Triều Tiên hôm thứ Bảy cho biết họ đã thử nghiệm một đầu đạn hỏa tiễn hành trình “siêu lớn” và một hỏa tiễn phòng không mới ở khu vực ven biển phía Tây khi nước này mở rộng khả năng quân sự trước căng thẳng ngày càng sâu sắc với Hoa Kỳ và Hàn Quốc.
Truyền thông nhà nước Triều Tiên hôm thứ Sáu cho biết họ đã tiến hành “thử sức mạnh” đối với đầu đạn được thiết kế cho hỏa tiễn hành trình chiến lược Hwasal-1 Ra-3 và phóng thử hỏa tiễn phòng không Pyoljji-1-2. Họ cho biết các cuộc thử nghiệm đã đạt được một “mục tiêu nhất định” không xác định.
Những bức ảnh do Thông tấn xã Trung ương Triều Tiên công bố cho thấy ít nhất hai hỏa tiễn được bắn từ xe phóng tại một đường băng.
Triều Tiên đã tiến hành một loạt vụ thử tương tự vào ngày 2/2, nhưng vào thời điểm đó không nêu rõ tên của hỏa tiễn hành trình hoặc hỏa tiễn phòng không, cho thấy nước này có thể đã đạt được tiến bộ công nghệ sau khi thử nghiệm cùng một hệ thống trong nhiều tuần.
KCNA khẳng định các cuộc thử nghiệm hôm thứ Sáu là một phần trong hoạt động phát triển quân sự thường xuyên của Triều Tiên và không liên quan gì đến “tình hình xung quanh”.
Căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên đang ở mức cao nhất trong nhiều năm, với việc nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tăng cường trình diễn vũ khí, trong đó bao gồm các hỏa tiễn mạnh hơn nhằm vào lục địa Mỹ và các mục tiêu của Mỹ ở Thái Bình Dương. Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Nhật Bản đã phản ứng bằng cách mở rộng huấn luyện quân sự kết hợp và tăng cường các chiến lược răn đe được xây dựng xung quanh các tài sản chiến lược của Hoa Kỳ.
Hỏa tiễn hành trình nằm trong số các loại vũ khí ngày càng tăng của Triều Tiên được thiết kế để áp đảo hệ thống phòng thủ hỏa tiễn trong khu vực. Chúng bổ sung cho dòng hỏa tiễn đạn đạo khổng lồ của Triều Tiên, bao gồm cả hỏa tiễn đạn đạo xuyên lục địa nhằm vào lục địa Hoa Kỳ.
Các nhà phân tích cho rằng công nghệ hỏa tiễn phòng không là lãnh vực mà Triều Tiên có thể hưởng lợi từ sự hợp tác quân sự ngày càng lớn với Nga, khi hai nước liên kết với nhau để đối mặt với các cuộc đối đầu ngày càng gia tăng và chia rẽ với Mỹ. Triều Tiên đã cung cấp đạn pháo và các thiết bị khác cho Nga để giúp mở rộng cuộc chiến ở Ukraine.
Việt Linh (Theo Korean Times)