Monday, March 18, 2024

Xin lỗi Sài Gòn

Cali Today News – Tôi không sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, nhưng nhiều năm sống ở xứ người, cứ mỗi lần trở về quê hương, Sài Gòn vẫn là nơi đầu tiên tôi đặt chân trở về. Lần nào cũng vậy, khi máy canh chuẩn bị hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất, nhìn qua ô cửa sổ nhỏ trên máy bay, hình ảnh Sài Gòn hiện hữu phía trước mặt cũng làm tôi cảm thấy trong lòng lâng lâng hạnh phúc bởi lúc này đây, chỉ vài phút nữa thôi, tôi sẽ được đặt chân xuống mảnh đất quê hương sau bao ngày tháng xa cách. Vậy đó, Sài Gòn không phải là nơi chôn nhau cắt rốn nhưng đó lại là nơi khiến cho tôi nhiều nỗi niềm thổn thức mỗi khi nhắc đến. Nhiều năm sống xa quê hương, cứ mỗi lần về lại quê hương, đặt chân đến Sài Gòn, tôi lại dành nhiều tình cảm cho thành phố này hơn, và thật sự tôi còn muốn nói lời xin lỗi Sài Gòn.

Tôi thấy quá thương mến và cảm phục những người gốc Sài Gòn. Trước sự ngang nhiên, ào ạt, nhập cư của những người tỉnh lẻ đến đây, người Sài Gòn chỉ phản ứng một cách yếu ớt, tế nhị, kín đáo. Người tỉnh lẻ tìm đến Sài gòn để mưu sinh, để lập nghiệp, để học hành rất tự tin, hùng hổ đảo lộn cả Sài Gòn. Họ từ các tỉnh miền tây nam bộ, miền trung nắng gió hay cả ngoài tận miền bắc đói rét đổ xô tìm đến mảnh đất một thời mang danh hòn Ngọc Viễn Đông để mong được đổi đời, mong được thoát cảnh nghèo túng nơi quê nhà. Rồi những người dân tỉnh lẻ ngày càng có cơ hội nắm quyễn lãnh đạo hệ thống chính trị, giáo dục, y tế cũng như các cơ quan ban ngành khác của chính quyền nhà nước từ phường cho đến quận, rồi cả cấp thành phố. Nhìn lại bộ máy chính quyền thành phố Sài Gòn hiện nay, từ cao xuống thấp, từ giá đến trẻ, có được bao nhiêu người là người gốc Sài Gòn? Người gốc Sài Gòn hiện nay sinh sống ở Sài gòn chỉ là thiểu số, họ khéo léo bảo vệ những giá trị của mình, sống đúng chuẩn mực và cách sống của người dân miền Nam như trước năm 1975. Sở dĩ người gốc Sài Gòn ở tại Sài Gòn hiện nay chỉ là thiểu số, không còn nhiều vì có lẽ 40 năm qua, người gốc Sài Gòn đã lần lượt rời bỏ mảnh đất này để di cư tìm cuộc sống mới ở một nước tư bản tự do nào đó. Phải chăng người gốc Sài Gòn những năm qua cứ tiếp tục di cư, di tản đi nước ngoái sống bởi lẽ họ không chịu nổi khi nhìn thấy thành phố này đang ngày một bị cưỡng chế đến mức hỗn độn bởi những người dân tỉnh lẻ? Lúc nhỏ, khi sống ở ngoài miền trung, tôi cứ nghĩ Sài Gòn là của người Sài Gòn, lớn lên sang xứ người định cư rồi, tôi mới biết đây là nơi sinh sống, lập nghiệp của dân tha huơng cầu thực từ tỉnh lẻ. Còn người gốc Sài Gòn đa phần giờ đây đang sống ở hải ngoại. Có lần ngồi uống cafe ngay tại quận Cam, miền Nam California, một người bạn của tôi đã tự tin khẳng định rằng người gốc Sài Gòn giờ đây sống ở miền Nam California nhiều nhất, còn người Sài Gòn ở Sài Gòn bây giờ toàn là dân nhập cư từ những tỉnh khác, chẳng thể gọi họ là người Sài Gòn như họ vẫn tự hào khoe. Người Sài Gòn khó có thể làm lãnh đạo, quản lý trong bộ máy chính quyền nhà nước được vì trong bối cảnh xã hội Việt Nam hiện nay, họ biết mình nên làm gì cũng cần cân nhắc cẩn trọng, họ quá nhạy cảm, tế nhị, ngại va chạm, bởi sau nhiều biến cố lịch sử, chính người dân gốc Sài Gòn đã hiểu rõ cuộc sống ở Sài Gòn – Hòn Ngọc Viễn Đông khá nhiều so với cuộc sống ở Sài Gòn bây giờ. Mà không, bây giờ Sài Gòn chỉ là cái tên gọi thân thương của người dân miền Nam dành cho thành phố này, chứ cái tên Sài Gòn đã bị đánh mất từ hơn 40 năm trước rồi.

Với sự lịch lãm, tài hoa, tâm hồn phong phú, tinh tế vốn có của mình, người gốc Sài Gòn hiện nay vẫn luôn giữ được phẩm chất đặc trưng của người dân miền Nam Việt Nam ngày trước. Họ thường sáng tạo được những giá trị cao trong các lĩnh vực khoa học, âm nhạc, hội họa, văn học trong nước trong những năm vừa qua. Họ sống thật với tính cách con người họ. Ấy vậy mà người tỉnh lẻ ở Sài Gòn, dù chỉ sống ở đây chừng vài năm, lại muốn vỗ ngực khoe khoang mình đây là dân Sài Gòn, tìm mọi cách mưu sinh kiếm sống nơi đây, cố gắng ngồi vào ghế của chức quản lý, lãnh đạo. Rồi dần dần, người tỉnh lẻ, người nhà quê được thể vừa nắm quyền, vừa làm giàu ào ạt trước con mắt ngỡ ngàng của người Sài Gòn. Và họ nhanh chóng đương nhiên trở thành người Sài Gòn, đem lại cho Sài Gòn một sức sống mới, một lối sống mới kiểu hỗn tạp, loạn lạc. Đánh mất đi hình ảnh và giá trị thật của thành phố Sài Gòn vốn có của nó từ lúc nào không hay. Nghĩ mà thấy có lỗi với Sài Gòn thật đấy.

Hơn 40 năm trước, cái tên Sài Gòn thân thương đã bị cướp mất, và buộc đổi thay bằng tên thành phố Hồ Chí Minh. Ấy vậy mà, nếu thường xuyên đọc báo trong nước, chắc hẳn ai cũng nhận ra hàng loạt những bài báo đề cập đến bất cứ tệ nạn, vấn nạn xã hội nào cũng mang tên Sài Gòn đặt ngay tiêu đề. Ví dụ như: “Sài Gòn ngập trong nước lụt”, “Sài Gòn ngập trong rác sau đêm giao thừa”, ”trộm cướp Sài Gòn ngang nhiên giữa ban ngày”, “Gái mại dâm Sài Gòn hành nghề tăng cao”… Còn những bài báo với tiêu đề hoa mỹ thì chẳng bao giờ nhắc đến tên Sài Gòn, mà lại mang cái tên thay thế Hồ Chí Minh đưa vào một cách trở trẽn. Ví dụ như: “thành phố Hồ chí Minh rực rỡ đèn hoa đón Tết”, “thành phố Hồ Chí Minh vinh dự đón tỷ phú X đến thăm”. Vậy đó, càng nghĩ lại càng thấy có lỗi với Sài Gòn. Những gì tốt đẹp về thành phố này thì không cho mang tên Sài Gòn dẫu nơi đây là mảnh đất cưu mang biết bao cuộc đời tha phương cầu thực từ mọi miền đất nước.

Người ta nói, lúc buồn thì xách xe chạy loanh quanh Sài Gòn, bắt chuyện với chú chạy xe ôm, cô gánh ve chai, bà bán tàu hũ… để nghe họ kể bao nhiêu chuyện lặt vặt ở mảnh đất Sài Gòn với rất nhiều điều thú vị mà đến dân gốc Sài Gòn, sinh ra và lớn lên ở đây có khi còn chưa biết. Và nếu được nghe nhiều, mới ngỡ ra một điều: Hóa ra thành phố Sài Gòn này có quá nhiều điều để yêu và để nhớ, có quá nhiều thứ cần phải nói lời xin lỗi. Nếu một lần nữa được trở về quê hương, tôi vẫn muốn nói một lời xin lỗi Sài Gòn. thành phố này, mảnh đất này vẫn luôn tồn tại trong ký ức người dân miền Nam với những gì tốt đẹp nhất.

Vina

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT

spot_img