Phúc thẩm liên bang xét xử miễn tố tổng thống – 4 điểm nổi bật 

0
2660

(CaliToday) – Toà Phúc thẩm liên bang D.C vào sáng thứ Ba lắng nghe tranh cãi về vấn đề liệu Hiến pháp Hoa kỳ có cho các cựu tổng thống được miễn truy tố hình sự hay không. 

Toà xét xử liên bang trước đó đã phản đối lập luận của ông Donald Trump, vốn là vấn đề cuối  cùng cũng do Tối cao Pháp viện phán quyết. 

Công tố viên Đặc biệt Jack Smith truy tố cựu Tổng thống 4 tội danh hình sự liên quan đến âm mưu đảo ngược kết quả bầu cử 2020. 

Toán biện hộ cho rằng, bản cáo trạng ở D.C nên được bãi bỏ vì thân chủ của họ là tổng thống vào lúc hành động bị truy tố diễn ra. Luật sư cũng cho rằng, truy tố cựu Tổng thống nỗ lực đảo ngược bầu cử sẽ bất trùng khả tố, vì ông đã bị Quốc hội luận tội và tha bổng những hành động dính tới vụ bạo động Điện Capitol ngày 6 tháng 1 năm 2021. 

Dưới đây là những điểm nổi bật trong phiên điều trần miễn tố tổng thống vào ngày 9 tháng 1. 

1. Hội đồng Phúc thẩm  hoài nghi miễn  tố tổng thống ở mức độ như bị đơn tuyên bố. 

Luật sư D. John Sauer lập luận rằng, quyền miễn tố tổng thống có nghĩa là một tổng thống không thể bị truy tố vì bất cứ hành động nào nằm trong nhiệm vụ của nhiệm kỳ, trừ khi ông ta bị Hạ viện bỏ phiếu luận tội, và sau đó bị Thượng viện kết tội.

Thẩm phán Florence Y. Pan do Tổng thống Biden bổ nhiệm đặt câu hỏi ngược lại: Liệu một tổng thống có thể bị truy tố hình sự nếu ông ta ra lệnh cho Đội Đặc nhiệm SEAL 6 ám sát một đối thủ chính trị hay không. Tình huống ra lệnh cho quân đội thực hiện việc gì đó rõ ràng nằm trong trách nhiệm và quyền hạn của tổng thống, nhưng việc sát hại đối thủ cũng rõ ràng vi phạm pháp luật.

Sauer cho rằng, Bộ Tư pháp chỉ có thể buộc tội tổng thống vì đã ra lệnh như vậy nếu Thượng viện bỏ phiếu kết tội ông ta trước. Pan cũng hỏi liệu tổng thống có thể bán lệnh ân xá hoặc bí mật hạt nhân mà không bị truy tố hay không, luật sư cũng đưa ra câu trả lời tương tự. 

Thẩm phán tỏ vẻ hoài nghi, cho rằng, việc thừa nhận một tổng thống có thể bị truy tố vì những hành vi chính thức trong bất cứ trường hợp nào, như sau thủ tục luận tội và kết án của quốc hội, sẽ làm suy yếu luận lý quyền miễn tố tổng thống.

“Cho rằng, ông đang thừa nhận các tổng thống có thể bị truy tố hình sự, chẳng phải điều đó đã thu hẹp các vấn đề trước chúng ta thành ‘Liệu một tổng thống có thể bị truy tố mà không bị luận tội và kết án trước không?’’ Thẩm phán nói. “Một khi ông thừa nhận, các tổng thống có thể bị truy tố trong một số trường hợp thì những lập luận khác của ông sẽ sụp đổ, không còn giá trị.” 

Các Thẩm phán rõ ràng lo ngại  việc chấp nhận lập luận của ông Trump sẽ mở chiếc hộp Pandora chứa những hành động khủng khiếp của các vị tổng thống tương lai không bị kiểm soát và chế tài. 

Toán luật sư biện hộ ông Trump tìm cách thuyết phục Hội đồng Phúc thẩm 3 Thẩm phán rằng, rủi ro thực sự là để vụ việc này tiếp diễn, và mở ra cánh cửa cho các tổng thống tương lai thực thi nhiệm vụ trong lo sợ bị truy tố khi rời nhiệm kỳ. 

2. Phán quyết của Hội đồng Phúc thẩm có thể dựa vào diễn dịch của họ về Điều khoản luận tội trong Hiến pháp Hoa Kỳ

Luật sư và công tố, cũng như các thẩm phán đã dành nhiều thời gian tranh luận về Điều khoản Luận tội trong Hiến pháp. Theo diễn dịch của luật sư biện hộ về điều khoản này thì một tổng thống chỉ có thể bị truy tố hình sự khi Quốc hội đã bỏ phiếu đồng thời luận tội và kết tội ông ta.

Hạ viện đã bỏ phiếu luận tội Trump những hành động liên quan đến vụ bạo động Điện Capitol ngày 6/1, nhưng Thượng viện sau đó đã bỏ phiếu tha bổng. Vào lúc đó, một số nhà lập pháp Cộng hoà cho biết, họ không bỏ phiếu kết tội vì Bộ Tư pháp có thể điều tra và quyết định liệu có truy tố ông Trump hay không. 

Công tố viên James Pearce bất đồng với diễn dịch của biện hộ, và cảnh báo, sẽ ít trách nhiệm với một tổng thống vì ông ta chỉ có thể bị truy tố nếu bị Thượng viện kết tội trước. Điều đó sẽ vi phạm phân chia quyền lực, công tố nói. 

Theo Pearce, Alexander Hamilton – nhà lập quốc  được các luật sư của Trump viện dẫn – tuyên bố, một đương kim tổng thống không thể bị truy tố hình sự nhưng ông không loại trừ việc truy tố hình sự một cựu tổng thống.

3. Hội đồng Phúc thẩm 3 Thẩm phán đặt câu hỏi liệu những hành động của ông Trump chung quanh bạo động Điện Capitol ngày 6 tháng 1 có nằm trong nhiệm vụ chính  thức của nhiệm kỳ tổng thống hay không, và liệu toà Phúc thẩm có nên quyết định vấn đề này. 

Luật sư Sauer cho rằng, những hành động của thân chủ chung quanh ngày 6 tháng 1, trong đó có các cuộc họp với Bộ Tư pháp, và các thành viên Quốc hội về việc ông tin rằng bầu cử bị đánh cắp, nằm trong nhiệm vụ tổng thống. 

Biện hộ cũng cho rằng, những ý kiến của ông Trump trên mạng xã hội Twitter (X),  một số trong đó kêu gọi những người ủng hộ tuần hành về Điện Capitol vào ngày 6/1, tạo thành kênh liên lạc chính thức của tổng thống.

“Tất cả những ý kiến đó rõ ràng miễn tố,” Sauer nói. 

Thẩm phán Karen Henderson do Tổng thống George H.W. Bush bổ nhiệm  tỏ ra hoài nghi về tuyên bố đó. “Tôi nghĩ thật nghịch lý khi nói rằng nghĩa vụ hiến pháp của ông ấy là đảm bảo luật pháp được thực thi một cách trung thực lại cho phép ông ấy vi phạm luật liên bang.”

Nhưng bà Henderson cũng nêu ra ý kiến trả lại cho Toà liên bang cấp dưới làm rõ liệu những hành động của Trump có nằm trong nhiệm vụ chính thức, hay là hành động tự ý và thực hiện dưới tư cách là một công dân tư. 

4. Trump đích thân đến tham dự phiên điều trần, cho thấy ông ta tin bị truy tố hình sự có thể thúc đẩy chiến dịch tranh cử tổng thống. 

Cựu Tổng thống đến toà, ngồi xa phía bên tay phải bàn Phúc thẩm. 

Trump không bắt buộc phải đến toà, và bị cáo thông thường không dự phần tranh luận kháng án. Nhưng quyết định đến toà thay vì đổ thêm nhiều thời gian ở Iowa trước bầu cử sơ bộ diễn ra cho thấy tín hiệu khác,  ông ta có kế hoạch kết hợp biện hộ hình sự của mình với các thông điệp tranh cử 2024. 

Trong một thông điệp tranh cử gần đây, Trump tuyên bố  gây hiểu lầm với những người ủng hộ rằng Biden đang “ép tôi vào phòng xử án ở thủ đô của đất nước chúng ta”, khiến ông mất tập trung vào việc hoạch định chiến lược tranh cử.

Hương Giang (Theo Washington Post)