày 26-6-1908 cử Wladilas Klobukowsky làm toàn quyền Đông Dương. Klobukowsky đưa ra những biện pháp cứng rắn để giải quyết cả hai vụ nổi dậy ở Trung Kỳ và ở Hà Nội. Nhằm tiếp tục ổn định tình hình, chính quyền Pháp liền nghĩ đến việc tấn công Yên Thế, mà người Pháp tin rằng đó là nơi nương náu của những phần tử chống đối, và là đầu mối của những xáo trộn ở Bắc Kỳ.

4.- PHÁP TẤN CÔNG YÊN THẾ

Ngày 28-1-1909, Pháp gởi tối hậu thư buộc Đề Thám phải trình diện ở Hà Nội, trao võ khí, thuộc hạ, người đào ngũ và phiến quân trốn ở Yên Thế cho Pháp. Đồng thời Pháp treo yết thị tại các đình làng trên toàn tỉnh Bắc Giang tố cáo Đề Thám không chịu yên ổn làm ăn, mà tiếp tục cướp bóc, và kêu gọi dân chúng giúp đỡ chính phủ dẹp Đề Thám.

Ngày hôm sau, 29-1-1909, quân khố xanh (Việt) tấn công căn cứ của Đề Thám ở Chợ Gò, phía bắc Nhã Nam, nhưng bị đẩy lui. Khi quân Pháp đến Chợ Gò ngày hôm sau, thì nghĩa quân đã rút đến vùng cách Hà Nội khoảng 20 cây số về phía bắc. Tại đây, ngày 5-7-1909, thuộc hạ của Đề Thám bắt được một người Pháp tên là Voisin, giám thị hãng thầu Leroy, trên con đường đá mới mở từ Đông Anh đi Cao Bằng. Đề Thám liền dùng Voisin làm con tin để thương lượng với Hà Nội.

Tin Voisin bị bắt làm xôn xao dư luận Hà Nội, nhưng Pháp không chịu chuộc, mà buộc Đề Thám phải thả Voisin, và nhất quyết đem quân lùng bắt Đề Thám. Đề Thám tiếp tục di chuyển liên tục, lên Thái Nguyên, về Yên Thế… Voisin bị đuối sức; Đề Thám đành thả y. Thuộc hạ của Đề Thám hoặc bị tử thương, hoặc dần dần đầu hàng Pháp, chỉ còn một ít người theo Đề Thám.

Ngày 30-7-1909, Pháp cử Lê Hoan, nay đổi qua chức tổng đốc Hải Dương, làm Khâm sai, cầm quân cùng Pháp đánh Đề Thám. Lê Hoan theo phương pháp của Nguyễn Thân, ngăn chận những nguồn tiếp liệu của Đề Thám, trừng phạt thật nặng những làng nào tình nghi chứa chấp hay yểm trợ cho Đề Thám, nên dần dần dân chúng giảm việc giúp đỡ Đề Thám. Đề Thám rút lên gần Tam Đảo giữa Vĩnh Yên và Thái Nguyên. Một trận đụng độ lớn cuối cùng xảy ra ngày 5-10-1909 tại núi Lang, gần Tam Đảo. Pháp chết 17 (trong đó có 7 quân Pháp), bị thương 31 người (trong đó có 21 Pháp). Đề Thám chỉ còn khoảng 20 quân. Cả Rinh và Đội Sơn, hai thủ hạ thân cận của đề Thám đầu hàng Lê Hoan. Ngày 30-11, bà Ba Nhu, tức bà vợ thứ ba của Đề Thám, cùng con là Hoàng Thị Thế, bị bắt. Bà là một nữ thủ lãnh nổi tiếng ở Yên Thế, giúp chồng rất đắc lực.

4.- CÁI CHẾT CỦA HÙM THIÊNG YÊN THẾ

Có hai nguồn tin khác nhau về cái chết của Đề Thám.
Theo nguồn tin của Pháp, quân Pháp đeo bám Đề Thám hết sức gắt gao, nhưng vẫn không bắt được Hùm Thiêng Yên Thế. Ông ẩn hiện khắp nơi, Pháp không biết cách nào bắt cho được Đề Thám, liền nhờ đến Lương Tam Kỳ, một dư đảng của Thái Bình Thiên Quốc ở Trung Hoa, tràn sang nước ta làm thổ phỉ. Sau hòa ước Thiên Tân lần thứ hai ngày 9-6-1885 giữa Pháp và Trung Hoa về vấn đề Việt Nam, quân Trung Hoa rút về nước, Lương Tam Kỳ ở lại hoạt động vùng Chợ Chu (bắc Thái Nguyên), xuống tới Tam Đảo (giữa Thái Nguyên và Phúc Yên). Năm 1889, Pháp đem quân tấn công. Lương Tam Kỳ xin hàng với điều kiện được chia đất cai trị và được trả lương. Phủ toàn quyền Pháp đồng ý, giao cho Lương Tam Kỳ cai quản 4 tổng gần Chợ Chu và 42,000 đồng Đông Dương một năm. Lương Tam Kỳ ở yên trong 4 tổng đó và quân Pháp cũng không được vào 4 tổng đó.
Được Pháp thuyết phục, Lương Tam Kỳ gởi ba “khách trú” (chỉ người Trung Hoa), giả làm người của tướng Liên bên Quảng Tây (Trung Hoa), đến liên lạc với Đề Thám ở Yên Thế thượng vào ngày 10-1-1913. Tuy đang cần sự giúp đỡ từ bên ngoài, nhưng Đề Thám cũng rất cẩn thận đề phòng, nên mãi đến một tháng sau, tối 9-2-1913 (rạng 10-2-1913), ba người nầy mới ra tay, hạ thủ được Đề Thám trong lúc ông đang ngủ. (Paul Chack, sđd. tt 261-263.) (10-2-1913 tức mồng 5 Tết năm quý sửu). Quân Pháp cho bêu đầu Đề Thám ở Nhã Nam trong 2 ngày rồi dùng dầu hỏa thiêu đốt, tro cốt đổ xuống ao. Nguồn tin nầy về cái chết của ĐềThám được xem là nguồn tin chính thức, và sử sách thường viết theo nguồn tin nầy.

Tuy nhiên, theo nguồn tin gia đình của Đề Thám thì sự thật không phải như vậy. Trong sách Năm mươi năm cách mạng hải ngoại- Hồi ký của Hoàng Nam Hùng, do Phạm Giật Đức biên soạn, Sài Gòn 1960, trang 43, phần chú thích, Hoàng Nam Hùng kể lại: “Việc ông Hoàng Hoa Thám bị giết chỉ là một giả thuyết của người Pháp dựng lên, vì sau đó cái đầu lâu ấy có người đến nhận là đầu của người khách [Tàu) buôn bán ở Bố Hạ. Người nầy vì giống ông Thám, nên quân của Lương Tam Kỳ giết đi để thay thế, mục đích để tạm yên cho ông Thế khỏi bị truy tầm. Năm 1947, tôi [Hoàng Nam Hùng] có qua nhà bà vợ hai của Ông [Đề Thám] ở làng Trũng, thì được biết Ông chốn [trốn] về ở đây, và sau mất đi vì bị bệnh kiết. Tuy việc nầy sau đó người Pháp có biết, nhưng mục đích để yên lòng dư luận, họ cũng lờ đi.”

Lời của Hoàng Nam Hùng thuật lại một việc không liên hệ đến vấn đề chính trị mà Hoàng Nam Hùng đang theo đuổi, có thể xem là trung lập hay vô tư đối với cái chết của Hoàng Hoa Thám. Hoàng Nam Hùng gặp được bà vợ thứ hai của Đề Thám và bà nầy kể lại cái chết của chồng mình thì hẳn là chính xác. Do đó, cần phải chú ý đến nguồn tin nầy để nghiên cứu thêm, nhất là tìm đến quê quán của bà vợ thứ hai của Hoàng Hoa Thám ở làng Trũng tại Yên Thế để dò hỏi và kiểm chứng lại nguồn tin nầy, nhân đó có thể lần mò tìm ra ngôi mộ của Hoàng Hoa Thám ở vùng nầy.
Nếu nguồn tin Hoàng Nam Hùng thuật lại đúng với thực tế, thì đây là một đính chính quan trọng về cái chết của Hùm Thiêng Yên Thế Hoàng Hoa Thám, tên thật là TrươngVăn Nghĩa, dầu sa cơ thất thế, vẫn không để nhân thân lọt vào tay quân Pháp xâm lược.

(Toronto, 22-8-2016)
Trần Gia Phụng

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT

spot_img