Có hai điều khá rõ ràng vào sáng thứ Năm tuần rồi tại Tòa án Tối cao, nơi các thẩm phán tham gia cuộc tranh luận miệng và cân nhắc liệu cựu Tổng thống Donald Trump có bị loại khỏi cuộc tranh cử tổng thống hay không vì vai trò của ông ta trong việc kích động cuộc nổi dậy ngày 6 tháng 1 tại Điện Capitol Hoa Kỳ.
Luật sư tại Tòa án Tối cao của Trump không hẳn bị xem là một thảm họa, nhưng điều đó không thành vấn đề một chút nào.
Mời xem video bài bình luận qua Youtube
Một là Jonathan Mitchell, luật sư đại diện cho Trump, đã thể hiện hết khả năng của ông ta. Trong thời gian Mitchell đứng trên bục phát biểu, các thẩm phán bảo thủ lần lượt chỉ trích các lập luận của ông ta – hoặc thậm chí chỉ trích ông vì đã từ bỏ các lập luận pháp lý mạnh mẽ hơn để ủng hộ những lập luận pháp lý yếu hơn. Mitchell thừa nhận rằng ông không có bằng chứng lịch sử nào chứng minh cho một số tuyên bố chính của mình.
Một điều hiển nhiên khác là Trump sẽ thắng vũa kiện này, chắc chắn 100%. Sau khi Mitchell đưa ra hai lập luận mà gần như tất cả các thẩm phán đều coi là yếu kém, phần lớn Tòa án dành phần còn lại của cuộc tranh luận để cố gắng đưa ra lý do tốt hơn để đưa ra phán quyết có lợi cho Trump.
Trong vụ kiện này, Trump kiện Anderson , Tòa án Tối cao Colorado đã xác định rằng Trump phải bị loại khỏi lá phiếu bầu tổng thống theo một điều khoản của Tu chính án thứ 14 cấm các cựu quan chức cấp cao tham gia vào một cuộc “nổi dậy” được phục vụ tại chức lần nữa.
Tòa án dường như có khả năng ra phán quyết rằng quyết định này là sai vì các tòa án tiểu bang, trái ngược với các tòa án liên bang hoặc Quốc hội , không có thẩm quyền để xác định rằng một ứng cử viên tổng thống là không đủ tư cách. Như Thẩm phán Elena Kagan, người được Obama bổ nhiệm, đã đưa ra quan điểm cho rằng, đối với người tranh cử chức vụ cao nhất liên bang thì cần được giải quyết trong một diễn đàn liên bang.
Hầu hết các thẩm phán đều đưa ra những lập luận tương tự. Một mối lo ngại hàng đầu được một số thẩm phán nêu lên là có thể có những kết luận, quyết định mang tính cạnh tranh nếu mỗi tiểu bang được phép xác định xem một ứng cử viên có đủ điều kiện cho chức tổng thống hay không.
Ví dụ, Thẩm phán Amy Coney Barrett lo lắng rằng tòa án của mỗi tiểu bang sẽ có các quy định về bằng chứng khác nhau và sẽ tập hợp các hồ sơ khác nhau khi họ xét xử các vụ kiện thách thức tư cách hợp lệ của một ứng cử viên.
Tương tự, Chánh án John Roberts cảnh báo rằng một số tiểu bang sẽ sử dụng quyền lực địa phương để loại bỏ các ứng cử viên một cách ác ý và bất hợp pháp.
Vì thế Donald Trump có khả năng thắng vụ kiện này là điều dễ nhận thấy. Và có vẻ như ông ta sẽ giành chiến thắng với lý do là một tiểu bang duy nhất không thể xác định ai sẽ được quyền tranh cử vào chức vụ liên bang.
Các câu hỏi mở là làm thế nào Tòa án Tối cao sẽ đưa ra lập luận pháp lý để biện minh cho kết quả này và liệu họ có cho phép vấn đề bị loại được nêu lại tại tòa án liên bang hay không.
Jonathan Mitchell được biết đến nhiều nhất với tư cách là kiến trúc sư của đạo luật khắc nghiệt SB 8 của Texas, là đạo luật chống phá thai tàn nhất nhất cho phép những kẻ săn tiền thưởng thu được số tiền thưởng vô hạn từ các nhà cung cấp dịch vụ phá thai. Mitchell là kiểu luật sư ưa thích những lập luận mang tính kỹ thuật cao, đọc các văn bản pháp luật để đạt được những kết quả đáng ngạc nhiên hoặc thậm chí vô lý. Xu hướng này đã được thể hiện rõ ràng trong khoảng 40 phút đáng xấu hổ của Mitchell tại bục Tòa án Tối cao, nơi Mitchell tập trung vào hai lập luận yếu kém.
Điều đầu tiên dựa trên thực tế là Tu chính án thứ 14 nói rằng một cựu “viên chức của Hoa Kỳ” có thể không được giữ chức vụ nữa nếu họ tham gia nổi dậy. Mitchell tuyên bố rằng tổng thống không phải là một viên chức của Hoa Kỳ – vì vậy hàm ý trong lập luận của ông ta là các viên chức khác không phải là tổng thống sẽ không được giữ chức vụ công nếu tham gia vào cuộc nổi dậy, nhưng nếu tổng thống cũng là tổng tư lệnh quân đội làm như vậy thì sẽ không có hậu quả gì.
Chỉ có hai Thẩm phán Neil Gorsuch và Ketanji Brown Jackson tỏ ra cởi mở với cách đọc Hiến pháp phản trực giác này. Jackson là người được Biden bổ nhiệm, và việc bà sẵn sàng xem xét lập luận này là điều ngạc nhiên lớn nhất trong buổi tranh luận miệng của Tòa án Tối cao.
Lập luận khác của Mitchell thậm chí còn ngớ ngẩn hơn. Ông ta tuyên bố rằng Colorado không thể loại Trump khỏi cuộc bỏ phiếu vì Tu chính án thứ 14 cho phép Quốc hội loại bỏ tư cách của một ứng cử viên theo chủ nghĩa nổi dậy bằng 2/3 số phiếu. Lập luận của Mitchell là theo giả thuyết, Quốc hội có thể bỏ phiếu để cho phép Trump được nhậm chức trước khi lễ nhậm chức xảy ra, vì vậy Colorado không thể loại ông ấy vào lúc này.
Lập luận này đã gây ra sự phản đối của các thẩm phán. Ngay cả Thẩm phán Samuel Alito, người là đảng viên Đảng Cộng hòa bảo thủ nhất của Tòa án, cũng đã chế nhạo tuyên bố của Mitchell – so sánh nó với một bị cáo hình sự tuyên bố rằng họ không thể bị truy tố vì có khả năng giả thuyết là thống đốc có thể ân xá cho họ.
Vì vậy, đối với những ai muốn thấy Trump biến mất khỏi đời sống chính trị Mỹ, khi Tòa án có thể ra phán quyết chống lại Trump khi Mitchell hoàn thành lập luận của mình thì họ sẽ thất vọng. Luật sư của Donald Trump với hai lập luận tồi, ông ta rời khỏi bục phát biểu mà không có bất kỳ lập luận nghiêm túc nào để đưa ra quan điểm ủng hộ Trump. Nhưng không hể gì, luật sư tồi thì vẫn còn những thẩm phán bảo thủ cùng đảng với Trump, hầu hết những người họ đã dành phân nửa khoảng thời gian phần sau của cuộc tranh luận để cố gắng tìm ra cách ra phán quyết có lợi cho Trump.
Chắc chắn, Tòa án Tối cao sẽ ra phán quyết rằng các tòa án tiểu bang không thể quyết định ai bị loại khỏi chức vụ tổng thống.
Một số thẩm phán đã đưa ra những lý thuyết mang phong cách riêng của họ về cách Trump có thể thắng một cách hợp pháp. Ví dụ, Thẩm phán Brett Kavanaugh chủ yếu dựa vào vụ án của Griffin (1869), một ý kiến sau Nội chiến được viết bởi Chánh án Salmon Chase trong đó cho rằng “một dự luật của quốc hội là cần thiết” để thi hành điều khoản không đủ tư cách của Mục 3, Tu chính án thứ 14.
Nhưng mối lo ngại phổ biến nhất, được hầu hết các thẩm phán liên tục nêu ra, là các tòa án tiểu bang không nên là cơ quan quyết định ai sẽ có quyền tranh cử chức tổng thống – ngay cả khi có điều khoản hiến pháp loại bỏ tư cách của một số ứng cử viên.
Trở ngại lớn nhất mà các thẩm phán phải đối mặt là văn bản Hiến pháp không thực sự ủng hộ nó. Ngôn ngữ của Tu chính án thứ 14 không phân biệt thủ tục tố tụng của tiểu bang hay liên bang. Nó chỉ đơn giản tuyên bố rằng một số cựu quan chức “đã tham gia nổi dậy hoặc nổi loạn” có thể không được giữ chức vụ nữa.
Ngay sau khi Jason Murray, luật sư đại diện cho các cử tri Colorado, những người cho rằng Trump không đủ tư cách, bước lên bục phát biểu, Thẩm phán Clarence Thomas đã đề xuất một cách để Tòa án có thể đạt được kết quả có vẻ như họ mong muốn. Thomas hỏi liệu có bất kỳ ví dụ nào trong giai đoạn ngay sau khi phê chuẩn Tu chính án thứ 14 sau Nội chiến khi một tiểu bang tuyên bố rằng một ứng cử viên liên bang không đủ tư cách để tranh cử.
Jason Murray đã chỉ ra một ví dụ trong đó thống đốc Georgia từ chối chứng nhận cuộc bầu cử của một cựu Liên minh miền Nam vào Quốc hội, nhưng ông không thể đưa ra một ví dụ khác – mặc dù ông đã giải thích tại sao có rất ít ví dụ như vậy tồn tại.
Theo Jason Murray, Hoa Kỳ đã không bắt đầu sử dụng các lá phiếu hiện đại cho đến những năm 1890. Trước đó, cử tri sẽ viết tên lên một tờ giấy hoặc nộp một lá phiếu in sẵn do đảng của họ đưa cho họ, thay vì chọn từ danh sách ứng cử viên trên lá phiếu do nhà nước cung cấp. Ông lập luận rằng vì lý do này, không có cơ hội để tòa án tiểu bang ra phán quyết rằng một cựu Liên minh miền Nam phải bị loại khỏi một cuộc bỏ phiếu cụ thể.
Tuy nhiên, Thomas tỏ ra không hài lòng với lời giải thích này và dường như ông coi việc thiếu bằng chứng đương thời cho thấy Tu chính án thứ 14 được hiểu là cho phép một vụ kiện cấp tiểu bang như vụ “Trump kiện Anderson” là mang tính tiêu cực.
Trong khi đó, Chánh án John Roberts đề xuất một lý do cơ bản khác để đưa ra phán quyết rằng Trump không thể bị tòa án tiểu bang loại trừ. Roberts lưu ý rằng phần lớn Tu chính án thứ 14 áp đặt các hạn chế đối với quyền lực nhà nước. Ví dụ, việc sửa đổi cấm các tiểu bang từ chối thủ tục tố tụng hợp pháp đối với các cá nhân có sự bảo vệ bình đẳng của pháp luật. Trong khi đó, việc sửa đổi mở rộng quyền lực liên bang bằng cách trao cho Quốc hội quyền thực thi các hạn chế của mình đối với các tiểu bang.
Các thẩm phán đã nêu lên mối lo ngại về điều gì sẽ xảy ra nếu mỗi tiểu bang đều có quyền quyết định liệu Trump hoặc Tổng thống Joe Biden có thể tranh cử tổng thống tại tiểu bang của họ hay không.
Có lẽ lập luận đó sẽ giống với những tuyên bố của Clarence Thomas, và cũng phần nào giống với lập luận mang tính cấu trúc hơn của John Roberts.
Lời kết:
Nếu Tòa án Tối cao ra phán quyết rằng các tòa án tiểu bang không thể tự quyết định việc loại một ứng cử viên tổng thống, thì điều gì sẽ xảy ra nếu Trump bị kết án vì âm mưu đánh cắp cuộc bầu cử năm 2020 và thẩm phán xét xử quyết định rằng việc loại bỏ chức vụ phải là một phần trong bản án của ông ta?
Nếu quyết định của Tòa án Tối cao chỉ giới hạn ở những gì tòa án tiểu bang có thể làm, thì những câu hỏi này sẽ vẫn còn tồn tại trong cuộc bầu cử năm 2024.
Dù sao, màn trình diễn tệ hại của luật sư của Trump, Jonathan Mitchell vẫn không gây hại gì cho Trump vì cả Trump lẫn Mitchell đã được các thẩm phán bảo thủ nâng đỡ một cách khá lộ liễu, trơ trẽn hôm thứ Năm đã cho chúng ta thấy rằng, bất kể có vụ thưa kiện nào khác liên quan đến Trump và dẫn đến Tòa án Tối cao phân xử trong tương lai giống như vụ tranh chấp kết quả bầu cử của Bush kiện Gore thì phần thắng về ai, người Mỹ đã được xem trước một phiên bản cách đây 24 năm.
Việt Linh
https://www.npr.org/2024/02/08/1229176555/supreme-court-trump-colorado-ballot
https://www.msnbc.com/opinion/msnbc-opinion/supreme-court-hearing-trump-immunity-colorado-rcna137982
https://fortune.com/2024/02/08/will-donald-trump-make-2024-election-ballot-colorado-supreme-court/
https://www.thenation.com/article/politics/the-supreme-court-wont-to-save-us-from-trump/