VALENTINE ‘S DAY (Ngày Của Tình Yêu Thương)

0
1117

NGUYỄN-CHÂU

Ngày 14 tháng Hai là một ngày rất đặc biệt tại Âu Châu và Mỹ Châu. Trong ngày này, người ta gởi những tấm thiệp chúc mừng gọi là “Valentines” cho những người mình yêu quí, những bạn thân và những thành viên trong gia đình.

Trên những tấm thiệp Valentines người ta thấy có nhiều nội dung với ý nghĩa khác nhau:

– Những thiệp Valentines mang những câu thơ lãng mạn, tình tứ, thiết tha…

– Những thiệp Valentines mang hình ảnh hài hước và lời chú thích tinh nghịch liên quan đến yêu thương….

– Những thiệp Valentines với nội dung nhẹ nhàng:“Be My Valentine.”

Tại Hoa Kỳ, vài tuần hay cả tháng trước ngày 14 tháng Hai, các loại thiệp Valentines và các đồ trang hoàng Valentine đã được bày bán khắp các cửa hàng…

Học sinh tại các trường cũng trang hoàng lớp học với những mẫu giấy hình trái tim, với dây hoa và những lời yêu thương cho thầy, cô giáo, và cho bạn học trong dịp Valentine’ s Day.

Vào đúng ngày Valentine, nhiều người tặng hoa, kẹo bánh và quà cho bạn hữu và người thân. Ðây là một truyền thống rất dễ thương, và mang rất nhiều thông điệp từ trái tim yêu thương. Trong ngày này mọi người sẽ nói với nhau, sẽ gửi đến nhau những lời yêu thương, những tình cảm nồng ấm, những tình yêu mặn mà, hoặc những nỗi niềm và ước mơ tha thiết nhất trong cuộc đời hướng về một người nào đó mà lòng mình hằng tưởng nhớ… không nguôi…

Phải chăng cần dành cho thương yêu từ con tim thổn thức, khao khát, ít nhất là một ngày trong năm, để con người có dịp nói với nhau những lời dịu dàng âu yếm giữa biển đời đầy bão táp phong ba, gió thét mưa gào của bất trắc, của hận thù và cay đắng!?

LAI LỊCH NGÀY VALENTINE

Ngày Valentine đã bắt đầu như thế nào? Do từ đâu? Vấn đề nguồn gốc này đã được các nhà nghiên cứu giải thích theo nhiều cách khác nhau.

Một số người cho rằng Valentine có nguồn gốc từ thời thượng cổ La Mã. Thời đó, người La Ma ờ có một cuộc lễ gọi là “LUPERCALIA”, một số chuyên gia khác cho rằng lễ hội này có liên hệ đến một hay nhiều vị thánh thuộc Thiên Chúa Giáo sơ thủy. Ngoài ra, còn có người kết hợp ngày Valentine với niềm tin của người Anh thời xưa, cho rằng ngày 14 tháng Hai hằng năm là ngày mà các loài chim “chọn bạn đời” để chắp cánh bay vào cuộc sống lứa đôi.

Như vậy, ngày Valentine xem như có ba nguồn gốc được đưa ra. Chúng ta hãy xem thực chất của ngày dành cho Tình Yêu Thương này như thế nào.

Trước hết, ngày lễ Lupercalia của La Mã, có ý nghĩa như thế nào. Người La Mã cổ đại đã cử hành lễ hội Lupercalia vào ngày 15 tháng Hai, với mục đích nhắc nhở mọi người củng cố và bảo đảm công cuộc phòng thủ chống lại sự xâm nhập của chó sói hung dữ. Trong lễ hội này có những hình thức tượng trưng như: những người trai trẻ thì đánh đấu mọi người với những mảnh da thú; còn đàn bà thì dùng những cú đấm vì họ nghĩ rằng sự va chạm sẽ làm cho họ sinh nhiều con cái…

Vào thế kỷ thứ I, năm 43, sau khi Ðế Quốc La Mã chinh phục nước Anh, nguời Anh đã mượn khá nhiều lễ hội của La Mã. Một số văn sĩ đã kết hợp lễ Lupercalia với Ngày Valentine vì có sự trùng hợp về ngày tháng và về ý niệm sinh đẻ nhiều con…

Thứ đến, là sự liên hệ đến một vài vị thánh. Trong Thiên Chúa Giáo sơ thủy, có ít nhất hai vị thánh có tên là Valentine. Có hai truyền thuyết khác nhau.:

1.-/ Thoại thứ nhất kể rằng: Vào năm 200, tức cuối thế kỷ thứ hai, Hoàng Ðế La Mã là Claudius Ðệ Nhị, cấm những thanh niên trai tráng kết hôn. Vì hoàng đế nghĩ rằng những người độc thân sẽ là những chiến sĩ can trường. Một vị linh mục tên là Valentine, vì thương yêu những người trẻ tuổi, đã không tuân lệnh vua, bí mật làm lễ hôn phối cho các cặp vợ chồng trẻ.

2.-/ Thoại thứ hai kể rằng: Valentine là một vị thánh của Thiên Chúa Giáo sơ thủy, ông ta thường kết bạn với nhiều trẻ em. Người La Mã bỏ tù ông, vì ông từ chối không thờ phụng các vị thần La Mã. Khi ông ở trong tù, các em bé nhớ nhung ông và đã nhét những lá thư yêu thương qua cửa sổ phòng giam. Câu chuyện này cho thấy tại sao người ta gửi cho nhau những tín hiệu và thông điệp yêu thương trong ngày Valentine.

Một thoại khác còn kể thêm là trong thời gian ở tù, Valentine đã chữa sáng mắt cho một đứa con gái mù.

Phần lớn các thoại đều nói là Thánh Valentine bị xử tử vào ngày 14 tháng Hai, khoảng năm 269. Và vào năm 496, Giáo Hoàng Gelasius Ðệ Nhất đã phong cho ngày 14 tháng Hai là ngày Thánh Valentine.

Một nguồn gốc khác căn cứ vào ngôn ngữ. Tại Âu Châu, nguời Pháp thuộc vùng Normandie, trong ngôn ngữ nói hàng ngày vào thời Trung Cổ, có chữ “GALANTINE” khi phát âm nghe tương tự như VALENTINE và có nghĩa là “người hào hoa” hay “người yêu” (gallant or lover). Sự tương tự này đã làm cho người ta liên tưởng và nghĩ rằng Thánh Valentine là một vị thánh đặc biệt của những đôi tình nhân, của những người yêu thương nhau.

Về quan niệm của người Anh xưa, cho rằng ngày 14 tháng Hai là ngày các loài chim tìm đôi bạn thì cần phải lưu ý một điều, là vào thời đó, người ta dùng một loại lịch khác với bây giờ: trước năm 1582, ngày 14 tháng Hai là ngày 24 tháng Hai bây giờ.

Nội dung của các thoại trên đây tuy cách kể khác nhau, nhưng ý nghĩa chính đều quy về sự tìm bạn, tình thương và tình yêu thương đôi lứa trong vũ trụ thiên nhiên… Như vậy, có thể nói nguồn gốc và ý nghĩa của Ngày Valentine là tổng hợp của tất cả ba nguồn trên, cùng với niềm tin tưởng rằng mùa xuân là mùa của những cặp tình nhân, của những kẻ yêu nhau.

Ngày 14 tháng Hai dương lịch gần với tiết lập xuân trong Âm Lịch. Người phương Ðông cũng quan niệm Xuân là mùa của Tình Yêu. Mùa Xuân là lúc Vũ Trụ khai thái, tất cả vạn vật đều bừng dậy, tràn đầy nhựa sống. Mùa Xuân là mùa của hôn nhân tức là của yêu thương và hòa hợp.

Ðối với dân tộc Việt Nam, ba ngày đầu Xuân, mồng một, mồng hai, mồng ba Tết (thường trùng với giữa tháng Hai dương lịch) là những ngày mọi người đều rất dễ thương với nhau. Những lời chào mừng chúc tụng nhau đầy thiện cảm được trao đổi khắp mọi nơi người ta gặp gỡ nhau. Tục ngữ Việt Nam có câu:“Tử tế với nhau như ba ngày Tết.”

Ý NGHĨA CỦA NGÀY VALENTINE

Tóm lại, có thể nói Ngày Valentine là Ngày Của Tình Yêu Thương. Ðây là loại Tình Yêu bao dung phát xuất từ con tim chân chính, từ lòng vị tha, vì người, vì đời… Một loại “Tâm Vô Lượng” trong tinh thần Phật giáo, Kiêm Ái trong Mặc Tử và Bác Ái của Thiên Chúa…

Có lẽ, mọi thứ trên trần gian rồi sẽ phai tàn theo thời gian vô thường, cái tồn tại là Tình Yêu Thương Ðích Thực (Authentic Love). Vì tình yêu đích thực khác với tình yêu chiếm đoạt, hay Tình yêu tư hữu hóa.

Trong tình yêu đích thực, hai khuynh hướng CHO và NHẬN được hỗ tương hài hòa. Yêu ai là tự nguyện trách nhiệm niềm vui, nỗi buồn của người ấy. Mỗi giọt nước mắt, mỗi nụ cười, mỗi tiếng thở dài, mỗi cái rùng mình hay những trăn trở… băn khoăn… của người mình yêu, đều là những “biến cố”, cần có sự quan tâm đúng mức. Tình Yêu Thương đích thực không phải là những lời tán dương vẻ đẹp tự nhiên hay nhân tạo, không phải là những món quà đắt giá trên thị trường kim hoàn, quần áo, xe cộ… tặng cho người yêu trong các dịp lễ lạc… mà chính là những mối quan tâm nhỏ nhặt tầm thường, trong cuộc sống hàng ngày, cái mà ngưòi Pháp gọi là “les petites attentions”, hoặc người Mỹ nói là”every little thing “on you..”

Tình yêu chiếm đoạt là một cách thế tư hữu hóa đối tượng, biến người yêu thành một thứ của cải riêng, không quan tâm đến những tâm tư, tình cảm và khuynh hướng riêng của con người mà mình nói là đã yêu. Các nhà phân tích tâm lý nhận thấy rằng trong thứ tình yêu tư hữu này, người ta nói là yêu người khác, tưởng là yêu người, nhưng sự thật thì họ chỉ yêu bản thân mình mà thôi. Tất cả những hành vi CHO ở đây đều chỉ là một cách “đầu tư” nhằm vào lợi lộc trong tương lai, CHO với mục đích là để “bao vây đối tượng”… kiểu câu cá với ý tưởng NHẬN lại đủ vốn lời khi cá mắc mồi và cắn phải câu.

Vì sao? Vì đối tương yêu đương chỉ là phương tiện làm cho họ thỏa mãn những khát vọng, những ao ước, hoặc khuynh hướng chinh phục của họ mà thôi. Bằng chứng là những người yêu theo lối này thường khoe khoang về thành quả chinh phục được người đẹp hay người hùng … vân vân, sau bao nhiêu ngày gian khổ… Ðây là “TỰ YÊU” chứ không phải là thực sự yêu người… do đó, tình yêu tư hữu thường đưa đến đổ vỡ hoặc bạo hành… Nhưng thật tội nghiệp cho cuộc đời, bởi loại tình yêu này lại thường xảy ra nhất trong cuộc đời…

Ngưòi ta còn nói đến một loại tình yêu thứ ba nữa, đó là Tình Yêu Lý Tưởng hay Dâng Hiến (Ideal Love / Oblation) chỉ có CHO mà không cần thiết phải NHẬN lại. Yêu là muốn cho người mình yêu được hạnh phúc, kể cả khi hạnh phúc ấy không đáp lại ước mong của bản thân mình. Loại này hiếm nhưng không phải là không có!

NGÀY VALENTINE TRÊN THẾ GIỚI

Tại Hoa Kỳ và Gia Nã Ðại, trẻ em trao đổi thiệp Valentines với nhau. Tại một vài trường, học sinh tổ chức một buổi họp mặt cho lớp và để hết các thiệp Valentines vào trong một cái hộp đã cùng nhau trang hoàng. Vào buổi chiều của ngày Valentine, thầy giáo hoặc một học sinh được đề cử ra phát những thiệp Valentines cho mọi người. Các học sinh thường được hướng dẫn tự làm lấy những thiệp Valentines bằng giấy mầu xanh đỏ, vẽ hình lên hoặc cắt từ các tạp chí. Nhiều khi các học sinh mua những vật dụng cần thiết để làm thiệp, rồi chọn những thiệp lớn nhất, ngộ nghĩnh nhất để gửi cho cha mẹ và thầy, cô giáo.

Các học sinh lớn và sinh viên thì tổ chức những buổi dạ hội có khiêu vũ trong ngày Valentine. Họ dọn những rổ bánh kẹo, những khay quà và những tấm thiệp được trang hoàng bằng những trái tim và hình một cậu bé mập mạp, có cánh tay cầm cung tên gọi là CUPIDS tức là Thần Ái Tình (Cupido),

Người trưởng thành thì tặng hoa, những hộp kẹo bánh hoặc những món quà khác cho vợ, chồng, hoặc cho người yêu quí. Hầu hết những hộp kẹo bánh Valentine đều có hình trái tim và buộc bằng dây vải màu đỏ.

Tại Âu Châu, người ta cử hành lễ Valentine theo nhiều lối khác nhau.

Trẻ em Anh Quốc đi hát những bài đặc biệt dành cho Valentine’s Day và nhận quà tặng như kẹo, bánh, trái cây, hoặc tiền. Một vài nơi ở Anh Quốc người ta làm bánh Valentine với hạt ca-run thơm, mận hoặc nho.

Tại Ý, người ta tổ chức những bữa tiệc trong ngày Valentine.

Tại Anh Quốc và Ý Ðại Lợi, vào ngày Valentine, một số phụ nữ chưa lập gia đình, thức dậy trước khi mặt trời mọc. Họ đến ngồi bên cửa sổ, có khi hàng giờ, nhìn ra đường, chờ đợi một người đàn ông đi ngang qua. Tục lệ này do sự tin tưởng rằng, người đàn ông đầu tiên mà họ nhìn thấy trong ngày Valentine, chính người đó, hoặc một chàng tương tự, sẽ cưới họ trong vòng một năm. Tục lệ này đã được nhà viết kịch nổi tiếng William Shakespeare mô tả trong kịch bản Hamlet (1603). Cô Ophelia đã hát rằng:

“Good morrow! Tis St. Valentine ‘s Day

All in the morning betime,

And I a maid at you window,

To be your valentine!”

(Một ngày tươi đẹp! Ðây ngày Valentine

Tất cả trong buổi sáng sớm

Và em là cô gái bên song cửa

Mong sẽ là người yêu dấu của anh!”)

Tại Ðan Mạch, người ta gửi những đóa hoa màu trắng ép khô, gọi là “giọt tuyết” cho bạn hữu. Ðàn ông Ðan Mạch cũng gửi một loại thiệp Valentine gọi là “gaekkebrev” một loại thư vui đùa (joking letter).

Các chàng viết một vần thơ nhưng không ký hẳn tên mình ra. Thay vào dó, ký tên bằng những dấu chấm nhỏ, một chấm vào mỗi chữ (letter) của cái tên thật. Nếu các nàng đoán được tên chàng, chàng sẽ thưởng cho nàng một cái trứng Phục Sinh vào Ngày Chúa Sống Lại. Trò chơi này cũng có một số người ở Anh làm trong Ngày Tình Yêu.

CÁC TỤC LỆ TRONG NGÀY VALENTINE QUA CÁC THỜI ÐẠI

Qua thời gian và không gian, nếp sống và phong tục tập quán đều biến đổi. Các tục lệ về ngày Valentine cũng không thể ở ngoài qui luật. Những tục lệ đầu tiên bây giờ không còn như cũ nữa. Người Anh có lẽ đã cử hành Lễ Valentine từ thế kỷ thứ 14. Mộỳt vài sử gia đã truy tầm nguồn gốc của tục gởi những vần thơ vào Ngày Valentine, và cho rằng do một người Pháp tên là Charles, Công Tước của Orléans đặt ra.

Công Tước Orléans, Charles, bị quân Anh quốc bắt trong trận Agincourt vào năm 1415. Ông ta bị đưa về giam tại Anh. Vào ngày Valentine, Charles đã gửi cho vợ một bài thơ tình từ phòng giam tại nhà tù Tower of London.

Nhiều tục lệ bao gồm việc những người phụ nữ độc thân phải tìm cách biết được chồng tương lai của mình là người như thế nào. Ðàn bà Anh Quốc thế kỷ thứ 17, viết tên người đàn ông trên những mảnh giấy nhỏ, cuốn quanh một viên đất sét rồi thả chúng vào nước. Tờ giấy đầu tiên nổi lên trên mặt nước, sẽ được xem như có tên của một người tình đích thực.

Cũng trong thập niên 1700, những phụ nữ chưa lập gia đình kết năm lá nguyệt quế vào gối kê đầu của mình, vào buổi tối, trước Ngày Valentine. Một lá ở chính giữa và bốn lá ở bốn góc. Nếu loại bùa phép này linh, thì những phụ nữ này sẽ thấy người chồng tương lai của mình trong giấc mộng.

Tại miền trung nước Anh, quận Derbyshire, có tục lệ: các phụ nữ trẻ đi vòng quanh giáo đường từ ba đến 12 lần vào lúc nửa đêm, vừa đi vừa đọc những câu thơ như sau:

I sow hempseed

Hempseed I sow.

He that loves me best,

Come after me now.

(Em gieo hạt giống mê say

Hạt giống mê say em gieo.

Chàng, người yêu em nhất,

Hãy đến bên em lập tức.)

Người ta tin rằng sau khi lặp lại nhiều lần bài thơ trên, tình yêu trung thực sẽ hiện ra với những người thành tâm.

Một trong các tục lệ lâu đời nhất, đó là tục viết tên những người phụ nữ trên những mảnh giấy, gấp lại, bỏ vào một cái bình. Mỗi người đàn ông sẽ bốc ra một mảnh giấy. Người phụ nư ờ có tên trên giấy ấy sẽ trở thành “Valentine” tức “người yêu quý” của anh ta, và sẽ được chàng dành cho sự quan tâm đặc biệt…

Nhiều người đàn ông đã tặng quà cho các Valentine của họ. Một vài nơi, các chàng trai trẻ tặng cho “người yêu quý” một đôi bao tay. Các chàng giàu có sẽ tổ chức những buổi dạ vũ linh đình để vinh danh Valentine của mình.

Vào thập niên 1700, có tục lệ vào ngày Valentine, các nhóm bạn hữu họp mặt để rút thăm tên người Valentine của mình. Khi đã rút được tên Valentine của mình, vài ba ngày sau, người đàn ông sẽ mang tên người phụ nữ trên tay áo của mình. Ðây là nguồn gốc của câu tục ngữ “mang trái tim mình trên cánh tay” (Wearing his heart on his sleeve).

“Mang trái tim mình trên cánh tay” là câu nói có ý nghĩa rất thâm thúy. Tên người phụ nữ Valentine được xem như trái tim mình và mang trên cánh tay. Như vậy có nghĩa là trong tình cảm nói chung, trái tim là quan trọng hơn hết, mọi thứ khác chỉ là phụ tùy. Trong tình yêu nam nữ trái tim là chính, tâm hồn là quan trọng nhất. Ngược lại thì không phải là tình yêu thực, mà chỉ là tình dục trá hình…

Các phong tục của Ngày Valentine đã biến đổi qua thời gian. Vào các thập niên 1700 và 1800, tục lệ gửi những thông điệp tình yêu lãng mạn đã dần dần thay thế tục lệ gửi quà. Nhiều nơi đã bán những cuốn sổ tay gọi là “Valentine Writers” trong đó có in những bài thơ trữ tình, lãng mạn có thể chép lại để gửi đi, và những chỉ dẫn cùng gợi ý về việc sáng tác những vần thơ tình…

NHỮNG TẤM THIỆP VALENTINE CÓ TỪ BAO GIỜ?

Mãi đến đầu thập niên 1800, người ta mới thấy những tấm thiệp đầu tiên. Hầu hết đều để trắng bên trong cho người ta viết những điều muốn viết.

Bà Kate Greenway, một họa sĩ người Anh đã trở thành nổi tiếng nhờ những tấm thiệp Valentine của mình. Phần lớn các tấm thiệp của Kate đều vẽ những bức tranh duyên dáng, dễ thương với chủ đề các trẻ em vui chơi hạnh phúc và những khu vườn êm ái, tươi vui…

Tại Mỹ, nhà sản xuất thiệp Valentine đầu tiên là một phụ nữ có tên là Esther A. Howland, thuộc thành phố Worcester, tiểu bang Massachusetts. Vào năm 1847, sau khi nhìn thấy thiệp Valentine tại Anh Quốc, bà đã quyết định tự làm lấy cho mình một vài cái. Bà đã làm ra những tờ mẫu và đã nhận đựợc đơn đặt hàng từ các cửa hàng. Sau đó bà thuê một số người trẻ tuổi để tiến hành việc sản xuất thiệp Valentines. Xí nghệp của Howland đã bành trướng rất mạnh và nhanh chóng, số thương vụ mỗi năm lên tới một trăm ngàn Mỹ kim đầu tư. Nhiều tấm thiệp của thập niên này được vẽ bằng tay. Một số thiệp vẽ hình thần Ái Tình hiện thân trong một cậu bé mập mạp tay cầm cung tên nhắm bắn xuyên một trái tim… Phần lớn các thiệp đều có thắt dây bằng lụa, một số được trang trí bằng hoa khô, lông chim, nữ trang giả, vỏ ốc xa-cừ, vỏ ốc biển, hoặc tua chỉ. Một số thiệp tốn kém đến khoảng 10 Mỹ kim.

Vào giữa thế kỷ thứ 18 và đầu thế kỷ 19, người ta thường gửi những thiệp Valentines hài hước gọi là “đồng xu đáng sợ” ( penny dreadfull) vì những thiệp này chỉ bán có một xu mà thôi. Nội dung chứa những câu thơ nguyền rủa như:

“Tis all in vain your simpering looks,

You never can incline,

With all your bustles, stays, and curls,

To find a valentine.”

(Tất cả đều vô ích

Những cái nhìn ngờ nghệch của bạn

Bạn sẽ chẳng khi nào có thể thuyết phục được

Bằng tất cả những hối hả rộn ràng, viếng thăm và quay quắt

Ðể tìm được một người tình yêu quí.)

Ngày nay những cái thiệp loại này đã trở thành đồ cổ trong các bộ sưu tập…

Valentine ‘s Day là một truyền thống tốt đẹp của các dân tộc Âu, Mỹ. Họ đã dành một ngày riêng cho Tình Yêu Thương, như đã dành một ngày cho Mẹ, cho Cha và các tình cảm cao quí khác…

Dĩ nhiên, tình yêu thương phải hiện diện thường trực trong cuộc sống để con người có đủ niềm tin, niềm an ủi và niềm vui để dìu nhau vượt qua những chặng đường đời đầy gai góc và gian khổ. Nhưng vì những thúc bách của cuộc sống, tình yêu thương chỉ hiện diện một cách tiềm tàng, thầm lặng… Tiềm tàng và thầm lặng đến nỗi những người trong cuộc, đôi khi không còn cảm thấy chút gì ấm nồng, tha thiết của tình yêu nữa… rồi đâm ra buồn chán cho nhịp đơn điệu, tẻ nhạt… Một số người đã đi tìm cảm xúc và cảm giác mới, thay vì tìm lại “người yêu dấu xưa”, “ tìm lại Valentine của một thuở một thời”… Trong tình cảnh này, Ngày Valentine sẽ là dịp giúp cho người đời hâm nóng lại những tình cảm đã cơ hồ như nguội lạnh vì hoàn cảnh, tạo điều kiện thuận lợi cho những người yêu nhau ôn laị cuộc tình đầy kỷ niệm buồn vui, cho tình lên men thắm… Valentine cũng sẽ là cơ hội tốt cho những chàng, những nàng còn quá rụt re,ợ e thẹn trước ngưỡng cửa tình yêu, nhân dịp này mà bạo dạn bày tỏ lòng mình.

Hỡi những kẻ từng yêu mà không dám tỏ, hãy nương theo Valentine ‘s Day. Ngày của Tình Yêu Thương để nói lên tất cả những tình cảm chân thành đang rạo rực, xao xuyến và thiêu đốt trong tim. Hỡi những ”lòng son đang cháy ước mơ!” Hãy tin rằng trên cõi đời ngắn ngủi này, sẽ không có một người nhan sắc nào là vô tình cả! Chỉ là do không gõ đúng cửa mà thôi!

Hãy gọi đi! thế nào cũng sẽ có lời đáp lại!

Hãy gõ cửa đi! thế nào cũng sẽ có người mở cửa ra!

Hãy bước đi! thế nào cũng có lúc đến!

Hãy nhắm mắt lại, và mở lòng ra… Với tình yêu thương, tất cả mọi sự việc đều có thể đến!

“With Love All Things Are Possible”

Hãy tin đi! Happy Valentine!

Thánh Valentine