Quyết không gửi tên lửa tầm xa Taurus cho Ukraine nhưng Đức vừa lên tiếng đáp lại lời kêu gọi của Ukraine tăng cường phòng không cho nước này trong bối cảnh Nga không ngừng tiến hành các cuộc tấn công vào Kharkov và các thành phố khác của Ukraine. Ngoại trưởng Ukraine nhấn mạnh, Patriot phải được coi là hệ thống ưu tiên hàng đầu mà các đối tác có thể gửi tới Ukraine vì chúng có thể đánh chặn tên lửa đạn đạo.
Một tuyên bố chung đề cập đến việc tăng cường phòng không cho Ukraine đã được Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba và người đồng cấp Đức Annalena Baerbock đưa ra sau cuộc họp hội đồng NATO-Ukraine ở Brussels hôm 4/4.
Ngoại trưởng Đức viết trên tài khoản X: Tôi vừa nghe rõ ràng từ ông Dmytro Kuleba rằng Ukraine cần khẩn trương tăng cường phòng không. Bản thân tôi đã nhìn thấy ở Odessa và Kharkov, nhiều mạng sống đã được lực lượng phòng không cứu sống. Chúng tôi cùng nhau kêu gọi các đối tác ở châu Âu và trên toàn thế giới khẩn cấp cung cấp bất cứ thứ gì họ có thể cho Ukraine để tăng cường khả năng phòng không cho nước này.
Trong một video, bà Baerbock đảm bảo rằng quân đồng minh hiểu nhu cầu cấp thiết về hệ thống phòng không của Ukraine và cũng đã nhận thấy dân thường Ukraine không thể chờ đợi lâu hơn nữa.
Cùng với Pháp, Đức dẫn đầu Liên minh Năng lực phòng thủ tên lửa và phòng không tích hợp – một liên minh gồm khoảng 20 quốc gia đang giúp Ukraine tăng cường năng lực phòng không nhằm chống lại mối đe dọa tên lửa và UAV từ Nga. Liên minh này được thành lập kể từ tháng 11/2023.
Cuối ngày 4/4 tại Brussels, ông Kuleba cũng đã nói chuyện với Antony Blinken, Bộ trưởng Bộ Thống kê Mỹ và yêu cầu Washington tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình Ukraine tiếp nhận Patriot để bảo vệ dân thường và cơ sở hạ tầng của nước này.
Kiev từ lâu đã kêu gọi Berlin cung cấp tên lửa Taurus KEPD-350 – một trong những hệ thống vũ khí hiện đại nhất của quân đội Đức – để sử dụng trong cuộc chiến chống lại Nga.
Nặng 1,4 tấn, Taurus được máy bay chiến đấu bắn từ trên không. Nó có thể di chuyển với tốc độ hơn 1.126km/h và bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách hơn 500km.
Các quan chức Ukraine muốn tên lửa Taurus để có thể tấn công các kho đạn của Nga phía sau chiến tuyến và tấn công các tuyến đường tiếp tế, như cầu Kerch nối giữa Crimea và đất liền Nga.
Nhưng Thủ tướng Đức Scholz đã nhiều lần bày tỏ sự phản đối việc cung cấp vũ khí cho Kiev, đưa ra nhiều lý do khác nhau, từ lo ngại việc này sẽ lôi kéo Đức vào cuộc xung đột cho đến việc nó đi ngược lại nỗ lực của các thành viên NATO nhằm ngăn chặn cuộc chiến leo thang ở Ukraine.
Bản thân Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cũng thừa nhận rằng ông đã nhận được “phản hồi khó chịu” từ Berlin khi Kiev yêu cầu Đức cung cấp tên lửa Taurus.
Mặc dù vậy, chính phủ Đức cho đến nay vẫn quyết liệt từ chối cung cấp tên lửa tầm xa Taurus cho Ukraine bất chấp Kiev nhiều lần khẩn cầu.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz hôm 29/3 nói thẳng rằng Berlin sẽ không cung cấp tên lửa tầm xa mà Ukraine yêu cầu để sử dụng trong cuộc chiến chống lại Nga vì ông muốn ngăn chặn nguy cơ chiến tranh Nga-NATO.
“Là người đứng đầu chính phủ, tôi phải đảm nhận trách nhiệm của mình trong các vấn đề chiến tranh và hòa bình cũng như an ninh ở châu Âu – và điều đó cũng áp dụng cho vấn đề cung cấp tên lửa Taurus. Chúng tôi sẽ làm mọi thứ có thể để ngăn chặn sự leo thang của chiến tranh, tức là một cuộc chiến giữa Nga và NATO. Với mỗi lần cung cấp vũ khí, chúng tôi sẽ xem xét cẩn thận ý nghĩa của nó trong bối cảnh này. Đó là lý do tại sao tôi quyết định theo cách tôi đã chọn“, ông Scholz nhấn mạnh.
Việt Linh (Theo Deutsche Welle)