Friday, March 29, 2024

Bong bóng nợ của Trung Quốc không dễ nổ nhưng là lực cản của nền kinh tế

Nợ công Trung Quốc đã tăng vọt gấp hơn 4 lần về giá trị trong vòng một thập kỷ qua, trong đó nợ doanh nghiệp và nợ hộ gia đình tăng lần lượt gấp 4 và 8 lần so với trước đó 10 năm. Tuy nhiên, với việc rút ra bài học từ trường hợp khủng hoảng tài chính 2007 của Mỹ, sẽ khó có khả năng Trung Quốc để kịch bản này xảy ra với nền kinh tế của mình.

Nhận xét về tình hình nền kinh tế Trung Quốc, tỉ phú đầu cơ nổi tiếng của Mỹ là George Soros đã từng đưa ra một nhận định đáng chú ý tại Diễn đàn kinh tế thế giới Davos, đó là có một sự tương đồng kỳ lạ giữa tình trạng của nền kinh tế Trung Quốc hiện nay với nền kinh tế Mỹ thời điểm trước cuộc khủng hoảng tài chính 2007.

Khủng hoảng tài chính Mỹ 2007 xuất phát từ việc nợ của hệ thống ngân hàng nước này vượt mức kiểm soát, mà chủ yếu là do vỡ bong bóng trên thị trường bất động sản. Trung Quốc hiện tại cũng đang có những triệu chứng tương tự, khi nợ công tăng vọt gấp hơn 4 lần về giá trị trong vòng một thập kỷ qua, trong đó nợ doanh nghiệp và nợ hộ gia đình tăng lần lượt gấp 4 và 8 lần so với trước đó 10 năm. Tuy nhiên, với việc rút ra bài học từ trường hợp khủng hoảng tài chính 2007 của Mỹ, sẽ khó có khả năng Trung Quốc để kịch bản này xảy ra với nền kinh tế của mình. Nhưng, dù quả bóng nợ của Trung Quốc không nổ, thì nó cũng vẫn có thể xì hơi và khiến nền kinh tế nước này xẹp theo.

Nếu so sánh với tình trạng của nền kinh tế Mỹ trước khủng hoảng tài chính 2007, có thể thấy đúng là kinh tế Trung Quốc hiện tại có những dấu hiệu tương tự, thậm chí một số yếu tố còn tồi tệ hơn. Mức tăng trưởng và cơ cấu nợ công của nền kinh tế Trung Quốc thực sự là đáng lo ngại, chẳng hạn như vào thời điểm năm 2005 tổng nợ của nước này mới chỉ bằng khoảng 160% GDP, thì đến năm 2015 nó đã tăng lên mức 247% GDP.

Nếu so sánh về tổng giá trị khoản nợ giữa hai thời điểm năm 2005 và 2015, thì mức tăng trưởng nợ của Trung Quốc trong vòng một thập kỷ qua đã lên tới 465%, vì giá trị GDP của nước này đã không ngừng tăng lên trong vòng 10 năm qua, khiến cho con số 247% GDP của năm 2015 về giá trị thì bằng 465% so với mức 160% GDP của năm 2005. Nếu so sánh về tỷ lệ tăng trưởng nợ trong vòng một thập kỷ qua, thì Trung Quốc vượt xa so với hầu hết các nền kinh tế lớn khác trên thế giới, kể cả so với Mỹ. Mức tăng trưởng nợ công của Mỹ đạt tốc độ lớn nhất trong vòng hai nhiệm kỳ vừa qua của Tổng thống Obama cũng chỉ tăng gần gấp đôi mà thôi.

Cơ cấu các khoản nợ và mức tăng trưởng của nó trong tổng nợ của Trung Quốc cũng rất đáng lo ngại. Về cơ bản, nợ của Trung Quốc được chia làm 4 nhóm: hệ thống ngân hàng, doanh nghiệp, chính phủ, hộ gia đình. Trong đó, nợ của hệ thống ngân hàng có vẻ an toàn nhất, chiếm khoảng 19% so với GDP 2015. Nợ của các doanh nghiệp Trung Quốc hiện ở mức 165% GDP 2015, trong khi ở thời điểm 2005 chỉ mới đạt 105% GDP. Nợ chính phủ cũng chỉ dừng lại ở mức 22% GDP. Còn nợ hộ gia đình ở Trung Quốc đang chiếm vị trí thứ hai, đạt khoảng 40% GDP, so với mức 23% GDP cách đây 10 năm. Nếu so sánh về giá trị, thì nợ doanh nghiệp của Trung Quốc đã tăng gấp 4 lần kể từ năm 2005 đến nay, còn nợ hộ gia đình thì đã tăng tới gần 8 lần so với cách đây một thập kỷ. Vì vậy, nợ doanh nghiệp và nợ hộ gia đình đang được xem là hai ngòi nổ có thể khiến Trung Quốc rơi vào nguy cơ một cuộc khủng hoảng tài chính tương tự như Mỹ năm 2007.

Tuy nhiên, các điều kiện của nền kinh tế Trung Quốc hiện tại không giống với Mỹ vào thời điểm 2007. Trước hết là nợ hộ gia đình. Vào thời điểm trước cuộc khủng hoảng, nợ hộ gia đình ở Mỹ lên tới gần 100% GDP, còn ở Trung Quốc hiện nay mới chỉ đạt khoảng 40% GDP. Ngoài ra, tỷ lệ tiết kiệm của hộ gia đình Trung Quốc lớn hơn so với ở Mỹ và đủ sức ngăn ngừa kịch bản nợ hộ gia đình trở thành ngòi nổ cho khủng hoảng tài chính.

Hiện tại, tổng giá trị các khoản tiết kiệm hộ gia đình ở Trung Quốc lớn gấp hai lần so với các khoản nợ của họ. Cụ thể, tổng giá trị các khoản tiền gửi của hộ gia đình Trung Quốc đạt khoảng 55.000 tỉ nhân dân tệ (tương đương 8.400 tỉ USD) tính đến thời điểm cuối năm 2015, trong khi nợ hộ gia đình chỉ đạt 27.400 tỉ nhân dân tệ. Nói cách khác, chính tỷ lệ tiết kiệm cao đang khiến cho nợ hộ gia đình của Trung Quốc dù đã tăng rất mạnh trong vòng 10 năm qua nhưng vẫn đang ở trong ngưỡng an toàn cho phép.

Nợ doanh nghiệp Trung Quốc thì đang phải đối mặt với nguy cơ lớn hơn, nhưng khả năng nợ doanh nghiệp đẩy Trung Quốc vào một cuộc khủng hoảng tài chính cũng khó có thể xảy ra. Hiện nợ doanh nghiệp của nước này về giá trị đã tăng gấp 4 lần so với cách đây 10 năm, và đang bằng khoảng 165% GDP tính đến cuối năm 2015. Trong đó, các tập đoàn và công ty nhà nước chiếm phần lớn các khoản nợ này, và vẫn thường được gọi với cái tên “những công ty xác sống” do thua lỗ triền miên và buộc phải dựa vào trợ cấp của chính phủ để tồn tại. Tuy nhiên, phần lớn nợ của các công ty này lại đến từ hệ thống ngân hàng vốn cũng nằm trong tầm kiểm soát của chính phủ Trung Quốc. Nói cách khác, sẽ rất khó có thể khiến các công ty này vỡ nợ và đẩy Trung Quốc vào khủng hoảng tài chính, một khi chúng vẫn được chính phủ bảo trợ.

Đây là điểm khác biệt lớn nhất giữa kinh tế Mỹ và Trung Quốc. Các công ty ở Mỹ hầu hết đều là các công ty tư nhân và ít nhận được sự hỗ trợ của chính phủ nên khi vỡ nợ đồng loạt có thể đẩy nền kinh tế rơi vào khủng hoảng, còn ở Trung Quốc thì không. Áp lực tài chính lên hệ thống ngân hàng ở Trung Quốc hiện tại cũng thấp hơn so với Mỹ ở thời điểm 2007, do tỷ lệ tiền gửi ở Trung Quốc cao hơn, chiếm tới 70% nguồn vốn của hệ thống ngân hàng, trong khi ở Mỹ các ngân hàng lại chủ yếu dựa vào vốn ngắn hạn vốn có rủi ro và nguy cơ lớn hơn.

Tuy nhiên, dù đúng là Trung Quốc hiện nay có nhiều điều kiện thuận lợi hơn để tránh khỏi nguy cơ một cuộc khủng hoảng tài chính giống như Mỹ cách đây vài năm, nhưng đó cũng lại là những điểm yếu của nền kinh tế số hai thế giới. Việc buộc các ngân hàng giãn nợ cho các công ty xác sống có thể khiến Trung Quốc lún sâu hơn vào sự trì trệ do khối kinh tế quốc doanh kém hiệu quả gây ra thay vì cố gắng cải tổ nó. Ngoài ra việc tỷ lệ tiết kiệm cao của người dân dù đem lại một lợi thế lớn cho Trung Quốc so với Mỹ, nhưng nó cũng cho thấy niềm tin vào tương lai nền kinh tế của người dân Trung Quốc là không thực sự lớn. Tỷ lệ tiết kiệm cao có thể là một chiếc đai bảo hiểm cho nền kinh tế, nhưng nó cũng trở thành lực cản khiến nền kinh tế khó cất cánh, khi chính phủ Trung Quốc đang cố gắng thúc đẩy tiêu dùng nội địa thì tỷ lệ tiết kiệm cao của người dân có lẽ không phải là điều Bắc Kinh mong muốn.

Theo Motthegioi

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT

spot_img