Monday, March 18, 2024

TRUNG THU NÓI CHUYỆN CUỘI

Nguyễn Châu

Cali Today News – Trong văn chương bình dân Việt Nam có một số câu ca dao liên quan đến một nhân vật gọi là “Thằng Cuội”, nhưng dân gian thường chỉ nhắc đến Cuội vào dịp gọi là Tết Trung Thu với thành ngữ “nói dối như cuội” và “Ánh trăng trăng ngà, có thằng Cuội già ôm một mối mơ”.

Các nhà nghiên cứu dường như ít quan tâm tìm hiểu nhân vật Cuội để xem sự xuất hiện của nhân vật huyền thoại này có ý nghĩa gì, gởi gắm thông điệp gì cho xã hội.

Do đó, nhân dịp Trung Thu, chương trình DI SẢN VIỆT xin kính mời quý vì cùng trở về với cổ tích, truyền thuyết và huyền thoại để tìm hiểu nhân vật “Thằng Cuội” và thông điệp từ chuyện Thằng Cuội là gì.

Qua nghiên cứu, chúng tôi thấy những truyện cổ tích, những câu ca dao liên quan đến thằng Cuội đã có từ lâu đời khác với Thằng Bờm, Thằng Mõ. Thằng Cuội là một nhân vật huyền thoại, còn Thằng Bờm thì có lẽ chỉ mới xuất hiện trong thời đại có phú ông và nông dân, trong một hoàn cảnh xã hội hiện thực và có thực.

Tục ngữ có câu “Thịt thơm vì hành

Trăng thanh vì Cuội.” (Từ điển Khai Trí Tiến Ðức)

Bài ca dao về Cuội không biết thực sự có bao nhiêu câu, nhưng chỉ có 6 câu thường được truyền tụng, như sau:

“Thằng Cuội ngồi gốc cây đa

Ðể trâu ăn lúa gọi cha ời ời

Cha còn cắt có trên trời

Mẹ còn cỡi ngựa đi mời quan viên

Ông thời cầm bút cầm nghiên

Ông thời cầm tiền đi chuộc lá đa.” (Vũ Ngọc Phan)

Có người cho rằng bài ca dao này có ngụ ý phê phán các viên chức chính quyền qua các hình tượng “ngược đời”: “Thế đấy, ngày xưa việc cắt cỏ ngoài đồng là việc của phụ nữ, còn cưỡi ngựa là của đàn ông nhưng đằng này thì cha đi cắt cỏ, mẹ lại cưỡi ngựa đi gặp quan viên! Nút thắt của vấn đề là ở chỗ các quan viên đang làm gì?

Cầm bút để viết, để phê vào công văn, giấy tờ là chuyện bình thường của quan, nhưng mà “cầm nghiên” thì hoặc là nghiên hết mực hoặc là quan chẳng biết làm gì, ngồi chán thì cầm nghiên ngắm nghía chơi? Có người lại bảo nghiên của quan không dùng để đựng mực mà là để chứa mấy “đồng xèng” những người có việc cần nhờ cậy quan tự ý bỏ vào, chứ quan rất thanh tịnh, không “ăn bửn” bao giờ (“bửn” là chữ cổ-NV=ăn bẩn).”

Còn đến câu “cầm tiền đi chuộc lá đa” thì rất khó mà giải thích chiều sâu ẩn chứa bên trong câu ca dao này.

“Cầm tiền đi chuộc lá đa” có ý nghĩa gì? “Lá đa” này có phải là “lá đa” trong bài ca dao sau đây không?

Sáng giăng em tưởng tối giời

Ngồi buồn em giở sự đời em ra

Sự đời như cái lá đa

Ðen như mõm chó, chém cha sự đời.

Có người cho rằng “Nếu đã hình dung ra được “cái lá đa” trong bài thơ “Sự đời” là cái gì, thì chắc hẳn sẽ hiểu việc quan viên đem tiền đi “chuộc lá đa” nghĩa là gì. Có điều phải hiểu thêm là giữa thanh thiên bạch nhật (mà người thời nay gọi là “giờ hành chính”) khi mà người dân có việc phải đến công đường, có quan ngồi ngáp dài ngắm cái nghiên rỗng lại có quan khác đang mang tiền đi “chuộc lá đa” thì mới thấy sao nó giông giống cái thời hiện đại đến thế?”

Một số nhà nghiên cứu văn học khác chỉ ghi lại 4 câu đầu nhưng câu 4 lại đổi khác đôi chút:

“Mẹ còn cỡi ngựa đi chơi cầu vồng” (Phạm Quỳnh).

Trong Ðào Ðăng Vỹ (bách Khoa Từ Ðiển) ghi rằng:

“Thằng Cuội ngồi gốc cây đa

Cầm rìu cầm rựa đốn cây kiền kiền

Ðem về làm nôốt làm thuyền.

Trong Khai Trí Tiến Ðức:

“Thằng Cuội đứng giữa mặt trăng

Cầm rìu cầm rựa đốn săn kiền kiền.

Có lẽ bài ca dao về Cuội còn dài hơn, nhưng các nhà nghiên cứu chỉ ghi lại được từ 4 đến 6 câu thôi(?). Qua tìm tòi, tác giả Toan Ánh cho biết thêm 03 câu:

“Thằng Cuội đứng giữa mặt trăng

Cầm rìu cầm rựa đốn săn kiền kiền.

“Tiền đâu mua trống mua kèn,

Tiền đâu mua mỡ đốt đèn thờ vong

Tiền đâu mua lấy cho xong…”

Thế nhưng ba câu này lại cũng xuất hiện trong đưa ma Cái Cò:

Cái cò chết tối hôm qua

Có hai hạt gạo với ba đồng tiền

Một đồng mua trống mua kèn

Một đồng mua mỡ đốt đèn thờ vong

Một đồng mua mớ rau răm

Ðem về thái nhỏ thờ vong con cò.

Trong cuốn “Croyances et pratiques religieuses des Vietnamiens” tác giả Cadière nói đến một bài ca dao thường được hát ru con ở vùng Quảng Bình:

“Thằng Mốc, thằng Mách

Ðứng trửa mặt trăng

Cầm rìu, cầm rạ

Ðốn sang kiền kiền

Làm nôốt làm thuyền

Cho thuê cho mượn

Té tiền mua ăn” (sđd, tập 3, tr.73)

Một bài khác:

Bắc thang lên đến cung mây

Hỏi sao chú Cuội ấp cây cả đời

Cuội nghe thấy nói Cuội cười

Bởi hay nói láo phải ngồi gốc gây (Nguyễn Văn Ngọc “Tục Ngữ và Phong Dao” Saigon 1952)

Còn một số câu ca dao liên quan đến cả trăng lẫn Cuội:

1/ Trăng rằng trăng chẳng nguyệt hoa

Sao trăng chứa chứa Cuội trong nhà hỡi trăng?

2/ Một trăng được mấy Cuội ngồi

Một gương Tư Mã mấy người soi chung (Vũ Ngọc Phan)

3/ Một đàn cò trắng bay qua

Cho loan nhớ phượng cho mình nhớ ta

Mình nhớ ta như là nhớm nối

Ta nhớ mình như Cuội nhớ trăng (Vũ Ngọc Phan)

4/ Nàng về giã gạo ba trăng,

Ðể anh gánh nước Cao Bằng về ngâm

Nước Cao Bằng ngâm thì trắng gạo

Anh biết em có liệu được chăng?

Trần trần như Cuội nhớ trăng

Biết rằng cha mẹ có bằng lòng không

Ðể anh chờ đợi luống công (VNP)

5/ Lá đa, mặt nguyệt hôm rằm

Răng nanh thằng Cuội râu cằm Thiên Lôi (VNP)

Hai câu này trong bài “Thách cưới”

Em là con gái nhà giàu,

Mẹ cha thách cưới ra mầu xinh sao.

Cưới em trăm tấm gấm đào,

Một trăm hòn ngọc, hai mươi tám ông sao trên trời,

Tráp tròn dẫn đủ trăm đôi,

Ống thuốc bằng bạc, ống vôi bằng vàng,

Sắm xe tứ mã đem sang,

Ðể quan viên họ nhà nàng đưa dâu.

Ba trăm nón Nghệ đội đầu,

Mỗi người một cái quạt Tàu thật xinh.

Anh về xắm nhiễu Nghi Ðình,

May chăn cho rộng ta mình đắp chung.

Cưới em chín chĩnh mật ong,

Mười cót xôi trắng, mười nong xôi vò.

Cưới em tám vạn trâu bò,

Bảy vạn dê lợn, chín vò rượu tăm,

Lá đa mặt nguyệt hôm rằm,

Răng nanh thằng Cuội, râu cằm Thiên Lôi,

Gan ruồi mỡ muỗi cho tươi,

Xin chàng chín chục con dơi góa chồng.

Thách thế mới thỏa trong lòng,

Chàng mà theo được, thiếp cùng theo chân.

 “Lá đa mặt nguyệt hôm rằm” liên quan đến truyền thuyết “mỗi năm cây đa thần trên mặt trăng chỉ để rơi một lá xuống biển và đàn cá heo đã tranh nhau đớp lấy”, ý nói vật quý hiếm, khó tìm được.

“Răng nanh thằng Cuội” trong quá trình biến đổi của mặt trăng, có thời kỳ giống như “sừng rang nanh” đây là điềm báo sắp có nổi loạn, dân các nước chư hầu (bị trị) chống lại vua cai trị hoặc trung ương. (theo sưu tầm của Dumortier đăng trong Revue Indochinoise, số 69, năm 1907).

Về “cư dân trên mặt trăng” mỗi nhân vật đều có một lai lịch huyền thoại.

1/ Thằng Cuội ngồi gốc cây đa.

Một người đốn củi trong rừng tình cờ nhìn thấy cây thuốc thần làm cho những con cọp bị đâm chết sống lại và lành các vết thương (do cọp mẹ ngoạm lá cây này về mớm cho các cọp con). Người tiều phu đã đem cây này về nhà trồng. Cây này kỵ ô uế. Cuội đã dặn vợ là đừng phóng uế vào cây. Nhưng người vợ vốn là người đã bị kẻ xấu hãm hại, moi hết ruột gan và đã được lá cây đa thần này cứu sống, đã quên lời dặn (vì không còn ruột gab để nhớ) nên đã tiểu vào gốc đa. Bị phóng uế, cây đa rung mình dữ dội bật rể bốc khỏi mặt đất bay lên không… Khi đó Cuội đang trên đường từ rừng về đến nhà, vội chạy theo chụp được vào rể cây, rể cây đa đã cuốn lấy người của Cuội bay thẳng lên mặt trăng. Ðến nơi rể cây đa mới buông Cuội ra. Từ đó Cuội ngồi gốc cây đa trên mặt trăng.

Thằng Cuội còn bị mang tiếng là nói dối vì khi đi chăn trâu lại ham chơi, ham ngắm cảnh để trâu ăn lúa cùa dân làng, bị hạch hỏi cha mẹ ở đâu, Cuội đã trả lời rằng:

“Cha còn cắt có trên trời

Mẹ còn cỡi ngựa đi mời quan viên

Ông thời cầm bút cầm nghiên

Ông thời cầm tiền đi chuộc lá đa”

Do đó, khi bị:

“Hỏi sao chú Cuội ấp cây cả đời?

Cuội nghe thấy nói Cuội cười

Bởi hay nói láo phải ngồi gốc gây!”

2/ Chị Hằng

Lý lịch: Tên thật là Hằng Nga, vợ của Hậu Nghệ, quốc tịch Trung Hoa.

Hậu Nghệ là một tráng sĩ có võ nghệ phi thường, có tài cỡi ngựa bắn cung, có hai môn đệ là Phùng Mông và Ngô Cương đều là người tài giỏi xuất chúng.

Thời vua Nghiêu, có tới 10 cái mặt trời tức 10 con quạ lửa cùng đến một lần khiến cho trần gian nóng nực, cây cỏ khô héo, con người và vạn vật bị thiêu đốt khổ sở…Hậu Nghệ vừa kinh hoàng vừa tức giận, vừa thương xót muôn người và vừa nghĩ đến bản thân mình, Hậu Nghệ đã lấy 10 mũi tên thần (thần tiễn) giương cung mười tạ, quyết bắn hạ 10 con quạ lửa để cứu dân. Kết quả, nơi nào quạ lửa bị bắn thì sức nóng bớt dần, ánh sang trở nên ấm dịu. Người ta thấy long cánh đầy màu sắc của quạ lửa rơi xuống mặt đất…Hậu Nghệ bắn được 9 con, định giương cung bắn tiếp con còn lại thì Phùng Mông đã ngăn lại “Thưa thầy, nếu thầy bắn hết, thì cả vũ trụ sẽ trở nên đen tối mất”

Hậu Nghệ hiểu ra, liện hạ cung tên xuống. Nhân dân reo hò, hoan lạc, ca tụng công ơn Hậu Nghệ và tôn lên làm Vua, thay thế vua nhà Hạ, nước Hữu Cùng (2205-1766- theo Kinh Thư). Về sau Hậu Nghệ trở nên tàn bạo, dâm loạn hơn loài thú… nhân dân oán ghét… Hậu Nghệ xin được thuốc trường sinh của Tùy Vương, cất giấu uống để dung một mình.

Hằng Nga sinh ra trong một gia đình nghèo tại một vùng đồng hoang phía Bắc. Nhưng nàng là hóa thân của chim Phượng Hoàng nên rất xinh đẹp, như một đóa hoa hương sắc tuyệt vời… Môn đệ của Hậu Nghệ là Ngô Cương bắt Hằng Nga dâng cho thầy làm vợ. Hằng Nga xinh đẹp tuyệt trần được Hậu Nghệ sủng ái, tin cậy giao cho cất giữ thuốc trường sinh.

Thấy chồng tàn ác mà không khuyên can được, Hằng Nga nghĩ: nếu để chồng sống mãi nhân dân sẽ càng nhiều đau khổ…Nàng lên uống hết thuốc trường sinh mà Hậu Nghệ giao nàng cất giữ…Uống xong, Hằng Nga thấy thân mình nhẹ nhàng từ từ bay lên khỏi mặt đất. một đám mây ngũ sắc dưới chân nàng, con thỏ ngọc của nàng cũng phóng theo, Hằng Nga bắt lấy rồi cả hai bay vào cung trăng… Hậu Nghệ trở về thấy mất Hằng Nga, tức giận bóp chết Ngô Cương, rồi lấy cung ra bắn lên mặt trăng… Mặt trăng lung lay, nhưng đến mũi thứ ba, trăng vẫn yên lành…

Như vậy, Hằng Nga là “dân tị nạn” trần gian tình cờ được vào cung trăng. Do đó, Hằng Nga không phải là trăng như nhiều người lầm tưởng. Trong số đó có Tản Ðà:

“Ðêm thu buồn lắm chị Hằng ơi,

Trần thế em nay chán lắm rồi…”

Về chữ và nghĩa, “hằng” có nghĩa là vĩnh cửu, không thay đổi, mãi mãi; Nga là người con gái. Hằng Nga là người con gái đẹp mãi mãi. Cho nên, xem Hằng Nga hay chị Hằng làm biểu tượng cho trăng là không ổn vì trăng có khi tròn, khi khuyết… ngoài ra, khoa học không gian đã cho thấy mặt trăng là một tinh cầu loang lỗ chằng chịt, cận cảnh không đẹp chút nào cả…

3/ Ngô Cương đốn quế

Cư dân thứ ba tại cung trăng là Ngô Cương. Người quê ở Tây Hà, tu theo đạo Tiên. Theo sách “Dậu dương tạp trở”, Ngô Cương là một vị thần tiên nơi thiên giới, khi gặp được Hằng Nga xinh đẹp, liền bị mê say nhan sắc, thường đến ngồi cả ngày trước cung Quảng Hàn để nhìn Hằng Nga, nên bỏ bê công việc, không làm tròn chức vụ. Ngọc Hoàng biết, liền phạt tôi đam mê tình dục mà luật thần tiên cấm ngặt. Ngô Cương bị đày làm công việc cực nhọc. Phía trước cung Quảng Hàn có một cây quế cao 500 trượng, Ngô Cương phải dùng rìu đốn xuống mới được trở về, nhưng cứ mỗi lần chém rìu vào thân cây, cứ rút rìu ra là vết chém liền lại ngay như cũ… đốn mãi, ngày nào cũng vậy, không có hiệu quả, nên đành ngồi gốc cây mà nhìn.

Trên đây là ba cư dân đến cung trăng theo nhiều ngả khác nhau: Thằng Cuội bay theo cây đa thần, Hằng Nga bất ngờ nuốt thuốc trường sinh, Ngô Cương bị tù đày… Chưa có tài liệu về đoàn Vũ công Nghê Thường nên không biết số người.

Tiếp theo và các con vật và cây ở cung trăng.

1/ Con Thỏ ngọc (Ngọc Thố)

Con thỏ lông trắng, trong truyền thuyết Trung Hoa, gọi là Ngọc Thố (chỉ mặt trăng) đối nghịch với mặt trời là Kim Ô (quạ vàng).

Theo sách Phật, con thỏ trên cung trăng là con thỏ có lòng từ bi, khi thấy những con thỏ khác bị đói, nó liền nhảy vào lửa tự thiêu để làm thức ăn cho đồng loại. Phật đã nhặt bộ xương con thỏ từ bi, đưa lên cung trăng và hóa phép cho nó sống lại.

Một thuyết khác cho rằng chuyện Thỏ ngọc trên cung trăng phát xuất từ Ấn Ðộ. Kinh Veda kể rằng một vị tu sĩ Bà La Môn yêu cầu bốn con vật là khỉ, chó, rái cá và thỏ đi tìm thức ăn cho mình. Ba con vật kia đều tìm được thức ăn, còn thỏ thì không thể nào. Vì vậy để cung cấp thức ăn cho vị tu sĩ, thỏ đã nhảy vào đống lửa với ý hướng tự thiêu để cúng dường, nhưng đống lửa bỗng biến thành băng tuyết và thỏ được cứu sống. Vị tu sĩ ấy là hóa thân của thần Sakra (thần Ấn Ðộ) muốn thử lòng các con vật. Sau đó, hình ảnh con thỏ được in lên mặt trăng để tôn vinh tấm lòng vi tha.

2/ Con Thiềm thừ (Con cóc ba chân)

Con vật thứ hai là con thiềm thừ (con cóc ba chân) tức vết đen mà dân gian nhìn thấy trên mặt trăng. Truyền thuyết Trung Hoa gọi là con Thiềm thừ tức con cóc, là hóa thân của Hằng Nga tại cung trăng. Hóa thành con cóc để tránh sự truy tìm của Hậu Nghệ.

Thiềm thứ hơi giống con cóc nhưng lại có sừng mềm, bụng có một dấu vết chữ bát màu đỏ.

Tóm lại, theo thần thoại, trên mặt trăng hiện có ba nhân vật nổi tiếng, đó là Thằng Cuội quốc tịch thuần túy Việt Nam, cô Hằng Nga, Trung Hoa và Ngô Cương người Thượng giới bị đày làm khổ sai. Về thực vật có hai cây đại thụ đó là cây đa và cây quế. Về động vật có con thỏ và con cóc.

Trở lại Chuyện Thằng Cuội, trong văn hóa Việt Nam có hai thằng Cuội khác nhau.

Thằng Cuội mà dân gian thường cáo buộc là “Nói dối như Cuội” là một thiếu niên mồ côi, thông minh, trí tưởng tượng phong phú và láu lỉnh, đi chăn trâu… Nó có tài nói dối và đã có thể đánh lừa đủ mọi hạng người từ trọc phú, quan viên đến cả họ hàng, chú thím… Thằng Cuội nói dối không lên cung trăng.

Thằng Cuội ngồi gốc cây đa trên cung trăng là một thanh niên làm nghề đốn củi, có vợ. Sau khi đem cây đa thần về trồng ở nhà, Cuội trở thành thầy thuốc cứu nhân độ thế, “bị” cây thuốc thần diệu kéo theo đến cung trăng… và không về được.

Thông điệp từ thằng Cuội trên cung trăng có lẽ là chủ đề “Cứu vật, vật trả ơn. Cứu nhơn, nhơn trả oán” là một kinh nghiệm rất phổ biến trong cuộc sống hàng ngày. Cuội đã cứu sống được người con gái bị kẻ xấu giết hại và lấy làm vợ và chính người vợ này đã làm cho cây đa thần yêu quý của Cuội bật rễ bay đi, vì thủy chung Cuội chạy theo níu lại…

Thông điệp từ thằng Cuội nói dối, đó là những người lớn từ trọc phú đến các quan viên quyền lực, dù đã khôn ngoan, thông minh và từng trãi hơn trẻ con… nhưng khi đã bị lòng tham dấy lên che phủ thì vẫn có thể bị mắc lừa một cách dễ dàng và trở thành ngốc nghếch, đáng thương…

Trong những câu chuyện về Cuội nói dối như “Ðàn Vịt trời”, “Chiếc Áo Thần”, “Chiếc Gậy thần”, “Bè Ðá Nổi, Bè Bưởi Chìm… các quan Lang đều bị Cuội lừa vì lòng tham. Ðây là sự ngu ngốc đáng ghét và đáng tiếc của một số người đời. Còn việc nói dối, nói gạt của Cuội có thể không phải là xấu xa vì nó không do lòng tham, ý độc thúc đẩy mà do sự sáng tạo, tỉnh táo của người có lòng trong trắng…

Trong cuộc sống, nhiều khi, nói dối chỉ để đùa nghịch, đôi khi kẻ bị đùa đau lắm đấy, nhưng vẫn cảm phục và không thù ghét.

Có thể chuyện Cuội là một loại “bài học” trường đời “dùng trẻ con để dạy người lớn và dung người lớn để làm gương cho con nít”.

Từ “CUỘI” trong các từ điển Việt Nam.

Từ các từ điển xưa nhất cho đến hiện nay, từ Cuội có rất nhiều ý nghĩa.

1/ Cuội là tên một nhân vật trong truyện cổ tích về nói dối. “nói cuội”. chơi cuội, làm cuội, nói dối như cuội (từ điển Ðắc Lộ, Huê, Gouin, ÐÐVỹ, KTTÐ, Lê Ngọc Trụ).

2/ Thằng Cuội là tiếng vang, tiếng vọng (J. Bonnet, Huê, Taberd, Genibrel, Lê Ngọc Trụ)

3/Cuội là màu xanh trong hạt sen (Từ điển Khai Trí TÐ)

4/Viên sỏi lớn, nhẫn, đá cuội, hòn cuội

5/Tên một thứ gỗ để làm nhà hoặc một vài con vật

6/ Bổn phận đóng góp để cho con có được chức phận trong làng: góp cuội, suất cuội

7/ Hồ lô xích cuội.

Thành ngữ “Xẩm vào cuội ra” chỉ sự ăn uống và bài tiết nối tiếp nhau nơi trẻ sơ sinh.

“Xẩm và Cuội” đại diện cho hạng người ưa hoặc chuyên nói dối, phỉnh gạt người đời để làm vui. Mặt khác, Xẩm và Cuội tố cáo khuynh hướng chung của đa số người đời đó là ưa chuộng sự tâng bốc, nịnh hót dù biết có thể chỉ là lời nói dối trá, phỉnh phờ. Bởi vì “nói thật mất lòng”, “Trung ngôn nghịch nhĩ” cho nên Xẩm và Cuội mới có lý do tồn tại. Thế nhưng, Xẩm và Cuội lại không thể ở chung cho nên Xẩm vào thì Cuội ra.

Tóm lại, đối với người trưởng thành, trăng được nhân cách hóa thành nam hay nữ tùy theo các sự tích, truyền thuyết khác nhau: là một phụ nữ xinh đẹp (Hằng Nga) hoặc là một ông già khắc nghiệt, nhiều chuyện (Trăng già, Nguyệt Lão chuyên lấy chỉ hồng quyết định duyên số của người ta một cách độc đoán). Ðối với trẻ con, trăng chỉ là một sự vật, một nơi chốn hoặc là một “ông” mà thôi (Ông trăng).

NGUYỄN CHÂU

CT DI SẢN VIỆT-CALITODAY

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT

spot_img