1b) Cả Nga và phương Tây đều không biết cuộc chiến Ukraine sẽ kết thúc như thế nào?

0
1607

Thụy Sĩ sẽ là nước chủ nhà tổ chức hội nghị thượng đỉnh hòa bình Ukraine vào mùa hè sắp tới, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đang đặt nhiều hy vọng rằng Thụy Sĩ sẽ giúp “củng cố” đất nước của ông. Nhưng với cuộc chiến của Nga chống Ukraine đã bước sang năm thứ ba, một hội nghị thượng đỉnh khác khó có thể mang lại bước đột phá – chỉ vì Moscow sẽ không có mặt, mà quan trọng hơn là vì cả hai bên đều không có tầm nhìn rõ ràng về ý nghĩa của một chiến thắng hiện tại hoặc làm thế nào để đạt được nó.

Mời xem video bài bình luận qua Youtube

Vẫn còn nhiều giả định về ý định chinh phục hoàn toàn Ukraine của Tổng thống Nga Vladimir Putin, Điện Kremlin vẫn giữ các mục tiêu của mình mơ hồ như khi bắt đầu “chiến dịch quân sự đặc biệt” cách đây hơn 2 năm.

Putin nói vào tháng 12 rằng: “Sẽ có hòa bình khi chúng ta đạt được các mục tiêu của mình, đó là phi hạt nhân hóa và phi quân sự hóa Ukraine và xác định tình trạng trung lập của nước này.”

Các nhà hoạch định chính sách phương Tây sẽ khôn ngoan hơn khi đưa ra đánh giá về ý định của Điện Kremlin dựa trên hành động hơn là lời nói. Cỗ máy chiến tranh của Nga, mặc dù ở vị thế tốt hơn một năm trước, nhưng khó có khả năng chiếm được thủ đô Kiev như nước này đã cố gắng làm vào đầu cuộc chiến, và kể từ giữa năm 2022, Nga chỉ còn tập trung vào việc giành lãnh thổ ở phía đông.

Sau khi tuyên bố sáp nhập bất hợp pháp các vùng Luhansk, Donetsk, Zaporizhia và Kherson của Ukraine vào tháng 9 năm 2022, Moscow phần lớn đã cố gắng chiếm toàn bộ các khu vực đó. Moscow đang báo hiệu một thái độ hung hăng hơn nhiều đối với phương Tây.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov gần đây cho biết rằng: “Chiến dịch quân sự đặc biệt bắt đầu như một chiến dịch chống lại Ukraine, nhưng theo thời gian nó càng giống hình thức một cuộc chiến tranh chống lại phương Tây”  .

Nga nói như vậy một phần vì kế hoạch và ý định của các đồng minh phương Tây của Ukraine rất mơ hồ. Có phải Mỹ, EU và Anh đang cung cấp viện trợ cho Ukraine để bảo vệ lãnh thổ hay họ thực sự đang tiến hành một cuộc chiến ủy nhiệm để đánh bại nước Nga của Putin?

Giống như Điện Kremlin đang làm, các đồng minh phương Tây của Ukraine đang ra tín hiệu quyết tâm “đánh bại” Nga mà không thực sự nói rõ thất bại đó của Nga nếu xảy ra có ý nghĩa gì đối với phương Tây. Thay vì khiến Điện Kremlin phải cảnh giác, sự mơ hồ về mặt chiến lược này thực sự khiến các cường quốc phương Tây trông có vẻ yếu kém từ góc nhìn thuận lợi của Moscow – hứa hẹn quá mức để bù đắp cho sự thiếu ý chí chính trị.

Điều này trở nên rõ ràng tại Hội nghị An ninh Munich tại Đức, khi một nhà hoạch định chính sách đã tóm tắt nội dung chiến lược Ukraine của phương Tây rằng: “Nói nhiều, nhưng không có cam kết cụ thể”.

Một lý do cho điều này là trong cả năm 2023, mục tiêu mà Ukraine đã tuyên bố là chiếm lại tất cả các lãnh thổ Ukraine bị chiếm đóng, bao gồm cả Crimea đang dưới sự kiểm soát của Nga trong gần một thập niên nay, ngày càng trở nên phi thực tế.

Bất chấp những bình luận nổi bật gần đây của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về việc  “không loại trừ” việc gửi quân tới Ukraine, các cường quốc NATO không nghiêm túc xem xét bước đi mang tính hủy diệt và leo thang này của nhà lãnh đạo Pháp.

Nhưng ở Ukraine, vấn đề vẫn tồn tại. Trước mắt là thiếu người, cần phải động viên thêm quân. Tổng thống Zelensky đã sa thải tổng tư lệnh của mình, Valerii Zaluzhnyi, vào tháng trước trong bối cảnh tranh cãi về những gợi ý rằng quân đội Ukraine có thể cần thêm tới 500.000 binh sĩ nếu muốn đạt được các mục tiêu. Đề xuất này không khả thi cả về mặt tài chính và chính trị, vì vậy Zelensky đã cách chức vị tướng này và tiến hành “thiết lập lại” bộ chỉ huy quân sự, nhưng không mở rộng quân đội hay thu nhỏ các mục tiêu của mình.

Còn một vấn đề khác: Đẩy lực lượng Nga trên thực tế khỏi các vùng lãnh thổ ở Donetsk, Luhansk và Crimea mà họ đã chiếm đóng sẽ không khả thi chút nào.

Nhưng các đồng minh phương Tây của Ukraine không tính đến những thực tế này trong bối cảnh các đảng cánh hữu ở Mỹ và châu Âu ngày càng miễn cưỡng phải gánh chịu các chi phí.

Các đồng minh của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump phản đối gói viện trợ đang bị đình trệ tại Quốc hội Mỹ có thể sai khi nghĩ rằng 60 tỷ USD sẽ không “thay đổi thực tế trên chiến trường” – họ phải hiểu rằng, với nhiều vũ khí hơn sẽ giúp Ukraine giữ vững khả năng phòng thủ và có lẽ lấy lại được nhiều lãnh thổ hơn.

Nhưng điều đó không có nghĩa là nó sẽ bảo đảm “số phận của thế giới tự do” hay “cứu lấy các nền dân chủ” như một số nhà lập pháp Hoa Kỳ đã tuyên bố khi ủng hộ dự luật.

Vấn đề thứ hai là, trong khi nhiều vũ khí và viện trợ hơn sẽ giúp Ukraine tự vệ, cũng không có gì bảo đảm rằng một quốc gia khoảng 37 triệu dân cuối cùng có thể đánh bại kẻ thù hơn 140 triệu dân và quân đội đông hơn, vũ khí tối tân hơn.

Mặc dù có khả năng Phương Tây thắt chặt các biện pháp trừng phạt đã được áp dụng, nhưng chúng sẽ không tạo ra một số thay đổi nhanh chóng các chính sách và nền kinh tế của Điện Kremlin, và khi các nước phương Tây bắt đầu cạn kiệt kho vũ khí và đạn dược của mình, thì cũng có giới hạn về mức viện trợ quân sự bổ sung.

Lời kết:

Công bằng mà nói, Ukraine xứng đáng giải phóng các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng, nhưng chủ nghĩa thực dụng cho thấy đây có thể là một mục tiêu đẫm máu hoặc thậm chí không thể đạt được. Các đồng minh phương Tây cần bắt đầu nhận ra những nguồn lực hạn chế của họ, hoặc ít nhất là những giới hạn đối với những gì họ có thể hoặc sẽ cung cấp cho Ukraine.

Điều này có nghĩa là phải trung thực trong việc xác định những gì thực tế có thể đạt được và những gì không thể đạt được. Phương Tây không nên buộc Ukraine phải lựa chọn giữa hòa bình và một cuộc chiến tranh mãi mãi để theo đuổi một khái niệm không rõ ràng về “chiến thắng”.

Tuy nhiên, khó chấp nhận và không công bằng, chiến thắng hợp lý nhất có thể không chỉ đòi hỏi phải tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ukraine, bao gồm cả những bảo đảm an ninh nghiêm túc, mà Ukraine còn phải thừa nhận rằng họ có thể phải từ bỏ một số mục tiêu của mình, dù là thông qua những lời hứa trung lập và chịu để mất một số vùng lãnh thổ bị chiếm đóng.

Việt Linh

https://icds.ee/en/why-the-war-in-ukraine-will-not-end-this-year/

https://www.dw.com/en/ukraine-updates-russia-says-west-to-decide-when-war-ends/live-68021328

https://www.cfr.org/councilofcouncils/global-memos/global-perspectives-ending-russia-ukraine-war

https://www.aljazeera.com/news/2024/3/1/ukraines-strategic-goal-in-2024-is-to-make-russias-war-felt-in-moscow