Monday, March 18, 2024

Người homeless bên góc đường

Cali Today News – “Bây giờ họ đã chính thức liệt vào trong danh sách của 48 người vô gia cư đã chết trên đường phố, được tưởng niệm, được cầu nguyện cho những người giã từ cõi thế từ một cái quận mà lợi tức bình quân lên đến 91,000 đô la một năm (David E. Early Dec 18, 2013 Mercurynews)

“Cho tiền họ làm gì, chỉ biết đi mua thuốc hút thôi!”

“Có khu ở cho người homeless chứ, nhưng họ “ưa đi lang thang thôi”
-“Hiện có nhiều ngàn cư dân vô gia cư ở Los Angeles sống tá túc ngay trong xe cộ của họ, với khoảng 4,600 xe được xem là mái nhà riêng của họ và họ đã vi phạm luật” (Calitoday)…V V

Dù miệng đời có phán xét thế nào chăng nữa, những người homeless đã ra đi, “vẫy tay” vĩnh biệt cuộc đời tục lụy. Họ sẽ đến một thế giới khác, một nơi không còn sự chết do đói, lạnh, hay chết vì quá thừa mứa. Và cuối cùng họ “được giã từ” để khỏi bị gán cho cùng không còn những phán xét khắc nghiệt, lạnh lùng.

Gần Giáng Sinh thiên hạ tất bật lo làm cho xong công việc tại hãng xưởng, công ty trong mấy ngày cuối năm để sửa soạn nghỉ dài hạn. Từ freeway 680, dòng xe dài lê thê phía góc đường quẹo trái. Ai cũng nôn nóng chờ dấu hiệu mũi tên xanh lóe lên rồi nhanh chóng nhập vào con đường King đông đúc xe cộ.

Kinh tế nước Mỹ thời gian này đang suy trầm. Rất dể nhận ra bao nét lo âu trên những khuôn mặt đăm chiêu trước tay lái xe, những người tài xế đang đợi đèn xanh cho phép xe quẹo. Hai tay họ đang giữ chắc vào tay lái như muốn vơi đi những cảm xúc, lo lắng, dồn dập trong lòng. Chủ hảng vừa cắt bớt số lượng nhân viên, các công ty thi nhau đóng bớt hãng, thị trường chứng khoán xuống dốc vân vân …

Silicon Valley từng là vùng ‘đất hứa’ cho các hãng điện tử lớn nhất thế giới. Một vùng kỹ nghệ từng vang danh một thời vào thập niên cuối cùng của thế kỷ 20; hay đúng hơn vào giữa thập niện 1990s. Rồi thuở ‘vàng son’ của Silicon Valley coi bộ khó lại khi những “tay tổ “về ngành điện tử bỏ đi tiểu bang khác. Họ còn thi nhau đầu tư nước ngoài nhất là Châu Á – những vùng hứa hẹn cho công ăn việc làm từ nguồn nhân công quá rẻ; từ đó họ tiếp tục làm giàu thêm hay mới “sống còn” trong thị trường kinh tế tự do nhưng lại cạnh tranh khốc liệt.

Tiếp đến, hình ảnh rõ nét nhất cho đà suy trầm kinh tế khó phục hồi là hình bóng những người homeless xuất hiện càng lúc càng nhiều trong thành phố và nhất là tại các ngã rẽ hay giao lộ lớn.

Hôm nay, phía ngoài xe người tài xế có thể thấy rõ ràng một người Mỹ homeless râu tóc bờm xờm, áo quần dơ dá. Tay ông đang ôm tấm bảng ghi vội:

“HOMELESS PLEASE HELP-GOD LOVE YOU, JESUS LOVES YOU ALL

Cặp mắt ông ta trông vô hồn- sự vô hồn của một người quá lâu ngày ngập chìm trong hoàn cảnh không nơi ăn chốn ở, sự vô hồn của những giờ van xin năn nỉ trong im lìm câm nín ngoài sự ‘nói giúp’ từ tấm bảng vô tri kia.

VÔ GIA CƯ XIN GIÚP ĐỠ, CHUÁ SẼ PHÙ HỘ CHO LÒNG TỐT QUÝ NGÀI

Hình ảnh ông, tượng trưng cho bao người homeless khác. Những người khốn khổ này, từng lang thang qua bao góc phố San Jose. “Gia tài” của họ, ai cũng giống y nhau, đều nằm gọn trong những chiếc xe đẩy, mua hàng tại các siêu thị mà họ tự tiện lấy theo.

Đôi mắt ông chẳng dám nhìn thẳng vào ai, có thể ông muốn tránh cho những người tài xế phải lâm vào một “tâm lý khó xử” về những quyết định hay ray rứt trong lòng “cho hay không cho”chăng? Xưa nay, người ăn xin xứ Mỹ họ “lịch sự” không nài nỉ, không kêu réo, van xin, gõ cửa kiếng xe làm cho người ta phải khó chịu hay bực mình!

Người homeless kia vẫn im lặng, mắt ông nhìn thẳng như đang điều tiết đến vô cực. Tấm bảng vẵn giữ nguyên trước ngực không chao. Thỉnh thoảng ông nhìn thoáng qua cửa xe, như một phản xạ “xẹt qua” thật nhanh, hi vọng có ai đó thò tay ra ngoài cửa kính kia vẫy tay kêu ông lại chăng?

Thời buổi kinh tế xuống, lòng từ tâm hình như cũng “xuống theo “. Một dòng xe hơn mười mấy chiếc vẫn đứng yên chờ đèn, vẫn không mảy may ngó đến người ăn xin đang tiếp tục đi xuống, xong đi lên, khuôn mặt ông ta cố gắng ‘bình thản’ trong đợi chờ và hồi hộp, không nhăn nhó kêu xin. Trước tay lái, nét mặt những người lái xe vẫn bất động, thản nhiên, hay cố ‘làm vẻ thản nhiên’ không ai hiểu? Hay chỉ có những gì sâu lắng trong lòng họ tự hiểu lấy, mới đoan chắc được lòng trắc ẩn, thuơng hại, hay tình thương đầy vơi trong họ?

Trời cuối năm, lại sắp đến Lễ Chúa Giáng Sinh để tiễn đưa một năm vào quá khứ. Từng đợt gió lạnh đang thổi phăng mấy đống lá vàng, khô khan, bên góc đường bay tứ tung. Người homeless bận cái quần trận bạc màu, cái áo gió dày cộm dơ bẩn chưa bao giờ giặt, những cọng râu mọc dài tua tủa hai bên má đang phất phơ theo cơn gió mạnh. Người homeless chẳng nhìn dám nhìn thẳng vào ai thế mà hình như có một luồng nhìn vô hình từ lòng thương hại hay một chút chạnh lòng nào đó đang ‘soi mói’ vào trong những góc sâu tâm hồn của những người lái xe.

Những chiếc xe quẹo rồi. Đèn chợt đỏ; một dòng xe khác tiếp tục đợi chờ. Con người khốn khổ kia lại tiếp tục đi lên và xuống; tấm bảng carton đã sờn góc, trước ngực gã. Mắt người homeless tuy gắng nhìn thẳng nhưng có phần mệt mõi hơn.

Một ngày cuối năm sắp sửa qua. Bóng tối buông mau trong tháng chạp, ngày ngắn đêm dài. Mặt trời sẽ lặn mau, người homeless phải từ biệt góc quẹo trái này để tìm chổ ẩn qua đêm.

Đèn bật xanh, những chiếc xe vội vã rồ ga quẹo nhan. Có thể có người vừa lái xe chạy kia đang thở phào, nhẹ nhõm khi qua khỏi cảnh “bất nhẫn” hay “ khó chịu” trong những phút xe ngừng chờ đèn. Bên trong xe có máy sưỡi ấm nhưng bên ngoài lại có một ngừơi ăn xin mãi ‘tới và lui’? như “thách thức” lương tâm họ?

Có một điều, số phận của những người chủ xe vừa chạy đi kia cũng mong manh! sau ngày nghỉ lễ, công việc cho năm mới có thể còn nhiều bấp bênh theo nền kinh tế đang đà xuống dốc và theo “công nợ ngập đầu” của một quốc gia!

Ai biết được tương lai trong nền kinh tế biến động này? Có điều chắc chắn số Một Phần Trăm người giàu Mỹ sẽ giàu thêm và số người nghèo lại nghèo thêm. Những người homeless, họ là một loại người không nằm trong bảng bậc thang kinh tế- xã hội. Có thể nay mai trong những chiếc xe kia, sẽ có chiếc không còn đi lại trên đường này vì mất việc họ sẽ “ngụp lặn” trong cơn thất nghiệp lâu dài. Có người nhà cửa cũng chẳng còn. Biết đâu có người cũng rớt vào hoàn cảnh bất hạnh kia?

Vài giây nữa xe họ rồ máy chạy đi, sẽ có kẻ tự nhủ trong lòng “thôi ! cứ vui hết hôm nay, chuyện ngày mai thì ngày mai hẳn tính “. Nhưng, có một sự thật khá rõ, dù sự thật không lấy gì vui, đó là lòng từ tâm trong họ đã cạn không biết khi nào trong nền kinh tế tệ hại hôm nay.

Đinh Hoa Lư

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT

spot_img