Tình Người (Tác giả: Cathy Nguyễn)

0
4346

Một lần nữa, ngày 30 tháng 4 năm 1975 với bao nhiêu kỷ niệm đau thương lại trở về trong ký ức của những người con dân miền Nam Việt Nam Cộng Hòa.

Tưởng niệm ngày 30 tháng Tư năm 1975, chúng ta tri ân đến những người chiến sĩ VNCH đã hy sinh tuổi thanh xuân của họ, đã đóng góp xương máu và một phần thân thể của họ vì hai chữ “Tổ Quốc” thiêng liêng.

Mời xem video bài bình luận qua Youtube

Chúng ta nghiêng mình tưởng nhớ, cúi đầu mặc niệm trước những người chiến sĩ VNCH đã quên mình vì nước, và đã nằm xuống ngủ yên vĩnh viễn trong lòng đất quê hương.

Chúng ta ngậm ngùi thương xót cho hàng triệu số phận bất hạnh của người dân miền Nam VN đã là nạn nhân của cộng sản. Chúng ta cũng không quên tri ân những đại ân nhân trên thế giới đã vì hai chữ “Tình người” mà giang tay cứu vớt những thuyền nhân Việt Nam lênh đênh khốn khổ trên những đại dương mênh mông năm nào. Nhờ họ mà thuyền nhân Việt Nam đã được cứu vớt và có chổ dung thân trên những xứ sở tự do, để từ đó phát triển thành những cộng đồng người Việt tị nạn cộng sản khắp nơi trên thế giới.

Bài viết hôm nay, tôi muốn nói đến khía cạnh “Tình người”, là loại tình cảm mà bất cứ ai mang hình hài và thân phận của một con người thì cũng đều có!

Ngày 30 tháng 4 năm 1975, ngày mà đất nước Việt Nam “có triệu người vui và cũng có triệu người buồn” sau 21 năm chiến tranh. Trong ngày đầu tiên “đổi đời” đó, có một sự kiện đã xảy ra mà tôi là một trong những nhân chứng đã được chứng kiến tận mắt. Sự kiện đó đã gây cho tôi một ấn tượng quá mạnh mà cho đến tận bây giờ tôi vẫn không thể nào quên được.

Lúc đó, gia đình tôi cư ngụ tại khu Ngã Ba Chú Ía, quận Gò Vấp, Sài Gòn, gần Tổng Y Viện Cộng Hòa, một bệnh viện Quân Y lớn nhất của miền Nam lúc bấy giờ. Vào khoảng 4 giờ chiều ngày 30/4/1975, giữa lúc loa phóng thanh của nhà cầm quyền mới đang ra rả tuyên truyền về “lòng nhân đạo và sự khoan hồng” của người cộng sản, thì người dân cư ngụ tại khu vực của chúng tôi đã bàng hoàng xúc động khi nhìn thấy hàng đoàn thương bệnh binh, trong bộ đồ bệnh nhân màu xanh nhạt của Quân Y Viện Cộng Hoà, đang lê lết, dìu dắt nhau đi ngang qua nơi chúng tôi.

Họ vừa bị “quân giải phóng” đuổi họ ra khỏi Quân Y Viện Cộng Hoà, chỉ mới vài giờ đồng hồ sau lệnh buông súng đầu hàng của bại tướng Dương văn Minh.

Đoàn thương bệnh binh dắt díu nhau đi trên đường phố dài tới hàng cây số, tưởng chừng như không thể chấm dứt được. Họ vừa đi, vừa lết nên di chuyển chậm chạp và rải rác. Người còn đi được thì dìu dắt người không đi nổi, cùng nhau khập khiễng đi. Kẻ thì chống nạng, người dùng xe lăn bằng tay, có người thì vừa đi vừa đau đớn khom gập người lại, tay ôm lấy vết thương ở bụng vẫn còn đang rướm máu tươi vì vết mổ còn mới và cũng có người không thể đi nổi phải cần có hai người khác xốc nách hai bên. Thảm thương nhất là những thương binh nặng phải tự bò lết dưới đất, và nơi vết thương còn đang lở lói của họ thì bông băng dính đầy máu mủ, trộn lẫn với bùn đất trên mặt đường nơi họ đã lết qua.

Chúng tôi cảm thấy phẫn nộ, và xúc động đến rơi nước mắt trước cảnh tượng thương tâm đó. Sau những giây phút bàng hoàng, chúng tôi như sực tỉnh lại. Có người chạy vào trong nhà dắt chiếc xe Honda ra, trong khi những người khác thì ngoắt những chiếc xe Taxi dừng lại, trả tiền trước cho tài xế rồi dìu các anh thương bệnh binh lên xe để đưa đến các bệnh viện khác ở Sài Gòn, tiếp tục sự điều trị.

Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn không quên được những hình ảnh thiếu vắng “Tình người” một cách khó có thể chấp nhận đó! Tôi tự hỏi trên thế giới này có chính quyền nào đối xử với kẻ bại trận, những người đang bị thương và trong tay không có vũ khí, giống như vậy hay không? Nếu có, thì phải chăng chính quyền đó chỉ là loài dã thú đội lốt người nên không có tình người? Ngay cả loài thú vật mà cũng còn có tình đồng loại với nhau nữa kia mà!

Vì sao có những người không cùng màu da, không cùng tiếng nói, ở cách xa đất nước VN nhỏ bé đến nửa vòng trái đất lại sẳn sàng dang tay cứu vớt và cưu mang những thuyền nhân Việt Nam?

Trong khi những người cộng sản VN nhân danh “Thống nhất đất nước để Cứu miền Nam thân yêu” thì lại hành xử độc ác, đầy hận thù với những người anh em cùng mẹ Việt Nam của mình!

Những người thua trận đó chẳng phải cũng là đồng bào của họ hay sao?

Trong cuộc nội chiến của nước Mỹ, Tổng Thống Abraham Lincoln đã từng nói rằng: “Khi viên đạn xuyên vào thân thể một người lính, cho dù thuộc phía bên nào đi nữa, thì thật ra nó đã xuyên vào trái tim của một người mẹ”.

Thời gian gần đây, “những người anh em cùng mẹ Việt Nam” đó đã lên tiếng kêu gọi rằng “Đã nhiều năm qua rồi, thôi đừng nhắc chuyện cũ nữa. Hãy quên thù hận để cùng nhau chung tay xây dựng một Việt Nam chung”. Lời kêu gọi nghe có vẻ đầy lòng nhân ái và tình nghĩa, nhưng thực chất là: Kẻ thủ ác không bao giờ muốn ai nhắc đến những tội ác tày trời của mình. Chỉ có nạn nhân là sẽ không bao giờ quên những thảm cảnh đau thương xảy ra cho mình và người thân của mình!

Họ muốn chúng ta quên, nhưng chúng ta phải nhắc nhau nhớ!

Đã gần 50 năm qua, những hình ảnh thương tâm và đáng phẫn nộ đó vẫn khắc ghi trong trí nhớ của tôi. Tôi không thể quên được, khi mà nghề nghiệp suốt cả cuộc đời tôi được gắn liền với các bệnh viện và những bệnh nhân.

Trước năm 1975, tôi đã trãi qua những năm cuối ở bậc trung học tại một trường tọa lạc ở ngã tư Bảy Hiền, góc đường Lê Văn Duyệt, đường Nguyễn Văn Thoại, và Lý Thường Kiệt, thuộc quận Tân Bình, Sài Gòn. Đối diện với trường tôi học là một bệnh viện to lớn và tối tân nhất vào thời đó, một bệnh viện có cả bãi đáp cho trực thăng cứu thương. Bệnh Viện đó được sáng lập năm 1970, bởi một người phụ nữ đầy lòng nhân ái, rất đáng kính của Việt Nam Cộng Hoà, đó là Bà Nguyễn Thị Mai Anh, Cựu Đệ Nhất Phu Nhân của Cố Tổng Thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu. Tuy Bệnh Viện do Bà sáng lập nhưng nó không mang tên người đã sáng lập ra nó, mà lại được đặt cho một cái tên rất ấm áp tình người, đó là Bệnh Viện “Vì Dân”, đúng nghĩa như nó đã từng là một bệnh viện phục vụ hoàn toàn miễn phí cho dân nghèo ở miền Nam Việt Nam.

Tôi rất ngưỡng mộ những hoạt động xã hội để lo cho dân nghèo của Bà Nguyễn Thị Mai Anh, một phụ nữ Việt Nam hiền hòa, trí thức, và nhân hậu. Hằng ngày đi học ở trường, nhìn qua bệnh viện bên kia đường đối diện với trường học, tôi đã ôm ấp một giấc mơ là sau này sẽ về đó làm việc để phục vụ người dân nghèo, noi theo gương của Bà Nguyễn Thị Mai Anh, con cháu của Hai Bà Trưng, Bà Triệu. Sau khi tốt nghiệp Trung học, tôi đã chọn theo học ngành Y để thực hiện ý muốn của mình. Nhưng giấc mơ của tôi đã không được trọn vẹn!

Sau ngày 30 tháng Tư năm 1975, bệnh viện “Vì Dân” không còn là một bệnh viện miễn phí cho dân nghèo nữa, nơi đây đã trở thành bệnh viện Thống Nhất chỉ dành riêng để phục vụ cho các cán bộ đảng viên cao cấp của đảng cộng sản. Mang cái tên “Thống Nhất”, nhưng ý nghĩa và sự phục vụ của nó thì lại là một sự chia rẽ và phân biệt giai cấp khá rõ ràng!

Phải chi họ xây dựng một bệnh viện khác mới mẻ hơn, to lớn và tối tân hơn để phục vụ cho những người “có công với Cách mạng” thì sẽ không ai nói gì. Đằng này, họ đã tước đoạt nơi điều trị của người dân nghèo!

Họ đã ăn cắp bệnh viện của Bà Nguyễn Thị Mai Anh, đổi tên bệnh viện “Vì Dân” thành bệnh viện “Thống Nhất”, và cướp công lao của Bà bằng một cái lễ “Tuyên dương” tên của người khác!

Tôi vẫn theo đuổi học ngành Y, nhưng giấc mơ làm việc tại bệnh viện “Vì Dân” của tôi thì tiêu tan, bởi vì bệnh viện “Vì Dân” nay đã trở thành bệnh viện “Vì Quan”!

Đến ngày Lễ tốt nghiệp, tôi nhận được giấy phân công nhiệm sở ghi tên “Bệnh viện Chợ Rẫy”. Bệnh viện Chợ Rẫy cũng là một bệnh viện to lớn và tối tân nhất của miền Nam lúc bấy giờ, một bệnh viện rất rộng, và cao đến 10 tầng lầu, với số lượng nhân viên làm việc lên hơn hai ngàn người. Sở dĩ miền Nam VNCH xây dựng được một bệnh viện đồ sộ như vậy là nhờ sự viện trợ của Chính phủ Nhật Bản, như một sự đền bù thiệt hại sau chiến tranh của Thế Chiến II. Trước năm 1975, Bệnh viện Chợ Rẫy đã nhận được vài chuyến hàng viện trợ cho sự xây cất phòng ốc, kèm theo một số trang thiết bị y tế. Dự kiến sẽ còn một chuyến hàng viện trợ cuối cùng nhưng quan trọng nhất, một chuyến hàng lớn nhất với đầy đủ các máy móc y khoa và trang thiết bị y tế để hoàn tất một bệnh viện Chợ Rẫy tối tân và hiện đại bậc nhất nhì của khu vực Đông Nam Á. Nhưng chuyến hàng viện trợ quan trọng đó đã không bao giờ đến được Bệnh viện Chợ Rẫy như mong đợi, bởi vì miền Nam VNCH đã thất thủ vào ngày 30 tháng Tư năm 1975!

Là một bệnh viện đứng đầu về chuyên môn, BV Chợ Rẫy nhận tất cả những ca khó được chuyển về từ khắp các tỉnh thành của miền Nam VN, khi các bệnh viện ở nơi khác đã bó tay trong việc điều trị. Tại Bệnh Viện Chợ Rẫy, tôi làm việc ở khoa Chăm sóc đặc biệt (viết tắt là ICU), là nơi tập trung những bệnh nặng nhất. Bệnh nhân nằm tại khoa ICU phần lớn là những người trong giai đoạn “Thập tử, Nhất sinh”, nên cường độ làm việc của chúng tôi lúc nào cũng căng thẳng, luôn luôn trong tư thế sẳn sàng để cấp cứu cho bệnh nhân. So sánh về công việc giữa Bệnh Viện Chợ Rẫy và Bệnh Viện Thống Nhất, có thể nói một cách khẳng định là làm việc ở Bệnh Viện Chợ Rẫy tuy cực nhọc, vất vả hơn ở Bệnh Viện Thống Nhất rất nhiều, nhưng bù lại học hỏi kinh nghiệm được nhiều hơn, kiến thức về chuyên môn và trình độ tay nghề cũng được nâng cao hơn vì rèn luyện thường xuyên hơn.

Bệnh nhân của Bệnh Viện Chợ Rẫy phần đông là dân nghèo nhưng lương thiện, và tội nghiệp. Nhiều người bệnh được chuyển đến từ các tỉnh xa xôi nên sự di chuyển rất tốn kém. Nếu tình trạng bệnh của họ đòi hỏi phải nằm lại bệnh viện nhiều ngày, thì đôi khi thân nhân của họ phải về quê bán nhà cửa, ruộng vườn để có tiền cho sự điều trị. Có những hoàn cảnh khốn khổ đến nỗi ngoài việc chăm sóc, cứu chữa cho bệnh nhân, chúng tôi còn lo cả bữa ăn cho thân nhân của họ bằng cách xin thêm những phần cơm miễn phí của bệnh viện.

Điều tôi căm ghét nhất khi làm việc ở Bệnh Viện Chợ Rẫy là sự tham nhũng của ban giám đốc bệnh viện. Trong cơ cấu tổ chức của bệnh viện, cũng như hầu hết các cơ quan, công sở của Việt Nam sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, các chức vụ Trưởng phải là các cán bộ đảng viên nòng cốt của đảng, được bổ nhiệm từ ngoài Bắc vào trong Nam. Thành phần này nắm mọi quyền hành, mọi quyết định, và tài chính. Còn những người trong miền Nam, có giỏi giang thì cũng chỉ được giữ những chức vụ từ Phó trở xuống, và chỉ phụ trách về chuyên môn, không có quyền hành gì về tiền bạc hay những quyết định khác. Hàng năm, bệnh viện nhận một khoản ngân sách cố định từ Bộ Y Tế đưa xuống, dùng để mua thêm máy móc và trang thiết bị y khoa cho bệnh viện, để giảm bớt sự thiếu thốn dụng cụ trong việc chăm sóc cho bệnh nhân. Nhưng năm nào cũng vậy, số tiền này thường bị hao hụt bởi những người có thẩm quyền trong ban giám đốc. Phần tiền còn lại sau đó đã không còn đủ để mua máy móc và trang thiết bị như dự định, đành hẹn nợ lại năm sau. Và cứ như thế năm nào cũng tái diễn lại cái màn “không đủ ngân sách” đó. Khoa ICU của chúng tôi vẫn cứ kêu ca là thiếu thốn máy trợ giúp thở cho bệnh nhân, và vẫn cứ được hứa hẹn đợi ngân sách năm sau. Mỗi lần chứng kiến bệnh nhân chết vì không có đủ máy trợ giúp thở, chúng tôi cảm thấy xốn xang và bất nhẫn vô cùng. Tôi có cảm tưởng sự sống của những bệnh nhân này đã bị tước đoạt bởi sự tham lam và tàn nhẫn của những kẻ đang sống như một loài đỉa đói chuyên hút máu người.

Khi gia đình tôi đi định cư tại Mỹ, tôi đã cố gắng xúc tiến việc hợp thức hóa học vị của tôi từ Việt Nam chuyển sang Mỹ. Lúc làm thủ tục xin bản sao học bạ tại trường Y khoa của VN để nộp vào trường Y bên Mỹ, tôi đã sửng sốt khi nhận được câu trả lời của phía bên VN. Họ yêu cầu tôi phải bồi thường một số tiền khá lớn vì lý do: “Tôi đã được đài thọ tiền học phí trong những năm tháng học tại trường Y khoa của VN, nhưng tôi đã không ở lại để phục vụ cho đất nước, mà lại bỏ đi ra nước ngoài”.

Trời đất! Sao họ lại có thể dựng chuyện để nói láo một cách trâng tráo như vậy?

Khinh bỉ sự dối trá trắng trợn đó, tôi quyết định không chi ra một đồng xu nào như họ đòi hỏi. Thay vào đó, tôi nộp đơn xin học lại từ đầu, dù tuổi của tôi lúc đó không còn trẻ nữa.

Chồng tôi đã tạo điều kiện cho tôi đi học lại tại trường Y ở Mỹ. Một mình anh gồng gánh đi làm 2 công việc để nuôi cả gia đình. Tôi rất biết ơn chồng mình về điều này. Đổi lại, tôi chu tất mọi chuyện trong nhà, từ việc lau dọn nhà cửa và nấu nướng hoàn toàn tại nhà cho đỡ tốn kém, cho đến việc đưa rước con đi học, hướng dẫn cho con làm bài ở nhà, để chồng tôi được yên tâm đi làm kiếm tiền. Năm học đầu tiên của tôi, chúng tôi thiếu thốn rất nhiều. Tôi không có đến cả một cái computer để làm bài tại nhà, nên cứ phải cố gắng sắp xếp thời gian để đến trường làm bài, khi mà hai vợ chồng chỉ có mỗi một chiếc xe được dành ưu tiên để cho chồng tôi đi làm. Tôi vất vả đến mức độ những người quen biết ai cũng cho rằng thế nào rồi tôi cũng sẽ phải bỏ cuộc! Nhưng đến năm học thứ hai, tôi bắt đầu xin được học bổng. Rồi đến năm học thứ ba và những năm sau đó, tôi trở thành một trong vài người giành được nhiều học bổng nhất trong trường. Nhờ số tiền học bổng, mọi thứ khó khăn của chúng tôi đã dần dần được giải quyết. Sau 6 năm học hành bên Mỹ, cuối cùng rồi cũng đến cái ngày tôi khoác áo mũ đăng quang của lễ tốt nghiệp.

Tôi lại có cơ hội làm việc trong ngành y khoa một lần nữa!

Vào những năm 2020 – 2021, tôi đã có dịp phục vụ cho các bệnh nhân COVID-19 trong một bệnh viện ở Mỹ. Mặc dù bình thường các bệnh viện ở Mỹ có đầy đủ dụng cụ, máy móc, và trang thiết bị y tế, nhưng trong mùa đại dịch COVID-19, tình trạng thiếu thốn các dụng cụ y khoa cũng đã xảy ra. Vì Coronavirus thường tấn công vào hệ hô hấp của nạn nhân, nên những ca bệnh nặng của COVID-19 rất cần máy trợ giúp thở. Tôi lại nghĩ đến các bệnh nhân ở VN, những người dân lao động nghèo đáng thương vốn dĩ đã chịu nhiều thiệt thòi bởi sự tham lam và nhẫn tâm của những con đỉa chuyên hút máu người. Tôi biết chắc rằng nếu có một sự ngẫu nhiên xảy ra là cả người dân đen lẫn quan lớn cán bộ đều cùng mắc bệnh COVID-19, thì chắc chắn số lượng máy trợ giúp thở ít ỏi kia cũng sẽ chỉ dành riêng để phục vụ cho các “quan lớn”, những kẻ năm xưa đã từng là những con ký sinh chuyên rút rỉa tiền trong ngân sách để làm giàu cho bản thân, dẫn đến tình trạng thiếu thốn máy trợ giúp thở của bệnh viện. Và rồi một lần nữa, quyền được sống của những mảnh đời tội nghiệp này lại bị tước đoạt bởi “quyền ưu tiên được sống” của những con sâu mọt đục khoét đất nước, làm phương hại đến sự sống của người khác.

Hơn 40 năm học hành và làm việc trong ngành y khoa, từ Việt Nam sang Mỹ, tôi đã có thể thấu hiểu được cái giá trị quý báu của sự sống. Hằng ngày đối diện với lằn ranh mong manh giữa sự sống và cái chết của con người, công việc của tôi và các bạn đồng nghiệp là cố gắng giành giật lại sự sống của bệnh nhân từ bàn tay của tử thần. Chúng tôi nhận thức rằng việc cứu người phải là một sự ưu tiên tối thượng, trên hết tất cả những đạo lý, những học thuyết, hay bất kỳ một chủ nghĩa nào.

Tôi cảm ơn đời vì mình có cái diễm phúc được sống và làm việc để góp phần phụng sự cho người đời.

Tôi lấy làm tiếc cho những người có một cuộc sống rất tốt đẹp, một địa vị cao trong xã hội, nhưng tầm nhìn của họ về giá trị của sự sống thì lại hạn hẹp, và họ chỉ biết theo đuổi những mục tiêu thấp hèn. Họ đã phí phạm và tự làm giảm nhẹ cái giá trị cuộc sống của chính họ.

Tôi căm ghét những kẻ coi trọng cuộc sống của bản thân mình, nhưng lại tước đoạt, xâm phạm hoặc huỷ hoại sự sống của người khác.

Sinh mạng con người là quý giá!

Bất cứ ai nhân danh một học thuyết hay một chủ nghĩa nào, mà nếu không dựa trên nền tảng căn bản của TÌNH NGƯỜI, thì cũng chẳng khác gì loài thú dữ man rợ, sẵn sàng cắn xé đồng loại của mình!

Ngày 22 tháng 4 năm 2024

Cathy Nguyễn