Công tố Toà Hình sự Quốc tế xin trát bắt giữ Netanyahu và lãnh đạo Hamas 

0
551
Israeli Prime Minister Benjamin Netanyahu PHOTO: MENAHEM KAHANA/PRESS POOL

(CaliToday) –Công tố Toà hình sự Quốc tế  ICC đang xin trát bắt giữ đối với Thủ tướng Benjamin Netanyahu, Bộ trưởng Quốc phòng Israel, và các lãnh đạo Hamas trong bước đi chưa từng có tiền lệ chống một đồng minh thân cận của Mỹ có thể giáng một đòn vào vị thế quốc tế của nhà nước Do Thái khi tham gia cuộc chiến ở Gaza. 

Công tố ICC cho biết, có “cơ sở hợp lý để tin rằng” ông Netanyahu và Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant “chịu trách nhiệm hình sự” về một loạt “tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người” diễn ra ít nhất kể từ ngày 8 tháng 10 – một ngày sau khi Hamas bất ngờ tấn công vào Israel, sát hại 1200 người và bắt hơn 200 con tin. 

Nếu được ICC chấp thuận, lệnh bắt giữ ông Netanyahu và Gallant có thể làm phức tạp thêm khả năng chiến đấu cho cuộc chiến của Israel.  Israel có thể sẽ phải đối mặt với những thách thức khi tìm cách nhập cảng vũ khí, trong khi Netanyahu và Gallant sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị bắt giữ nếu họ công du đến nhiều quốc gia khác, ngoại trừ Mỹ vốn không thuộc quyền tài phán của ICC. Nó có thể làm giảm vị thế của Israel trên trường thế giới bằng cách thu hẹp các lĩnh vực mà họ có thể hoạt động.

Tổng thống Joe Biden lên án quyết định của công tố viên là “quá đáng,” trong khi một số nhà lập pháp Hoa Kỳ kêu gọi cần phải có hành động chống lại toà và giới chức ICC,  nếu trát bắt giữ được ban hành. 

“Và để tôi nói rõ, bất kể công tố viên này có thể ám chỉ điều gì, không có tương đồng, không có, giữa Israel và Hamas,” Biden nói. “Chúng tôi sẽ luôn sát cánh cùng Israel chống các mối đe dọa đối với an ninh của nước này.”

Đối với Hamas, nguy cơ thấp hơn nhiều. Lãnh đạo tổ chức Phong trào Kháng chiến Hồi giáo có tên trong đơn xin trát bắt giữ gồm những người đứng đầu cánh vũ trang của nhóm chiến binh, Yahya Sinwar và Mohammed Deif – những người được cho đang ẩn náu trong các đường hầm bên trong Gaza. Ismail Haniyeh, người đứng đầu cánh chính trị của Hamas ở Doha, Qatar, và không được chào đón ở hầu hết các nước phương Tây.

Tuy vậy, gắn lãnh đạo Israel và Hamas trong đơn xin trát bắt giữ, công tố Karim A.A. Khan đã đánh đồng giữa nhà nước dân chủ với tổ chức khủng bố làm nhiều người  Israel khó có thể chấp nhận được. Bản thân Hamas cũng không hài lòng vì cho rằng ICC đánh đồng họ nạn nhân với thủ phạm.

“Hôm nay, chúng tôi một lần nữa nhấn mạnh, luật pháp quốc tế và luật xung đột vũ trang áp dụng cho tất cả mọi người,” Khan nói. “Không lính bộ binh nào, không chỉ huy nào, không người lãnh đạo dân sự nào—không ai—có thể hành động mà không bị trừng phạt.”

Có trụ sở tại Hague, ICC là toà độc lập được thành lập để truy tố các cá nhân phạm tội ác diệt chủng, tội ác chống lại loài người, tội ác chiến tranh, và tội ác xâm lược. ICC tách biệt với Tòa Công lý Quốc tế Liên Hợp Quốc chịu trách nhiệm xét xử  tranh chấp giữa các chính phủ.

Nam Phi đệ đơn kiện Israel lên Toà Công lý Quốc tế ICJ  vào tháng 12, cáo buộc Israel vi phạm nghĩa vụ của mình theo Công ước Diệt chủng. Israel lên án cáo buộc đó, và cho đến nay ICJ trong khi yêu cầu Israel tạo điều kiện cho viện trợ dân sự đến Gaza  đã bác bỏ yêu cầu của Nam Phi ra lệnh ngừng bắn ở Gaza.

ICC có thẩm quyền xét xử hình sự đối với tội diệt chủng, nhưng Khan không truy tố bất cứ nhân vật nào của Israel cũng như Hamas về tội đó.

Các viên chức Israel cảnh báo việc ban hành lệnh bắt giữ có thể làm trật đường ray nỗ lực chấm dứt xung đột ở khu vực này, và  thương lượng một thỏa thuận giải thoát hàng chục con tin đang bị Hamas giam giữ. 

Trong một tuyên bố bằng video đầy thách thức bằng tiếng Do Thái, ông Netanyahu thề sẽ không cho phép ICC có những bước đi chống lại ông nhằm ngăn Israel tiếp tục cuộc chiến ở Gaza cho đến khi Hamas bị lật đổ hoàn toàn. Thủ tướng Israel cho rằng, quyết định của ICC là biểu hiện của một kiểu “chủ nghĩa bài Do Thái mới” được thể hiện rõ trong các cuộc biểu tình chống Israel gần đây ở các trường đại học phương Tây. “Tôi hứa với quý vị một điều,” Netanyahu nói thêm. “Nỗ lực trói buộc tay chân của Israel sẽ thất bại.”

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken vào thứ Hai cho biết,  ông Khan ban đầu dự tính đến Israel vào đầu tuần tới để bàn về cuộc điều tra và lắng nghe ý kiến từ chính phủ Israel. Tuy nhiên, họ đột ngột hủy kế hoạch, và thông báo cáo buộc trên truyền hình. 

Hơn 35.000 người đã thiệt mạng, đa số là dân thường, ở Gaza kể từ khi cuộc chiến bắt đầu vào năm ngoái. 

Theo thủ tục của ICC, hội đồng 3 Thẩm phán sẽ xem xét yêu cầu của ông Khan, và ban hành trát bắt giữ nếu thấy có căn cứ hợp lý. Thủ tục này có thể mất vài ngày hoặc vài tuần.

Nếu ban hành trát bắt giữ, ICC sẽ yêu cầu hơn 120 quốc gia đã ký vào hiệp ước thành lập tòa để bắt giữ các nhà lãnh đạo Israel, chế tài đi lại đối với họ, và đặt nhiều đồng minh của Israel vào tình thế khó khăn.

Đối với phương Tây, bất kỳ áp lực công khai nào đối với ICC đều có thể gây ra phản ứng dữ dội từ quốc tế. ICC ban hành trát bắt giữ Tổng thống Nga Vladimir Putin và một viên chức cao cấp khác của Điện Kremlin, cáo buộc tội ác chiến tranh. Bước đi lịch sử này nhằm tập trung sự chú ý vào hàng chục ngàn nạn nhân chiến tranh trẻ tuổi.

Toà vào tháng trước tống ra trát bắt giữ hai chỉ huy Nga bị cáo buộc nhắm mục tiêu vào lưới điện của Ukraine và giết hại dân thường qua đường. 

Hương Giang (Tổng hợp)