Trung ương Đảng họp: người thăng tiến, kẻ bị trừng phạt và những điểm đáng lưu ý

0
924
Bà Trương Thị Mai, nhân vật thân cận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đã rời chính trường

Ngày đầu tiên của Hội nghị Trung ương 9 khóa 13 của Đảng Cộng sản Việt Nam đã chứng kiến những biến động dữ dội ở thượng tầng của nền chính trị quốc gia. Thấy gì từ những diễn biến này?

Hội nghị lần này diễn ra từ ngày 16/5 đến 18/5, giữa bối cảnh nhân sự cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam có nhiều biến động dữ dội.

Chỉ từ đầu năm 2024 đến trước hội nghị đã có 3 ủy viên Bộ Chính trị, bao gồm 2 người trong “Tứ Trụ”, bị cho thôi chức, miễn nhiệm.

Do đó, hội nghị này được chờ đợi sẽ đưa ra những quyết định quan trọng về các vị trí lãnh đạo Đảng và Nhà nước.

Dù thế, thông tin về kỳ họp đã không được Trung ương Đảng công bố cho đến sau thời điểm khai mạc.

Và chỉ trong ngày đầu tiên của hội nghị đã có nhiều dấu hiệu và diễn biến quan trọng được ghi nhận:

  • Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tái xuất sau thời gian dài không xuất hiện.
  • Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai bị cho thôi chức.
  • Đại tướng Lương Cường làm thường trực Ban Bí thư.
  • Bổ sung 4 người vào Bộ Chính trị.
  • Giới thiệu nhân sự để bầu chủ tịch nước và chủ tịch Quốc hội (chưa công bố cụ thể).
  • Kỷ luật một số nhân vật cấp cao, trong đó có cựu Bí thư Thành ủy TP HCM Lê Thanh Hải.

Bà Trương Thị Mai mất chức

Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai đã kết thúc sự nghiệp chính trị
Chụp lại hình ảnh,Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai đã kết thúc sự nghiệp chính trị

Theo thông cáo ngày 16/5 của Văn phòng Trung ương Đảng, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 9 đã xem xét cho thôi giữ các chức vụ, nghỉ công tác đối với bà Trương Thị Mai, ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13.

Người phụ nữ 66 tuổi quê Quảng Bình này là một bóng hồng hiếm hoi trong một nền chính trị do nam giới thống trị.

Từ một cán bộ Đoàn thanh niên, bà đã dần thăng tiến qua các thang bậc trong hệ thống của Đoàn và Đảng, để rồi nắm giữ một trong những chức vụ cao nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam: thường trực Ban Bí thư.

Bà từng được đánh giá là sẽ tiếp tục đảm đương các trọng trách của nhà nước Việt Nam, sau khi Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ mất chức.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, trong thời gian giữ cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương, bà “đã có một số vi phạm, khuyết điểm trong việc thực hiện Quy định về những điều đảng viên không được làm, Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng; ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và cá nhân”.

“Nhận thức rõ trách nhiệm trước Đảng và Nhân dân, bà đã có đơn xin thôi giữ các chức vụ được phân công và nghỉ công tác,” thông cáo nêu.

“Căn cứ quy định hiện hành của Đảng, Nhà nước và xem xét nguyện vọng của bà Trương Thị Mai, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đồng ý để bà Trương Thị Mai thôi giữ chức Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13.”

  • Chủ tịch nước và chủ tịch Quốc hội: quyền hạn tới đâu và ai sẽ làm?15 tháng 5 năm 2024
  • Việt Nam sẽ gia nhập BRICS hay chần chừ vì ngoại giao ‘cây tre’?14 tháng 5 năm 2024
  • Đảng Cộng sản Việt Nam: công tác nhân sự thất bại?7 tháng 5 năm 2024

Chiều 16/5, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cũng đã có thông cáo về việc cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa 15 đối với bà Trương Thị Mai.

Theo đó, chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp để xem xét quyết định về việc cho thôi làm đại biểu Quốc hội khóa 15 đối với bà Trương Thị Mai, đại biểu Quốc hội thuộc đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình.

Căn cứ Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội và các quy định pháp luật có liên quan, căn cứ ý kiến của các cơ quan có thẩm quyền, căn cứ tờ trình của Ban Công tác đại biểu, đồng thời, xét đơn xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội ngày 13/5 của bà Trương Thị Mai, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận, bỏ phiếu kín thông qua và ban hành nghị quyết về việc cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa 15 đối với bà Trương Thị Mai.

Theo quy trình thì Đảng xử lý các chức vụ trong Đảng, còn Quốc hội xử lý các chức vụ thuộc thẩm quyền của Quốc hội (ở đây là đại biểu Quốc hội).

Tương tự các trường hợp cho thôi chức ông Võ Văn Thưởng và Vương Đình Huệ, thông cáo của Trung ương Đảng không nêu rõ vi phạm cụ thể của bà Trương Thị Mai là gì.

Từ nhiều ngày qua, thông tin bà Trương Thị Mai rời ghế đã xuất hiện dưới dạng tin đồn ở trên mạng xã hội. Có thông tin cho rằng bà bị cáo buộc liên quan tới sai phạm tại dự án Đại Ninh ở tỉnh Lâm Đồng.

Trong khi đó, cũng có thông tin nói rằng bà bị vu oan giá họa và rằng bà rời chức là do không chịu nổi cuộc đấu đá nội bộ giữa các đồng chí của mình.

Thông báo chung chung của Trung ương Đảng càng khiến những đồn đoán về trường hợp của bà cũng như về cuộc nội đấu trong Đảng tiếp tục lan truyền.

Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là bà Mai đã được cho “hạ cánh an toàn” như các trường hợp lãnh đạo cấp cao trước bà, cụ thể là các ông Phạm Bình Minh, Nguyễn Xuân Phúc, Võ Văn Thưởng, Vương Đình Huệ, Trần Tuấn Anh.

Đại tướng Lương Cường

Con đường binh nghiệp của Đại tướng Lương Cường chủ yếu tập trung vào lĩnh vực chính trị
Chụp lại hình ảnh,Con đường binh nghiệp của Đại tướng Lương Cường chủ yếu tập trung vào lĩnh vực chính trị

Sau sự ra đi của bà Trương Thị Mai, ghế thường trực Ban Bí thư được phân công cho Đại tướng Lương Cường đảm nhiệm.

Đại tướng Lương Cường là Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Đại tướng Lương Cường sinh năm 1957, quê ở thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Ông là Ủy viên Bộ Chính trị khóa 13; Bí thư Trung ương Đảng khóa 12; Ủy viên Trung ương Đảng khóa 11, 12 và 13; Đại biểu Quốc hội khóa 15.

Ông Cường từng có thời gian học bồi dưỡng cán bộ cấp cao tại Trung Quốc (12/2011 và 11/2013).

Trước khi được phân công nhiệm vụ mới, ông là Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Ông Lương Cường có trình độ chuyên môn là cử nhân xây dựng Đảng và chính quyền nhà nước.

Vào quân ngũ từ giữa thập niên 1970, ông Cường lần lượt được thăng quân hàm qua các năm: 1981 – trung úy; 1982 – thượng úy; 1985 – đại úy; 1989 – thiếu tá; 1993 – trung tá; 1997 – thượng tá và thăng quân hàm đại tá vào năm 2001.

Từ năm 2003 đến 2006, ông Lương Cường giữ chức Phó Tư lệnh về Chính trị, Bí thư Đảng ủy Quân đoàn 2. Đầu năm 2006, ông được thăng quân hàm thiếu tướng. Sau đó, ông Cường có hơn một năm làm Chính ủy Quân đoàn 2.

Ông được thăng quân hàm trung tướng vào năm 2009 và giữ chức Chính ủy Quân khu 3 từ tháng 1/2008 đến 5/2011.

Cuối năm 2014, ông Lương Cường được thăng quân hàm thượng tướng. Ông cũng giữ chức Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam trong hơn 4 năm, từ tháng 6/2011 đến tháng 12/2015.

Ông Cường được thăng quân hàm đại tướng vào đầu năm 2019.

Trong giai đoạn từ tháng 5/2016 đến 1/2021, ông là Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam Việt Nam; Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương; Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; Ủy viên Tiểu ban Bảo vệ Chính trị nội bộ Trung ương.

Đầu năm 2021, ông Lương Cường được Ban Chấp hành Trung ương khóa 13 bầu vào Bộ Chính trị. Tháng 6 cùng năm, ông trúng cử đại biểu Quốc hội khóa 15.

Xét quá trình công tác, có thể thấy con đường binh nghiệp của ông Cường chủ yếu tập trung vào công tác chính trị, chứ không phải sĩ quan tác chiến.

Tại Việt Nam, Đảng Cộng sản lãnh đạo toàn diện nên vai trò của cán bộ sĩ quan chính trị trong quân đội luôn đặc biệt quan trọng.

Nghị quyết 51 năm 2005 của Bộ Chính trị đã định hình rõ hơn vai trò của cán bộ sĩ quan chính trị. Những sĩ quan chuyên trách về chính trị như ông Lương Cường vì thế có nhiều lợi thế trên chính trường.

Việc ông được phân công giữ chức thường trực Ban Bí thư cho thấy điều đó.

Bổ sung ủy viên Bộ Chính trị

Từ trái qua: ông Nguyễn Trọng Nghĩa, bà Bùi Thị Minh Hoài, ông Lê Minh Hưng, ông Đỗ Văn Chiến
Chụp lại hình ảnh,Từ trái qua: ông Nguyễn Trọng Nghĩa, bà Bùi Thị Minh Hoài, ông Lê Minh Hưng, ông Đỗ Văn Chiến

Sau khi bà Trương Thị Mai xin thôi chức thì ủy viên Bộ Chính trị khóa 13 chỉ còn 12 người, so với con số 18 người vào đầu khóa, thời điểm sau Đại hội 13 vào đầu năm 2021.

Những ủy viên Bộ Chính trị đã bị “cho thôi” hoặc bị miễn nhiệm bao gồm: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh.

Giờ đây đến lượt bà Trương Thị Mai.

Tại Hội nghị Trung ương 9, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã bầu bổ sung bốn ủy viên Bộ Chính trị khóa 13.

Cụ thể gồm:

Ông Lê Minh Hưng, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, ông Đỗ Văn Chiến và bà Bùi Thị Minh Hoài.

  • Ông Lê Minh Hưng, 54 tuổi, quê ở Hà Tĩnh. Ông là Ủy viên Trung ương Đảng các khóa 12, 13 và là Đại biểu Quốc hội khóa 15.

Trước khi vào Bộ Chính trị, ông là Chánh Văn phòng Trung ương Đảng và là ủy viên Ban Bí thư.

Ngoài việc được bầu vào nhóm những nhân vật quyền lực nhất, ông Hưng cũng thay bà Trương Thị Mai đảm nhiệm chức Trưởng Ban Tổ chức Trung ương.

Ông Hưng có hơn 20 năm gắn bó với Ngân hàng Nhà nước. Ông từng là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước giai đoạn 2016-2020.

Khi vụ án Vạn Thịnh Phát và SCB được đưa ra xét xử sơ thẩm, đã có những câu hỏi đặt ra về trách nhiệm quản lý nhà nước của Thống đốc Lê Minh Hưng.

Cần lưu ý là giai đoạn 2016-2020 là giai đoạn xảy ra nhiều sai phạm liên quan đến hành vi của bà Trương Mỹ Lan tại ngân hàng SCB.

“Tôi nghĩ ông Lê Minh Hưng nên có trách nhiệm vì đã không ngăn chặn được vấn đề, dù không phải là người mở màn cho sai phạm nhưng tôi chắc rằng ông ấy phải nhận thấy vấn đề và lẽ ra phải ngăn chặn nó,” một nhà quan sát chính trị nói với BBC trước khi tòa tuyên án vụ Vạn Thịnh Phát.

Ông Lê Minh Hưng là con của cố Thượng tướng Lê Minh Hương – Bộ trưởng Bộ Công an giai đoạn 1996-2002.

  • Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, 62 tuổi, quê ở Tiền Giang. Ông là Bí thư Trung ương Đảng khóa 13, Ủy viên Trung ương Đảng khóa 12, 13.

Ông Nghĩa cũng là Đại biểu Quốc hội khóa 14 và 15.

Từ tháng 9/2012 – 1/2021, ông làm Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Ông Nghĩa được thăng quân hàm thượng tướng vào năm 2017.

Ông giữ chức Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương từ tháng 2/2021 cho đến nay.

  •  Bùi Thị Minh Hoài, 59 tuổi, quê ở Hà Nam.

Bà Bùi Thị Minh Hoài là Ủy viên Trung ương Đảng chính thức các khóa 11, 12 và 13.

Bà cũng là Đại biểu Quốc hội khóa 15.

Bà Bùi Thị Minh Hoài có thời gian dài gắn bó với ngành thanh tra, kiểm tra và từng giữ các chức vụ: Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra tỉnh ủy Hà Nam; Bí thư Thành ủy Phủ Lý; Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân Việt Nam…

Tháng 3/2011, bà giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, rồi Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Từ 4/2021, bà làm Trưởng Ban Dân vận Trung ương cho đến nay.

  • Ông Đỗ Văn Chiến, 62 tuổi, quê ở Tuyên Quang.

Ông là Ủy viên Trung ương chính thức các khóa khóa 11, 12 và 13.

Ông cũng là Đại biểu Quốc hội các khóa 13, 14 và 15.

Ông Chiến lần lượt kinh qua nhiều chức vụ ở Tuyên Quang: Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Dương; Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy; Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Yên Sơn.

Tháng 9/2001, ông làm Phó Chủ tịch rồi Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Tuyên Quang và trở thành Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang sau đó.

Tháng 8/2011, ông được luân chuyển, giữ vị trí Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái nhiệm kỳ 2010-2015.

Tháng 2/2015, ông làm Thứ trưởng – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc.

Ông giữ chức Bộ trưởng – Chủ nhiệm ủy ban này từ tháng 4/2016.

Từ tháng 4/2021 cho đến nay, ông giữ chức Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa 9, nhiệm kỳ 2019-2024.

Giới thiệu nhân sự để Quốc hội bầu, phê chuẩn

Ông Trần Thanh Mẫn (bìa trái) và ông Tô Lâm (thứ hai từ trái) được nhận định sẽ là hai gương mặt mới trong “Tứ Trụ”
Chụp lại hình ảnh,Ông Trần Thanh Mẫn (bìa trái) và ông Tô Lâm (thứ hai từ trái) được nhận định sẽ là hai gương mặt mới trong “Tứ Trụ”

Sau khi ông Võ Văn Thưởng xin thôi chức vào tháng 3 vừa qua thì Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân giữ quyền chủ tịch nước.

Đối với Quốc hội, hiện Phó Chủ tịch thường trực Trần Thanh Mẫn được phân công điều hành hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội.

Theo thông cáo của Văn phòng Trung ương, tại Hội nghị lần thứ 9, Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định giới thiệu nhân sự để Quốc hội khóa 15 bầu chức chủ tịch nước và chủ tịch Quốc hội thay cho ông Thưởng và ông Huệ.

Về các chức danh trong “Tứ Trụ”, theo Quy định 214-QĐ/TW của Bộ Chính trị, để đạt tiêu chuẩn làm chủ tịch nước và/hoặc chủ tịch Quốc hội, cá nhân cần tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên.

Hiến pháp 2013 và Luật Tổ chức Quốc hội 2014 thì quy định chủ tịch nước và chủ tịch Quốc hội đều phải là đại biểu Quốc hội.

Hiện những người thỏa mãn cả quy định của Đảng và quy định trong hiến pháp, pháp luật thì có ông Nguyễn Phú Trọng, ông Tô Lâm và ông Phạm Minh Chính.

Trong bốn người này, hiện ông Trọng và ông Chính đã ở trong “Tứ Trụ”.

Xét sức khỏe của ông Nguyễn Phú Trọng thì ông khó có thể kiêm thêm chức chủ tịch nước, điều mà ông từng làm sau khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang qua đời vào năm 2018.

Còn vị trí thủ tướng của ông Phạm Minh Chính là vị trí điều hành các hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước, nếu thay đổi sẽ gây ra nhiều xáo trộn.

Do đó, ông Tô Lâm là người duy nhất đủ tiêu chuẩn cho vị trí chủ tịch nước hoặc chủ tịch Quốc hội.

Cần lưu ý, Quy định 214 cũng nêu rằng Ban Chấp hành Trung ương có thể xem xét trường hợp đặc biệt đối với các chức danh trong “Tứ Trụ”.

Điều đó cho thấy, trong trường hợp Đảng muốn cơ cấu người không đáp ứng đủ các tiêu chuẩn theo Quy định 214, sẽ có thêm các ứng viên khác là các ủy viên Bộ Chính trị chưa tham gia trọn một nhiệm kỳ.

Như vậy thì cơ hội vào “Tứ Trụ” sẽ rộng cửa hơn cho nhiều người khác. Trong số này có ông Trần Thanh Mẫn, người đang được phân công điều hành hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội sau khi ông Huệ bị miễn nhiệm.

Giáo sư Carl Thayer, một nhà quan sát chính trị Việt Nam lâu năm, từng chia sẻ với BBC sau khi ông Vương Đình Huệ từ chức rằng ông Mẫn có khả năng sẽ lên làm chủ tịch Quốc hội.

Ông Mẫn hiện là ủy viên Bộ Chính trị khóa 13 và là đại biểu Quốc hội khóa 15.

Trong một Bộ Chính trị già nua như hiện tại với hơn 75% sẽ quá 65 tuổi vào Đại hội Đảng 14, ông Mẫn là một trong ba gương mặt có thể tái ứng cử ủy viên Bộ Chính trị khóa 14 nếu xét theo quy định tuổi tác.

Về vùng miền, ông Mẫn là một trong hai ủy viên Bộ Chính trị hiếm hoi từ miền Nam.

Người còn lại là Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên nhưng ông Nên không phải là đại biểu Quốc hội nên không thể vào “Tứ Trụ”, theo quy định của hiến pháp và pháp luật.

Nếu cơ cấu nhân sự đảm bảo tính vùng miền thì khả năng cao ông Mẫn sẽ có một chân trong “Tứ Trụ”.

Sau khi bà Trương Thị Mai thôi chức thì xác suất ông Mẫn trở thành Chủ tịch Quốc hội càng gia tăng.

Nếu ông Tô Lâm làm chủ tịch nước và ông Mẫn làm chủ tịch Quốc hội, thì Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ phải tính toán phương án bộ trưởng Công an (thay ông Tô Lâm) và phó chủ tịch Quốc hội (thay ông Mẫn).

Trong đó, chức danh phó chủ tịch Quốc hội sẽ do Quốc hội bầu; chức danh bộ trưởng sẽ do Quốc hội phê chuẩn.

Ông Lê Thanh Hải bị tước hết tất cả các chức vụ

Cựu Bí thư Thành ủy TP HCM Lê Thanh Hải đã bị Ban Chấp hành Trung ương Đảng tước hết tất cả các chức vụ từng nắm giữ.

Thông tin được công bố qua thông cáo của Văn phòng Trung ương Đảng tại Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13.

Theo đó, ông Lê Thanh Hải đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương, quy chế làm việc.

Ông bị quy là thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm tại Đảng bộ, chính quyền TP HCM, gây hậu quả rất nghiêm trọng, nguy cơ thiệt hại, thất thoát, lãng phí rất lớn tiền, tài sản của Nhà nước; để xảy ra nhiều vụ án hình sự, trong đó có vụ án rất nghiêm trọng, nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật, bị kỷ luật, xử lý hình sự, gây dư luận xấu, bức xúc, ảnh hưởng rất xấu đến uy tín của tổ chức đảng và chính quyền thành phố.

Trước đó, theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương, sai phạm của ông Hải được xác định là có liên quan tới các vụ án tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC).

Những chức vụ ông Hải bị tước bỏ bao gồm:

  • Ủy viên Bộ Chính trị
  • Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh
  • Bí thư Ban cán sự Đảng, Chủ tịch UBND TP HCM

Về chức vụ Bí thư Thành ủy TP HCM nhiệm kỳ 2010-2015, ông Hải đã bị cách chức từ năm 2020 do những sai phạm liên quan tới dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Trước đó, theo quy trình kỷ luật đảng viên cấp cao, trường hợp của ông Lê Thanh Hải đã được Ủy ban Kiểm tra Trung ương báo cáo và đề nghị Bộ Chính trị kỷ luật.

Sau khi xem xét, Bộ Chính trị đã đề nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng kỷ luật theo quy định của Đảng.

Theo Khoản 9 Điều 2 Quy định 69-QĐ/TW năm 2022 quy định về nguyên tắc xử lý kỷ luật Đảng viên, đảng viên sẽ bị khai trừ ra khỏi Đảng khi vi phạm pháp luật đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự.

Do đó, việc ông Hải chỉ bị cách chức mà không bị khai trừ có thể hiểu rằng Đảng đã đánh giá những sai phạm của ông Hải không tới mức xử lý hình sự.

Ngoài ông Hải, trong số cựu quan chức TP HCM còn có ông Lê Hoàng Quân và ông Nguyễn Thành Phong cũng có sai phạm được xác định có liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC).

Hai ông này đã bị Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo vào ngày 14/5.

Cũng trong thông cáo ngày 16/5 của Văn phòng Trung ương Đảng, có hai người khác bị Ban Chấp hành Trung ương Đảng kỷ luật khai trừ khỏi Đảng, gồm:

  • Ông Dương Văn Thái, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang
  • Ông Mai Tiến Dũng, cựu Ủy viên Trung ương Đảng, cựu Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ

Cả hai ông Thái và Dũng đều đã bị khởi tố, tạm giam trước đó.

Hôm 14/5, ông Phạm Thái Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, trợ lý Chủ tịch Quốc hội, cũng đã bị Ban Bí thư khai trừ khỏi Đảng.

Theo BBC