Lễ Vu Lan Thiền Viện Đại Đăng 2024 bồi hồi nhớ mẹ 

0
447

Cổng tam quan Thiền Viện Đại Đăng

Dương Ngọc Lãng

Chủ Nhật 18-8-2024 nhằm ngày Rằm Tháng Bảy Giáp Thìn, ngày Lễ Vu Lan Báo Hiếu, nhiều Phật tử đến các chùa cúng bái, trong đó có Thiền Viện Đại Đăng thuộc quận hạt San Dieogo, California.

Thiền viện Đại Đăng nằm trên ngọn đồi nhìn xuống con đường Camino Del Rey, vùng Bonsall, hiện đã xây xong cổng tam quan, thiền đường và chánh điện. Hàng trăm Phật tử và chư tăng ni làm lễ Vu Lan trong chánh điện. Vẫn là nghi thức tụng kinh và lời giảng của một vị tăng về ý nghĩa lễ Vu lan.

Tôi ngồi phía ngoài chánh điện, tiếng tụng kinh văng vẳng bên tai cùng làn gió mát thổi qua đồi cao, mơ màng nghĩ tới những mùa Vu Lan đã trôi qua trong đời mình. Từ hồi còn bé năm sáu tuổi theo cha mẹ lên chùa gần nhà, thấy bức tranh vẽ cảnh địa ngục với quỉ sứ  hành hạ tội nhân bằng vạc dầu sôi, dụng cụ tra tấn và câu chuyện Tôn giả Mục Kiền Liên nhờ các vị tăng cùng hộ niệm mùa Vu Lan để giúp mẹ của ông là bà Thanh Đề được siêu thoát, rời khỏi địa ngục.

Rồi lớn lên rời quê hương lưu lạc qua Canada, Hoa Kỳ, dự bao nhiêu lễ Vu Lan tại các chùa ở Calgary, San Jose, Nam Cali, tính ra được mấy chục mùa lễ.

Lúc mẹ mình còn sống thì được cài hoa hồng đỏ, rồi bây giờ mẹ đã mất thì cài hoa hồng trắng. Một Phật tử đến hỏi rằng muốn cài hoa màu nào thì tôi lắc đầu. Trong lòng không còn chấp vào bông hồng cài trên áo nữa mà tràn ngập nỗi nhớ mẹ hiền, rồi tưởng nhớ đến cha mẹ, ông bà tổ tiên cùng những người thân đã qua đời, rồi miên man nghĩ tới cõi âm, nơi những người chết chưa được siêu thoát không biết về đâu.

Vài năm nữa thì mình cũng từ giã cõi đời này theo luật sanh lão bệnh tử.

Buổi lễ xong, các Phật tử ăn trưa, mỗi người nhận được một hộp gồm cơm, món xào, một bánh ít và món súp. Ban trai soạn bảo rằng họ làm 600 hộp cơm nhưng không đủ- đâu ai biết trước là sẽ có bao nhiêu người đến chùa dự lễ Vu Lan. Và nhà bếp tiếp tục nấu, ban trai soạn là những Phật tử tôi quen biết từ nơi xa về.  

Đến chùa mà không ăn cơm chay là thấy thiếu một cái gì đó. Có người nói đó là lộc của chùa.

 Tôi ngồi dưới bóng mát của vườn nhìn quanh cây lá, chậm rãi thưởng thức cơm chùa. Nhớ tới câu tụng rằng bát cơm thí chủ ân cần mà cảm nhận vị ngon trong miệng.

Khách thập phương đến Thiền Viện Trúc Lâm Đại Đăng, trải qua những đoạn đường dài, dự lễ Vu Lan, ngắm ngôi chùa đẹp đẽ và khung cảnh đồi núi thiên nhiên.

Chùa Đại Đăng,Tổ đình dòng Trúc Lâm Yên Tử tại hải ngoại có Phật hoàng Trần Nhân Tông là sơ tổ. Bức tượng Ngài ngồi thiền bên hông Thiền Đường vừa hoàn tất.

Một vị tăng nói rằng con đường dẫn vào chùa Camino Del Rey- tiếng Mễ nghĩa là con đường của vua, diễn giải rằng vua ở đây là Trần Nhân Tông mà cháu nhiều đời của Ngài là hòa thượng Thích Thanh Từ, từ Việt Nam sang Mỹ mà chọn địa điểm này để lập nên Thiền Viện Đại Đăng thuộc dòng Trúc Lâm Yên Tử. Câu chuyện huyền bí này nghe thú vị.

Thượng tọa Thích Đăng Huy gợi ý rằng tôi nên viết một ca khúc xưng tụng Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Xin nói thêm là trong bài hát Phật Giáo Việt Nam Lên Đường, phổ thơ Phan Tấn Hải có lời ca lấy từ câu nói của Ngài : “Giữ quê hương một tấc đất không thể lui.”

Tôi rời Thiền Viện Đại Đăng, lái xe cả trăm cây số để về nhà. Ngôi chùa ở hải ngoại, bên cạnh ý nghĩa tôn giáo, còn là một trung tâm sinh hoạt cộng đồng, là nơi để Phật tử tụ về mỗi lần lễ hội truyền thống quê hương.

Lễ Vu Lan 2024 còn đọng lại trong hồn- cảm giác nhẹ nhàng, bồi hồi kỷ niệm. Ai cũng có mẹ để nhớ mỗi mùa Vu Lan về.

Lễ Vu Lan tại Chánh Điện 

Chuông ghi bài thơ Mộng của Thầy Thích Thanh Từ

Tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông

Cảnh chùa Đại Đăng nhìn xuống đồi

 Phật tử thọ trai