Thursday, March 28, 2024

Tối Chủ Nhật 25/9/16, nghe Trọng Bắc tại Jade Leaf, San Jose.

Cali Today News – Trọng Bắc có lẽ cái tên còn xa lạ với 1 số người, nhưng có ai đã từng lui tới VN còn chuộng văn nghệ ca hát phòng trà về đêm tại Saigon, chắc hẳn cũng không xa lạ gì với tên tuổi Trọng Bắc, giọng hát trụ cột của phòng trà WE trên đường Lê Quý Đôn, Saigon.

13
0730PM, chương trình bắt đầu qua lời giới thiệu của ca sĩ Ngọc Diệp (Jade Leaf), căn phòng với capacity khoảng hơn 100 người đã gần kín. Ở đây, người lược thuật xin chỉ mạn phép chú trọng vào phần trình diễn của Trọng Bắc, người ca sĩ mới từ VN sang, ghé ngang San Jose để có buổi nhạc thính phòng này.
Sau phần 2 ca khúc mở đầu của Ngọc Diệp, Trọng Bắc phong thái nhà nghề tự tin, bước ra cúi chào khán giả, đã có sẵn một số fans nhiệt tình cổ võ, với dáng dong dỏng gầy, giọng nói từ tốn, mở đầu anh tự giới thiệu tình khúc nổi tiếng của Trường Sa “Xin Còn Gọi Tên Nhau”. Giọng cao, mạnh, truyền cảm, quyện theo phần nhạc đệm điêu luyện ban nhạc Lê Huy, Trọng Bắc đã dễ dàng chinh phục khán thính giả ngay khi chấm dứt nhạc phẩm đầu tiên này.
Giới thiệu ca khúc kế tiếp, Trọng Bắc cho biết không hiểu sao “trong nước” đã cấm không cho anh thu âm bài này vào CD, anh nhắc tên tác giả, người nhạc sĩ sau khi rời Saigon đã cảm xúc viết ca khúc nổi tiếng này với đề tựa “Biết Bao Giờ Trở Lại” và người này chính là nhạc sĩ tên tuổi Ngô Thụy Miên.
Anh nhẹ nhàng êm ả trầm buồn trong tiết điệu kể lể.
“Tôi đã đi, tôi vẫn đi mãi biết bao giờ trở lại. Saigon ơi, sao em còn mãi trong tim tôi…..”. Giọng tâm tình tha thiết, anh dẫn mọi người lắng nghe tới những lời tình tự cuối “Tôi vẫn tin, tôi vẫn tin mãi, sẽ có ngày trở lại. Để cùng em rong chơi tìm những cánh sao rơi. Cho tiếng hát buồn ngày nào nhịp vang phố vui, nụ cười về trên nét môi. Hạnh phúc tôi, một góc trời…..”. Quả một ca khúc tràn đầy ý nghĩa! Căn phòng tràn ngập bồi hồi cảm xúc…

Tiếp, “Trên Ngọn Tình Sầu” một tuyệt khúc, khó hát của Từ Công Phụng, Trọng Bắc trình diễn trôi chẩy, giọng lên cao dễ dàng thoải mái, có lẽ như càng hát càng “sung” như anh tâm tình.

Những nhạc phẩm kế tiếp, suốt hơn hai tiếng phần trình diễn của mình, Trọng Bắc hát theo yêu cầu khán giả. Trở ngại lớn anh và ban nhạc Lê Huy đã không được tập trước với nhau, nhưng có nghe mới thấy tài nghệ của tay đệm Piano kiêm Keyboard Lê Huy kể cả người Guitar Lead. Chỉ cần ca sĩ cất giọng , ban nhạc đã cấp kỳ đệm ngay vào ton & melody của ca khúc.

Đặc biệt tình khúc “Biển, Nỗi Nhớ và Em” thơ Hữu Thỉnh, Phú Quang phổ nhạc, Trọng Bắc, ban nhạc trình diễn thật tuyệt, nhạc, lời, thơ hòa quyện miên man, khiến người nghe thẫn thờ.

“ Anh xa em, trăng cũng chợt lẻ loi thẫn thờ…Biển vẫn thấy mình dài rộng thế. Xa cánh buồm một chút, đã cô đơn…Gió âm thầm không nói mà sao núi phải mòn. Em đâu phải là chiều, mà nhuộm anh đến tím….”
Thú thật, sau có hai ca khúc khán giả yêu cầu “Hư Ảo” của Diệu Hương, “ Ám Ảnh” Hà Lan Phương, lần đầu nghe Trọng Bắc hát cũng thấy “phê” quá.

“Kiếp Nào Có Yêu Nhau”, “ Rồi Đây Anh Sẽ Đưa Em Về Nhà” của cố nhạc sĩ Phạm Duy, “Đời Đá Vàng” của Từ Công Phụng..vv.. còn nhiều nữa, Trọng Bắc đã tận tụy hát với tất cả niềm đam mê, khán giả rất hài lòng, vẫn luôn tiếp tục yêu cầu, muốn anh hát mãi, nhưng rất tiếc thời gian giới hạn…

Đặc biệt, nếu để ý, Trọng Bắc ngoài khả năng hát những ca khúc trữ tình, anh đã hát vững vàng dễ dàng nhiều thể điệu khác nhau như “Delilah” (Valse), “Tình Đã Vụt Bay” (Rumba), “Phố Buồn” (Tango)…….

Quả thực anh đáng là một ca sĩ chuyên nghiệp, nổi tiếng cũng không lạ gì..

Thêm, vài ba chuyện “linh tinh bên lề ” trong lúc nghỉ giải lao cho vui:

– Tại sao Trọng Bắc đã không lựa cho riêng mình 1 phong thái trình diễn mà anh lại chọn Quang Dũng để bắt chước y hệt (duplicate) ? Điều này đa số đều thấy, lẽ đâu lại là 1 sự trùng hợp người giống người. Có người cho biết mấy năm trước phong thái trình diễn Trọng Bắc ở Saigon lừng khừng, khác, không như hiện nay.

– Các ca sĩ hải ngoại về VN cũng như ca sĩ trong nước qua Mỹ ngày càng đông. Có lẽ đã mang nặng Nghiệp Cầm Ca, nên đa phần vẫn phải còn nặng nợ với danh vọng, sân khấu, khán giả, hơn cả “có thực mới vực được đạo”, ai cũng cần “thực” để sống. Khách quan, tại hải ngoại đã gần 20 năm qua, ngay tại Orange County, trung tâm tỵ nạn CS đông người Việt nhất, các vũ trường, phòng trà đã lần lượt đóng cửa. Còn lại có chăng là những tụ điểm khiêu vũ “hát cho nhau nghe”………

Cuối, một buổi tối Chủ Nhật nghe Trọng Bắc cũng qua.

Bỗng dưng ra về, chợt một thoáng bâng khuâng nhớ quá khứ của một thời Saigon. Người ta “nào ai có thể tắm hai lần trên cùng một dòng sông…” !!!

Trịnh Hoàng.
Để nhớ Chủ Nhật 25/9/16.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

MỚI CẬP NHẬT

spot_img