KHI TỐI CAO PHÁP VIỆN HOA KỲ TRAO QUYỀN CHO TỔNG THỐNG NHƯ MỘT ÔNG VUA

0
2185

Mai Loan

Cali Today News – Với phán quyết về quyền đặc miễn tài phán (tức là đặc quyền không thể bị truy tố ra tòa) được đưa ra trong ngày chót của lịch trình làm việc của tòa tối cao cho năm nay, Tối Cao Pháp Viện liên bang coi như đã thỏa mãn mọi điều mong ước của Trump, nhất là việc kéo dài không cho vụ án xét xử Trump sẽ diễn ra trước ngày bầu cử năm nay về những tội danh mưu toan lật đổ chính quyền khi muốn đảo ngược kết quả bầu cử năm 2020.

Hơn thế nữa, phán quyết của tòa án tối cao lần này lại còn trao quyền cho tổng thống Mỹ gần như có “miễn tố tuyệt đối” về những hành động được xem như là công vụ, và còn nói thêm rằng các vị tổng thống phải được coi như là “miễn bị truy tố” (presumed immune) trên một loạt nhiều hành động khác nhau.

Thật ra đó không phải là phán quyết của toàn thể các vị thẩm phán tối cao, vì chỉ có 6 người thuộc phe bảo thủ Cộng Hòa, nhưng họ lại nắm quyền đa số áp đảo, và họ lập luận rằng phán quyết này không phải cho tổng thống nói chung, và cá nhân Donald Trump nói riêng, cái quyền được đứng trên luật pháp. Nhưng 3 vị thẩm phán còn lại thuộc phe thiểu số Dân Chủ đã đưa ra lời phản bác mạnh mẽ, cực lực lên án việc trao toàn quyền cho tổng thống như vậy sẽ tác động tai hại đến nền dân chủ của Hoa Kỳ.

Phán quyết này sẽ có kết quả trong ngắn hạn là đình hoãn vụ án xét xử Trump và giao lại cho thẩm phán Chutkan của Tòa Sơ Thẩm liên bang tại thủ đô Washington DC phải xem xét trong những hành động mà Trump bị cáo buộc phạm tội hình sự thì những hành động nào được xem là việc làm không chính thức, tức không phải là công vụ của một tổng thống thì mới có thể tiếp tục bị truy tố.

Nhưng hậu quả của phán quyết này trong dài hạn còn đáng ngại và nguy hiểm hơn nữa vì nó sẽ đặt để vị thế của một tổng thống Mỹ trong một hệ thống pháp lý riêng biệt và ngoại lệ thay vì giống như tất cả mọi người dân Mỹ, tức là nguyên tắc không một người nào tại Hoa Kỳ có thể đứng trên luật pháp.

Xin nhắc lại một cách tóm gọn, lần này Tối Cao Pháp Viện đã quyết định xét xử đơn khiếu nại của Trump cho rằng ông phải được quyền miễn bị truy tố vì những hành động trong thời gian còn làm tổng thống phải được xem là công vụ, tức là việc làm chính thức của một tổng thống. Các vị thẩm phán tối cao (đa số 6 vị bảo thủ trong số 9 người) đã đưa ra một câu trả lời khá trực tiếp, liệt kê ra 3 loại hành động của một vị tổng thống, và coi như là 3 luật lệ về quyền miễn bị truy tố khác nhau được áp dụng cho từng trường hợp một:

1.- Thứ nhất, một cựu tổng thống được quyền tuyệt đối miễn bị truy tố về hình sự về những hành động của ông ta trong phạm vị thẩm quyền của hiến pháp và luật lệ hiện hành. Bởi vì điều này cần thiết cho vị tổng thống thi hành những thẩm quyền căn bản dựa theo hiến pháp.

2.- Một cựu tổng thống cũng phải được xem như miễn bị truy tố hình sự về một số những việc làm chính thức khác, trừ khi các công tố viên liên bang chứng minh được rằng việc truy tố này không tạo ra một mối nguy xâm phạm vào thẩm quyền và công việc điều hành của ngành hành pháp. Các quan tòa tối cao gọi rằng “đây là vùng Tranh Tối Tranh Sáng” (Twilight Zone) khi nói đến các hành động được gọi là công vụ, trong đó có những lãnh vực mà vị tổng thống cũng được quyền miễn bị truy tố cùng với những vị dân cử thuộc Quốc hội.

3.- Vị cựu tổng thống không được quyền miễn bị truy tố về những hành động không được xem là công vụ của một tổng thống. Ở đây người ta sẽ dễ thay ngay là sẽ có một vấn đề tranh luận nhức nhối để phán rằng một hành động nào của tổng thống được xem là cá nhân hay chính thức của công vụ, và nếu đó là việc làm cá nhân, thì người tổng thống sẽ không được quyền miễn bị truy tố.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia pháp lý, nếu như ông tổng thống Richard Nixon trước đây biết được rằng các quan tòa tối cao vào thời đó có suy nghĩ và phán quyết giống như các quan tòa tối cao hiện nay, thì chắc là ông ta không dại gì mà từ chức vì không sợ sẽ bị truy tố và kết án.

Trong phần phản biện của 3 thẩm phán phe thiểu số Dân Chủ, nữ thẩm phán Sotomayor đã chỉ trích thẳng vào cốt lõi của vấn đề để nói rằng “phán quyết của Tối Cao Pháp Viện lần này “đã trao toàn quyền miễn bị truy tố theo yêu cầu của Trump, và còn hơn thế nữa.”  

Sau đây là một số những dòng chữ chính yếu được ghi xuống trong phán quyết mang tính lịch sử này, được giảng giải khá rõ ràng và xúc tích trong một bài phân tích của nhà báo Zachary Wolf trên diễn đàn CNN, với nguyên văn những lời của các vị thẩm phán (được in chữ nghiêng):

Cái đặc quyền miễn bị truy tố mới được đặt ra lần này là gì?

Chủ tịch TCPV là John Roberts đã giải thích rõ ràng khi ông là người ký tên trong phán quyết chung về đặc quyền miễn bị truy tố dành cho tổng thống như sau:

Chúng tôi kết luận rằng dưới cơ cấu phân quyền theo hiến pháp, bản chất về thẩm quyền của tổng thống đòi hỏi một vị cựu tổng thống phải có được chút gì về quyền miễn bị truy tố hình sự về những hành động của ông trong lúc còn tại chức. Ít nhất là đối với quyền của tổng thống thi hành các thẩm quyền cốt lõi theo hiến pháp, đặc quyền miễn bị truy tố này là hoàn toàn tuyệt đối. Còn đối với những hành động khác được coi như là công vụ, vị cựu tổng thống cũng có thể được quyền miễn bị truy tố.

Vì sao một tổng thống cần phải được đặc quyền miễn bị truy tố như vậy?

Theo lập luận của tòa tối cao lần này, đặc quyền đó là cần thiết để giúp cho vị tổng thống có thể có những hành động mạnh mẽ và táo bạo mà không lo sợ rằng mình có thể bị truy tố trong tương lai, và do đó có thể dám lấy những quyết định sáng suốt. Vì cũng theo những lời biện minh của ông Roberts thì “việc một tổng thống có thể ngần ngừ không dám thực hiện công vụ của mình một cách dứt khoát vì ‘lo sợ rằng có thể sẽ bị truy tố sau đó’ sẽ tạo ra những rủi ro chưa từng có cho việc điều hành chính quyền một cách hiệu quả.

Vậy thì Hiến pháp Hoa Kỳ có liệt kê rõ ràng việc các tổng thống có được đặc quyền miễn bị truy tố như vậy hay không?

Hoàn toàn không hề có chuyện này. Và chính ông chủ tịch Roberts cũng xác nhận như vậy. Nhưng rồi chính ông và 5 vị thẩm phán bảo thủ khác cũng không cho đó là điều quan trọng, và họ còn tìm cách diễn giải tiếp để biện minh cho lập luận của mình như sau:

“Đúng là không hề có điều khoản nào về đặc quyền miễn bị truy tố hình sự được ghi trong Hiến Pháp Hoa Kỳ. Nhưng bản Hiến Pháp cũng không có hề ghi xuống điều khoản phân chia quyền hành giữa ba ngành chính quyền. . . Thế nhưng chủ thuyết về tam quyền phân lập này lại được khắc sâu trong bản Hiến Pháp qua ba chương khác nhau phân chia thẩm quyền và trao toàn quyền hành pháp về tay vị tổng thống.”

Đặc quyền miễn bị truy tố này có thể được nới rộng ra đến mức nào?

Cũng theo cách diễn giải của các vị thẩm phán bảo thủ về phán quyết của mình, một vị tổng thống “ít nhất phải được xem là miễn bị truy tố” ngay cả đối với những hành động “nằm trong vòng đai của trách nhiệm chính thức của mình”. Để rồi sau đó các vị quan tòa tối cao này cố gắng kèm theo câu viết rằng vị tổng thống không được đặc quyền miễn bị truy tố về “những hành động không phải là công vụ”. Mặc dù đã nới rộng đặc quyền miễn bị truy tố như vậy, các vị thẩm phán này cũng còn cho rằng một vị tổng thống thì phải chịu trách nhiệm về các hành động của mình, với lời giải thích quanh co và vặn vẹo như sau:

Vị Tổng thống không được đặc quyền miễn bị truy tố về những hành động không phải là công vụ của mình, và không phải bất cứ hành động nào của một tổng thống đều được xem là công vụ. Tổng thống không phải là người đứng trên luật pháp. Nhưng Quốc Hội cũng không được quyền kết tội hình sự những hành vi của tổng thống khi ông ta đang thi hành những trách nhiệm của ngành hành pháp dựa theo bản Hiến pháp.

Vậy thì những hành động của Trump bị cáo buộc trong cáo trạng của Công tố viên Đặc biệt Jack Smith có nằm ngoài vòng bao che về đặc quyền miễn bị truy tố hay không?

Hồi tháng Tư vừa qua, trong phiên tranh luận vấn đáp tại TCPV về vụ án này, ngay cả luật sư biện hộ cho Trump là John Sauer, khi trả lời một câu hỏi của nữ thẩm phán Amy Coney Barrett, cũng phải thú nhận rằng nhiều phần trong bản cáo trạng của Jack Smith là những hành động “riêng tư”, hoặc không phải là công vụ. Chẳng hạn như trong số đó có những việc như khi Trump ra lệnh cho một luật sư riêng không thuộc Tòa Bạch Ốc tìm cách tổ chức những danh sách các đại cử tri ma, tức không phải là đại cử tri chính thức của các tiểu bang.

Vì thế nên lần này bà thẩm phán Barrett, trong một đoạn viết thêm với phán quyết chung của 6 vị thẩm phán phe đa số, nói thêm rằng bà muốn tách bạch việc nào được xem là công vụ và việc nào là việc cá nhân. Thế nhưng đa số các vị thẩm phán bảo thủ không đưa ra phán quyết chung về việc này và muốn giao lại cho Tòa Sơ Thẩm cấp dưới cái nhiệm vụ xem xét từng tội danh một để quyết định xem cái nào là công vụ hay không. Rồi từ đó, Donald Trump có thể kháng cáo quyết định của bà thẩm phán Chutkan.

Vậy thì đa số 6 vị thẩm phán bảo thủ có ra lệnh cho thẩm phán Tòa Sơ Thẩm phân biệt hành động nào là công vụ hay không?

Ở đây, 6 vị thẩm phán bảo thủ của phe đa số có nói thêm nhiều chi tiết đáng chú ý.

Họ cho rằng Trump có “đặc quyền miễn bị truy tố tuyệt đối” khi đưa ra những lời yêu cầu hoặc áp lực lên các phụ tá tại Bộ Tư Pháp lúc bấy giờ vì Trump hành động lúc đó trong cương vị tổng thống. Rồi họ cũng cho rằng những cuộc phỏng vấn điều tra với các viên chức chính quyền dưới thời Trump về vụ này cũng không được chấp nhận là bằng chứng để truy tố Trump. Điều này có nghĩa là những bằng chứng thu thập được từ Ủy Ban Chọn Lọc của Hạ Viện điều tra vụ bạo loạn 6 tháng Giêng và được trình chiếu công khai cho cả nước xem sẽ không có giá trị vì không được công nhận trong phiên tòa xét xử Trump.

Tệ hơn nữa, các quan tòa bảo thủ này còn cho rằng không thể đưa ra những động lực và ý đồ của Trump khi ra tay hành động như là bằng chứng để truy tố khi Trump dùng quyền tổng thống để quyết định, vì cho rằng đó là các công tố viên lạm dụng quyền suy diễn của mình tại tòa án để truy tố hành động của người đứng đầu hành pháp là tổng thống.

Trước đó, nhiều người đã đặt ra câu hỏi quan trọng là việc Tòa Sơ Thẩm có thể xem xét việc Trump áp lực Phó TT Mike Pence vào lúc đó là hãy bác bỏ kết quả bầu cử năm 2020 có thể được xem là hành động theo công vụ hay không. Nhưng các thẩm phán tối cao lần này coi hành động áp lực của Trump như vậy thuộc phạm trù “presumptively immune”, tức là phải được xem như là miễn bị truy tố.

Các vị thẩm phán bảo thủ phe đa số cũng cho rằng những mẩu tweets của Trump, tức là tin nhắn bắn ra trên mạng Twitter trên điện thoại, để kích động đám đông bạo loạn tiến về điện Capitol và áp lực lên Mike Pence thuộc loại “nằm trong vòng đai các trách nhiệm công vụ của Trump”. Nhưng họ lại tỏ ra không tin chắc như vậy và cho rằng có lẽ thẩm phán Chutkan của Tòa Sơ Thẩm sẽ gặp nhiều thử thách để cân nhắc và phán quyết trên những câu hỏi rắc rối như vậy.

Tại sao lại không để cho bồi thẩm đoàn nhiệm vụ quyết định những vấn đề như vậy?

Theo phán quyết của các vị thẩm phán tối cao lần này của phe bảo thủ, họ cho rằng các bồi thẩm đoàn cũng không được quyền cứu xét và quyết định xem những hành động nào của một tổng thống có thể bị truy tố vì cho rằng những bàn luận và quyết định của bồi thẩm đoàn có thể bị thiên lệch bởi cái nhìn của họ đối với các chính sách và thành tích của vị tổng thống đó trong lúc đang nắm quyền.

Như thế, phải chăng TCPV đã trao toàn quyền cho Trump như ông ta mong ước?

Đúng như vậy. Rõ ràng là tòa án tối cao này đã chấp thuận cái lập luận đầy thiên lệch và sai trái của Trump về cái quyền đặc miễn tài phán cho một vị tổng thống và qua đó bảo đảm là sẽ không để cho vụ xét xử Trump về tội đảo chính lật đổ chính quyền trong vụ biến loạn ngày 6 tháng Giêng sẽ diễn ra trước ngày bầu cử năm nay, cho dù là 6 vị thẩm phán bảo thủ còn cố biện minh rằng họ không có ý đó vì họ đã từ chối chấp thuận khiếu nại của Trump muốn bác bỏ vụ án này.

Như vậy phải chăng các vị tổng thống Mỹ từ nay sẽ được hưởng một chế độ pháp luật đặc biệt khác với mọi người?

Theo lập luận của Chủ tịch TCPV John Roberts, vị tổng thống có nhiều đặc quyền hơn mọi công dân khác, qua lời giải thích như sau:

Giống như mọi công dân khác, vị TT cũng có thể bị truy tố hình sự về những hành động không phải là công vụ. Nhưng không giống mọi công dân khác, vị TT còn là một ngành riêng biệt của chính quyền, và bản Hiến pháp Mỹ đã dành cho ông ta nhiều quyền hành và trách nhiệm rất rộng lớn. Dựa vào tình trạng thực tế đó, và nhằm bảo đảm cho vị TT có thể thực hiện những quyền hành đó một cách mạnh mẽ, các nhà soạn thảo ra bản hiến pháp đã tiên đoán rằng tổng thống sẽ làm như vậy. Điều này không có nghĩa là chúng ta đặt TT lên trên pháp luật, mà chúng ta chỉ bảo vệ nền tảng cơ bản của bản Hiến pháp mà luật lệ được ban ra từ đó.

Các vị thẩm phán bảo thủ bác bỏ những lời cảnh cáo cho rằng một vị tổng thống hành xử theo kiểu đứng trên luật pháp như vậy và cho đó chỉ là “một hình thức thổi phồng những sự lo sợ dựa trên những giả định cực đoan.” Và họ nói rằng điều quan trọng hơn là cần phải bảo vệ một vị tổng thống khỏi những đòn truy tố vì động cơ chính trị, và còn cho rằng việc truy tố vì động cơ chính trị này có thể dẫn đến một tình trạng tiếp tục chia rẽ khi mà các vị tổng thống kế thừa sẽ tìm cách truy tố các vị tổng thống tiền nhiệm.

Thẩm phán Roberts đã mượn lời của các luật sư biện hộ cho Trump khi trích dẫn nội dung bài diễn văn của TT George Washington trước khi ra đi, trong đó ông có bắn tiếng cảnh cáo về những phe nhóm khác nhau. Nhưng điều chính mà ông Roberts cố tình bỏ quên là, ngay cả trong bài diễn văn này, chính TT Washington cũng đưa ra lời cảnh cáo là đừng nên nâng cao một viên chức chính quyền nào đó để họ có thể đứng trên luật pháp.

Vậy thì phán quyết của TCPV nói gì về Công tố viên Độc lập Jack Smith?

Các vị thẩm phán tối cao này đã không đụng đến một đề tài đang được bàn tán rộng rãi trong khối bảo thủ cho rằng ông Jack Smith đáng lý ra không nên được bổ nhiệm vào chức vụ công tố viên đặc biệt này, và cho rằng điều đó là chuyện vi hiến. Tuy nhiên ông thẩm phán da đen cực kỳ bảo thủ là Clarence Thomas cũng không ngần ngại lên tiếng để ủng hộ cho quan điểm đó của phe bảo thủ khi đưa ra thêm một nhận định riêng như sau:

Trong vụ này, nhiều người tranh luận là cần bảo đảm rằng vị tổng thống không thể đứng trên luật pháp. Cũng trong chiều hướng đó, bản Hiến pháp cũng bảo đảm nền tự do bằng cách phân chia quyền hành để thành lập ra những cơ quan và bổ nhiệm các viên chức điều hành. Và đã có nhiều câu hỏi nghiêm trọng về việc liệu Tổng Trưởng Tư Pháp Merrick Garland phải chăng đã vi phạm vào cấu trúc này bằng cách tạo ra một văn phòng cho Công Tố Viên Đặc Biệt mà luật lệ chưa cho phép.

Nữ thẩm phán Barrett đã nói gì về chuyện các đại cử tri ma?

Thẩm phán Barrett, một người được Trump bổ nhiệm rất gấp gáp trong những tháng cuối cùng của nhiệm kỳ, tuy cùng ý kiến chung với đa số các thẩm phán bảo thủ, nhưng đã viết thêm một nhận định để không đồng tình với 5 vị đồng viện bảo thủ trên nhiều vấn đề quan trọng. Chẳng hạn như bà cho rằng các vị quan tòa bảo thủ phe đa số có thể viết ra rõ ràng cho mọi người biết những hành động nào của Trump có thể được xem là chuyện riêng tư chứ không thể được xem là công vụ.

Chẳng hạn như việc Trump bị cáo buộc tìm cách tổ chức những danh sách các đại cử tri ma để chống lại quyết định của đại đa số cử tri tại một số tiểu bang. Dưới cái nhìn của bà Barrett, đây là một hành động cá nhân và do đó sẽ không được đặc quyền miễn bị truy tố. Bởi vì một TT không có thẩm quyền về mặt pháp lý để áp lực các tiểu bang phải lựa chọn danh sách các đại cử tri như thế nào, và do đó không hề có cái gì gọi là công vụ trong việc này. Bà cho rằng không có lý do nào khả dĩ biện minh cho việc không được quyền truy tố trong hành vi này.

Tại sao lại có phản biện gay gắt của phe thiểu số?

Nữ thẩm phán Sonia Sotomayor là người được lựa chọn để viết lập luận phản biện của phe thiểu số chống lại quyết định của phe đa số. Bà Sotomayor đã không ngần ngại kết án phe đa số là đã tạo ra “một lý thuyết miễn bị truy tố không hề dựa trên văn bản, không hề có tiền lệ lịch sử, và cũng không hề có lý do chính đáng để cho rằng một vị TT có thể đứng trên luật pháp.

Bà nói thêm rằng phán quyết của tòa tối cao như vậy sẽ rất khó cho người ta có thể tìm thấy những hành động nào của một vị tổng thống được gọi là hành động riêng tư, hành động cá nhân không thuộc vào công vụ.

Hãy nghe lời giải thích của thẩm phán Sotomayor:

Để tóm tắt, phe đa số ngày hôm nay đã ủng hộ cho một cái nhìn rộng lớn về đặc quyền miễn bị truy tố mà từ trước tới nay nó chưa bao giờ được nhìn nhận bởi các nhà Tổ Phụ Lập Quốc Hoa Kỳ. Nó cũng chưa hề được nhìn nhận bởi bất cứ vị TT nào, kể cả ngay những vị luật sư biện hộ cho Trump, cho đến ngày hôm nay mới nảy ra cái nhìn và lập luận như vậy.

Các vị thẩm phán phe bảo thủ đã không thèm quan tâm để giải quyết những tranh luận về Hiến pháp, và do đó họ đã bỏ lơ nó. . . Thật ra việc phe bảo thủ phân chia giữa những hành động nào gọi là “công vụ” và cái nào “không phải là công vụ” đã thu hẹp lại cái nhóm những hành động không phải là công vụ gần như là con số không.

Như vậy các vị tổng thống có thể lạm quyền đến mức nào?

Theo nhận định của thẩm phán Sotomayor, với phán quyết này của TCPV, các vị tổng thống giờ đây có thể lạm dụng quyền hành của mình gần như tùy tiện, không khác gì một ông vua, với phần giải thích chi tiết như sau:

TT Hoa Kỳ trở thành một người quyền lực nhất của nước Mỹ, và có lẽ cũng của cả thế giới. Khi ông hành xử quyền hành của mình dưới bất cứ hình thức và cho mục đích nào, ông ta sẽ không còn lo sợ bị truy tố hình sự, theo như cách nhìn và diễn giải của phe đa số hiện nay tại TCPV. Chẳng hạn như ông ra lệnh cho toán biệt kích đặc biệt của Hải quân Mỹ là đội Người Nhái Team 6 ám sát một đối thủ chính trị? Sẽ không hề lo sợ bị truy tố. Hoặc đứng ra tổ chức một cuộc đảo chính để tiếp tục nắm quyền dù bị cử tri bỏ phiếu từ chối? Cũng không hề lo sợ bị truy tố? Hoặc là nhận tiền hối lộ của ai hay bị dụ dỗ, mua chuộc bởi những thế lực ngoại bang? Cũng sẽ không hề bị truy tố. Miễn tố, miễn tố, miễn tố và miễn tố.

Ngay cả trong trường hợp những viễn cảnh kinh hoàng đó sẽ không xảy ra, và tôi đang cầu nguyện cho nó đừng bao giờ xảy đến, nhưng rõ ràng là những tai hại của phán quyết này đã đến. Mối liên hệ giữa một vị TT và những người trong nước mà ông có nhiệm vụ phải phục vụ giờ đây đã thay đổi hoàn toàn theo kiểu không thể đảo ngược. Trong bất cứ hành động nào trong lúc cầm quyền, vị tổng thống Mỹ giờ đây đã trở thành một vị vua, đứng trên luật pháp.

Và nữ thẩm phán Sotomayor kết luận phần phản biện thẳng thắn và gay gắt của mình như sau:

Từ nay trở đi, tất cả những vị cựu TT sẽ được bao che bởi cái màng lưới về quyền đặc miễn tài phán. Nếu như người cầm quyền tổng thống đó mà lạm dụng quyền hành để phục vụ cho quyền lợi riêng tư của mình, những luật lệ truy tố về hình sự mà mọi người Mỹ phải tuân thủ theo sẽ không còn hiệu quả để ngăn chặn những hành động sai trái và phạm pháp đó.

Bài phân tích đến đây có lẽ đã khá đầy đủ và cũng khá dài. Tuy nhiên, xin phép được mượn lời của một chuyên gia là giáo sư về sử học và chính trị học là bà Heather Cox Richardson có những nhận định đáng chú ý như sau, để qua đó thấy rõ hơn nữa những phi lý trong lập luận của các quan tòa tối cao, cũng như là sự dối trá, đạo đức giả đáng lên án của họ:

TCPV quyết định rằng TT Mỹ, vốn là một người có quyền lực mạnh nhất trên nước Mỹ, có đặc quyền “miễn tố tuyệt đối” về hình sự trước những hành động phạm pháp vì nó thuộc phạm trù những công vụ chính thức về cơ bản của tổng thống.

Rõ ràng đây là một sự thay đổi sâu đậm về luật pháp cơ bản của chúng ta, một sự tu chính Hiến Pháp mà không hề thông qua tiến trình theo đúng thủ tục. Chủ tịch John Roberts của TCPV viết rằng một vị tổng thống cần đặc quyền miễn tố như vậy là để nhằm bảo đảm rằng ông ta có thể sẽ hành động táo bạo và dứt khoát để lấy những quyết định không được dân chúng ủng hộ, mặc dù rằng từ trước tới nay chưa hề có vị tổng thống nào cho rằng mình đứng trên pháp luật, cũng như cho rằng mình cần sự bảo vệ miễn bị truy tố đó để có thể hoàn thành vai trò của mình. Quyết định của thẩm phán Roberts đã không hề chú trọng đến quyền lợi của người dân Mỹ muốn thấy các tổng thống phải đảm nhiệm vai trò của mình trong những giới hạn của luật pháp.

Nhưng việc nới rộng cho tổng thống rộng quyền như vậy không có nghĩa là họ cho phép TT Joe Biden có toàn quyền hành động theo ý muốn. Bởi vì chính cái tòa án của 6 vị thẩm phán tối cao này tự cho mình có toàn quyền xác định những hành động nào của tổng thống có thể bị truy tố hay không bằng cách tự phong mình là trọng tài cuối cùng để xác định cái nào là ‘công vụ’ và cái nào ‘không phải là công vụ’. Vì thế nên bất cứ hành động nào của tổng thống đều có thể bị duyệt xét bởi TCPV, và chúng ta có quyền tin rằng cái tòa án tối cao này chắc chắn sẽ không dễ dãi và rộng lượng với một vị tổng thống phe Dân Chủ như họ đã hành xử với Trump.

Thật ra không hề có tiền lệ nào về pháp lý cũng như về lịch sử để biện minh cho phán quyết lần này. Một trong những lý do biện minh cho việc thành lập nước Mỹ là Bản Tuyên Ngôn Độc Lập trong đó liệt kê một loạt những lời khiếu nại nhắm vào phía Vua George III để giải thích việc tại sao những người dân tại các thuộc địa của Vương Quốc Anh lúc đó ở vùng đất mới không còn muốn chịu sự cai trị của các ông vua nữa. Rồi bản Hiến Pháp Hoa Kỳ cũng không hề ban đặc quyền miễn bị truy tố cho tổng thống, chưa kể là còn ghi rõ tiến trình và thủ tục bãi nhiệm một vị tổng thống vì nhiều tội phạm khác nhau, với quyền quyết định của Quốc Hội. Các tổ phụ lập quốc khi soạn thảo Hiến pháp đã có ý lo ngại trước việc các chính khách sau này có thể lạm dụng quyền hành của mình và do đó đã cẩn trọng đề ra các thủ tục để có thể giám sát các vị lãnh tụ; nhưng giờ đây TCPV đang đập vỡ tất cả những rào cản bảo vệ cần thiết đó.

Và khái niệm về đặc quyền miễn bị truy tố đó cũng không phải là điều gì mớ lạ vì đã được giải thích rõ ràng bởi nhiều chính khách thuộc phe bảo thủ, và ngay cả các vị thẩm phán bảo thủ hiện nay.

Vào tháng 2/2021, sau khi bỏ phiếu không kết tội Trump trong vụ luận tội lần thứ nhì để bãi nhiệm Trump, Chủ tịch khối Cộng Hòa tại Thượng Viện là nghị sĩ Mitch McConnell còn biện minh và nói rõ thêm rằng: “Trump phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về tất cả những gì ông đã gây ra trong lúc còn đang nắm quyền. . . Chúng ta có một hệ thống pháp luật về hình sự tại nước này. Chúng ta cũng có hệ thống pháp lý tranh luận về dân sự, và những cựu tổng thống không có quyền miễn bị truy tố về những hành động gây ra về cả hai mặt dân sự và hình sự.”

Nhưng không phải chỉ có ông nghị sĩ McConnell lập luận như vậy mà ngay cả các vị thẩm phán bảo thủ cũng có những phát ngôn có nội dung tương tự. Lấy trường hợp của ông John Roberts, trong năm 2005 khi được bổ nhiệm vào chức vụ Chủ tịch TCPV. Khi ra điều trần tại Thượng Viện để mong lấy phiếu của đa số các nghị sĩ, ông Roberts đã phát biểu: “Tôi tin rằng không một người nào được đứng trên luật pháp trong hệ thống của chúng ta, trong đó bao gồm luôn cả vị tổng thống. Tổng thống Mỹ là phải tuân thủ theo luật pháp, bản Hiến Pháp, và các quy định khác.

Rồi đến phiên thẩm phán cực kỳ bảo thủ khác là Samuel Aliton cũng nói cương quyết như vậy trong phiên điều trần trước Thượng Viện vào năm 2006 để mong được chuẩn thuận: “Không có gì quan trọng hơn cho nền cộng hòa của chúng ta bằng nguyên tắc thượng tôn luật pháp. Không một người nào trong nước Mỹ này có thể đứng trên luật pháp, cho dù là họ đang ở vị thế cao nhất hoặc quyền lực thế nào.

Sau này đến phiên một thẩm phán bảo thủ khác do Trump bổ nhiệm là Brett Kavanaugh cũng phát biểu gần như tương tự trong phiên điều trần vào năm 2018 để mong được các nghị sĩ Cộng Hòa chuẩn thuận: “Không một ai đứng trên luật pháp tại Hoa Kỳ, bởi vì đó là một nguyên tắc nền tảng. . . Chúng ta đều bình đẳng như nhau trước pháp luật. . . Nền tảng của Hiến pháp là thể chế tổng thống không thể trở thành thể chế quân chủ. . . Vị tổng thống không đứng trên luật pháp, và không có người nào đứng trên luật pháp.

Nhưng giờ đây tất cả những vị quan tòa tối cao này đã thay đổi nguyên tắc cơ bản này về pháp lý để phục vụ cho một kẻ đã kêu gọi việc thanh trừng những ai làm ông ta bực mình, hoặc là sẽ trả thù với những ai mà Trump cho là đã làm hại ông, theo như các phụ tá thân cận của ông ta đã xác nhận với báo giới.

Giờ đây, nhiều chuyên gia pháp lý đã đưa ra những hình ảnh để giúp cho mọi người thấy một lãnh tụ như Trump sẽ hành động ra sao sau khi được ban quyền miễn bị truy tố. Trump có thể ra lệnh cho một vị tổng giám đốc cơ quan FBI do ông bổ nhiệm là hãy bắt giữ và bỏ tù những đối thủ chính trị của mình. Hoặc Trump có thể ra lệnh cho Tổng Nha Thuế Vụ IRS điều tra gắt gao và áp đặt lệnh sai áp tài sản của những công ty truyền thông và các nhà báo nào dám lên tiếng chỉ trích hoặc đưa ra những bài tường thuật bất lợi cho hắn ta.

Tệ hơn nữa, Trump cũng có thể cung cấp cho một nước thù nghịch với Hoa Kỳ những tin tức về tình về tình báo có lợi cho nước đó, hoặc là có thể để xâm chiếm hay tấn công Hoa Kỳ, nhưng lại sẽ không bị truy tố hình sự về tội danh phản quốc, bởi vì với cách suy diễn theo phán quyết mới của TCPV, việc tổng thống Mỹ tiếp xúc và điều đình với các vị lãnh tụ khác là một đặc quyền của tổng thống dựa theo Điều II trong bản Hiến Pháp. Chúng ta cũng đừng quên rằng Trump đang bị truy tố với cáo trạng đánh cắp và lưu giữ trái phép các tài liệu tối mật về an ninh quốc phòng sau khi đã rời khỏi Tòa Bạch Ốc. Như vậy, TCPV đã trao quyền cho Trump một cách tuyệt đối để hành xử như một nhà độc tài ngay ngày đầu cầm quyền, nếu như hắn ta may mắn trúng cử vào đầu tháng 11 này, và từ đó hắn ta có thể sẽ dùng hết mọi quyền lực có thể để đạt mục đích và quyền lợi riêng tư của mình mà không hề sợ bị ngăn cản hoặc truy tố.

Theo lời nhận định và kết luận của chuyên gia pháp lý Rangappa, “cuộc bầu cử lần này là một quyết định lựa chọn rõ ràng giữa một bên là nền dân chủ và bên kia là chế độ độc tài. Và cử tri hãy nên đi bỏ phiếu lựa chọn theo đúng với nguyên tắc thích hợp cho mình.

Kết luận: Chúng ta phải làm gì đây?

Mỗi người dân chúng ta, những cử tri có quyền bỏ phiếu tại Hoa Kỳ, đều có cơ hội cùng sát cánh với thẩm phán Sotomayor để nói lên sự phản kháng của mình trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới đây. Phán quyết mới nhất của TCPV, hay đúng hơn là của một bè lũ 6 tay thẩm phán bảo thủ thiên vị lộ liễu và tồi bại, coi như nhắc nhở cho chúng ta biết rằng phương cách và thế lực duy nhất để buộc Trump phải trả giá cho những hành động mưu toan đảo ngược kết quả bầu cử chính danh và hợp pháp vào năm 2020 chính là những cử tri chịu khó đến thùng phiếu.

Vì thế, bằng bất cứ giá nào, chúng ta phải hành động, vì cái TCPV ngày nay đã tự biến thành cái Tối Thui Pháp Viện với cái phán quyết bệnh hoạn khi cho rằng tinh thần thượng tôn pháp luật không hề được áp dụng cho một vị tổng thống.

Chúng ta buộc Trump phải chịu trách nhiệm trước những hành động sai trái và phạm pháp của hắn như đã xảy trong cuộc bầu cử năm 2020 và chúng ta phải tiếp tục làm như vậy trong cuộc bầu cử năm nay, bởi vì cái tòa án tối cao ngày nay ở Hoa Kỳ đã trốn tránh trách nhiệm của mình.

Vì thế nên mọi người chúng ta cùng lên tiếng phản đối, và không ngần ngại chỉ trích những kẻ ủng hộ Trump cho dù đó là những người bạn thân lâu năm, những đồng nghiệp trong công việc và kể cả những người thân trong gia đình bởi vì việc làm của họ ủng hộ chính là trực tiếp gây hại cho chúng ta. Do vậy, chúng ta hãy kêu gọi mọi người khác cùng gia nhập theo, tùy theo khả năng của mỗi người, sứ mạng quan trọng này.

Hãy cùng nhau thức tỉnh, và quyết tâm hơn nữa, trong cuộc chiến sinh tử để bảo vệ quyền tự do dân chủ tại một đất nước mà chúng ta đã may mắn được ban thưởng và không có quyền để cho nó bị trù dập. Bởi vì nếu không, chúng ta sẽ ân hận, và mang tội với chính mình, với con cháu chúng ta, và với lịch sử nhân loại.

Mai Loan

New York City, ngày lễ Độc Lập Hoa Kỳ, 04/07/2024

anhtuantaberd74@gmail.com

Link tham khảo:

https://www.cnn.com/2024/07/01/politics/presidents-immunity-supreme-court-what-matters/index.html

July 1, 2024