Tuesday, March 19, 2024

Khánh Hòa: Người dân sẵn sàng đứng để công an rút súng bắn hòng được chết

Cali Today News – Sáng ngày 12/8/2016, đụng độ xảy ra giữa người dân và lực lượng công an ở xã Ninh An, thị xã Ninh Hoà, tỉnh Khánh Hoà nguyên nhân được xác nhận là do người dân căm phẩn trước tình trạng người bệnh kẻ chết do ô nhiễm môi trường và nguồn nước bị nhiễm độc nên đã đồng loạt đứng lên chặn xe, yêu cầu công ty cổ phần môi trường Khánh Hòa phải ngưng hoạt động, phải có trách nhiệm trước hoàn cảnh khốn khổ của người dân. Song, nhà cầm quyền tỉnh Khánh Hòa thay vì tiếp thu đơn kêu cứu của người dân, đã huy động một lực lượng khoảng hơn trăm công an, cảnh sát các loại để đàn áp dân gây thương tích nhiều người.

ha 1
Một người dân ở xã Ninh An bị đánh ngất xỉu trong cuộc đụng độ ngày 12-8-2016 (ảnh; facebook Chút Nguyễn cung cấp cho Cali Today)

Nguyên nhân và diễn biến đụng độ

Chị Liên, một người xã Ninh An có mặt trong dòng người phản đối Công ty cổ phần môi trường Khánh Hòa chứng kiến cuộc đụng độ đã cho Cali Today biết nguyên nhân và diễn biết cuộc đụng độ như sau:

“Sáng ngày 12/8/2016, Công ty cổ phần môi trường Khánh Hòa không biết nó thuê hay là sao mà có trên 50 là cảnh sát cơ động rồi kết hợp với cảnh sát hình sự, công an mặc sắc phục nói chung là có hơn trăm người nhiều hơn dân vào lấy xe dân đang giữ. Dân đồng ý cho lấy xe nhưng đòi hỏi phía công ty phải làm giấy ngưng hoạt động hoặc làm gì ảnh hưởng đến dân thì phải chịu trách nhiệm thì những người đó không chịu giải thích cho dân, cho cơ động vào lấy xe thì dân chặn không cho lấy, cơ động nhào vào đánh dân đến nỗi dân có người ngất xỉu nằm tại chỗ nhưng cơ động vẫn giẫm lên, đánh cả người lớn lẫn trẻ em rồi những người bị thương như u đầu, đổ máu do phía cơ động dùng dùi cui gõ rất là nhiều. Nói chung tình cảnh rất là thảm thương.”

Theo chị Liên, người dân ở xã Ninh An cho rằng Công ty cổ phần môi trường Khánh Hòa nó chỉ giả danh để xử lý rác thải. Ngày trước, Công ty này chưa xây dựng và đi vào hoạt động thì nó đã đưa hàng trăm lượt xe chở các chất độc hóa học trong Bình Dương ra và kết hợp với chất độc của nhà máy Hyundai Vinashin lên ủi đất rồi đổ xuống và sau đó san bằng. Lúc này do chưa thấy có ảnh hưởng gì nghiêm trọng và người dân ở đây chủ yếu lo làm ăn nên chẳng để ý gì hết, không phản kháng gì nên để yên công ty xây dựng lên. Khi công ty bắt đầu hoạt động đâu được khoảng vài ba tháng thì dân ở đây tự nhiên phát nhiều bệnh, ngứa ngáy trong mình rồi viêm xoan thậm chí có nhiều người phát bệnh ung thư chết. Lúc này người dân thấy những chiếc xe mang biển số 61 (Bình Dương) và 53 (Sài Gòn) ra chở những chất độc nguy hại có khi bay mùi thuốc sâu nên người dân không thể chịu nổi nữa. Người dân phẩn nộ nên mới chặn xe và lên Công ty cổ phần môi trường Khánh Hòa kêu gọi không hoạt động nữa, di dời dân chứ bây giờ dân bị ảnh hưởng quá trời nhưng công ty vẫn cứ hoạt động.
“Nói chung dân phản kháng không biết đúng hay sai nhưng vì ô nhiễm quá, bị bệnh nhiều quá mới phản kháng. Mới vừa có người chết vì bệnh ung thư tính tổng thẩy là người thứ năm rồi, còn mấy người đang bệnh nữa. Dân phẩn nộ quá!”

Cuộc đụng độ sáng ngày 12/8/2016, bắt đầu từ 6 giờ sáng công ty cổ phần môi trường Khánh Hòa đã tập trung người để lấy xe đi, sự việc bắt đầu là 7 giờ cho đến 10 giờ 30 phút thì kết thúc do dân bị phía công an đánh đập dữ quá, người dân la lên nếu đánh chết người thì phía công an phải chịu trách nhiệm lúc này mới chịu đưa mọi người đi bệnh viện.

“Dân ở đây chủ yếu là đàn bà với trẻ em, quá yếu nên không thể làm gì được. Cơ động nó vào giẫm nát hết, dân khóc la rất là tội. Tôi thấy tình cảnh giẫm đạp, đánh cả trẻ con mà chưa bao giờ tôi thấy cảnh công an đánh dân như thế này cho dù dân có sai đi chăng nữa, thậm chí có nhà báo ở đâu đó tôi không biết đến quay phim, nếu làm ăn đúng đắn thì đáng lẽ ra các cấp trong cơ quan nhà nước phải ra giải quyết đằng này lại cho công an ra vay chiếc xe nhà báo, người dân biết, dân đứng ra giải cứu để chiếc xe nhà báo chạy đi.”

ha 2
Người dân ở xã Ninh An chặn xe trước khi đụng độ ngày 12-8-2016 xảy ra (ảnh; facebook Chút Nguyễn cung cấp cho Cali Today)

Dân tức quá, tiếp tục chặn xe vào công ty tính ra cũng mấy tháng và cũng làm đơn kêu cứu từ huyện cho đến tỉnh nhưng cuối cùng cấp huyện ra vẫn nói nhà máy xử lý rác thải là đúng. Chị Liên nói:

“Dân đồng tình việc xây dựng công ty môi trường nhưng phải xây ở cách xa khu dân cư chứ tại sao xây cách khu dân cư chưa đầy 1km, làm ảnh hưởng đến nguồn nước từ đầu nguồn chảy xuống rồi giờ là sinh bệnh.

Chính quyền xã, huyện cứ che lấp cho công ty môi trường, dân nói không được nên mới căm phẩn ra chặn xe.”
Chị Liên nói thêm, Công ty cổ phần môi trường Khánh Hòa bị dân phản đối thì có ngưng hoạt động được mấy tháng nhưng lại hoạt động lén lút, công ty không chở chất độc hại từ Bình Dương lên nhưng vẫn còn chở rác thải của công ty Hyundai Vinashin tới, ban đầu dân để im vì chờ các cấp chính quyền giải quyết ra sao. Trước kia ở đây cũng có một công ty môi trường đô thị hoạt động gần nghĩa địa nên nó đổ rác thải sinh hoạt của dân hằng ngày, nguồn nước ở chổ dân sinh sống cũng bị ô nhiễm hoàn toàn kèm theo đó có một công ty chở bã mía lên thì mùi hôi thối quá nên dân phản ánh, công ty đã dẹp bỏ. Cũng có thêm một công ty xây dựng bê tông nhựa đến đây hoạt động nhưng rồi gây ô nhiễm đến nỗi dân ngủ cũng phải bịt khẩu trang, không chịu nổi nên một lần nữa dân lại phản ứng lên và công ty xây dựng nhựa bê tông cũng chịu ngừng hoạt động.

Nhà cầm quyền phớt lờ lời cầu cứu của dân, đàn áp dân.

Thời gian trước người dân vẫn chưa bị sao nhưng từ khi Công ty cổ phần môi trường Khánh Hòa dựng lên trong vòng vài ba tháng thì dân nổi ngứa ngáy mình mẩy, đổ bệnh ra tất cả là do gần dân quá, khi công ty ngưng hoạt động thời gian thì bệnh ngứa ngáy lại bớt và khi hoạt động trở lại thì dân bệnh trở lại. Do dân ở đây không đủ khả năng để kiểm tra xem những chất độc hại ấy là gì nên nhờ chính quyền nhưng chính quyền thì:
“Có. Người dân có phản ánh lên chính quyền. Chính quyền xác nhận nguồn nước bị ô nhiễm rồi nên bây giờ phải sử dụng nước máy, còn dân nói chuyện bệnh tật thì họ phớt lờ qua thôi. Họ còn nói bảo vệ nhà máy rác thải là đúng chứ không sai, không nói là máy xây dựng gần dân quá. Họ bênh vực nói nhà máy xử lý rác thải là tốt cho dân chứ không hại cho dân.”

 Khung cảnh trước khi đụng độ ngày 12-8-2016 xảy ra (ảnh; facebook Chút Nguyễn cung cấp cho Cali Today)
Khung cảnh trước khi đụng độ ngày 12-8-2016 xảy ra (ảnh; facebook Chút Nguyễn cung cấp cho Cali Today)

Trước đây, báo chí Nhà nước Việt Nam cũng như người xã Ninh An từng phản ánh việc nhà máy Hyundai Vinashin xả hàng chục tấn chất thải nguy hại, ảnh hưởng nghiêm trọng và dài ngày đến cuộc sống người dân. Tuy nhiên, đụng độ sáng ngày 12/8/2016, tại xã Ninh An là do người dân phẩn nộ đối với Công ty cổ phần môi trường xanh Khánh Hòa, một số thông tin cho rằng dân phản đối Công ty Hyundai Vinashin là chưa đúng. Chị Liên khẳng định:

“Chính xác dân phản đối công ty rác thải môi trường này chứ không phải nhà máy Hyundai Vinashin nhưng nó lấy chất độc hại từ nhà máy và từ Bình Dương đến.”

Chị Liên nói tiếp:

“Hồi bữa giờ dân đứng ở đầu đường mà xe công ty chở chất độc hại lên giăng băng rôn cầu cứu các cấp chính quyền, cứu giùm dân chúng tôi. Dân ở đây rất nghèo và khốn khổ nhưng giờ bệnh quá phải nghỉ ăn nghỉ làm, mất ngủ vì nó.”

Người dân xã Ninh An nói chung và chị Liên nói riêng thông qua báo đài gửi lời mong muốn:

“Tôi mong muốn nếu chính quyền cấp huyện, tỉnh ở đây không giúp đỡ gì được cho dân thì cấp Trung ương phải vào can thiệp giúp cho dân, dân quá khổ sở, bệnh tình và xem xét tình hình nếu công ty đúng thì trấn an dân còn nếu công ty sai thì phải cho công ty ngưng hoạt động chứ để dân càng ngày càng bệnh là chết. Mong cuộc sống được bình yên.”

Từ lúc người dân bức, phản ánh tình trạng gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân của Công ty cổ phần môi trường Khánh Hòa thì các cấp cầm quyền từ tỉnh và huyện ở Khánh Hòa có nhóm họp, nhà báo cũng có mặt. Trong cuộc họp, dư luận có truyền miệng một câu nói của ông chủ tịch huyện: “bây giờ công ty người ta bỏ ra một trăm mấy chục tỷ đồng không lẽ bảo người ta dẹp? Một báo có hỏi lại không lẽ một ngàn mấy hộ dân ở đây phải chịu cảnh ô nhiễm hay sao?”

Chị Liên nói, bản thân chị và người dân xã Ninh An đang chết dần chết mòn nên không còn sợ gì đến sự nguy hiểm khi cung cấp những thông tin với báo đài. Chị Liên nói:

“Cô không sợ nguy hiểm. Tại vì khi dân sống trong cảnh ô nhiễm nên rất căm tức, có nói thẳng với công an là dân ở đây sẳn sàng đứng cho công an rút súng bắn dân mỗi người một phát chứ để công ty hoạt động thà chết trước sướng hơn chết sau.”

Như vậy là, từ Formosa Hà Tĩnh đến dự án xây dựng nhà máy nghiền xi măng ở Nghệ An và bây giờ là Công ty cổ phần môi trường Khánh Hòa đã minh chứng một điều người dân Việt Nam rất khao khát được sống trong một môi trường trong lành, khỏe mạnh nhưng nhà cầm quyền Việt Nam lại cho thấy họ đang bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp, đàn áp dân.

THIÊN HÀ

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT

spot_img