Những Ngày Dài Mệt Mỏi

0
918

Hồi năm 1944, sau gần 12 năm làm việc ở Bạch Cung, ông Franklin Delano Roosevelt quyết định sẽ ra tái ứng cử trong lúc cơ thể của ông suy yếu rất nhiều. Bệnh tê liệt chân, huyết áp cao, bệnh tim, và công việc nặng nhọc của chức vụ tổng thống đã tàn phá sức khỏe của ông. Để che dấu tay ông bị run, ông dùng một cái ly lớn, nặng, để uống cà phê. Bác sĩ khuyên ông giảm hút thuốc lá, chỉ cho ông hút nửa gói mỗi ngày, và buộc ông phải nghỉ ngơi nhiều. Vào tháng Năm, một tháng trước ngày lính Mỹ đổ bộ vào Âu châu, thường gọi là D Day- ông chỉ còn làm việc mỗi ngày bốn tiếng đồng hồ. Trong cuốn sách viết về việc ông phải chiến đấu với bệnh tật trong cơ thể, nhan đề “His Final Battle”, tác giả Joseph Lelyveld viết: “Chữ ký của ông trở nên run rẩy, nét bút không còn đậm và mạnh mẽ nữa.”. Đó là khoảng thời gian 16 tháng trước ngày ông mãn nhiệm kỳ Tổng thống. 

Nhưng Thế Chiến Thứ Hai vẫn tiếp diễn dữ dội, và ông Roosevelt tin rằng ông là người duy nhất có đủ khả năng, và được chuẩn bị đầy đủ để hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ chế độ  dân chủ, chống lại được hành vi xâm lược trong tương lai. Ông Roosevelt ra lệnh cho các cố vấn và Nhân Viên Mật Vụ phải che giấu tình trạng suy yếu sức khỏe của ông. Ông Harry Truman, Phó Tổng thống lúc bấy giờ, nói với báo chí rằng: “Ông ấy vẫn là người lãnh đạo của chúng ta như từ bấy lâu nay.”. Nhưng trong chốn riêng tư, ông Truman nói với cộng sự viên: “Về thể lực, thân thể của ông đang rã rời ra từng mảnh.”.

Các vị tổng thống thường được dân chúng và hậu thế nhớ đến về việc họ rời chức vụ như thế nào, và họ đạt được chức tổng thống ra sao. Tám thập niên sau lần tranh cử cuối cùng của ông Roosevelt, người dân Mỹ lại gặp phải một trường hợp việc ra tranh cử tùy thuộc vào quyết tâm  của nhân vật chính trong cuộc bầu cử, đó là ông Biden, rất ngoan cố. Ông Joe Biden đang bị nhiều áp lực xung quanh khuyên ông nên rút lui, trong lúc ông vẫn  nhất định đòi tiếp tục tranh cử. Hai tuần lễ sau khi bị thảm bại trong lần tranh luận với đối thủ Donald Trump, Tổng thống Biden vẫn muốn chứng minh rằng việc ông tranh luận thua kém chẳng qua chỉ là một “lần không may” thôi, không có gì là nghiêm trọng cả. Song hình ảnh của cuộc tranh luận đánh dấu sự thay đổi không thể xóa nhòa được về suy nghĩ, về quan điểm, của những nhân vật có nhiều ảnh hưởng trong đảng Dân Chủ, những nhà tài trợ, và giới báo chí. Một số người lên tiếng kêu gọi ông nên rút lui để tránh không phải trao cuộc bầu cử cho chính nhân vật mà ông cảnh cáo là hắn muốn tiêu diệt chế độ dân chủ.

Chưa đầy sáu tuần lễ trước ngày đảng Dân Chủ chính thức chỉ định người đại diện để ra tranh cử, ông Biden đang bước đi trên đoạn đường nguy hiểm mỗi khi ông xuất hiện trước ống kính thu hình. Rủi ro mà ông gặp phải là khi trông thấy ông người ta lại lo ông không thích hợp làm đại diện cho đảng Dân Chủ để đánh bại ông Trump. Chưa kể có người còn nói rằng không biết ông có đủ sức khỏe, minh mẫn, để làm việc thêm bốn năm nữa hay không. Thời gian còn đủ để đưa bà Kamala Harris, hay một nhân vật khác thay thế ông đang thu hẹp dần. Phải quyết định nhanh đi thôi. Hôm thứ Năm tuần trước, người ta có dịp xem xét lại hình ảnh của ông Biden có đủ để ra tranh cử hay không, ông chủ trì hội nghị thượng đỉnh với các vị lãnh đạo quốc gia trong khối NATO, chống lại quân xâm lược Nga. Ông tỏ ra hùng hồn, và sáng suốt, tuy nhiên cũng có lần ông nói lộn Tổng thống Zelensky của Ukraine thành Tổng thống Putin của Nga. Sau đó, ông có sửa lại nhầm lẫn này. Giữa chốn riêng tư việc nói lộn tên như vậy không có gì đáng kể. Nhưng trong buổi họp báo trước công chúng người ta sẽ nhớ mãi đến cái lỗi này khi ông tiếp tục ra tranh cử. 

Một thời gian ngắn sau, trong một lần họp báo hiếm hoi dành để thẩm xét xem ông có còn đủ sáng suốt minh mẫn để đối phó với những sự kiện bất ngờ, không được chuẩn bị trước. Khi trả lời câu hỏi đầu tiên, ông đã vấp váp gọi bà Harris là “Phó Tổng thống Trump”. Nhưng rồi ông chữa lỗi kịp thời, và hùng hồn trả lời tiếp cuộc họp báo trong hơn một giờ đồng hồ, cho thấy ông nắm vững sách lược ngoại giao một cách nhuần nhuyễn. Khi được hỏi có phải ông ngưng làm việc mỗi ngày vào lúc 8 giờ. Ông trả lời là sai. Đúng ra là kể từ sau 8 giờ ông “đi rảo” và bắt đầu công việc gây quỹ tranh cử, thay vì bắt đầu lúc 9 giờ, để cho mọi người có thể về nhà lúc 10 giờ. Ông chuyển câu chuyện sang việc tấn công đối thủ. “Chương trình làm việc của tôi đầy những việc nhàm chán, trong khi ông Trump ngồi cưỡi xe đi đánh golf, bận rộn ghi chép trên bảng chỉ số, trước khi ra đánh đánh trái banh.”. Khi được vặn hỏi liệu ông có nghĩ đến chuyện rút lui khỏi cuộc tranh cử hay không. Ông không cho biết rõ ý định về việc này. Ông chỉ nói rằng “mức độ nghiêm trọng của tình hình” hiện nay của đất nước cần kinh nghiệm của ông. 

Ở Hoa Thịnh Đốn, việc làm của ông Biden không giúp các nhân vật trong đảng Dân Chủ đổi ý, từ bỏ áp lực đòi ông phải rút lui. Chỉ vài phút sau, ông Jim Himes, nhân vật hàng đầu của đảng Dân Chủ trong Ủy Ban Tình Báo là nhân vật thứ 14 ở Hạ Viện lên tiếng kêu gọi ông Biden nên rút lui. Ông Jim Himes viết lời yêu cầu như sau: “Tôi hy vọng với công lao cả đời phục vụ đất nước, ông sẽ tiếp tục đặt quyền lợi của đất nước lên hàng đầu.”. Nhiều nhân vật khác trong quốc hội tạm hoãn chưa lên tiếng, chờ cho xong Hội Nghị Thượng Đỉnh NATO, bây giờ cũng chuẩn bị áp lực ông Biden nên ngưng ra tái tranh cử. Chiến lược gia của đảng Dân chủ, ông James Carville, nói với đài CNN hôm thứ Năm như sau: “Dư luận xôn xao như là khói lan tỏa khắp nơi, nhất là giữa những cộng sự viên giúp trong việc vận động tranh cử.”. Ông Carville nói thêm: “Hầu như việc ông Biden phải rút lui là điều không thể tránh được. Chúng ta sẽ phải đối phó với một thủ tục chọn người khác thay ông, hết sức nhiêu khê.”.

Ôn Biden bác bỏ đề nghị buộc ông nên rút lui. Ông gọi đó là việc làm của “một nhóm ưu tú trong đảng Dân Chủ.”. Ông khẳng định: “Tôi bất chấp mấy tay triệu phú nghĩ gì về tôi.”. Nhưng quả thực ông gặp rất nhiều trở ngại trong việc điều hành cuộc vận động tái tranh cử. Những nhà tài trợ giàu có rút lại ngân khoản tài trợ. Mà không có tiền làm sao ông có thể chi tiêu cho việc quảng cáo, vận động tranh cử. Tài tử George Clooney viết cho báo Times kêu gọi ông nên rút lui là một đòn rất nặng, ảnh hưởng đến việc tranh cử của ông Biden. Trong lần gây quỹ ở Los Angeles, ông Clooney cùng đứng ra gây quỹ với ông Biden, và nói rằng: “Chúng ta sẽ không thể thắng được trong kỳ bầu cử vào tháng 11 sắp tới với ông Tổng thống hiện nay. Quan trọng hơn nữa là chúng ta sẽ không thể dành lại được Hạ Viện, và chúng ta sẽ thua ở Thượng Viện nữa.”.

Dù vậy, ông Biden vẫn còn được sự ủng hộ của một vài nhân vật, vài nhóm cử tri thân cận với ông, chẳng hạn như hai nhóm Congressional Black and Hispanic Caucuses đại diện cho cộng đồng người Da Đen, và Nam Mỹ, cũng như cô Dân Biểu Alexandria Ocasio-Cortez. (Trong tuần đảng Cộng Hòa tổ chức Đại Hội Đảng Toàn Quốc ở Milwaukee, ông Biden  đi vận động tranh cử ở Texas và Nevada.). Kết quả sẽ là ông Biden tiếp tục  trì hoãn thêm một ít lâu nữa, nhưng viễn ảnh ông sẽ phải rút lui, bỏ cuộc không tái tranh cử là nỗi ám ảnh đè nặng lên ông mỗi khi ông xuất hiện trước công chúng. Liệu rằng việc ông phải rút lui có ảnh hưởng gì đến thành tích của ông trong lịch sử hay không? Trong cuộc họp báo kết thúc hội nghị thượng đỉnh NATO, ông Biden tuyên bố: “Tôi ra tái tranh cử không phải vì muốn để lại di sản trong lịch sử, mà chỉ vì tôi phải ráng hoàn tất việc làm của mình.”. 

Nhưng trong trường hợp của ông Roosevelt, việc cố gắng hoàn tất công việc không mang ý nghĩa được làm đúng theo ý muốn của mình. Ông Roosevelt đã thắng cử trong lần tái tranh cử cuối cùng, nhưng ông đuối sức, mòn mỏi về thể lực, không còn đảm đương tốt việc làm của mình như những nhiệm kỳ trước. Ông ráng thực hiện chuyến công du vô cùng mệt mỏi, dài mười bốn ngàn dặm để đi đến Hội Nghị Yalta, ở đảo Crimea của Nga Xô Viết, nơi ông phải đấu trí với lãnh tụ Cộng Sản Joseph Stalin. Một trong những phụ tá thân cận của ông Roosevelt lúc bấy giờ là ông Harry Hopkins, sau này tiết lộ rằng: “Tôi hoài nghi không biết ông Roosevelt có nghe rõ. Hiểu được khoảng một nửa những gì được đem ra thảo luận ở bàn hội nghị.”. Người đối tác đồng hành với ông Roosevelt là Thủ tướng Winston Churchill kể lại rằng: “Tổng thống trông sức xanh xao, nhợt nhạt trong suốt thời gian dự hội nghị.”. Hai tháng sáu, ông Roosevelt chết vì xuất huyết não.

Thành tích để đời của Tổng thống Roosevelt về công lao phục vụ đất nước của công đã kết thúc trong cay đắng. Thỉnh thoảng người ta vẫn đem ông Biden ra so sánh với ông Roosevelt về thành tích phục vụ đất nước của ông, nhất là tại diễn đàn Thượng Viện, cũng như những khó khăn trong cuộc đời cá nhân của hai ông. Cả hai ông đều phải vật lộn với sự lôi cuốn của tuổi thọ. Ông Roosevelt phục vụ đất nước trong suốt ba thập niên. Ông Biden thì phục tới hơn năm thập niên. Khi suy nghĩ về việc bảo toàn những thành tựu của mình, Tổng thống Biden nên tìm sự khôn ngoan qua những nguy hiểm từng xảy ra trong quá khứ. 

Ghi chú: Ngày Chủ Nhật 21 tháng 7, 2024 Tổng thống Biden chính thức tuyên bố ông xin rút lui ra khỏi cuộc tranh cử Tổng thống, và ông bảo trợ bà Kamala Harris, Phó Tổng thống của ông ra tranh cử kỳ này. Tuy nhiên, nhân vật chính thức được làm đại diện cho đảng Dân Chủ sẽ được quyết định trong kỳ đại hội đảng Dân Chủ tổ chức ở Chicago vào giữa tháng Tám sắp tới.

Nguyễn Minh Tâm dịch theo THE NEW YORKER  ngày 22/7/2024