(CaliToday) – Israel lo ngại Toà Hình sự Quốc tế ICC đang chuẩn bị ban hành trát bắt giữ một số lãnh đạo cao cấp của họ với những cáo buộc liên quan đến cuộc chiến chống Hamas ở Gaza.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu vào Chủ nhật yêu cầu Tổng thống Joe Biden giúp ngăn chặn Tòa Hình sự Quốc tế ban hành lệnh bắt giữ. Ông Netanyahu bày tỏ lo ngại trong cuộc điện đàm với ông Biden vào Chủ nhật, khi hai lãnh đạo bàn các cuộc thương lượng con tin, các biện pháp phòng vệ chống những cuộc tấn công hoả tiễn từ Iran, và nhu cầu gia tăng viện trợ nhân đạo Gaza.
Có trụ sở ở Hague, Hà Lan, ICC đang điều tra các tội ác chiến tranh bởi cả lực lượng Israel và Hamas kể từ cuộc chiến Israel-Hamas năm 2014.
Phía Mỹ cho biết, không có dấu hiệu rõ ràng liệu ICC có ban hành lệnh bắt giữ hay không, nhưng cho biết văn phòng công tố đang chịu áp lực từ các tổ chức phi chính phủ và một số quốc gia thành viên ICC về việc này.
Phương Tây liên lạc với Toà bày tỏ bất đồng với bất cứ quyết định sắp tới, vì có khả năng sẽ làm suy yếu hoạt động ngoại giao do Mỹ dẫn đầu nhằm đạt được lệnh ngừng bắn và giải thoát một số trong số 129 con tin bị Hamas bắt đưa về giam giữ ở Gaza từ ngày 7 tháng 10 đến nay.
Các viên chức Israel cho rằng, Toà Hague đang chuẩn bị lệnh ban hành trát bắt giữ những lãnh đạo hàng đầu của quốc gia. Nếu việc này xảy ra thì đây sẽ là hành động pháp lý quốc tế nghiêm trọng nhất chống Israel kể từ khi chiến tranh bùng nổ vào tháng 10.
Tel Aviv đang đối mặt với cáo buộc từ các cơ quan Liên Hiệp quốc, giới chức bên ngoài, và các tổ chức nhân quyền vi phạm luật quốc tế trong hoạt động quân sự ở Gaza kể từ sau khi Hamas bất ngờ mở cuộc tấn công vào lãnh thổ quốc gia vào tháng 10, sát hại khoảng 1200 người, chủ yếu thường dân. Hơn 34000 người bị thiệt mạng trong cuộc chiến đang diễn ra ở Gaza kể từ đó. Con số này không cho biết cụ thể số thường dân và binh lính tham chiến.
3 viên chức Châu Âu cho biết, vấn đề được đưa ra tại cuộc họp Ngoại trưởng khối G7 hồi đầu tháng. Mỹ và Anh được cho có thể đã liên lạc với ICC. Tuy nhiên, những nguồn tin này nhấn mạnh, các quốc gia phương Tây không muốn can thiệp gây áp lực về những quyết định của họ.
Toà Bạch Ốc không nghĩ ICC có thẩm quyền tài phán trong cuộc điều tra, Tuỳ viên báo chí Karine Jean-Pierre cho biết vào thứ Hai. “Chúng tôi không ủng hộ,” bà Jean-Pierre nói về cuộc điều tra.
Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson (Cộng hoà – Louisiana) vào thứ Hai cũng chỉ trích tường trình rằng ICC đang dự tính ban hành trát bắt giữ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant và tham mưu trưởng Lực lượng phòng vệ Israel Herzi Halevi, gọi chúng bất hợp pháp và vô căn cứ. “Thay vì nhắm mục tiêu sai vào Israel, ICC nên chuyển hướng tập trung sang Hamas, và các tổ chức khủng bố khác liên kết với Iran, vì đã tham gia vào các tội ác chiến tranh khủng khiếp.”
Ông Netanyahu vào tuần trước lên mạng xã hội X (Twitter) cảnh báo, bất cứ can thiệp nào của ICC “sẽ tạo tiền lệ nguy hiểm đe dọa binh lính và các viên chức của tất cả các nền dân chủ đang chống lại chủ nghĩa khủng bố man rợ và sự gây hấn bừa bãi,” và “Israel sẽ không bao giờ chấp nhận bất cứ nỗ lực nào của ICC nhằm làm suy yếu quyền tự vệ.”
“Mối đe dọa bắt giữ binh lính và quan chức của nền dân chủ duy nhất ở Trung Đông, và nhà nước Do Thái duy nhất trên thế giới thật quá đáng sợ,” Thủ tướng Israel nói.
Cũng giống Mỹ, Israel không gia nhập Quy chế Rome, trong đó đặt các quốc gia tham gia dưới quyền tài phán của Toà Hình sự Quốc tế. ICC vào năm 2015 công nhận Nhà nước Palestine là một bên ký kết, và vào năm 2021 xác định Tòa có quyền tài phán ở Tây Ngạn, Gaza và Đông Jerusalem. Trong khi đó, Mỹ và Israel không công nhận Palestine.
Hiện chưa rõ thủ tục ICC đang ở giai đoạn nào. Mọi trát bắt giữ cần có sự chấp thuận của hội đồng thẩm phán, và cũng không nhất thiết cần phải có một phiên tòa. Trát bắt giữ có thể có hiệu lực ngay lập tức.
Công tố viên ICC Karim Khan cho biết vào tháng 11 rằng cuộc điều tra của ICC đang diễn, bao gồm sự leo thang hành động thù địch và bạo lực kể từ cuộc tấn công của Hamas vào tháng 10.
Khan cho biết, toán công tố của ông đang nỗ lực buộc các chiến binh Hamas đã thực hiện cuộc tấn công vào Israel phải chịu trách nhiệm. Tòa cũng cho biết đang xem xét các cáo buộc tội ác chiến tranh chống những tên đã bắn hoả tiễn vào dân thường Israel, hoặc đã bắn hỏa tiễn mà họ biết không đủ tân tiến để tránh thương vong dân thường.
Cựu Phó Tổng trưởng Tư pháp Israel, ông Roy Schondorf cho hay, cần có thời gian đưa ra trát bắt giữ “do tính phức tạp của những vấn đề lý và thực tế liên quan đến những gì người ta nghĩ công tố đang lo ngại.”
“Có rủi ro cao khi đến tòa xin lệnh bắt giữ một quốc gia, và sau đó tuyên trắng án khi kết thúc thủ tục, hoặc tòa án từ chối yêu cầu,” Schondorf nói thêm. Ông cho rằng, Hamas cũng có thể bị ICC đưa ra trát bắt giữ do chứng cớ băng hình quá nhiều.
Israel được xem có một hệ thống pháp luật mạnh mẽ, và nhà chức trách quốc gia thường xuyên điều tra và truy tố nhiều tội ác có khả năng thuộc quyền tài phán của tòa quốc tế, ngăn cản các tòa án can thiệp. Tối cao Pháp viện Israel đang hối thúc Tel Aviv tăng cường viện trợ nhân đạo vào Gaza, và nhà chức trách quân đội Israel đã điều tra các hành vi có thể vi phạm luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, Israel đang phải đối mặt với sự giám sát ngày càng cao vì cuộc chiến ở Gaza, và cuộc khủng hoảng nhân đạo mà xung đột đã gây ra ở vùng đất này.
Nếu ban hành trát bắt giữ, ICC sẽ yêu cầu hơn 120 quốc gia đã ký vào hiệp ước thành lập tòa để bắt giữ các nhà lãnh đạo Israel, chế tài đi lại đối với họ, và đặt nhiều đồng minh của Israel vào tình thế khó khăn.
Đối với phương Tây, bất kỳ áp lực công khai nào đối với ICC đều có thể gây ra phản ứng dữ dội từ quốc tế. Hoa Kỳ và đồng minh châu Âu vào năm ngoái loan tin, ICC ban hành trát bắt giữ Tổng thống Nga Vladimir Putin và một viên chức cao cấp khác của Điện Kremlin, cáo buộc tội ác chiến tranh. Bước đi lịch sử này nhằm tập trung sự chú ý vào hàng chục ngàn nạn nhân chiến tranh trẻ tuổi.
Toà vào tháng trước tống ra trát bắt giữ hai chỉ huy Nga bị cáo buộc nhắm mục tiêu vào lưới điện của Ukraine và giết hại dân thường qua đường.
Hương Giang (Tổng hợp)