Sửa Chữa Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ

0
456
  • Hiện nay Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ đang ở tình trạng mất thăng bằng, xu hướng bảo thủ chiếm đa số, thành phần cực đoan đang giữ vai trò thống lĩnh. Sau hai phán quyết lật ngược án lệ Roe v Wade cấm phụ nữ phá thai, và quyền đặc miễn cho Tổng thống không bị truy tố hình sự trong lúc đang tại chức, uy tín của Tối Cao Pháp Viện Mỹ xuống thấp vô cùng. Chỉ còn khoảng 35 % dân chúng Mỹ tin tưởng vào Tối Cao Pháp Viện. Đây là một định chế đáng lẽ phải có vị thế rất cao, cầm cân nảy mực trong việc giải thích Hiến Pháp, bây giờ uy tín của nó xuống quá thấp. Tổng thống Biden, một người từng tham gia vào việc bổ nhiệm 8 vị Chánh án TCPV, chỉ còn ở Tòa Bạch Ốc một thời gian ngắn, ông đưa ra ba đề nghị  sửa đổi những sai sót trong cơ cấu tổ chức Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ: 1.) Nguyên Tắc Không Ai Đứng Trên Luật Pháp, 2.) Hạn chế nhiệm kỳ của Chánh Án TCPV chỉ còn 18 năm, và 3.)Bộ Luật Về Đạo Đức dành cho các vị Chánh án TCPV.

Chính trị, giống như nhiều lĩnh vực khác, có nhiều điều bất công, không hợp lý. Tuần trước, tại Thư Viện Tổng thống Lyndon B. Johnson ở Austin,tiểu bang Texas, Tổng thống Joe Biden khoe về kinh nghiệm phong phú của ông về ngành tư pháp. Ông tuyên bố: “Tôi từng được cho biết rằng tôi là người chứng kiến nhiều nhất trong lịch sử Mỹ, hơn bất cứ ai còn đang sống, những trường hợp bổ nhiệm các vị Chánh Án vào Tối Cao Pháp Viện khi tôi làm Thượng Nghị Sĩ, rồi Phó Tổng thống, và Tổng thống.”.

Trong chức vụ Chủ tịch Ủy Ban Tư Pháp Thượng Viện, hay một Nghị sĩ cao cấp trong Ủy Ban này, Tổng thống Biden đã từng đứng ra tổ chức điều trần để Thượng Viện chuẩn thuận cho tám nhân vật được đề nghị làm Chánh án TCPV. (Trong đó một vị bị loại bỏ, đó là ông Robert Bork), và một vị là Chánh thẩm – Chief Justice- của TCPV. Hầu như ông đã chọn gần hết số thành viên của TCPV Mỹ. Nhưng khi làm Tổng thống, ông chỉ được bổ nhiệm một vị Chánh Án đó là bà Ketanji Brown Jackson. Trong lúc đó, ông Donald Trump lại có cơ hội bổ nhiệm tới ba vị Chánh Án vào TCPV, đó là hai ông Neil Gorsuch, Brett Kavanaugh, và bà Amy Coney Barrett. Nếu nói về kinh nghiệm cá nhân của ông Donald Trump đối với ngành tư pháp, trước khi ông Trump bước vào Tòa Bạch Ốc, chỉ có một lần ông ra tòa về việc ông phải khai phá sản.

Giờ đây, hai năm sau khi được ông Trump bổ nhiệm, ba vị Chánh án đã làm được những gì? Họ lật ngược lại phán quyết Roe v. Wade để tái lập việc cấm phụ nữ phá thai. Rõ rệt là đang có sự mất cân bằng trong Tòa án Tối Cao. Mất cân bằng về lập trường chính trị, về đạo đức, và cả về nguyên tắc tam quyền phân lập trong chế độ dân chủ. Lòng tin tưởng của công chúng đối với Tòa Án Tối Cao bây giờ xuống rất thấp, chỉ còn ở mức 35%. Vì thế, khi đứng ra tuyên bố cần phải sửa đổi TCPV Hoa Kỳ, Tổng thống Biden cho thấy ông có cảm tưởng như mình bị ăn gian, bị lừa gạt. Ông Trump chẳng hưởng được lợi lạc gì khi bổ nhiệm ba vị Chánh Án vào TCPV.  Do định mệnh khiến ông được làm Tổng thống nên ông có quyền đề nghị người vào TCPV. Trái lại, cái kẻ thủ lợi nhiều nhất chính là ông Mitch McConnell, khi ông là Trường khối đa số ở Thượng Viện hồi năm 2016, ông đã đưa được một người vào làm Chánh Án. Sau đó năm 2020, ông ta lại tìm cách đẩy thêm vào được một người nữa. Hậu quả là theo ông Biden, Tòa án chỉ bao gồm thành phần “cực đoan”, và tính chất chính danh của Tối Cao Pháp Viện Hoa kỳ gặp nhiều rủi ro. Ông từng bị áp lực nặng nề của những phần tử tả khuynh trong đảng Dân Chủ của ông đòi hỏi ông phải cải tổ Tòa Án Tối Cao này. Bây giờ, chỉ còn vài tháng trước khi rời khỏi Bạch Cung, ông lên tiếng đề nghị một số thay đổi căn bản cho Tòa án Tối Cao. (Có người nói mai mỉa đây là Tòa Án Tối Thui).

Trước khi duyệt xem những đề nghị cải tổ Tối Cao Pháp Viện. chúng ta cần nhắc với nhau vì sao việc cải tổ Tối Cao Pháp Viện lại vô cùng khó khăn, mặc dù công chúng hết sức bất mãn, và có rất nhiều ý kiến đề nghị phải cải tổ Tòa Án Tối Cao này. Tổng thống Biden đề nghị ba biện pháp cải tổ Tối Cao Pháp Viện.

Đề nghị đầu tiên thực ra không phải là sự cải tổ, mà chỉ là một lời khiển trách: Đề nghị đó là thảo ra “Tu Chính Án Hiến Pháp: Nguyên Tắc Không Ai Được Phép Đứng Trên Luật Pháp.”.  Tu chính án này nếu làm được sẽ ngay lập tức lật ngược phán quyết của Tòa TCPV, trong vụ xử Trump chống lại Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Phán quyết đó đã thiên vị, mù quáng xác nhận rằng cựu Tổng thống có quyền đặc miễn rất lớn, không thể bị truy tố hình sự về những việc làm của ông trong lúc ông còn  tại chức. Song bất cứ một tu chính án hiến pháp cũng đòi hỏi phải có sự chấp thuận của đa số 2 phần 3 ở Hạ Viện và Thượng Viện trong Quốc Hội Mỹ, sau đó lại phải được sự chuẩn phê của 3 phần 4 tổng số tiểu bang Hoa Kỳ, tức là phải được 38 tiểu bang phê chuẩn, khi đó Tu Chính Án mới được đem ra thi hành. Một cách khác để phê chuẩn Tu chính án là hai phần ba tổng số quốc hội tiểu bang yêu cầu triệu tập Đại Hội Sửa Đổi Hiến Pháp. Trong trường hợp đó sẽ không bao giờ xảy ra được, chưa kể là sẽ gây ra rất nhiều thảm họa trong giai đoạn chủ nghĩa phò Trump còn đang được thịnh hành.

Đề nghị thứ hai của Tổng thống Biden là giới hạn nhiệm kỳ của các vị Chánh án chỉ còn 18 năm mà thôi, thay vì làm việc suốt đời như hiện nay. Trên lý thuyết, đề nghị này sẽ dành cho mỗi Tổng thống được đề nghị hai vị Chánh án vào TCPV trong một nhiệm kỳ. Quy định hạn kỳ làm việc của Chánh án là điều được nhiều nước đề nghị, chỉ riêng Hoa Kỳ là một ngoại lệ không áp dụng nguyên tắc giới hạn nhiệm kỳ làm việc của Chánh Án. Tính cho đến cuối thế kỷ thứ 19, đa số các vị chánh án trung bình chỉ làm việc khoảng 15 năm tại TCPV. Nhưng từ năm 1970 đến nay, trung bình mỗi vị chánh án làm việc khoảng 26 năm. Đặt ra nguyên tắc giới hạn nhiệm kỳ làm việc sẽ giúp cho thủ tục đề cử một nhân vật vào TCPV trở nên ngay thẳng, phóng khoáng, không còn dơ bẩn, và tốn kém như hiện nay. (khoảng 10 triệu đô la được dùng để lo việc vận động và quảng cáo cho một người được đề cử). Vấn đề dơ bẩn và tốn kém áp dụng đối với cả hai đảng, không chừa riêng một đảng nào. Đề nghị hạn chế nhiệm kỳ làm việc sẽ giúp cho thủ tục chất vấn, đề cử có ý nghĩa tốt,thảo luận với nhau về nguyên tắc luật pháp hơn là mang tính chất hận thù. 

Tuy nhiên, Ủy Ban soạn thảo kế hoạch sửa chữa TCPV do Tổng thống triệu tập hồi năm 2021 gặp một thử thách lớn: Họ bất đồng ý kiến với nhau về việc quyết định xem hạn chế nhiệm kỳ làm việc của Chánh án TCPV có đòi hỏi phải là một Tu Chính Án Hiến Pháp hay không?. Chiếu theo ĐIỀU III CỦA HIẾN PHÁP “Các vị chánh án cấp liên bang được duy trì tại chức mãi mãi miễn là họ có TƯ CÁCH LÀM VIỆC TỐT.”. Điều này có nghĩa là họ có thể làm việc suốt đời, miễn là không bị cách chức, hay bị truy tố tội hình sự. (Trong lịch sử chưa bao giờ có một vị Chánh án nào bị cách chức rơi vào trường hợp này). Có nhiều cách khác nhau để gián tiếp áp dụng nguyên tắc hạn chế nguyên tắc làm việc suốt đời của chánh án. Chẳng hạn như chỉ giao cho các vị chánh án “lão thành” ít quyền hạn thôi, hay đặt ra ghế chánh án “Tạm thời” để dành sẵn. Các giải pháp này đều có những rủi ro riêng của nó. Và dĩ nhiên Tối cao Pháp Viện vẫn cương quyết dành cho được cái quyền điều giải, tức là quyền giải thích tính chất hợp hiến của một đạo luật hay một phán quyết. 

Đề nghị thứ ba của Tổng thống Biden xem ra có thể thực hiện được. Đó là lập ra đạo luật về cách ứng xử, về đạo đức làm việc  Code of Ethics- của các vị Chánh án TCPV, và phải được Quốc Hội thông qua. Hiện nay, những vị nào vi phạm tiêu chuẩn đạo đức lẽ ra có thể bị truất phế, hay bãi nhiệm, chỉ là quyết định tự nguyện của vị chánh án đó. Nếu vị chánh án đó không chịu từ nhiệm thì cũng đành phải chịu. Nếu có được bộ luật về quy tắc đạo đức hữu hiệu, vị Chánh Án Trưởng- Chief Justice- có thể bắt buộc một vị chánh án nào đó phải rút lui, đứng ra ngoài một vụ kiện- recusal- để tránh xảy ra sự xung đột quyền lợi. (lấy ví dụ vợ của ngài chánh án nào đó được mời đi làm cho một nhóm quyền lợi. Họ thù đáp ngài chánh án, bằng cách lại quả. Và ngài chánh án sẽ dành ân huệ cho nhóm quyền lợi này) và Bộ luật đạo đức cũng tăng cường việc kiểm soát chặt chẽ những vụ quà cáp, biếu xén (đây là một vấn đề liên quan đến ông Chánh án Clarence Thomas, và vài vị khác nữa). Tóm lại, Bộ Luật về Đạo Đức, Quy Tắc Ứng Xử có thể giúp Tòa Án Tối cao bớt có chuyện lem nhem, biếu xén, thù đáp và được chính danh định phận tốt hơn. Tuy nhiên, bộ luật về Đạo Đức sẽ không làm thay đổi cơ cấu tổ chức của Tòa Tối Cao, hay cần thiết phải thay đổi lý tưởng của Tòa án.

Tuy vậy, dù chỉ là bộ luật đạo đức, song nó cũng rất khó thực hiện được. Ông Chủ Tịch Hạ Viện Mike Johnson gọi đề nghị của Tổng thống Biden là “một dự luật sẽ bị giết chết ngay khi vừa đệ nạp Hạ Viện để cứu xét”.  Bà Phó Tổng thống Kamala Harris bảo trợ cho dự luật này. Trước đây bà từng công khai bày tỏ lập trường cởi mở, sẵn sàng thảo luận việc cải tổ TCPV Hoa Kỳ. Nếu bà thắng cử kỳ này, chắc chắn việc cải tổ TCPV sẽ là một trong những ưu tiên trong chương trình làm việc của bà. Thượng Nghị Sĩ Trưởng khối Đa Số Chuck Schumer thì giữ thái độ “không cam kết” đối với đề nghị của Tổng thống Biden, mặc dù ông từng nói rằng TCPV Mỹ là một “bãi sình lầy”, dính vào sẽ bị lún sâu. Việc cải tổ Tối cao Pháp Viện Hoa Kỳ sẽ là một dự án kéo dài rất lâu, có thể mất vài thế hệ. 

Một ý kiến mà Tổng thống Biden né tránh, không muốn đề cập đến đó là gia tăng số vị chánh án trong TCPV- như một số Nghị Sĩ gọi là “packing the Court” hay sắp xếp lại số chánh án trong TCPV. Động thái này bị một số người xem là “bất kính” đối với tòa án tối cao, bởi vì nó đe dọa sẽ đưa đến tình trạng gia tăng số chánh án dài dài. (Nghĩa là mỗi khi ông Tổng thống chiếm đa số, kiểm soát được Quốc Hội là ông ta lại bổ nhiệm thêm một chánh án. Ai chứ ông Trump là ông ta làm liền.). Điều nghịch lý trớ trêu là nếu chỉ tăng số chánh án trong tòa tối cao thì việc này dễ làm, đơn giản hơn ba đề nghị kể trên, chỉ cần được Quốc Hội thông qua một dự luật là xong. Hồi năm 1937, khi Tổng thống Franklin D. Roosevelt đề nghị tăng số chánh án trong TCPV vì ông cứ liên tục bị các vị chánh án trong Tòa Án tối cao ngăn cản đạo luật “New Deal” của ông. Lời hăm dọa tăng số chánh án của Tổng thống Roosevelt đem lại hiệu quả tốt. Sau đó, một số chánh án đã thay đổi lập trường, và cuộc khủng hoảng được hóa giải. Từ kinh nghiệm này người ta rút ra được bài học là chỉ cần một đề nghị không mấy gì thực tế, song cũng đủ làm cho nhiều người tỉnh ngộ. 

Tuy nhiên, nhiều người quên không nhớ cho rằng kế hoạch của Tổng thống Roosevelt- FDR- đi đôi với yếu tố tuổi tác già nua của các vị chánh án trong Tòa án Tối Cao. Đó là điều khoản mỗi khi có vị chánh án nào được 70 tuổi trở lên, là sẽ có một ghế chánh án mới thêm vào, cho đến khi có 15 chánh án là tối đa. Hồi năm 1937, chỉ có sáu vị chánh án ở cái tuổi trên 70. Hiện nay có ba Chánh án ở cái tuổi già này. Đó là các ông Clarence Thomas 76, ông Samuel Alito 74, và bà Sonia Sotomayor được 70. Yếu tố tuổi tác lại là một điểm cay đắng cho Tổng thống Biden khi ông đưa ra đề nghị cải tổ TCPV. Trước khi ông rút lui, không còn ra tranh cử, ông nói rằng vị Tổng thống sắp tới sẽ bổ nhiệm vài ba vị Chánh án  vào TCPV. Ông ám chỉ rằng sẽ có vài vị Chánh án hiện tại sẽ xin từ chức để nghỉ hưu, và nếu đắc cử, ông sẽ bổ nhiệm người vào thay thế. Nếu ông Trump đắc cử, như vậy với hai nhiệm kỳ làm tổng thống, ông ta đã có thể bổ nhiệm tới 5 vị chánh án hay nhiều hơn nữa. Nếu ông Trump không đắc cử, lần đầu tiên một phụ nữ sẽ đứng ra chọn chánh án vào TCPV. Khi đó Tòa Án Tối Cao sẽ có thay đổi lớn.

Nguyễn Minh Tâm dịch theo THE NEW YORKER