Monday, March 18, 2024

Tổ chức Quốc tang cho người dân chết và mất tích vì lũ lụt là cần thiết

Cali Today News – “Hôm 20/12/2016, đại diện một số tổ chức xã hội dân sự đồng loạt phát đi lời kêu gọi tưởng niệm và đề xuất tổ chức Quốc tang cho những người thiệt mạng do lũ lụt tại miền Trung vào các ngày 26 – 28/12 là để chia sẻ nỗi đau mất mát về người và tài sản với đồng bào. Sự kiện để quốc tang sẽ là động lực để người dân chung tay, góp sức giúp đỡ bà con vượt qua khó khăn nhiều hơn. Quốc tang cũng giúp nhiều người quan tâm, tìm hiểu hơn về nguyên nhân gây ra nạn lũ lụt.”- Lời của anh Chí Trung…

Quốc tang tưởng niệm Đồng bào miền trung chết và mất tích vì lũ lụt (ảnh; BBC- Anhcalu)
Quốc tang tưởng niệm Đồng bào miền trung chết và mất tích vì lũ lụt (ảnh; BBC- Anhcalu)

Một miền Trung oằn mình trong mưa lũ, một miền Trung tang tóc nói riêng và một Việt Nam đầy chết chóc, đau thương nói chung. Đó là những nhận xét không hề quá lời mà bất cứ ai là người Việt Nam cũng có thể nói được khi nhìn lại những đợt lũ xảy ra ở mấy tháng qua, đã để lại cho miền Trung những hậu quả hết sức nặng nề và nghiêm trọng cả về tài sản lẫn tính mạng con người. Quốc tang! Hiện cộng đồng sinh hoạt mạng Internet Việt Nam đang dấy lên lời kêu gọi để Quốc tang dành cho những nạn nhân xấu số trong những đợt bão lũ năm 2016…

Nỗi đau miền bão lũ…

“…Nước lên, niềm đau thương cuốn dâng trào, nhấn chìm làng quê xiết bao
Miền Trung Miền Trung! lẫn trong mưa chiều mịt mờ
Nấp co ro đàn trẻ thơ, chợt nhìn bơ vơ
Tiếng ai u buồn thở dài, biết ra răng chừ ngày mai, còn chi hỡi ai!…”

Một phần điệp khúc của bài hát Miền Trung Mùa Bão Lũ với lời nhạc của tác giả Cáp Anh Tài nghe tha thiết mô tả bao nỗi khốn khổ của người dân miền Trung Việt Nam trong mùa bão lũ. Lời nhạc theo vần chữ và cảm xúc nghệ thuật tuy là vậy nhưng còn thực tế có như thơ, như nhạc hay không?

Hai tháng sau những đợt lũ đi qua, nước đã rút và người dân miền Trung trở về lại nơi ở để dọn dẹp nhà cửa, ổn định lại cuộc sống, đau buồn dần vơi trên nét mặt bởi lẽ miền Trung năm nào mà không có bão lũ, sống trong cái buồn, cái khổ nhiều lắm nên dần lâu cũng trở thành bình thường như câu nói ở cửa miệng là sống quen rồi.

Chị Hương, một người tích cực làm công tác thiện nguyện. Trong đợt bão lũ vừa qua tại miền Trung, chị Hương cùng những người bạn đã có mặt ngay những ngày đầu tại vùng rốn lũ tỉnh Quảng Bình để quay những video toàn cảnh bão lũ nơi đây để dư luận khắp nơi biết được phần nào tình hình. Chia sẻ với Cali Today, chị Hương nói bản thân chị và những người bạn đi vào vùng lũ là 2 đợt, tổng cộng là 35 ngày. Một biển nước mênh mông không thấy đâu là đường đi, xóm làng bị cô lập, điện nước bị cắt và mọi thông tin liên lạc rất khó khăn, người dân nhịn đói, nhịn khát đâu đâu cũng có với bao cảm xúc nghẹn ngào mà không thể nào diễn tả thành lời. Chị Hương chia sẻ:

“Một sự xúc động dâng trào, cảm xúc của con người lúc này duy nhất chính là tình yêu thương đồng loại. Xuất phát từ tình yêu thương này mà tôi đến với bà con vùng lũ, sống cùng bà con vùng lũ”

Tại vùng rốn lũ, chị Hương mới thấy rõ một thực tế đáng ghi nhận là lũ do thiên tai chỉ một phần nhưng nghiêm trọng hơn là việc xả lũ ở những hồ chứa, đập thủy điện không đúng quy trình, khi thấy nước tràn đê, nguy cơ vỡ đập thì đồng loạt xả, hàng triệu m3 khối nước đua nhau chảy về, miền đồng bằng kết hợp với dòng nước tại chổ khiến nước dâng cao rất nhanh, người dân lúc này buộc phải ưu tiên giữ mạng của mình trước rồi sau đó mới tính cách di chuyển tài sản được phần nào hay phần ấy. Chưa dừng, theo chị Hương thì việc chạy thoát vùng nước dâng cao nhưng còn sống sót hay không là chuyện khác.

“Gia đình mà tôi ở đấy họ đã chạy được cả gà cả vịt, cả heo nhưng sau lũ thì gà, vịt, heo lăn ra chết hết, cho nên cái việc chạy được hay không là một chuyện và giữ được sự sống hay không là chuyện khác. Chạy được rồi nhưng sau khi lũ rút, môi trường sống cực kỳ ô nhiễm, chỉ những người khỏe mạnh mới chịu được sự ô nhiễm đó, trẻ em mắc rất nhiều bệnh về đường truyền nhiễm liên quan đường hô hấp…”

Một gói mì ăn liền, một chai nước lọc hay những nhu yếu phẩm tiện dụng khác mà chị Hương và những người bạn đem đến người dân vùng lũ lúc này trở nên quý giá hơn bao giờ hết. Tuy vậy, những người làm thiện nguyện như chị Hương và những người bạn không phải lúc nào cũng được thuận lợi suôn sẻ. Đợt bão lũ vừa qua tại miền Trung cũng đã dấy lên những vụ việc mà báo đài phản ánh là lợi dụng tình hình khó khăn của người dân để trục lợi cá nhân. Chia sẻ với Cali Today, chị Hương nói mỗi một đồng chi tiêu, mỗi việc làm chị đều minh bạch, công khai rõ ràng nên chị Hương chẳng lo ngại gì điều tai tiếng nếu không may ai đó vu khống mình. Tốt xấu là chuyện bình thường trong xã hội, thời gian sẽ là câu trả lời chính xác nhất như lời chị Hương nói;

“Đương nhiên là sống trong xã hội này, thật ít mà giả nhiều và cũng không trách được những người đặt ra câu hỏi ấy hoặc nói như vậy thì hãy để thời gian trả lời, thời gian sẽ trả lời cho những câu hỏi này. Ai làm việc minh bạch, ai làm việc trong sáng vì dân thì thời gian sẽ trả lời, cây kim trong bọc có ngày cũng lòi ra. Không ai có khả năng một tay che cả bầu trời.”. Chị Hương kết lời. “Bản thân tôi đóng góp tiền cá nhân của tôi trong đợt từ thiện vừa qua là hơn 20 triệu đồng. Tôi ghi hết và công khai nên không có vấn đề gì cả. Xuất phát từ tâm nên tôi không lo ngại”.

Quốc tang…!

Cho đến giờ này, con số thống kê của Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng chống thiên tai cho biết từ đầu năm 2016 đến nay mưa lũ khiến 235 người chết và mất tích. Một con số nói lên sự đau thương phải gánh chịu của người dân miền Trung, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam (CSVN) đã làm gì? Đây câu hỏi mà nhiều cá nhân, tổ chức hoạt động dân sự cũng như người dân đã hỏi.

Trong khi đó vào ngày 4/12/2016 vừa qua, nhà cầm quyền CSVN đã tổ chức Quốc tang cho cựu lãnh tụ của nhà nước cộng sản Cu Ba là ông Fidel Castro. Một trong những nghi thức của Quốc tang là treo cờ rũ cho nên cộng đồng mạng Internet Việt Nam đã xuất hiện một câu nói “Một thằng Cu (Cuba) chết, treo cờ rũ. Dân chết mấy trăm, kệ chúng mày”.

Một số cá nhân, tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam đã đăng trên cộng đồng mạng Internet Việt Nam lời kêu gọi tổ chức Quốc tang cho những nạn nhân xấu số trong những đợt bão lũ 2016.

Anh Chí Trung, một người sinh sống ở Sài Gòn hưởng ứng lời kêu gọi đã chia sẻ với Cali Today rằng, việc tổ chức Quốc tang có nhiều ý nghĩa. Anh Trung nói:

“Hôm 20/12/2016, đại diện một số tổ chức xã hội dân sự đồng loạt phát đi lời kêu gọi tưởng niệm và đề xuất tổ chức Quốc tang cho những người thiệt mạng do lũ lụt tại miền Trung vào các ngày 26 – 28/12 là để chia sẻ nỗi đau mất mát về người và tài sản với đồng bào. Sự kiện để quốc tang sẽ là động lực để người dân chung tay, góp sức giúp đỡ bà con vượt qua khó khăn nhiều hơn. Quốc tang cũng giúp nhiều người quan tâm, tìm hiểu hơn về nguyên nhân gây ra nạn lũ lụt.”

Một người khác cũng ủng hộ lời kêu gọi tổ chức Quốc tang cho những nạn nhân bão lũ 2016 là chị Bảo Nhi. Hiện chị Bảo Nhi cũng đang sinh sống tại Sài Gòn, theo chị Bảo Nhi việc tổ chức Quốc tang là rất cần thiết.

“Rất cần thiết, chết nhiều thế thì phải quốc tang chứ. Còn ông Fidel Castro liên quan gì tới dân Việt đâu mà thương với khóc. Nhà nước dĩ nhiên đâu dám làm quốc tang, muốn báo chí không lên tiếng, sang năm đập thủy điện giết dân tiếp. Mọi sự cứ thế diễn ra như một qui trình”

Anh Chí Trung, người hưởng ứng lời kêu gọi tổ chức Quốc tang cho người dân chết và mất tích vì lũ lụt (ảnh; Facebook Huỳnh Chí Trung)
Anh Chí Trung, người hưởng ứng lời kêu gọi tổ chức Quốc tang cho người dân chết và mất tích vì lũ lụt (ảnh; Facebook Huỳnh Chí Trung)

Và thông điệp chị Bảo Nhi muốn gửi gắm đến bạn bè không ngoài thông điệp phải lên án những đập thủy điện xả lũ không đúng quy trình, giết dân. Đập thủy điện tuy có mang lại lợi ích cho người dân nhưng cần phải lên án những cá nhân đã vô tâm, vì lợi ích cá nhân đã giết dân và phá trắng tài sản, hoa màu của người dân. Đồng hành cùng nỗi đau mất mác của người dân miền Trung trong lúc này là trách nhiệm chung của toàn dân chứ không của riêng một ai, vì vậy không cần thiết phải để cho Đảng và Nhà nước lo. Chị Bảo Nhi chia sẻ với Cali Today:

“Để cho Nhà nước lo là lập luận ngu xuẩn nhất. Vì Nhà nước cộng sản không lo cho dân, để cho một nhóm lợi ích giết chết dân, gây tai họa cho gia đình họ. Những kẻ gây hại cho tính mạng tài sản của dân không bị khởi tố và bồi thường gì cả. Chúng sống nhỡn nhơ trên tội ác của chúng, chúng chà đạp lên pháp luật. Chúng sống nhỡn nhơ và tiếp tục gây tội ác hết năm này sang năm khác.”

Anh Chí Trung nói việc để Đảng và Nhà nước lo theo một cách ví von không trông chờ gì vào Đảng và Nhà nước này cả, họ “lo” rất giỏi như mất biển đảo, biên giới lãnh thổ hoặc là: “…”lo” cho bọn Formosa tồn tại để giết dân, “lo” cho dự án Bauxite ô nhiễm, “lo” cho các dự án thủy điện xả lũ giết dân, “lo” vơ vét tiền thuế trên lưng người dân khốn khổ qua việc tăng giá xăng, “lo” cho công trình giao thông giá cả đắt nhất hành tinh mới sử dụng đã hư hỏng…đấy Đảng và Nhà nước “lo” giỏi chưa? “-Anh Chí Trung kết lời.

Làm công tác thiện nguyện như chị Hương, hưởng ứng lời kêu gọi tổ chức Quốc tang để ghi nhớ đạo lý máu chảy ruột mềm như anh Trung, chị Bảo Nhi hoặc lên tiếng đồng hành cùng nỗi đau mất mác của người dân vùng bão lũ miền Trung như Cali Today tất cả đều là những nghĩa cử tốt đẹp. Người dân đón nhận những nghĩa cử này trong sự cảm ơn và bản thân người dân cũng đã hiểu đây chỉ là những nghĩa cử mang tính nhất thời, mang tính cá nhân còn về lâu dài thì chính nhà cầm quyền phải biết chăm lo cuộc sống của người dân một cách tốt nhất. Bởi đây là trách nhiệm của nhà cầm quyền và chính người dân khi cần thiết phải biết đấu tranh đòi cái trách nhiệm./.

THIÊN HÀ

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT

spot_img