OSHIN HUY ĐỨC BỊ BẮT. MỘT SỰ CHỌN LỰA CỦA KẺ SĨ THỜI ĐẠI

0
1296

Đã lâu lắm rồi, tôi chưa có dịp gặp lại Osin Huy Đức (Trương Huy San) kể từ khi anh học xong chương trình nghiên cứu sinh ở đại học Harvard, Hoa Kỳ và cũng vừa in xong và phát hành hai tập bút ký thời danh Bên Thắng Cuộc nói về con người và hành trạng chính trị của những nhân vật phía thắng cuộc và đôi nét chấm phá làm phông phối cảnh bên thua cuộc trong bối cảnh Chiến tranh Việt Nam (1955-1975). Tác phẩm gồm 2 tập: Tập I – Giải phóng, 412 trang và tập II – Quyền bính, 450 trang.  Bên Thắng Cuộc đã nhanh chóng gây tiếng vang trong cộng đồng người Việt hải ngoại và cũng được phổ biến thông qua máy dịch trong cộng đồng người nước ngoài.


Tôi quen biết Huy Đức ở Sài Gòn trong chuyến về thăm quê hương lần đầu sau 10 năm ly hương vào năm 1992. Huy Đức mang cái bản lĩnh chủ thắng, vượt khó để vươn lên giữa sinh tồn là truyền thống quê hương vùng đất khó Nghệ Tĩnh của anh. Nét nổi bật nhất nơi Huy Đức là tinh thần “hảo bằng hữu” rất bền, không vồ vập thời đầu và nhạt dần hồi cuối trong hơn 30 năm anh em quen biết nhau. Thực tế và lý tưởng hòa quyện trong ước mơ của Huy Đức về tương lai đất nước… Anh viết cũng như nói vừa phải nhưng kết luận bao giờ cũng lóe lên những dự phóng quyết liệt và mới mẻ thể hiện trong tác phẩm viết lách và các dịp vui buồn lai rai tâm sự.  Sau nầy, khi Huy Đức khởi viết Bên Thắng Cuộc trong thời gian làm nghiên cứu sinh về môn Chính trị và Công quyền học tại đại học Harvard tôi lại càng có dịp tiếp cận và sinh hoạt chung với anh tại nhà người bạn thân là Nguyễn Hùng (cựu phóng viên báo Phụ Nữ) ở vùng thủ phủ Sacramento của tiểu bang California trong những dịp lễ hội nghỉ dài ngày.

Huy Đức là một sĩ quan Bộ đội thuở “nối vòng tay lớn” 30 – 4 – 1975. Anh nhận xét rất công bằng những nét đặc thù về con người, hoàn cảnh và lề thói ứng xử của quần chúng ở hai giới tuyến Bắc Nam bờ sông Bến Hải. Huy Đức và tôi thường chia sẻ những trải nghiệm về cuộc sống trong hoàn cảnh riêng của mình, anh thường tỏ ra là người giỏi nghe hơn là nhiệt tình tranh luận.

Năm 2011, được biết Huy Đức đang viết về bối cảnh lịch sử và xã hội Việt Nam cho một tác phẩm vừa mang tính biên khảo sử học vừa là nhận định, phê bình nhân vật có tầm ảnh hưởng hàng đầu trong các lĩnh vực chính trị, quân sự và xã hội sau cuộc chiến, tôi đã chia sẻ với anh những nét điển hình theo tầm nhìn của riêng tôi về các phong trào trí thức, thanh niên, sinh viên và học sinh Huế và miền Nam xuống đường cổ vũ hòa bình trong khi cuộc chiến Việt Nam đang leo thang tới hồi ác liệt nhất.

Tôi lưu ý Huy Đức về thành phần thứ Ba tại miền Nam. Đó là những người không có khuynh hướng Quốc Gia như miền Nam và cũng chẳng có khuynh hướng Cộng Sản như miền Bắc. Họ là những người yêu nước, phần đông thuộc thành phần trí thức, thiếu thực tế đấu tranh và đượm màu lãng mạn của thời Tự Lực Văn Đoàn và Nhân Văn Giai Phẩm. Tôi cũng tự liệt mình vào khuynh hướng “thứ Ba” khi chia sẻ với Huy Đức. Nhưng khi đưa “nhân vật tôi” vào tác phẩm Bên Thắng Cuộc, Huy Đức đã xin lỗi: “Em xin lỗi anh đã biến anh thành một nhân vật… bên kia”, trong buổi gặp mặt chia tay bên bờ American River trước khi về lại Việt Nam cho đến bây giờ. Thay vì nhận lời xin lỗi, tôi cười, bắt Huy Đức hứa là sẽ viết tác phẩm “Bên Thua Cuộc” tiếp theo Bên Thắng Cuộc và có phần nói về khuynh hướng “thứ Ba”. Huy Đức cười “OK” nhưng hơn mười năm rồi chưa thấy!

Tôi còn nhớ buổi cà phê Brunch bên bờ sông American River tại thành phố thủ phủ California là Sacramento, có cả Dr. Nguyễn Đăng Hoàng, Nguyễn Hùng (cựu phóng viên PN), tôi đã ái ngại hỏi ý kiến Huy Đức là đã suy nghĩ kỹ khi quyết định về lại Việt Nam hay chưa; bởi hai tập sách dày cả nghìn trang viết toàn những chuyện thâm cung bí sử của các nhân vật cốt cán, thời danh bên thắng cuộc và dĩ nhiên sách cấm xuất bản, phát hành tại Việt Nam sẽ gây một nếp sống bất ổn cho Huy Đức từ nhiều phía. Ngày ấy, Huy Đức cũng được bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ gợi ý và các luật sư chuyên ngành Di trú, Ngoại giao và Chính trị mà chúng tôi quen biết lâu ngày nêu ý kiến “ở lại hay về”… Nhưng Huy Đức đã khẳng khái trả lời dứt khoát: “Dạ, xin cám ơn mọi người. Tôi về lại quê hương!”

Có hai người bạn trẻ, yêu quê hương theo tinh thần “kẻ sĩ thời đại” mà tôi quen biết trên đường tha hương là Nguyễn Hữu Liêm và Huy Đức Trương Huy San, cả hai đều có một tấm lòng! Không biết sẽ có ai làm Khuất Nguyên không nhưng chắc chắn không ai thiếu nhiệt tình và tố chất kẻ sĩ thời đại. Trong âm hưởng tiếng tù và cùng trống đồng quá khứ, tôi không tin là tiếng sóng nước xô bờ của American River âm trầm như tiếng sáo trúc bên bờ sông Dịch.

1717769589.827064 (1).JPG

Huy Đức bị bắt và xét nhà khẩn cấp đã và đang gây một dư luận xôn xao trong và ngoài nước. Dĩ nhiên, phía cầm quyền Việt Nam đã cân nhắc bằng kính hiển vi điện tử khi quyết định tiến hành biện pháp hình sự giữa ba mặt bảy mày của cộng đồng thông tin thế giới đang khao khát những tin tức giật gân và nóng bỏng. Những bài viết bình luận nhân vật lãnh đạo Việt Nam, Mỹ và quốc tế gần đây của Huy Đức đang được dịch ra các thứ tiếng thông dụng để làm cơ sở bình luận cho một môi trường báo chí gồm cả gà đá, gà nòi, gà dịch và… gà điên trước ống kính truyền hình và ống loa truyền thanh quốc tế.

Từ phương xa, không bới xách thăm nuôi được, anh chúc Huy Đức chân cứng đá mềm để tiếp tục mang găng làm kẻ sĩ thời đại và rất mong Việt Nam vẫn tiếp tục là xứ sở mà các nhà lãnh đạo Việt Nam gần đây từng trầm trồ với nhau: “Quê hương ta có bao giờ đẹp thế này!” trong tiếng vỗ tay cổ vũ reo hò của cộng đồng thế giới không một chút ngỡ ngàng, thất vọng.

                         Trần Kiêm Đoàn