Friday, March 29, 2024

Dư luận đa chiều về việc tranh cổ động của Trung Quốc được phát trên kênh VTV

Cali Today News – Dư luận Việt Nam trong những ngày qua lại dấy lên những ý kiến đa chiều về vụ việc, tối ngày 11/6/2016, trong chương trình trực tiếp trao giải cuộc thi viết “Tấm gương bình dị mà cao quý” lần thứ VII do báo Quân đội nhân dân (QĐND) phối hợp với Tổng công ty công phần dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam thuộc Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam tổ chức, được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV2 của Đài truyền hình Việt Nam lại sử dụng một bức tranh cổ động được cho là của Trung Quốc làm phông nền. Theo nhiều ý kiến của dư luận, bức tranh này có nội dung học tập trước tác Mao Trạch Đông. Có ý kiến cho rằng; đây chỉ là một sự nhầm lẫn, sai sót của VTV2, cũng có ý cho rằng; hiện trong làng báo chí, truyền thông và sự kiện ở Việt Nam có “nội gián” của Trung Quốc ….

Hinh 1
Tranh cổ động của Trung Quốc trên sóng VTV (ảnh: Hoài Hương)

Dư luận đa chiều trước sai sót mang đầy tính “nhạy cảm”

Đa phần dư luận bày tỏ sự phẫn nộ với vụ việc trên, cánh báo chí vào cuộc nhưng không lâu sau thì hầu hết các tờ báo có lượng bạn đọc nhiều nhất Việt Nam đăng tải đều hạ bài trong lặng lẽ. Theo blogger Hoàng Tuấn Công thì bức tranh gây phẫn nộ này có 6 điểm chứng thực là Tranh cổ động Trung Quốc chứ không thể là của Việt Nam gồm; Phong cách tranh, nhân chứng học, trang phục, cuốn sách màu đỏ, bố cục và thời điểm ra đời. Đáng chú ý nhất mà Cali Today ghi nhận những nhận xét của blogger Hoàng Tuấn Công về bức tranh là đúng là hình ảnh hai người đàn ông và người phụ nữ trong bức tranh được thể hiện với nước da đỏ au, gương mặt phương phi, sống mũi cao, thẳng, lông mày sâu róm đen rậm, mắt một mí hơi nặng, cười phô hàm răng trắng…mang nét của người Trung Quốc, hoặc Triều Tiên. Trang phục quần áo, mũ trong tranh cũng mang đặc trưng rất Trung Quốc, đặc biệt là bộ quần áo màu xanh chàm, chiếc mũ vải lưỡi trai rất phổ biến ở Trung Quốc, mà sinh thời Mao Trạch Đông vẫn thường đội…nếu nói bức tranh trên thuộc tranh cổ động của Việt Nam thì thật là khó tin.

Theo anh Trần Đức Thịnh, một bạn trẻ sinh sống và làm việc tại Hà Nội thì cho rằng, việc VTV2 đưa bức tranh cổ động Trung Quốc làm phông nền trong chương trình truyền hình trực tiếp buổi lễ trao giải “những tấm tấm gương bình dị mà cao quý” ở Việt Nam thì trong lịch sử đã có tranh này rồi, người làm chương trình lại không để ý nhiều cứ thấy có là đưa. Anh Thịnh nói:

“Để đánh giá cái này thì cần phải hiểu rõ là tranh cổ động đó trong lịch sử có không? Theo em được biết trong lịch sử có tranh này rồi. Thời xưa mình có dùng tranh này làm cổ động, lúc Trung Quốc giúp Việt Nam.”

Hinh 2
Bản gốc bức tranh cổ động của Trung Quốccó hàng chữ Trung Quốc (ảnh: cộng đồng mạng)

Việc VTV2 đưa bức tranh cổ động Trung Quốc lên sóng truyền hình là một sự nhầm lẫn, do trình độ của người làm. Anh Thịnh nói tiếp:

“Vì cái này rất có thể do người thực hiện tìm tài liệu minh họa trên mạng lấy ra những ảnh này. Họ không xem xét cụ thể từng bức ảnh, không hiểu nội dung, có thể do trình độ của người làm”

Từ nhiều nguồn thông tin tìm hiểu trên mạng, Cali Today ghi nhận, bức tranh cổ động Trung Quốc mà VTV2 đưa lên sóng truyền hình có từ thời “cách mạng văn hóa Trung Quốc vào năm 1971”, dưới bức tranh có dòng chữ Trung Quốc to tướng đại khái có nội dung được dịch sang tiếng Việt là “Học tập, ứng dụng tư tưởng triết học rực rỡ của Mao Chủ tịch”. Theo ý kiến của ông Phan Chí Đỉnh, một cán bộ ở Hà Nội thường quan tâm đến hiện tình Việt Nam thì cho rằng; không thể có sự nhầm lẫn.

“Thật ra việc VTV2 lấy tranh cổ động học tập trước tác Mao Trạch Đông của Trung Quốc làm hình nền ở chương trình: trao giải “những tấm gương bình dị mà cao quý” lần thứ VII ở Việt Nam là một điều không sao hiểu nổi. Không thể có sự nhầm lẫn như vậy”

Hinh 3
Cờ 6 sao trên sóng truyền hình VTV (ảnh: Huỳnh Ngọc Chênh)

Cũng qua sóng truyền hình cho thấy, tham dự trong đêm trao giải có các ông; Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban tuyên giáo Trung Ương; ông Trương Minh Tuấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Trung tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam; Thiếu tướng Phạm Văn Huấn, Bí thư Đảng ủy, Tổng biên tập báo QĐND, trưởng ban tổ chức cuộc thi cùng nhiều vị có chức tước khác trong hàng ngũ Đảng cộng sản (ĐCS) Việt Nam. Song. Trước nguồn dư luận đang bàn tán xôn xao, báo chí đăng ầm thì những người nêu trên vẫn chưa thấy có ai lên tiếng về vụ việc. Thậm chí là cơ quan báo QĐND, là đơn vị tổ chức cuộc thi đến nay vẫn còn im bật, không thể nói là sai sót, nhầm lẫn này trách nhiệm chỉ thuộc riêng kênh VTV2 còn cơ quan báo QĐND đứng ngoài cuộc.

Sự im lặng đã khiến một bộ phận dư luận đặt câu hỏi liệu có yếu tố Đảng chỉ định hay không? Ông Phan Chí Đỉnh cho rằng:

“Đảng không làm việc đó. Đây là sai của người làm chương trình đã gây thảm họa.”

Ông Phan Chí Đỉnh giải thích thêm:

“Cán bộ tuyên huấn nhà mình (Việt Nam ) thường học thêm ở Trung Quốc nên bị nhiễm văn hóa của họ, dẫn đến việc sử dụng mà mất ý thức rằng phải cảnh giác. Về việc này tôi không muốn nói thêm vì quá chán và mọi lý giải đều bế tắc.”

Một người công tác trong ngành âm nhạc, ông Chính ở Đà Lạt thì cho rằng đây là việc bình thường:

“Mình nghĩ nó là bình thường, chẳng có chủ trương nhỏ đến mức đó thôi. Phóng viên hay cơ quan nào xài thì cứ việc lấy tư liệu Việt Nam và Trung Quốc mà xài. Đã có chủ trương chung. 2 Đảng là một. Chả có lệnh gì khác đâu.”

Trước đây cũng có nhiều sự kiện, chương trình quan trọng của Việt Nam được truyền hình trực tiếp trên báo đài Việt Nam nhưng lại có những sự xuất hiện “kỳ lạ” có yếu tố Trung Quốc như: Cờ 6 sao khi đón tiếp nhà lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc sang Việt Nam; hay trong chương trình “khát vọng đoàn tụ” nhân ngày Thương binh- Liệt sĩ năm 2015, khi chủ tịch nước Trương Tấn Sang bước lên phát biểu ý kiến thì tấu lên bài nhạc “Ca ngợi tổ quốc” nổi tiếng của Trung Quốc, được xem là “quốc ca thứ hai”của Trung Quốc. Và lần này, tranh cổ động Trung Quốc lại xuất hiện trong một chương trình rất đặc sắc Việt Nam “những tấm gương cao quý mà bình dị” và cũng chính bức tranh này lại bị sửa đổi, xuất hiện tại Cần Thơ (năm 2010) trong sự kiện phổ biến kiến thức pháp luật bảo hộ lao động. Kết lại, liệu có yếu tố “nội gián” của Trung Quốc trong hàng ngũ những người làm báo, truyền thông và sự kiện ở Việt Nam nhằm phá rối hay không?

Ông Phan Chí Đỉnh cho rằng không thể nói có nội gián. Và bạn trẻ Đức Thịnh cũng tương tự như ý kiến của ông Đỉnh, anh Thịnh cho rằng đây là sự chạy theo thị trường của làng báo, truyền thông và sự kiện ở Việt Nam. Anh Thịnh nói:
“Nội gián của Trung Quốc trong truyền thông thì không có vì không người nào dại mà làm như vậy cả. Trình độ của người làm báo giờ thấp chạy theo thị trường, câu view nhiều.”

Và ý kiến của ông Chính là: “Tôi chưa có dịp gặp ai (phóng viên, nghệ sĩ, ca sĩ, công an)…có tính cách nội gián Trung Quốc như vậy cho nên nghĩ là không có. Tuy nhiên, tất cả mọi người hợp tác với chính quyền, trong bạn, học trò của tôi thì nghĩ rằng ở trên bảo sao làm vậy, ra ngoài chửi thì cứ chửi nhưng làm việc vẫn cứ làm, họ không phải nội gián”

Dù vậy, việc một đài truyền mang tầm cỡ quốc gia như Đài truyền Việt Nam lại có chương trình có những sai sót nghiêm trọng, đúng vào thời điểm giữa Việt Nam và Trung Quốc đang có những bất đồng rất căng thẳng, theo dò xét tâm lý người dân Việt Nam thì đang có xu thế không thích chính quyền bành trướng Trung Quốc rõ là “nhạy cảm” vô cùng.

“Tất cả bạn mình trên mạng đều phản đối. Thì dĩ nhiên nó là nhạy cảm rồi. Nhưng đối với ở trên, cương quyết với chủ trương phải bênh vực Trung Quốc thì nó là chuyện thường. Cho nên mình cũng thế. Không có lệnh, nhưng chuyện dùng lẫn thì không lạ, không cần để ý.”. Lời của ông Chính.

“Người tổ chức chắc tìm kiếm các hình ảnh liên quan đến việc thi đua yêu nước. Trong sự kiện này, có thể nói là lỗi vô ý của người làm sự kiện này. Không biết bên báo QĐND thuê đơn vị nào làm. Nói chung trình độ của VTV giờ kém, không xứng là đài của quốc gia”. Anh Thịnh kết lời./.

THIÊN HÀ

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT

spot_img