Trung Cộng Đi Tìm Đồng Minh Ở Vùng Trung Đông.

0
586

Cách đây không lâu, Thủ tướng Do Thái Benjamin Netanyahu tuyên bố rằng mối quan hệ giữa nước ông với Trung quốc có lẽ là “cuộc hôn nhân chỉ xảy ra trên thiên đường”. Thế rồi vào hồi tháng Ba, năm 2023 khi Tổng thống Joe Biden nói rằng ông sẽ không mời ông Netanyahu sang Hoa Thịnh Đốn để nghe ông ta trình bày về kế hoạch hủy bỏ tính chất độc lập của ngành tư pháp ở Do Thái. Ông Netanyahu bèn có ý định đi thăm  Tập Cận Bình ở Trung quốc để thay thế việc đi thăm Hoa Kỳ.”. Đối với Do Thái, chuyến đi của ông Netanyahu sang Trung quốc là một lời nhắn nhủ cho Hoa Thịnh Đốn biết rằng ở ngoài kia còn có một siêu cường khác đang muốn siết chặt quan hệ ngoại giao với Do TháiĐối với Trung quốc, đây là cơ hội để Trung quốc thay chân Mỹ đi vào vùng Trung Đông, và nói cho Mỹ biết cái giá mà Hoa Kỳ phải trả khi họ chuyển trục từ Trung Đông sang Á châu. Mưu tính của ông Netanyahu đem lại kết quả cụ thể. Đến tháng Chín thì Tổng thống Biden thay đổi quyết định, và mời ông Netanyahu đến Bạch Cung. 

Kịch bản trên bị đảo ngược hoàn toàn khi xảy ra vụ Hamas tấn công Do Thái vào ngày 7 tháng Mười. Gần đây, mối quan hệ giữa Do Thái và Trung quốc không được phục hồi trở lại theo kế hoạch của ông Netanyahu bởi vì Trung quốc đang có những dự tính khác. Bắc Kinh tự ý giữ khoảng cách với Do Thái khi thấy quốc tế cực lực lên án việc Do Thái dội bom Gaza- và Trung quốc chọn con đường đi theo với luồng dư luận quốc tế. Trung quốc muốn đóng vai trò ngang ngửa, đối trọng với Hoa Thịnh Đốn. Trong lúc Hoa Kỳ được tiếng là nước ủng hộ Do Thái về quân sự và ngoại giao, thì Trung quốc là hình ảnh một quốc gia chỉ chú trọng chủ yếu về thương mại. Hoa Kỳ là nước có vị thế quan trọng về ngoại giao trong vùng Trung đông.

Sau khi Trung quốc thành công trong việc tái lập được quan hệ ngoại giao giữa hai nước Iran và Ả Rập Saudi hồi mùa xuân năm ngoái, Trung quốc bèn tính chuyện đi xa hơn một chút là muốn thay thế Hoa Kỳ đóng vai trò quan trọng trên chính trường quốc tế mà Hoa Kỳ hiện nay đang giữ vai trò lãnh đạo. Trong cuộc chiến giữa Do Thái và Hamas,Trung quốc muốn thử sức khả năng ngoại giao của mình bằng cách đưa ra một kế hoạch hòa bình, Trung quốc đứng ra triệu tập hội nghị hòa giải giữa hai tổ chức Palestine Authority và Hamas, và triệu tập hội nghị thượng đỉnh gồm ngoại trưởng các nước Ả Rập theo Hồi Giáo nhằm giúp chấm dứt cuộc chiến hiện nay. Nhưng tất cả những cố gắng của Trung quốc đều không đem lại kết quả, mặc dù bề ngoài Trung quốc cũng được các nước Ả Rập và các nước ở phía Nam bán cầu tỏ ý ngưỡng mộ. Trung quốc khai thác ưu điểm này và muốn trở thành một siêu cường, ngang tay với Hoa Kỳ trong tình hình chính trị quốc tế hiện nay. 

Thái độ trục lợi này lập tức bị Do Thái phản kích dữ dội. Khoảng một phần ba dân Do Thái có thái độ không ưa Trung quốc kể từ sau vụ 7 tháng Mười, và một số lãnh đạo trong khu vực tài chánh của Do Thái đòi phải áp dụng những biện pháp khắt khe đối với Trung quốc, chẳng hạn như tạm thời cấm một số công ty Trung quốc không được hoạt động ở hải cảng của Do Thái. Chính phủ Do Thái bày tỏ “sự thất vọng sâu xa” đối với các quan chức ở Bắc Kinh, và gửi một phái đoàn quốc hội sang Bắc Kinh nói rằng Do Thái xem Đài Loan có cùng hoàn cảnh giống như Do Thái. Cả hai là “hai nước nhỏ theo chế độ dân chủ và phải sống chung với bọn láng giềng tàn ác, thù nghịch.”. 

Tất cả những diễn biến trên, cộng với nhiều thay đổi trong cục diện địa chính trị khiến cho Trung quốc cuối cùng cũng phải quay lại ve vãn Tel Aviv. Trung quốc mong muốn tập trung sự ủng hộ của các nước trong vùng Trung đông trước đây thân thiện với Hoa Kỳ, và là những tác nhân quan trọng trong việc thiết lập chính sách cho dải Gaza. Tuy nhiên, việc Trung quốc từ chối không lên án Hamas tấn công Do Thái cũng như gọi việc Iran đánh Do Thái là một hành vi “tự vệ.” đưa đến những hậu quả có hại cho Trung quốc. Các quốc gia trong vùng như nước United Arab Emirates -UAE- và Ả Rập Saudi bày tỏ nỗi lo ngại rằng rồi đây sẽ chẳng có nước nào thay thế được Hoa Kỳ ở vùng Trung đông. Để cổ vũ cho việc chủ trương hãy để Trung quốc lãnh đạo thế giới không cần căn sự quân sự. Bắc Kinh rêu rao rằng Hoa Kỳ là một nước hiếu chiếu, chỉ thích đi gây chiến tranh. Nhưng nhiều nước trong vùng Vịnh Ba Tư cho rằng thái độ ủng hộ Do Thái về quân sự của Biden là một truyền thống đã có từ lâu nay. Để tăng cường mối liên hệ với Abu Dhabi và Riyadh, Trung quốc có thể sẽ phải chấp nhận chính sách đi đối với đường lối của những nước này, và nếu thế Trung quốc sẽ buộc lòng phải đi chung chính sách với Hoa Thịnh Đốn và Tel Aviv.

Trung quốc và Do Thái có những hoàn cảnh về tài chánh buộc hai nước phải tiến gần lại với nhau. Vì chiến tranh khốc liệt khiến cho Tổng Sản Lượng Quốc Gia – GDP- của Do Thái bị thu nhỏ lại, và chỉ số tín dụng của nước này bị xuống thấp. Trong lúc đó, Trung quốc có nền kinh tế lớn thứ nhì trên thế giới, và cũng là đối tác buôn bán đứng hàng thứ ba với Do Thái tính đến trước khi xảy ra vụ tấn công ngày 7 tháng Mười. Hiện nay, nền kinh tế Trung quốc đang bị chậm lại, và họ muốn đi tìm cơ hội đầu tư ở ngoại quốc. Hoàn cảnh hai nước như vừa kể chính là nhân tố khiến hai nước nên có quan hệ hữu nghị với nhau để cùng tăng cường giao dịch thương mại giữa hai nước. 

Đối với người dân Palestine, từng trải qua những kinh hoàng về việc Hoa Kỳ yểm trợ vũ khí vô điều kiện cho Do Thái, việc Trung quốc muốn can dự vào cuộc xung đột ở trong vùng xem ra có vẻ đáng khích lệ. Nhưng thái độ ủng hộ người dân Palestine của Trung quốc hiện nay có lẽ chỉ mang ý nghĩa rằng vào lúc này nước nào ủng hộ Do Thái đều bị mang tiếng xấu hơn là tiếng tốt. Trong cuộc tranh chấp giữa Hoa Kỳ và Trung quốc, thái độ ủng hộ người dân Palestine của Trung quốc mang tính chất hời hợt. Kế hoạch vãn hồi hòa bình do Trung quốc đưa ra rút cuộc chỉ trút toàn gánh nặng cho Liên Hiệp Quốc mà thôi. Kế hoạch đó chỉ giúp cho Trung quốc mở đường chuyển trục sang vùng Trung đông, và một lần nữa, người dân Palestine chẳng có một chút thực quyền gì cả. 

Như Do Thái đã từng kinh nghiệm trong việc chơi với Trung quốc, người dân Palestine sẽ sớm nhận ra rằng Trung quốc chỉ là người bạn khi trời quang mây tạnh, tùy theo thời tiết, và mối quan hệ đó nếu đi xa đến mức kết hôn với nhau thì thế nào cũng sẽ đi đến chỗ ly dị mà thôi. 

Nguyễn Minh Tâm  dịch theo báo TIME 

Ghi chú:  Tác giả bài báo là Simone Lipkind , một thành viên trong Hội Đồng Bang Giao Quốc Tế.