Monday, March 18, 2024

 LÊ THÁI TỔ: LÊ LỢI (1385 – 1433)

Cali Today News – Theo Lam Sơn Thực Lục, Lê Lợi sinh quán ở Lam Sơn, thuộc tỉnh Thanh Hóa, thân phụ của ông húy là Lê Khoáng có tôi tớ đông đảo, người hào hiệp, thường nuôi dưỡng tân khách, yêu thương đồng bào, gia ông đình ghét ác tế bần. 
 
Lê Lợi sinh ngày 6 tháng 8 Ất Sửu (10-9-1385) là người con trai thứ ba cũng là con út trong gia đình. Theo Nam Sơn Thực Lục của Nguyễn Trãi đã ghi rằng: Người nhà của Lê Lợi làm ruộng ở xứ Phật Hoàng, thuộc huyện Cổ Lôi (huyện Lôi Dương ngày nay). Tương truyền khi ấy có một nhà sư áo trắng cho Lê Lợi một cái thẻ tre, có chữ trên thẻ: 
 
    Chữ ghi rằng:                     Nghĩa là:
   Thiên đức thụ mệnh.          Đức trời chịu mệnh.
   Tuế trung tứ thập.              Tuổi giữa bốn mươi! 
   Số chi dĩ định.                    Số kia đã định.
   Tích tai vị cập.                   Chưa tới… tiếc thay!
 
Một tương truyền khác, Lê Thận đi lưới nhặt được lưỡi gươm cũ đem tặng Lê Lợi, hiền thê của Lê Lợi lượm được chuôi kiếm có khắc hình long hổ đem lắp vào vừa vặn, gọi là gươm “Thuận Thiên” (sau này Lê Lợi làm vua bơi thuyền ngắm cảnh trên hồ, bị một con rùa lớn đớp lấy thanh gươm lặn mất, nên hồ ấy đặt tên là “Hồ Hòan Kiếm”). Từ đấy, Lê Lợi nghĩ có lẽ trời đã trao cho ông quang phục quê hương. 
Quân Minh mời ông ra làm quan cho chúng, ông không nhận. Ông lại nói: “Làm trai sinh ở trên đời, nên giúp nạn lớn lập công to để tiếng thơm muôn đời, sao lại chịu bo bo làm đày tớ cho người ta”.
 
    Ngày mùng hai, tháng Giêng Mậu Tuất (7-2-1418), Lê Lợi cùng 17 hào kiệt: Lê Liễu, Đinh Lễ, Nguyễn Xí, Lê Lai, Trịnh Khả, Lê Linh… cùng tuyên thệ “Hội Thề Lũng Nhai”, giương cờ khởi nghĩa ở Lam Sơn. Lê Lợi xưng là Bình Định Vương, truyền hịch khắp nơi tuyên bố mục đích đánh quân Minh phục quốc. Lúc ấy, tướng sĩ chỉ có hai ngàn người, tiền của đem hết nuôi quân, cơm mỗi ngày một bữa, nương náu núi rừng. Thế nên, giáo thương, cung tên tự làm, có lúc bị bao vây, đói khát phải giết ngựa voi để nuôi quân, Lê Lai liều mình cứu chúa, nhờ ý chí sắt son phục quốc, mười năm bền bỉ nằm gai nếm mật mới đuổi được giặc ra khỏi đất nước. 
 
Năm 1424, thế giặc mạnh, Vương bảo các tướng: “Đốt hết dinh trại của ta, giả vờ trốn lên miệt trên, rồi dẫn quân đi ngầm đường tắt đợi giặc”. Giặc lâm kế, tưởng ta bỏ chạy, đem quân lên đóng vào dinh trại cũ của ta. Hôm sau, đích thân Vương cùng Lê Sát, Lê Vấn, Lê Bí, Lê Lễ, Lê Nhân Chú, Lê Ngân, Lê Chiến, Lê Khôi, Lê Bôi… đem Nghĩa quân hãm trận. Giặc thua to, ta bắt tướng giặc là Chu Kiệt, chém Tiên phong giặc là Hoàng Thành. Bắt sống hơn nghìn người và quân giặc bị ta giết không sao kể xiết. Thừa thắng đuổi thẳng tới thành Nghệ An. Giặc vào trong thành cố thủ.
       Năm Ất Tỵ (1425), Vương ra lệnh các tướng sĩ: “Dân ta khổ với quân nghịch tặc đã lâu, chúng ta không được đụng tơ hào nhân dân”. Từ đấy, nhân dân thi nhau đem rượu thịt đón khao, Vương bảo đem chia cho các tướng, lính tráng. 
 
Tháng 10 năm 1426, Lý Triện, Đinh Lễ, Nguyễn Xí phục binh ở Tuỵ Động, đánh tan 10 vạn quân của Vương Thông, ta bắt sống trên 1 vạn người, giết chết 5 vạn người, Thượng thư Trần Hiệp, Lý Lượng của Tàu đền tội. An liễu hầu Liễu Thăng, đô đốc Thôi Tụ đem 10 vạn quân tiếp viện, từ ngày 10 đến 20 tháng 9 năm 1427, quân ta phục kích ở Chi Lăng, đánh tan viện binh, giết chết Liễu Thăng tại gò Đảo Mã, bắt sống Thôi Tụ và Hoàng Phúc. Vương Thông là chủ soái quân Minh viết thư xin hàng. Nguyễn Trãi đề nghị với Bình Định Vương: “Để chứng tỏ uy dũng của nước ta, xoa dịu sự thất bại nhục nhã của Tàu là một nước lớn, ta khoan hồng cho quân Minh về nước”. Bình Định Vương nói: “Đúng theo ý của ta”.
 
Tháng chạp năm 1427, Vương Thông tuyên thệ rút quân, Lê Lợi cấp 500 chiếc thuyền cho bọn Phương Chính, Mã Kỳ, 2 vạn con ngựa, lương thực cho bọn Hồng Phúc, Sơn Thọ về Tàu. Vua nhà Minh nghe báo quân Minh đại bại và chính sách khoan hồng của Lê Lợi, đã giúp lương thực, ngựa thuyền cho 100 ngàn quân Minh về nước. Vua Minh thức tỉnh, nói: “Những kẻ bàn tán, không hiểu ý trẫm là muốn chấm dứt việc can qua, tất cho rằng nghe theo đề nghị Đại Việt là không oai hùng, nhưng nếu được nhân dân yên lành, trẫm không e ngại những lời đó”. 
 
 
     Ngày 15-3-1428, Lê Lợi lên ngôi, đế hiệu Lê Thái Tổ, khôi phục quốc hiệu Đại Việt, vào năm Thuận Thiên thứ hai (1430) đổi tên Thăng Long thành Đông Kinh. Định công ban thưởng: Nguyễn Trãi chức Phục hầu. Trần Nguyên Hãn chức Tả tướng quốc. Các người khác theo công lao, cao thấp mà định thứ bậc. Lê Thái Tổ là vị vua sáng nghiệp, việc nước phải ban hành pháp chế:
 – Ngoại giao: Sai sứ sang Tàu xin cầu phong, nhà Minh không chịu, nói phải tìm con cháu nhà Trần; nên Lê Thái Tổ phải nhờ các quan viên và phụ lão trong nước làm tờ khai rằng con cháu nhà Trần không còn ai nữa, nhà Minh mới chấp thuận. Từ đấy, cứ ba năm phải triều cống một lần, mỗi lần cống phải có hai người bằng vàng, gọi là “Đại thân kim nhân” thay thế Liễu Thăng và Lương Minh bị quân Lam Sơn giết chết, đây là cách mà Tàu thu vàng Đại Việt. Dù sao lúc ấy nước ta còn yếu, phải chịu thiệt thòi ấy để tránh binh đao.
 – Việc học hành: Vua cho lập trường Quốc tử giám, để dạy con của vua quan, con dân chúng nếu có cơ hội cũng được vào học. Nhà vua ra lệnh các quan văn từ tứ phẩm trở xuống phải đậu “Minh kinh khoa” tức là thi về kinh sử. Quan võ phải đậu Võ kinh. Những người tu đạo Phật, đạo Lão phải thi về kinh điển các đạo giáo ấy, ai rớt thì cho hoàn tục.
 – Phép quân điền: Lúc kháng chiến chống giặc Minh xong, nhiều người quan lại triều đình và quân nhân nhiều năm lo việc chiến chinh, đến lúc thanh bình không có một mảnh ruộng vườn. Lê Thái Tổ cho lấy công điền và công thổ chia cho họ, từ quan đại thần đến người già yếu, cô quả, vì vậy sự giàu nghèo trong nước không bị chênh lệch nhiều.
 – Về quân ngũ: Khi còn giao tranh với quân Minh, Đại Việt có khoảng 25 vạn quân. Nay thanh bình thì cho 15 vạn người giải ngũ về làm ăn. Còn lại 10 vạn thì 5 vạn người về nhà làm ruộng, chỉ giữ 5 vạn tại ngũ rồi cứ luân phiên nhau.
 – Luật lệ: Lê Thái Tổ ban hành luật lệ nghiêm ngặt, người đánh cờ bị phạt chặt ngón tay một phân, cờ bạc chặt ngón tay ba phân. Nước nhà mới bình định còn thiếu thốn, vua ban lệnh: “Không được bày các nghi lễ khánh hạ tưng bừng tại cung đình, cấm quan lại không được tham lam”. Vua và các quan phải hạn chế việc xa xỉ để làm gương cho dân.
 – Việc giết hại công thần: Lê Thái Tổ về công cuộc giải phóng đất nước, việc sang sửa quốc gia, nhân dân biết ơn. Nhưng vua nghe lời dèm pha của bọn hoạn quan đã giết oan: Trần Nguyên Hãn và Phạm Văn Xảo, đấy là điều rất đáng trách?!.
 
Năm 1429, vua lập con thứ Lê Nguyên Long làm Thái tử. 
Khi Lê Thái Tổ lâm bệnh, căn dặn Thái tử: “Trẫm gặp thời loạn lạc, mười năm dựng nghiệp gian nan, những điều cơ cực của nhân dân, những hoạn nạn trong thế sự đều đã trải qua. Thế mà, sau khi lên ngôi, lòng người thật giả không dễ dàng biết hết. Những việc nghi ngờ thật khó khăn phán đoán. Vậy làm vua không khó ư?! Thái tử tuổi còn trẻ, hiểu biết chưa sâu, nghĩ chưa thấu. Chớ đổi phép cũ của Tiên vương, chớ bỏ lời dạy của hiền triết; chớ gần nữ sắc, phải lo chọn hiền tài, thân thương anh em, tông tộc, nghe lời can gián trung thần, lo nước thương dân”. Sau đấy, vua băng hà ngày 22-8 năm Quý Sửu (1433), lúc 48 tuổi, làm vua 5 năm.
 
                Cảm phục:  Lê Thái Tổ
 
Lê Thái Tổ, quang phục núi sông!
Núi rừng nương náu, nấu nung lòng
Công thành dồn dập, Tàu nao núng 
Đả viện liên miên, giặc phập phồng
Tụy Động, quân Minh tan tác chạy(a)
Chi Lăng, phương Bắc rã rời vong(b)
Hàng binh tha thứ, lưu nhân nghĩa
Sang sửa quốc gia, rạng rỡ trông!
           ____________________
  (a)- Tuỵ Động: Thuộc huyện  Mỹ Lương, phía đông sông Đáy, phía tây có sông Bùi chảy qua sông Đáy. (theo ghi chú VN Sử Lược).
  (b)-  Ải Chi Lăng: Có vị trí hiểm yếu, từ huyện Hữu Lũng đến TP. Lạng Sơn, dài 4 km, rộng 1 km, là thung lũng có 5 ngọn núi nhỏ: Hàm Quỷ, Nà Nông, Nà Sảng, Kỳ Lân và Mã Yên, bên sông Thương, là nơi diệt quân  Nguyên và Minh.  
 
Nguyễn Lộc Yên  
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT

spot_img