Monday, March 18, 2024

Tại sao Việt Nam không làm tương tự như Philippines?

Theo tin của CNN, Tòa án Trọng tài Thường trực (Permanent Court of Arbitration) viết tắt là PCA đặt tại The Hague cho rằng Philippines đúng khi chống lại các đòi hỏi của Trung Cộng trong tranh chấp chủ quyền Biển Đông. Đừng lầm lẫn giữa PCA và Tòa án Công lý Quốc tế (International Court of Justice) gọi tắt là ICJ, cũng đặt tại The Hague, có quyền thụ lý và giải quyết các tranh chấp giữa các hội viên LHQ.

Tòa Trọng tài Thường trực nhận xét rằng Trung Cộng không có một cơ sở pháp lý nào để đòi quyền lịch sử đối với tài nguyên trong “đường chín gạch” mở rộng nhiều trăm hải lý từ phía nam và đông của đảo Hải Nam. Tòa cũng nhận xét không có một vùng nổi bật trên biển (sea features) nào mà Trung Cộng cho là của họ có khả năng tạo ra một EEZ (Exclusive Economic Zone) để qua đó giúp cho Trung Cộng quyền sở hữu các tài nguyên như cá, dầu, khí trong vòng 200 hải lý tính từ đất liền.

Cũng theo CNN, tòa khẳng định “Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền của Philippines” vì đã xâm phạm, quấy phá, khai thác dầu khí, xây dựng các đảo nhân tạo và thất bại trong việc ngăn chận tàu Trung Cộng đánh cá trong vùng biển thuộc chủ quyền Philippines.

Tòa cũng tìm thấy Trung Cộng đã “tạo sự hư hại trầm trọng” đến vùng san hô chung quanh các đảo nhân tạo do Trung Cộng xây dựng và “vi phạm trách nhiệm duy trì và bảo vệ hệ thống sinh thái rất mong manh” trong biển. Các tàu đánh cá Trung Cộng cũng diệt chủng loại rùa biển hiếm với một quy mô lớn.

Trong một thông cáo báo chí công bố tức khắc sau phán quyết, chính phủ Philippines “khẳng định một cách mạnh mẽ sự tôn trọng đối với phán quyết lịch sử của tòa như là một đóng góp quan trọng vào xung đột đang diễn ra” tại Biển Đông.

Ngược lại, theo Tân Hoa Xã, Trung Cộng cho rằng phán quyết của PCA không hợp luật và PCA không có quyền tài phán về chủ quyền. Trung Cộng “không chấp nhận và cũng không thừa nhận phán quyết”.

Không cần đọc bản tin Tân Hoa Xã, các nhà phân tích quốc tế cũng biết Trung Cộng sẽ bỏ qua mọi phán xét và dư luận thế giới. Tập Cận Bình cũng đã biết trước Tòa án Trọng tài Thường trực sẽ nhận xét như thế nào nhưng y có sách lược riêng và sẽ không từ bỏ hay dừng lại.

Mặc dù bộ máy tuyên truyền Trung Cộng luôn rêu rao chủ quyền Biển Đông “không thể tranh cãi của Trung Quốc và đã chứng minh qua hai ngàn năm lịch sử”, giới lãnh đạo Trung Cộng cũng biết những lý luận đó chỉ là củi để đun nồi nước sôi dân tộc cực đoan Đại Hán chứ không thể dùng để thuyết phục các quan tòa một khi cuộc tranh chấp được đưa ra trước một tòa án quốc tế.

Bằng chứng, tháng 1 năm 2013, khi chính phủ Philippines chính thức đệ trình hồ sơ kiện Trung Cộng trước Tòa án Trọng tài Thường trực. Hồ sơ của Philippines nộp lên gồm mười bộ với gần bốn ngàn trang tài liệu chứng minh chủ quyền của Philippines và phản bác các luận cứ cũng như quan điểm đường lưỡi bò chín đoạn của Trung Cộng.

Trung Cộng không dám ra tranh tụng trước tòa.

Chủ trương của Trung Cộng là gặm nhấm từng phần của Biển Đông. Sau Hoàng Sa, tháng 8 năm 1988 lần đầu tiên Trung Cộng đặt chân lên quần đảo Trường Sa sau trận Gạc Ma. Từ năm 1989 đến năm 1992 Trung Cộng chiếm một số đảo nhỏ khác của Trường Sa. Tháng 2 năm 1995 Trung Cộng chiếm đảo Vành Khăn (Mischief Reef) và một đảo khác do quân đội Philippines đóng.

Mặc dù Tòa án Trọng tài Thường trực không có quyền buộc Trung Cộng phải rút ra khỏi “đường chín gạch”, chủ trương của chính phủ Phi đang gây tiếng vang rộng lớn, đáng được ca ngợi và cổ võ.

Chính phủ Philippines không ngồi đó chờ Đệ thất Hạm đội Mỹ trực tiếp đương đầu với Trung Cộng để bảo vệ vùng biển của Philippines vì họ biết điều đó không xảy ra.

Chính phủ Philippines cũng không sa vào cái bẫy “đàm phán song phương” do Trung Cộng bày ra để kéo dài từ năm này qua tháng nọ như Trung Cộng đã từng làm với Liên Xô từ thập niên 1960 cho đến khi Liên Xô tan rã 1991.

Trong vị thế một nước nhỏ, yếu về quân sự, tài nguyên và dân số như Philippines so đối với Trung Cộng, các chính sách có thể làm được là tận dụng mọi luật pháp quốc tế, gây cảm tình trong dư luận thế giới, gây căng thẳng, gây chú ý và nếu cần chủ động gây bất ổn giữa các cường quốc có quyền lợi trong khu vực tranh chấp ở Biển Đông.

Đừng quên, Trung Cộng chuyên gây bất ổn nhưng là một quốc gia sợ bất ổn nhất.

Tại sao Việt Nam không làm tương tự như Philippines?
Đơn giản, dù nhỏ, Philippines vẫn là một quốc gia tự do, độc lập, dân chủ, có chủ quyền. Việt Nam hoàn toàn khác. Việt Nam không có một chính phủ có đủ tính chính danh tức một chính phủ hợp hiến và hợp pháp. Không một chức vụ nào từ thấp đến cao tại Việt Nam do chính lá phiếu của người dân quyết định.

Quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc, trong thực chất là quan hệ giữa đảng CSVN và đảng CSTQ. Do đó, nếu có kiện tụng, chẳng lẽ đảng CSVN lại đi kiện đảng CSTQ ? Điều đó chẳng khác gì con kiện cha, trò kiện thầy.

Lãnh đạo Trung Cộng đi trong gan ruột của lãnh đạo CSVN. Nếu tách ra khỏi quỹ đạo Trung Cộng và mở rộng quan hệ mật thiết về kinh tế chính trị với các nước dân chủ phương Tây, không sớm thì muộn đảng CS sẽ mất đi vai trò cai trị.

Dù đã nhiều lần bị “cho roi cho vọt”, hai đảng CS cũng cùng một cơ chế độc tài. Trong thế giới chỉ còn hai anh em “sớm sớm chung nghe tiếng gà gáy cùng” phải biết nương tựa lẫn nhau để tồn tại. Môi hở răng sẽ lạnh.

Quyền lợi của đảng CSVN luôn được giới lãnh đạo đảng đặt trên sự sống còn của dân tộc. Đất nước, biển trời, quê hương, tổ quốc chỉ là những khẩu hiệu tuyên truyền treo trước cổng ngân hàng của giới lãnh đạo CSVN.

Trần Trung Đạo
(Ảnh: Đại diện phái đoàn Philippines đang biện luận trước tòa Tòa án Trọng tài Thường trực)

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT

spot_img