BÌNH MINH CHƯA LÓ DẠNG TRÊN KHUNG CẢNH CHÍNH TRỊ VIỆT NAM SAU BA LẦN MIỄN NHIỆM LÃNH ĐẠO NHÀ NƯỚC

0
807

Hệ thống hoạt động kinh tế của một quốc gia hình thành tín niệm hệ (value system) của quốc gia đó và điều hướng tác phong của con người một cách tự nhiên trong sinh hoạt xã hội, nhưng chính những người lãnh đạo chính trị lại chủ động lèo lái chiều hướng hoạt động kinh tế trong toàn bộ xã hội của một cộng đồng, một quốc gia, một khu vực lãnh thổ thế giới hay ngay cả toàn cầu.  Do vậy, với sự miễn nhiệm ba nhân vật ở vị trí lãnh đạo quốc gia gồm hai Chủ tịch nước và một Chủ tịch Quốc hội của Việt Nam chỉ trong vòng một năm từ năm 2023 đến năm 2024 vì lý do ba nhân vật đó thiếu liêm chính đã dẫn đưa người ta có cái nhìn về viễn ảnh (vision) đen tối là sự khủng hoảng chính trị và sự bất ổn kinh tế làm cho giới đầu tư nước ngoài e dè, thận trọng, và chuyển hướng đầu tư sang các quốc gia khác.  Bên cạnh đó, người ta cũng có thể lý giải viễn cảnh (perspective) trên một quy mô rộng lớn hơn về quyết tâm triệt tiêu một thế lực tiềm năng có khả năng khuynh đảo sự thống nhất lãnh đạo chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam một khi có sự thay đổi nhân sự ở vị trí Tổng Bí thư Đảng trong năm 2026.

I.- VIỄN ẢNH VỀ NHÂN SỰ LÃNH ĐẠO NHÀ NƯỚC VIỆT NAM

Đại hội Đại biểu toàn quốc Đảng Cộng Sản Việt Nam lần thứ XIII diễn ra trong một tuần từ ngày 25-01-2021 đến ngày 01-02-2021 tại Hà Nội với 1.587 đại biểu đại diện cho 5.300.000 đảng viên, đã bầu ra Ban Chấp hành Trung ương gồm 158 Ủy viên Trung ương chính thức và 20 Ủy viên Trung ương dự khuyết, rồi Ban Chấp hành Trung ương đã bầu ra 18 Ủy viên Bộ Chính trị.  Trong số 18 Ủy viên Bộ Chính trị đó thì nay còn lại 13 người vì đã có 5 Ủy viên Bộ Chính trị bị kỷ luật phải từ nhiệm khỏi vị trí Ủy viên Bộ Chính trị và các vị trí lãnh đạo nhà nước như Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng thường trực, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Đảng.  Danh sách Ủy viên Bộ Chính trị với con số thứ tự rất quan trọng cho vị thế chính trị của mỗi thành viên hiện nay được liệt kê như sau.

  1. Nguyễn Phú Trọng, 1944, Tổng Bí thư.
  2. Phạm Minh Chính, 1958, Thủ tướng Chính phủ.
  3. Trương Thị Mai, 1958, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức.
  4. Đại tướng Tô Lâm, 1957, Bộ trưởng Bộ Công an.
  5. Nguyễn Văn Nên, 1957, Bí thư Thành ủy Sài Gòn.
  6. Phan Đình Trạc, 1958, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính.
  7. Trần Cẩm Tú, 1961, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra.
  8. Đại tướng Phan Văn Giang, 1960, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
  9. Nguyễn Hòa Bình, 1958, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tối cao.
  10.  Trần Thanh Mẫn, 1962, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội.
  11.  Nguyễn Xuân Thắng, 1957, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương.
  12.  Đại tướng Lương Cường, 1957, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội.
  13.  Đinh Tiến Dũng, 1961, Bí thư Thành ủy Hà Nội.

Và danh sách năm nguyên Ủy viên Bộ Chính trị đã phải từ nhiệm bao gồm.

  1. Nguyễn Xuân Phúc, 1954, Chủ tịch nước.
  2. Vương Đình Huệ, 1957, Chủ tịch Quốc hội.
  1. Võ Văn Thưởng, 1970, Chủ tịch nước.
  2. Phạm Bình Minh, 1959, Phó Thủ tướng thường trực.
  3. Trần Tuấn Anh, 1964, Trưởng ban Kinh tế Trung ương.

Như vậy, với Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị ban hành năm 2020 về độ tuổi dành cho Ủy viên Trung ương dự khuyết tối thiểu là 45, Ủy viên Trung ương chính thức được bầu lần đầu tiên tối thiểu là 50 và tối đa là 55, Ủy viên Trung ương tái ứng cử tối đa là 60, Ủy viên Bộ Chính trị tối đa là 65 thì chỉ có hai Ủy viên Bộ Chính trị được đặc biệt ưu tiên vượt quá khung tuổi 65 là Ông Nguyễn Phú Trọng, 77 tuổi (1944-2021), Tổng Bí thư, và Ông Nguyễn Xuân Phúc, 67 tuổi (1954-2021), Chủ tịch nước.  Quy chế đặc biệt này được hiểu là chỉ dành riêng cho bốn vị trí lãnh đạo theo nghi lễ chính thức chứ không phải theo thực quyền là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, và Chủ tịch Quốc hội.  Tình trạng phân cấp chính thức này vừa mâu thuẫn với Hiến pháp vừa mâu thuẫn với thực quyền.  Theo Hiến pháp nước Việt Nam năm 2013 thì thứ tự đó là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, và Thủ tướng Chính phủ (Điều 4, khoản 1 quy định “Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.”) trong khi trong sinh hoạt chính trị thực tế thì thực quyền chính trị được thể hiện qua tầng cấp Tổng Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, và Chủ tịch nước.

Nhiều người phàn nàn về vai trò con dấu cao su của Quốc hội Việt Nam vì Quốc hội chỉ được dùng để đóng dấu các quyết định của Bộ Chính trị và Tổng Bí thư Đảng.  Diễn trình này — Bộ Chính trị quyết định trước rồi Quốc hội vâng lệnh chấp hành theo — làm hao tốn ngân sách quốc gia và công quỹ chính quyền địa phương một cách hoang phí và quá lộ liễu trước mắt quần chúng nhân dân và các phương tiện truyền thông quốc tế.  Đành rằng phê bình đó là trung thực, nhưng không thể làm thế nào khác hơn một khi trong Hiến pháp năm 2013 vẫn còn điều 4 quy định Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo toàn diện chính quyền và xã hội Việt Nam.  Thực hiện quyết định của Bộ Chính trị, một kỳ họp bất thường lần thứ 7 của Quốc hội khóa XV vào chiều ngày 02-5-2024 tại Hà Nội đã chuẩn thuận miễn nhiệm Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.  Như vậy vấn đề cần thảo luận là ai sẽ đảm nhiệm vị trí Chủ tịch nước và vị trí Chủ tịch Quốc hội.

A.- Chủ tịch Quốc hội: Ông Trần Thanh Mẫn.

Vị trí Chủ tịch Quốc hội của Ông Trần Thanh Mẫn được hiểu ngầm là đã được Bộ Chính trị xác lập ngay từ khi Ông Trần Thanh Mẫn được bầu cử vào vị trí Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội năm 2021 và chờ cho đến khi ông đã tham gia vào Bộ Chính trị tròn một nhiệm kỳ năm năm trong tư cách Ủy viên Bộ Chính trị (2021-2026) thì ông sẽ được bầu cử làm Chủ tịch Quốc hội để nhân vật nguyên Chủ tịch Quốc hội giữ nhiệm vụ khác.  Sở dĩ Ông Trần Thanh Mẫn chưa được đề cử giữ vị trí Chủ tịch Quốc hội mà chỉ giữ nhiệm vụ “Điều hành Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội” vì những tiêu chuẩn để được đề cử giữ các vị trí lãnh đạo Đảng Cộng sản và Nhà nước đã được ban hành tại Quy định số 214-QĐ/TW năm 2020.  Theo Quy định khung tiêu chuẩn này thì Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, và Chủ tịch Quốc hội phải ít nhất, về mặt hình thức, là đã tham gia Bộ Chính trị với tư cách Ủy viên Bộ Chính trị tròn một nhiệm kỳ 5 năm.  Ông Trần Thanh Mẫn, 62 tuổi (1962-2024), tham gia Bộ Chính trị mới 3 năm (2021-2024).

B.- Chủ tịch nước: Đại tướng Tô Lâm.

Vị trí Chủ tịch nước có lẽ sẽ được quyết định trong kỳ họp định kỳ thứ 7 của Quốc hội khóa XV trong hai đợt vào các ngày 20-5-2024 đến 08-6-2024 và 17-6-2024 đến 28-6-2024.  Tuy chương trình làm việc của Quốc hội trong hai đợt thời gian hơn một tháng ghi trên chỉ liệt kê việc thảo luận và biểu quyết các dự luật chủ yếu về hoạt động kinh tế mà không đề cập đến việc đề cử nhân sự cho vị trí Chủ tịch nước.  Vấn đề tế nhị ở đây là ở chỗ, theo Quy định 214 thì Chủ tịch nước phải là một Ủy viên Bộ Chính trị đã tham gia Bộ Chính trị tròn một nhiệm kỳ năm năm.  Như thế thì hiện nay chỉ có bốn nhân vật hội đủ tiêu chuẩn đó là Ông Nguyễn Phú Trọng, Ông Phạm Minh Chính, Bà Trương Thị Mai, và Đại tướng Tô Lâm.

Ông Nguyễn Phú Trọng thì vì tuổi cao sức yếu, không thể kiêm nhiệm vừa Tổng Bí thư vừa Chủ tịch nước.  Ông Phạm Minh Chính đang giữ vị trí Thủ tướng có thực quyền chỉ sau vị trí Tổng Bí thư nên tiếp nhận vị trí Chủ tịch nước đồng nghĩa với việc xuống chức.  Ông Phạm Minh Chính còn có triển vọng sẽ ở vào một vị trí cao hơn sau Đại hội Đảng khóa XIV tháng 1 năm 2026.  Riêng Bà Trương Thị Mai, ngay cả trước khi có hai vụ khủng hoảng lãnh đạo của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, thì đã bày tỏ công khai nguyện vọng muốn được nghỉ hưu ở tuổi 66 (năm 2024) vì lý do sức khỏe; hơn nữa, Bà Trương Thị Mai còn có khuyết điểm là đã liên hệ nhiều với những nhân vật lãnh đạo địa phương đã nhũng lạm lớn trong dự án Đại Ninh thuộc Tỉnh Lâm Đồng nên có thể lý do xin nghỉ hưu cũng là một cách thoát ra khỏi vòng tranh chấp rối ren hiện nay trong hệ thống quyền lực của Đảng và Nhà nước cấp trung ương.

Tuy là một chức vụ có tính danh dự và nghi lễ nhưng “quốc bất khả nhất nhật vô quân / nước không thể một ngày không có vua” nên có lẽ Ông Nguyễn Phú Trọng sẽ chọn một giải pháp khả chấp với mọi thành viên Bộ Chính trị, Trung ương Đảng, và Quốc hội là đề cử Đại tướng Tô Lâm đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch nước.  Về phương diện cá nhân, tại Đại hội Đảng khóa XIV tháng 1 năm 2026 thì Đại tướng Tô Lâm đã 69 tuổi nên ông cần có chân trong tứ trụ để được hưởng quy chế đặc biệt vượt quá giới hạn 65 tuổi.  

II.- VIỄN CẢNH CƠ CẤU LÃNH ĐẠO CHÍNH TRỊ VIỆT NAM

Từ nay cho đến tháng 1 năm 2026, khi Đại hội Đại biểu Toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIV nhóm họp, thì còn 20 tháng nữa.  Thời gian 20 tháng này là thời gian cạnh tranh quyết liệt giữa những người đảng viên cao cấp, giữa các thế lực chính trị, giữa các vùng miền, giữa các khuynh hướng tư tưởng trung thành chủ nghĩa Mác-Lênin, khuynh hướng trái độn, và khuynh hướng cải cách.

Khuynh hướng Mác-Lênin tôn trọng sinh hoạt kinh tế thị trường nhưng phải dưới chủ trương “định hướng xã hội chủ nghĩa.”  Khuynh hướng cái cách tôn trọng quy luật tự nhiên của sinh hoạt kinh tế tự do kinh doanh mà nhà nước chỉ giữ vai trò trọng tài cho hoạt động kinh tế tự do đó; dĩ nhiên, nhà nước vẫn thực thi vai trò bảo đảm trật tự xã hội và an ninh quốc gia.  Khuynh hướng trái độn được hình thành từ năm 2015 và nhất là sau Đại hội Đảng khóa XII tháng 1 năm 2016 khi có sự cạnh tranh gay gắt giữa thành phần ủng hộ nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và thành phần ủng hộ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để tranh giành vị trí Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam.  Sự cạnh tranh đó vượt khỏi phạm vi của nguyên tắc “cạnh tranh chính trị” trong Đảng Cộng sản Việt Nam mà Chủ tịch Đảng đầu tiên là Ông Hồ Chí Minh đã dùng chữ “thi đua yêu nước” để xác lập từ năm 1946.  Trong cuộc cạnh tranh đó, Ông Nguyễn Phú Trọng đã thắng Ông Nguyễn Tấn Dũng qua hai sách lược.  

Một là, sử dụng Quyết định số 244-QĐ/TW ngày 09-6-2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Quy chế Bầu cử trong sinh hoạt Đảng, đặc biệt tại điều 13 quy định tất cả Ủy viên Trung ương khóa cũ, nếu không được Trung ương giới thiệu tái cử, thì tại Đại hội Đảng khóa XII (2016), dù được đại biểu các đoàn giới thiệu tiếp, cũng phải từ chối.  Tuy nhiên, việc người được giới thiệu đó có được rút khỏi sự đề cử hay không là tùy Đại hội biểu quyết hoặc bỏ phiếu kín để quyết định.

Hai là, vận động và thúc đẩy Ông Trương Tấn Sang, Chủ tịch nước, xin rút lui sự đề cử cùng với các Ông Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Quốc hội; Lê Hồng Anh, Thường trực Ban Bí thư; Tô Huy Rứa, Trưởng ban Tổ chức Trung ương; Phạm Quang Nghị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội; Lê Thanh Hải, nguyên Bí thư Thành ủy Sài Gòn; và một số người khác.

Một thực tế không thể phủ nhận là mặc dầu Ông Nguyễn Tấn Dũng đã rút lui khỏi Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhưng số lượng Ủy viên Trung ương và Ủy viên Bộ Chính trị thuộc tầm ảnh hưởng của Ông Nguyễn Tấn Dũng đã được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị chiếm một tỉ lệ khá lớn.  Ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phải mất một thời gian dài 10 năm trong hai nhiệm kỳ (2016-2026) mới thanh lọc được gần hết thành phần thân tín của Ông Nguyễn Tấn Dũng.  Ông Nguyễn Phú Trọng hành sử quyền lực Tổng Bí thư rất thận trọng khi Ông thanh lọc thành phần “của” Ông Nguyễn Tấn Dũng trong nhiệm kỳ thứ nhì (Khóa XII, 2016-2021) nhưng Ông vẫn chờ cho đến khi Ông thanh lọc gần hết thành phần “thân” Ông Nguyễn Tấn Dũng trong Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị trong nhiệm kỳ thứ ba của ông (Khóa XIII, 2021-2026).  Thành phần “thân hữu” của Ông Nguyễn Tấn Dũng thường có thái độ dè dặt, lưỡng lự, thiếu dứt khoát trước những quyết định về nhân sự, nhất là nhân sự ở cấp lãnh đạo Đảng và Nhà nước.  Thành phần này là nòng cốt của khuynh hướng trái độn giữa hai khuynh hướng Mác-Lênin và cái cách.  

Dầu thuộc khuynh hướng nào, các đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam cũng ít nhiều lợi dụng những kẻ hở của luật pháp để mưu cầu tư lợi, đôi khi quá lộ liễu, nhất là việc xây dựng nhà thờ dòng họ hoành tráng (monumental) và xây dựng các biệt phủ quá tráng lệ (magnificent) để làm tư thất.

Hiện nay thì Bộ Chính trị với 13 Ủy viên có thể nói chỉ thuộc hai thành phần là thành phần Mác-Lênin của Ông Nguyễn Phú Trọng và thành phần trái độn thân hữu của ông.  Do vậy, Đại hội Đảng khóa XIV trong tháng 1 năm 2026 sẽ phản ánh dấu ấn Nguyễn Phú Trọng trong lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam về cơ cấu nhân sự lãnh đạo Đảng và Nhà nước.  Từ Đại hội Đảng khóa XIV người ta sẽ thấy tính chuyên chính ngày càng thắt chặt hơn vì có sự thống nhất giữa Tổng Bí thư và Thủ tướng Chính phủ cùng Chủ tịch Quốc hội và Chủ tịch nước của thành phần nhân sự do Ông Nguyễn Phú Trọng chọn lựa.  Tiến trình chọn lựa nhân sự này sẽ diễn ra theo thứ tự như sau.  Trước hết, Tổng Bí thư và Bộ Chính trị đương nhiệm chọn lựa nhân tuyển thích hợp cho vị trí Tổng Bí thư nhiệm kỳ kế tiếp rồi Tổng Bí thư được tuyển chọn sẽ phối hợp với Bộ Chính trị để đề cử thành viên Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, và Chủ tịch nước. 

Trên danh sách 13 Ủy viên Bộ Chính trị thì theo thứ tự bốn Ủy viên đầu tiên là Nguyễn Phú Trọng, Phạm Minh Chính, Trương Thị Mai, và Tô Lâm.  Ông Nguyễn Phú Trọng giữ vị trí Tổng Bí thư 15 năm trong ba nhiệm kỳ liên tục (2011-2026) là đã vượt ra ngoài Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam quy định bốn vị trí lãnh đạo Đảng và Nhà nước cao nhất là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, và Chủ tịch Quốc hội có thời gian tại chức tối đa là hai nhiệm kỳ, tức là 10 năm.  Hơn nữa, đến năm 2026 thì Ông Nguyễn Phú Trọng đã 82 tuổi (1944-2026) nên việc Ông Nguyễn Phú Trọng tái ứng cử chức vụ Tổng Bí thư không được đặt ra.  Bà Trương Thị Mai thì đã công khai bày tỏ nguyện vọng xin được nghỉ hưu.  Vấn đề còn lại là trường hợp của Ông Phạm Minh Chính và Đại tướng Tô Lâm có thể được đề cử vào vị trí Tổng Bí thư hay không mà thôi.

Theo Nhà phân tích chính trị Zachary Abuza trong bài viết “Cuộc tranh giành vị trí lãnh đạo tại Việt Nam ngày càng quyết liệt sau khi ba nhân vật lãnh đạo bị bãi nhiệm” trên Diễn đàn Đài Phát thanh Á châu Tự do ngày 01-5-2024 thì hai Ông Phạm Minh Chính và Tô Lâm cũng mang nhiều tai tiếng không được tốt đẹp lắm.

Ông Phạm Minh Chính có kinh nghiệm về lãnh vực an ninh nhưng về phương diện điều hành nền kinh tế quốc gia thì không mấy hiệu quả; cụ thể như ông lúng túng trong việc giải quyết khẩn cấp tình trạng xuất hiện dịch bệnh của biến thể Covid-19 mới, và nhất là việc mua vắc-xin để ứng phó với dịch bệnh này.  Ông Phạm Minh Chính lại dính líu đến các vụ bê bối của Công ty Cổ phần Tập đoàn AIC (AIC Group / Applied Informatics and Commerce Companies Group) và Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Giám đốc Điều hành của Công ty.  Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã bị Tòa án kết án khiếm diện 30 năm tù giam trong tháng 10 năm 2023.  Ông Phạm Minh Chính đã phải nộp bản tự kiểm điểm lên Bộ Chính trị về những khuyết điểm của ông.

Đại tướng Tô Lâm là một giới chức chuyên nghiệp trong ngành an ninh và có thể nói ông là một trong những người lãnh đạo ngành an ninh tài giỏi nhất của Việt Nam.  Việc ông ăn miếng bít-tết dát vàng 2.000 mỹ kim tại London, Anh quốc, trong tháng 11 năm 2021 có thể làm dân chúng mất thiện cảm đối với ông nhưng thực tế thì không mấy quan trọng vì người dân thừa biết các giới chức chính quyền Cộng sản Việt Nam có cuộc sống riêng tư rất xa hoa và hoang phí trong khi dân chúng đa phần đều sống rất kham khổ, nhất là tại thôn quê.  Khuyết điểm nghiêm trọng của Ông Tô Lâm ở chỗ ông là một người thừa hành xuất sắc nhưng ông không phải là một nhà lãnh đạo có tầm nhìn chiến lược về lợi ích lâu dài của đất nước.  Những nhà ngoại giao và doanh nhân nước ngoài có dịp tiếp xúc với ông hầu hết đều có nhận xét ông là một người thực dụng. (While he is the guardian of the Communist Party, Lam isn’t an ideologue. Diplomats and Western businessmen who have met him describe him as pragmatic. Zachary Abuza).  

Trước bối cảnh nhân sự thiếu tiêu chuẩn như thế, Giáo sư Zachary Abuza nghĩ rằng Ông Nguyễn Phú Trọng có thể tiếp tục giữ vị trí Tổng Bí thư của nhiệm kỳ thứ tư tại Đại hội Đảng khóa XIV trong tháng 1 năm 2026. (And given the potential for a deadlock, we can never rule out Trong presenting himself as the compromise candidate. After all, if succession is so divisive, then why have succession?).  Điều này hoàn toàn không thể xảy ra vì năm 2026 thì Ông Nguyễn Phú Trọng đã 82 tuổi và ngay trong năm 2021 khi Ông Nguyễn Phú Trọng nhận thêm nhiệm kỳ thứ ba thì một số trí thức và nhân sĩ Hà Nội cũng như trên khắp nước đã kịch liệt phản đối.

Các nhà quan sát chính trị đều ghi nhận sau khi bãi nhiệm (chứ không phải nói cho lịch sự là miễn nhiệm) các Ủy viên Bộ Chính trị Trần Tuấn Anh, Phạm Bình Minh, Nguyễn Xuân Phúc, Võ Văn Thưởng, và Vương Đình Huệ thì quyền lực của Ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gần như trọn vẹn tại Đại hội Đại biểu Toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIV trong tháng 1 năm 2026.  Quyền lực chính trị về tay một người thì có tính độc tài mà quyền lực đó lại nằm trong hệ thống chuyên chính thì sự phát huy của nó sẽ ảnh hưởng đến xã hội vô cùng to lớn.  Ông Nguyễn Phú Trọng không phải là mẫu người làm nên lịch sử khi hoàn cảnh chính trị đã dành cho ông một cơ hội hiếm có để ông hướng đất nước tiến lên theo đúng vận trù của dòng chảy lịch sử mà chắc rằng ông sẽ lèo lái đất nước đi chệch hướng phát triển tất yếu của lịch sử loài người, tức là trong khi hầu hết các quốc gia cộng sản đã từ bỏ chủ nghĩa cộng sản từ năm 1991 thì cho đến nay, năm 2024, Ông Nguyễn Phú Trọng vẫn một lòng trung thành với chủ nghĩa Mác-Lênin.  Quan điểm chính trị giáo điều hẹp hòi đó của ông có thể dẫn đưa đất nước không những bị chậm tiến so với các nước lân bang mà không chừng còn đưa đất nước chìm vào loạn lạc vì phe và phái trong Đảng Cộng sản Việt Nam để rồi Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ bị cáo chung chính bởi mâu thuẫn nội tại của Đảng Cộng sản.  

III.- THỬ PHÁC HỌA  CƠ CẤU LÃNH ĐẠO CHÍNH TRỊ VIỆT NAM 

A.- Cơ cấu Nhân sự Lãnh đạo Nhà nước sau Nguyễn Phú Trọng.

Ông Nguyễn Phú Trọng là một đảng viên cộng sản trung thành với chủ nghĩa Marx-Lenin nên ông quyết theo đuổi chính sách kinh tế thị trường với định hướng xã hội chủ nghĩa.  Do đó, Ông Nguyễn Phú Trọng sẽ điều hướng thành phần nhân sự vào vị trí lãnh đạo Đảng và Nhà nước sau Đại hội Đại biểu Toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIV trong tháng 1 năm 2026 có thể với kế hoạch sắp xếp  Ông Phạm Minh Chính hay Đại tướng Tô Lâm sẽ giữ vị trí Tổng Bí thư vì những sự kiên lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam từ sau năm 1986 như sau.

Ngoại trừ Thượng tướng Lê Khả Phiêu, quê ở Thanh Hóa, làm Tổng Bí thư hơn 3 năm (12/1997-04/2001), năm Tổng Bí thư khác đều là người có sinh quán ở Miền Bắc là Trường Chinh, Nam Định, 7/1986-12/1986; Nguyễn Văn Linh, Hưng Yên, 12/1986-6/1991; Đỗ Mười, Hà Nội, 6/1991-12/1997; Nông Đức Mạnh, Bắc Cạn, 4/2001-01/2011; Nguyễn Phú Trọng, Hà Nội, 01/2011 đến nay.  Sở dĩ có tình trạng được hiểu ngầm là vị trí Tổng Bí thư sẽ do người có sinh quán Miền Bắc nắm giữ là vì Thủ đô Hà Nội ở Miền Bắc và người Miền Bắc ít có những tương quan xã hội với Tây Phương.  Ba vị trí Chủ tịch nước, Thủ tướng, và Chủ tịch Quốc hội thì người Miền nào nắm giữ cũng được.

Đại tướng Tô Lâm hay một Ủy viên Bộ Chính trị nào khác chỉ có thể trở thành Tổng Bí thư sau Đại hội Đảng khóa XIV tháng 1 năm 2026 chứ từ nay đến Đại hội Đảng đó thì cơ hội để trở thành Tổng Bí thư hoàn toàn thuộc về vị trí Thủ tướng Phạm Minh Chính.  Trong thời gian 20 tháng này, nếu vì lý do sức khỏe, Ông Nguyễn Phú Trọng không thể hành sử nhiệm vụ Tổng Bí thư thì Bộ Chính trị sẽ ủy quyền cho Ông Phạm Minh Chính xử lý nhiệm vụ Tổng Bí thư cho đến Đại hội Đảng khóa XIV.  Một khi Ông Phạm Minh Chính đã xử lý thường vụ nhiệm vụ Tổng Bí thư thì chắc chắn Ông Phạm Minh Chính sẽ trở thành Tổng Bí thư chính thức trong Đại hội Đảng khóa XIV.

Viễn cảnh nhân sự lãnh đạo Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam sau năm 2026 có thể như sau.

Tổng Bí thư: Ông Phạm Minh Chính
Chủ tịch nước: Ông Tô Lâm

Thủ tướng Chính phủ: Ông Đinh Tiến Dũng hay Ông Nguyễn Xuân Thắng
Chủ tịch Quốc hội: Ông Trần Thanh Mẫn

Theo Quy định số 214-QĐ/TW năm 2020 thì Thủ tưởng Chính phủ phải là một Ủy viên Bộ Chính trị tròn một nhiệm kỳ, và phải là một Đại biểu Quốc hội.  Ông Nguyễn Văn Nên không phải là một Đại biểu Quốc hội nên không phải là một dự tuyển viên vị trí Thủ tướng.  

Cũng vậy, Bộ trưởng Công an theo thông lệ phải là một Ủy viên Bộ Chính trị hay ít nhất cũng phải là một Ủy viên Trung ương.  Như thế nhân vật thay thế Ông Tô Lâm không thể là Thượng tướng Lương Tam Quang, Thứ trương Bộ Công an, mà có thể là Ông Trần Cẩm Tú.  Ông Trần Cẩm Tú sinh năm 1961 tại Hà Tỉnh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

B.- Vận trù Lịch sử: Buổi Bình minh của Dân tộc Việt Nam.

Ông Phạm Minh Chính hay Ông Tô Lâm lãnh đạo chính trị nước Việt Nam thì Việt Nam vẫn đi theo con đường cũ, con đường “xã hội chủ nghĩa.”  Tình trạng chia phần về quyền lực chính trị và quyền lợi vật chất cũng như những xâu xé hiện nay khi sự bắt bớ lan tràn từ Bí thư Thành ủy, Bí thư Tỉnh ủy đến Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Tỉnh đã làm dấy lên mầm mống của một làn sóng phản kháng mang tính chất đầu tiên là vùng miền rồi kết hợp với những bất mãn phe phái cùng những sự bất công xã hội khi guồng máy hành chánh đàn áp dân chúng để tướt đoạt tài sản, đất đai, nhà cửa của người dân thì sự nổi loạn sẽ xảy ra có tổ chức, có lãnh đạo của những chính trị gia, những giới chức bất mãn với cơ chế đảng và nhà nước tại trung ương.  Hoàn cảnh chính trị rối ren đó có thể đẩy ra chính trường những nhân vật thầm lặng.  Nhưng những nhân vật này chưa có uy tín đủ để ổn định tình thế rối bời của đất nước.  Đến khi đó thì bài toán sách lược “nước xa không cứu được lửa gần” sẽ được phân tích dưới nhãn quan thực tế mang tính thực dụng.  Một khi bài toán “nước xa lửa gần” được giải quyết với những cam kết có bảo chứng thì những con người có dũng lược sẽ đứng ra nhận lãnh trách nhiệm trước lịch sử.  

Tại sao một quốc gia với gần 100 triệu dân như Việt Nam lại có hơn 350 chính trị gia, giới chức và viên chức Đảng Cộng sản và Nhà nước có hành vi tham nhũng với mức độ quá lớn ở phạm vị đại hình như hiện nay?  Phải thành thật ghi nhận Ông Nguyễn Phú Trọng có hoài bão trong sạch hóa guồng máy chính quyền nhưng ông không thể thực hiện chương trình chống tham nhũng đó được vì tình trạng tham nhũng trong chế độ Cộng sản xuất phát từ cơ cấu tổ chức chính quyền và cách thức tuyển lựa viên chức nhà nước thông qua hệ thống sinh hoạt đảng là một hệ thống cơ cấu xấu nhất, tệ hại nhất trong lịch sử loài người hiểu dưới cái nhìn “Mô thức Lý thuyết Hệ thống” (system theory model), theo đó nhập lượng (input) nhân sự thiếu tiêu chuẩn và cơ cấu tài bồi (process / conversion) thiếu khách quan thì tất nhiên đưa đến xuất lượng (output) nhân viên thiếu phẩm chất cần thiết cho công vụ.  Khi môi trường công vụ phản ánh (phản dưỡng / feedback) tình trạng nhân viên thiếu phẩm chất thì guồng máy trì trệ của đảng không thể điều chỉnh (correct / adjust) input, conversion, output và feedback cho tốt hơn.


Tình trạng bế tắc đó chỉ có thể được giải quyết bằng con đường sinh hoạt chính trị dân chủ theo khát vọng của người dân Việt Nam từ Bắc vào Nam như tiếng nói thiết tha của Nhà thơ Nghệ Tỉnh Thái Bá Tân.

Vậy thì tôi góp ý,

Xây dựng và chân thành,

Bảo đảm nếu làm được,

Đất nước sẽ tiến nhanh.

Một, tam quyền phân lập,

Hai, dân chủ đa nguyên,

Ba, tự do báo chí,

Và kèm theo nhân quyền.

[Thái Bá Tân: Lại Hiến Kế Xây Dựng Nước Nhà]

Vận trù lịch sử của đất nước chắc chắn sẽ đi theo con đường sinh hoạt chính trị dân chủ đa nguyên, nhưng tuổi chuyển mình phải đi qua giai đoạn bể tiếng thì mới vươn lên cao lớn được.  Vấn đề là những nhà lãnh đạo đất nước phải sáng suốt để chủ động điều hướng dòng chảy theo quy luật của dòng nước chứ không thì dòng nước vẫn chảy nhưng ít nhiều cũng làm hư hại một vài mãnh đất hoa màu.

1.- Dòng Chảy Lịch Sự Được Chủ Động Điều Hướng.

Từ những năm cuối thập niên 1990, Ông Trần Xuân Bách, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam, đã từng chủ trương đa nguyên, đa đảng “Dân chủ không phải là ban ơn, không phải là mở rộng dân chủ hay dân chủ mở rộng… .  Dân chủ là quyền của dân, với tư cách là người làm nên lịch sử, không phải là ban phát — do tấm lòng của người lãnh đạo này hay người lãnh đạo kia.  Thực chất của dân chủ là khơi thông trí tuệ của toàn dân tộc và đưa đất nước đi lên kịp thời đại …”

Ông Trần Xuân Bách là một người với nhân cách cao quý, yêu nước, thương dân, nhưng ông đã thất bại vì ông đi trước lịch sử.  Người làm lịch sử là người đi trên lịch sử chứ không đi trước lịch sử vì đi trước lịch sử thì bị lịch sử đè bẹp mà đi sau lịch sử thì bị lịch sử đào thải.  

Cụ Phan Bội Châu và Cụ Phan Châu Trinh đều là những nhân sĩ yêu nước nhưng Cụ Phan Bội Châu đi trước lịch sử và Cụ Phan Châu Trinh đi trên dòng chảy của lịch sử.

Một nhà lãnh đạo Việt Nam thực sự có lòng yêu nước thương dân thì phải toàn tâm, toàn ý, quyết lòng thực hiện năm mục tiêu sau.

a.- Áp dụng nguyên tắc mọi người đều bình đẳng trước pháp luật:

Không chấp nhận có hai tiêu chuẩn áp dụng luật pháp.  Những giới chức đã phạm pháp sau khi bị bãi nhiệm thì phải bị truy tố để tòa án xét xử hành vi sai phạm của họ hay ít nhất họ cũng phải bị truy cứu trách nhiệm dân sự để nhà nước thu hồi những nhũng lạm nhằm khắc phục hậu quả tai hại của hành vi tham ô của họ đối với công quỹ và tài nguyên quốc gia.

b.- Chân thành hòa giải dân tộc:

Vết thương của dân tộc Việt Nam do cuộc nội chiến tương tàn trong 21 năm (1954-1975), nhất là giai đoạn ác liệt 15 năm từ năm 1960 đến năm 1975 đã gây muôn vàn thảm cảnh bi thương cho người dân hai miền Nam, Bắc; nhất là người dân Miền Nam với việc pháo kích, giật mìn phá sập cầu và hư hại đường, việc gài bom trên xe khách, xe đò, xe Lambretta chở khách, xe xích-lô máy, thuyền đò, thuyền buôn, việc ám sát và bắt cóc ban ngày và ban đêm, ngay cả sát hại các Giáo sư Đại học.  Miền Bắc và Miền Nam đã nhận vũ khí của nước ngoài để giết hại lẫn nhau để rồi cuộc chiến kết thúc với toàn dân Việt Nam từ Nam ra Bắc đều là những người thua trận.  Có bốn quốc gia thắng trận trong cuộc nội chiến của Việt Nam là Trung Hoa lục địa kết thân được với Hoa Kỳ để chuyển hướng kinh tế, cải thiện đời sống của người dân và đem lại phúc lợi cho quốc gia; Tây Đức đã thống nhất với Đông Đức thành Liên bang Cộng hòa Đức; Nga đã thoát ra khỏi chủ nghĩa Cộng sản của Liên bang Xô-viết (Soviet Union); và Hoa Kỳ đã giàu mạnh hơn trước năm 1945 rất nhiều.  

Năm 1975 thực sự là nhân dân Miền Nam đã giải phóng cho nhân dân Miền Bắc như lời tự xác nhận của người dân Miền Bắc, nhất là giới trí thức và văn nghệ sĩ, đặc biệt là Nhà văn Dương Thu Hương đã nhận ra sự thực lịch sử ngay từ những ngày đầu của tháng 5 năm 1975 khi Nhà văn này đặt chân lên đất Sài Gòn.  Hòa giải dân tộc như thế nào thì Tập thể Trí thức Việt Nam mà phần lớn là ở Hà Nội đã gửi đến các Nhà Lãnh đạo Việt Nam những kiến nghị rất cụ thể.  Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Đình Cống đã trả Thẻ Đảng viên Đảng Cộng sản năm 2016 cũng vì chủ trương thiếu hòa hợp, hòa giải của Đảng và Nhà nước Cộng sản Việt Nam.

c.- Tái lập Những Giá trị Ưu điểm của Văn hóa Dân tộc:

Nên duy trì truyền thống nhân, lễ, nghĩa, trí, tín của dân tộc trong khung cảnh sinh hoạt “thờ gia đình, mến tổ quốc, phụng tổ tiên” như là suối nguồn của đời sống tâm linh.  Tuyệt đối bài trừ mê tín, dị đoan nhưng phải sống thành thật với chính mình làm tấm gương cao quý cho con cháu noi theo; không thể một cán bộ cao cấp, một giới chức chính quyền, một Ủy viên Bộ Chính trị vào chùa thắp hương lễ Phật mà bước ra khỏi chùa thì hô hào “tôn giáo là thuốc phiện” thì làm sao giải thích được cho con cháu về hành vi mâu thuẫn đó của mình.

Tôn giáo và chính quyền phải được tách rời nhau và tôn giáo phải hoạt động dưới sự kiểm soát của chính quyền, nhưng chính quyền phải tôn trọng sự tự do sinh hoạt của tôn giáo về mặt tâm linh.  Tôn giáo có độc lập với chính quyền thì ảnh hưởng thiện lành của tôn giáo mới có tác dụng lên xã hội.  Một khu phố với ba Công an Khu vực cũng không có tác dụng an lành bằng một Niệm Phật đường nhỏ với một Nhà sư già.

d.- Theo đuổi Nền Kinh tế Tự do Kinh doanh:
Từng bước giới hạn phạm huy hoạt động của kinh tế quốc doanh, ngoại trừ những lãnh vực thật cần thiết cho đời sống của người dân như lương thực, thực phẩm hay an ninh, quốc phòng.

e.- Quyết tâm Xây dựng Sinh hoạt Chính trị Dân chủ Thật sự:

Tu chính Hiến pháp 2013 để bỏ Điều 4 nhằm mở ra một giai đoạn lịch sử mới của dân tộc về việc sinh hoạt chính trị dân chủ.  Chỉ có dân chủ thật sự mới tránh được nạn nhũng lạm của công chức, viên chức, giới chức và ngay cả những nhà lãnh đạo chính trị quốc gia.  Làm thế nào một sinh viên Việt Nam đi du học ở nước ngoài trả lời được những người bạn học bản xứ câu hỏi tại sao nước bạn tham nhũng ngay từ Tổng thống của bạn, không phải một Tổng thống mà cả hai Tổng thống trong một năm như vậy?
Phải mạnh dạn lấy lại quốc hiệu Cộng hòa Việt Nam hay Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ năm 1945 đồng thời tái cơ cấu Đảng Cộng sản Việt Nam trở về với Đảng Lao động Việt Nam.  Nhà nước chủ động xây dựng đối lập chính trị để trước mắt hình thành một Đảng chính trị đối lập trong sinh hoạt nghị trường.  Khi Đảng đối lập có được khoảng gần 1/3 Đại biểu Quốc hội thì Đảng chính lập Lao động Việt Nam kết hợp với Đảng đối lập để hình thành một Đảng chính trị thiểu số thứ ba nhằm quy tụ cho được thành phần Trung tả của Đảng chính lập Lao động và thành phần Trung hữu của Đảng đối lập.  Dùng luật pháp để hạn chế chỉ có tối đa là ba đảng chính trị hoạt động hợp pháp trong sinh hoạt chính trị quốc gia.
Thực hiện được năm mục tiêu nói trên thì dân tộc sẽ đoàn kết, đất nước sẽ phú cường và quốc gia sẽ vững mạnh để hòa nhịp vào sinh hoạt ngang vai trong cộng đồng thế giới.

2. Dòng Chảy Lịch Sử Mang Tính Tự Phát.

Một khi dòng chảy lịch sử không được người trong cuộc điều hướng thì nó cũng sẽ tuôn trào một cách tự phát với sự hỗ trợ từ bên ngoài.  Khi đó dưới ngọn cờ thực thi Hiệp định Paris năm 1973, người dân Miền Nam Việt Nam với sự lãnh đạo chủ yếu của những đảng viên Cộng sản ly khai tranh đấu phục hồi lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa với sự hỗ trợ của dân chúng Miền Nam (sinh ra và sinh sống tại Miền Nam).  Hoa Kỳ và Liên Hiệp Quốc sẽ giúp đỡ hình thành một Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa qua hình thức bầu cử phổ thông.  Chính phủ đó là một dạng Chính phủ Liên hiệp mà phần chính là cựu đảng viên Cộng sản Miền Nam ly khai chứ không phải thành phần Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam thân Pháp cũ.  Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa đó tôn trọng lãnh thổ và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hay Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam mà lãnh thổ là từ Sông Bến Hải trở ra đến Lạng Sơn.  

Hai năm sau ngày thành lập Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa thì toàn dân Việt Nam từ Cà Mâu đến Lạng Sơn sẽ tham gia một cuộc tổng tuyển cử thống nhất đất nước do Liên Hiệp Quốc chủ trì với quân đội mũ xanh của Liên Hiệp Quốc duy trì trật tự của cuộc bầu cử.  Quân đội Liên Hiệp Quốc đó chắc chắn không phải là quân đội Hoa Kỳ hay Trung Hoa Lục địa mà có thể là quân đội Nhật Bản hay Hàn Quốc hay cả hai.

Trần Việt Long

San Jose, ngày 17-05-2024