TỪ SỰ ĐẤU TRANH CỦA PHỤ NỮ MỸ CHO TU CHÍNH ÁN SỐ 19 ĐẾN ỨNG CỬ VIÊN TỔNG THỐNG KAMALA HARRIS

0
1120

Mai Loan

Với khí thế đang trào dâng hiện nay trong nhiều tầng lớp quần chúng tại Hoa Kỳ ủng hộ cho liên danh Kamala Harris & Tim Walz, xuyên qua những cuộc tập họp quy tụ đông đảo người dân đổ xô đến tham dự, cũng như xuyên qua hình ảnh của 4 ngày Đại hội Đảng Dân Chủ đang diễn ra tại thành phố Chicago với những hình ảnh tràn đầy hy vọng và lạc quan cho một trang sử mới trong lịch sử chính trường Hoa Kỳ, người ta có thể thấy rằng viễn tượng nước Mỹ sẽ có một nữ tổng thống trong những ngày tháng sắp tới là điều có thể hiện thực chứ không phải là điều hoang tưởng như nhiều người đã suy đoán.

Cách đây đúng 16 năm, cũng đã có rất nhiều người tiên đoán rằng nước Mỹ sẽ không bao giờ bầu cho một người da đen, cách nay hơn 100 năm, còn phải chịu sống đời nô lệ để phục vụ cho những người da trắng. Nhưng mấy ai ngờ rằng một chính khách mới nổi lên có tên là Barack Obama, dù chỉ mới đắc cử nghị sĩ liên bang tại tiểu bang Illinois trước đó chỉ hơn 3 năm, nhưng lại là người đã thổi vào một làn gió mới đầy hy vọng cho một sự chuyển hướng tốt đẹp và khả quan hơn.

Với khẩu hiệu “Yes We Can” (Ừ, Chúng Tôi Có Thể Làm Được), cuộc vận động lịch sử vào năm 2008 đã đem lại kết quả thắng cử to lớn sau cùng để đưa một người da đen lên làm tổng thống thứ 44 của Hoa Kỳ. Và sự kiện Barack Obama cũng đã tái đắc cử dễ dàng 4 năm sau đó với chiến thắng vẻ vang trước đối thủ sáng giá là Mitt Romney là bằng chứng cho thấy đa số dân chúng Mỹ đã sẵn sàng chấp nhận một lãnh tụ tài ba và có lòng yêu nước thương dân lên làm vị nguyên thủ quốc gia rất xứng đáng, bất kể đó người đó mang mầu da sắc tộc nào.

Lần này, và trong kỳ Đại hội Đảng Dân Chủ năm nay, khẩu hiệu “Yes, We Can” đã được chuyển đổi một cách nhanh chóng và rất thích hợp là “Yes, She Can” (Ừ, Bà Ấy Có Thể Làm Được) để nói lên niềm hy vọng và tự tin vững chắc rằng bà Phó Tổng Thống Kamala Harris có thể chiến thắng trong kỳ bầu cử tổng thống vào đầu tháng 11 năm nay để đánh bại đối thủ Donald Trump hầu không cho ông có hy vọng trở lại Tòa Bạch Ốc.

Đứng trước sự kiện báo hiệu một sự chuyển hướng to lớn mang tính lịch sử lần đầu tiên Hoa Kỳ sẽ bầu lên một vị nữ tổng thống và lại là người da mầu mang hai dòng máu gốc Ấn Độ và gốc Phi Châu, chúng ta hãy nhìn lại chặng đường mà nữ giới tại nước Mỹ đã trải qua sau một thời gian dài tranh đấu đầy cam go trong hơn một trăm năm qua để có thể đạt tới kết quả tốt đẹp của ngày hôm nay.

Nếu nhìn lại lịch sử nước Mỹ, chắc hẳn sẽ có rất nhiều người ngạc nhiên, vì chỉ mới cách nay hơn 100 năm, tất cả phụ nữ tại Hoa Kỳ vẫn chưa có quyền được đi bầu như các công dân khác, thậm chí còn thua cả đàn ông da đen. Phải chờ đến năm 1919 thì một tu chính án mới (thứ 19) được biểu quyết thông qua với đa số phiếu 2/3 của các dân biểu và nghị sĩ tại Quốc Hội liên bang, và rồi sau hơn một năm dài trải qua tiến trình phải được 3/4 các quốc hội tiểu bang trên toàn nước Mỹ biểu quyết chấp thuận thì nó mới được trở thành luật pháp được thi hành. 

Nhân dịp này, chúng ta hãy đi ngược dòng lịch sử để nhìn lại cuộc tranh đấu không mệt mỏi của nữ giới trong những ngày đầu tiên của phong trào đòi quyền được đi bầu bình đẳng với nam giới và sẽ cảm thông hơn cho số phận nghiệt ngã của họ vào lúc giao thời đã phải chịu đựng một số phận hẩm hiu dù nữ giới cũng đã đóng góp vào sự phát triển và lớn mạnh của quốc gia này trong hơn một trăm năm qua.

Trước ngày Bản Tuyên Ngôn Độc Lập được ra đời vào năm 1776 để mở màn cho Cuộc Cách Mạng Hoa Kỳ, phụ nữ cũng được quyền đi bầu tại một số vùng thuộc địa của Anh sau này sẽ trở thành những tiểu bang đầu tiên. Nhưng đến năm 1807 thì tất cả các tiểu bang này đều có bản hiến pháp không cho phụ nữ được quyền bỏ phiếu, dù ở những cuộc bầu cử cho các chức vụ nhỏ nhặt.

Đại hội Seneca Falls

Nhưng các tổ chức tranh đấu cho quyền bình đẳng của nữ giới vẫn tiếp tục hoạt động và tích cực hơn nữa trong những thập niên sau đó để dẫn đến một biến cố quan trọng là Đại hội Seneca Falls tại New York vào năm 1848, có thể được coi như dấu mốc khởi đầu cho phong trào tranh đấu nữ quyền tại Hoa Kỳ. Đại hội này quy tụ khoảng 300 phụ nữ đến tham dự, và kết thúc với một văn bản có tên là Tuyên Ngôn Những Tình Cảm (Declaration of Sentiments) có nội dung cũng gần giống như bản Tuyên Ngôn Độc Lập của Hoa Kỳ, đòi hỏi về sự bình đẳng giữa hai giới tính và ghi thêm một quyết nghị kêu gọi phụ nữ nên giành quyền được đi bầu. Bản tuyên ngôn này ghi rõ “Nhất quyết đồng ý nhiệm vụ của phụ nữ tại đất nước này là bảo đảm cho họ có cái quyền thiêng liêng được tham dự vào các cuộc bỏ phiếu.

Các tổ chức đã tranh đấu dưới nhiều chiến thuật trong đó có việc nộp các đơn thưa kiện với nội dung dựa trên những tu chính án hiện hành vào thời đó. Tuy nhiên sau khi các lập luận thưa kiện này đều bị bác bỏ ở Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ, các tổ chức và những nhà tranh đấu như Susan Anthony và Elizabeth Cady Stanton đã lên tiếng kêu gọi cần phải có một tu chính án lên bản Hiến pháp Hoa Kỳ để bảo đảm cho phụ nữ được quyền đi bầu bình đẳng như nam giới.

Nhưng sau đó không lâu lại xảy ra cuộc Nội Chiến Nam Bắc phân tranh khiến cho việc này không còn là ưu tiên hàng đầu nữa. Đến năm 1865, một thỉnh nguyện thư đòi quyền bỏ phiếu phổ thông được đưa ra để kêu gọi một tu chính án trên toàn quốc để ngăn cấm không cho một số tiểu bang có quyền ngăn cấm công dân quyền đi bầu dựa trên giới tính.

Sau khi cuộc Nội Chiến Nam Bắc kết thúc, các hoạt động của phong trào tranh đấu nữ quyền được thực hiện trở lại, với hai tổ chức được ra đời vào năm 1869 có tên gần như giống nhau. Tổ chức đầu là National Woman Suffrage Association (NWSA) với hai người đứng đầu là Susan Anthony và Elizabeth Cady Stanton, nhằm vận động Quốc hội liên bang hãy thông qua một tu chính án để áp dụng trên toàn quốc. Và tổ chức thứ hai là Amerian Woman Suffrage Association (AWSA), dẫn đầu bởi bà Lucy Stone, lại nhắm vào nỗ lực đi vận động từng tiểu bang một để đòi quyền đi bầu cho phụ nữ.

Nhiều hình thức tranh đấu được đem ra sử dụng, từ việc thưa kiện lên tòa án đến những cuộc đình công, thắp nến hoặc tuyệt thực phản đối, nhưng kết quả vẫn không thành công. Mãi đến năm 1890 thì hai tổ chức này mới quyết định cùng kết hợp nhau để thành lập một tổ chức có tên là National American Woman Suffrage Association (NAWSA), Hiệp Hội Tranh Đấu Quyền Đi Bầu của Nữ Giới tại Hoa Kỳ, hầu giúp cho nỗ lực tranh đấu có thêm cơ hội thành công.

Vào lúc đó, đã có một số quốc hội tiểu bang nhất là ở vùng miền Tây đã bắt đầu xét đến các đạo luật cho phép phụ nữ được đi bầu trong các thập niên 1870 và 1880. Đầu tiên là ở tiểu bang Wyoming vào năm 1890, rồi sau đó là Colorado vào năm 1893, rồi đến Idaho vào năm 1896. Đến năm 1910 thì có thêm tiểu bang Washington và trong 4 năm sau đó lại có thêm 7 tiểu bang gồm có California, Oregon, Arizona, Kansas, Alaska, Montana và Nevada.

Nhưng đứng về mặt luật pháp liên bang, thì đến năm 1878 mới có một tu chính án về quyền đi bầu của nữ giới được đệ trình tại Thượng Viện để biểu quyết. Dự luật này đã bị ngâm tôm ở cấp ủy ban trong 9 năm trời và mãi đến năm 1887 mới được đem ra biểu quyết, nhưng nó cũng bị thất bại ngay với kết quả 16 thuận và 34 chống.

Đến năm 1900, một phụ nữ có tên là Carrie Chapman Catt đã được bầu làm chủ tịch của Hiệp Hội NAWSA và đã thổi một làn gió mới để đẩy mạnh cuộc đấu tranh cho nữ quyền. Cùng lúc đó, họ đã đi vận động để giúp cho các vị dân biểu và nghị sĩ nào chịu ủng hộ cho quyền đi bầu của phụ nữ được đắc cử vào Quốc hội.

Do đó, đến năm 1915 thì Hiệp Hội Tranh Đấu NAWSA đã lớn mạnh và trở thành một tổ chức có thế lực và ảnh hưởng, với chi nhánh tại 44 tiểu bang và quy tụ hơn 2 triệu thành viên trên toàn quốc.

Khi Đệ Nhất Thế Chiến nổ ra vào năm 1914, mọi người mới thấy là nhu cầu tranh đấu cho nữ quyền càng lớn mạnh vì phụ nữ cũng đóng góp công sức và trách nhiệm đáng kể của mình cho xã hội khi đất nước bước vào giai đoạn chiến tranh, gần giống với câu thành ngữ phổ thông của người Việt là “Giặc đến nhà, đàn bà phải đánh”. Vào lúc ấy, một tu chính án được đề nghị đưa ra biểu quyết tại Thượng Viện nhưng cũng bị bác bỏ.

Đến năm 1917, Tu chính án này được mang tên là Tu Chính Án thứ 19 và lại được đưa ra biểu quyết lần nữa tại cả Hạ Viện lẫn Thượng Viện. Vào lúc này, TT Woodrow Wilson lúc bấy giờ đang đứng trước một cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ sẽ đến với rất nhiều bất lợi nên ông cần được sự ủng hộ của nữ giới và quyết định ủng hộ cho Tu chính án này.

Từ đầu năm 1918 đến giữa năm 1919, Tu chính án này đã được đem ra biểu quyết tại cả Hạ Viện lẫn Thượng Viện tổng cộng đến 5 lần, và kết quả bao giờ cũng rất khít khao, với các dân biểu và nghị sĩ tại các tiểu bang miền Nam tiếp tục chống đối. Những người ủng hộ việc thông qua Tu chính án đã áp lực lên TT Wilson là hãy triệu tập một phiên họp đặc biệt của Quốc hội và ông đã đồng ý triệu tập một phiên họp khoáng đại đặc biệt vào ngày 19/9/1919.

Đến ngày 21/9/1919, Tu Chính án này được thông qua tại Hạ Viện với đa số p đảo 304 thuận và 89 chống, vượt cao hơn mức đòi hỏi cần thiết là đa số 2/3. Hơn một tuần sau đó, nó được đưa sang Thượng Viện để bỏ phiếu và lần này cũng được thông qua với 56 thuận, 25 chống đối và 14 phiếu trắng.

Đến lúc này, Tu Chính Án còn phải bước qua một chặng đường thứ hai cũng gian nan không kém. Một số tiểu bang như Alabama và Georgia đã bỏ phiếu chống việc thông qua, còn những tiểu bang khác như Louisiana và Maryland thì lại tìm cách thuyết phục các tiểu bang khác hãy hợp sức để chống lại Tu chính án này. Nhưng đến tháng 7/1920 thì đã có 35 quốc hội tiểu bang đồng ý, và 8 quốc hội tiểu bang khác chống đối. Tiểu bang kế tiếp đưa ra biểu quyết là Tennessee và điều này bỗng trở thành yếu tố quyết định, vì chỉ cần thêm được 1 tiểu bang thông qua, phe ủng hộ sẽ đạt được tỉ lệ 36 tiểu bang là 3/4 nên coi như được chính thức thông qua.   

Vào ngày 18/8/1920, tức là đúng 104 năm về trước, quốc hội Tennessee đã bỏ phiếu thông qua Tu Chính Án số 19 với số phiếu rất khít khao là 50 trên 49. Cuộc bỏ phiếu diễn ra thật hồi hộp với kết quả ngang ngửa 49 bằng nhau cho 2 bên với người còn lại sau cùng là dân biểu Harry Burn, với lá phiếu trở thành quyết định.

Harry Burn là một dân biểu rất trẻ, đắc cử vào quốc hội hai năm trước đó khi chỉ mới có 22 tuổi, và dĩ nhiên là đã bị cả hai phía ủng hộ và chống đối áp lực và chiêu dụ. Tuy là một người ủng hộ cho nữ giới được quyền đi bầu, nhưng anh ta cũng đang chuẩn bị cho kỳ tái tranh cử sắp tới và cũng biết rằng đa số cử tri tại đơn vị của mình là McMinn County đều không muốn thấy phụ nữ được quyền đi bầu. Phe ủng hộ thì đã tích cực vận động anh ta trong nhiều tháng trời và nghĩ rằng anh sẽ bỏ phiếu ủng hộ nhưng vẫn không chắc chắn cho đến khi có kết quả. 

Kết quả hữu hiệu từ lời khuyên của một phụ nữ

Khi bước vào quốc hội vào ngày 18/8, dân biểu Burn còn cài trên ve áo mình một đóa hoa hồng, và mầu hồng vào lúc đó là biểu hiệu của phe chống quyền đi bầu của phụ nữ. Khi cuộc bỏ phiếu lần đầu là để quyết định xem có đồng ý sẽ biểu quyết về Tu chính án này hay không, anh Burn đã bỏ phiếu đồng ý. Nhưng kết quả đó là chỉ có nghĩa là hai bên ngang bằng. Liền sau đó, Chủ tịch Hạ Viện Tennessee là một người theo phe chống nên đã tìm cách biểu quyết thêm một lần nữa để định đoạt số phận của Tu Chính Án là được thông qua hoặc bị chối bỏ.

Mọi người lúc đó đều nghĩ rằng dân biểu Burn sẽ bỏ phiếu theo phe chống nhưng trong lòng anh lúc đó đang trải qua một cơn giằng co mãnh liệt. Trong lúc chờ đến phiên mình bỏ phiếu, có người đến đưa cho anh một bức thư nói là của mẹ anh là bà Febb Burn gửi đến. Trong thư, bà mẹ viết rằng: “Hãy nhanh lên và bỏ phiếu cho phe ủng hộ để mọi người khỏi nghĩ ngợi và chờ đợi nữa. Mẹ đang đứng chờ nhưng chưa thấy con quyết định điều gì. Đừng quên rằng con là một đứa con trai ngoan và hãy bỏ phiếu giúp cho bà Carrie Chapman Cat (lãnh đạo của Hiệp Hội Tranh đấu Nữ quyền).

Đến khi dân biểu Burn được kêu tên để bỏ phiếu, anh đã khiến cho mọi người đều ồ lên ngạc nhiên khi anh hô to đồng ý. Và liền sau đó, Tu Chính Án số 19 được thông qua bởi tiểu bang Tennessee và cũng trở thành luật lệ có hiệu lực trên toàn nước Mỹ.

Qua ngày hôm sau, khi được hỏi về chuyện này, dân biểu Burn đã giải thích như sau: “Tôi tin vào chuyện nữ giới phải được quyền đi bầu. Tôi nghĩ rằng chúng ta phải có bổn phận về mặt tinh thần cũng như về pháp lý là phải biểu quyết thông qua Tu Chính án này. Tôi cũng biết là lời khuyên của bà mẹ bao giờ cũng là lời khuyên an toàn và tốt nhất cho con mình nên nghe theo, và mẹ của tôi đã muốn tôi bỏ phiếu để thông qua.

Vào mùa thu năm đó, Harry Burn cũng đã được tái đắc cử sau một cuộc vận động khá chật vật và khó khăn. Sau đó ông tiếp tục phục vụ trong một thời gian dài và qua đời vào ngày 19/2/1977, hưởng thọ 81 tuổi.

 Tu Chính Án số 19 cũng được viết giống theo mô hình của Tu Chính Án số 15 có nội dung bảo vệ quyền đi bầu cho những người đàn ông da đen. Nội dung của nó viết rõ: “Quyền của mọi công dân Hoa Kỳ được đi bầu không thể bị tước đi bởi chính phủ liên bang hoặc bất cứ tiểu bang nào mà chỉ dựa theo giới tính. Và Quốc hội liên bang là cơ quan có thẩm quyền thực thi Tu Chính Án này dựa theo những đạo luật thích hợp và cần thiết được thông qua.

Trong cuộc bầu cử tổng thống vào năm 1920, đã có thêm 26 triệu phụ nữ được có quyền đi bỏ phiếu để lựa chọn.

Từ đó đến nay, đã có rất nhiều phụ nữ và các tổ chức tranh đấu cho nữ quyền vẫn tiếp tục vận động không ngừng nghỉ để đẩy mạnh việc tham gia của nữ giới vào những cuộc bầu cử để dần dần trở thành một khối cử tri quan trọng mà các chính khách thuộc cả hai đảng đều phải chú ý đến.

Đến năm 1980, phụ nữ bắt đầu dành phiếu của họ nghiêng nhiều hơn về phe Dân Chủ, và đến năm 1984, đảng Dân Chủ cũng đã lựa chọn một phụ nữ là dân biểu liên bang Geraldine Ferraro của New York đứng phó trong liên danh cùng với ông Walter Mondale.

Rồi đến năm 2008, đảng Cộng Hòa cũng bắt chước theo khi nghị sĩ liên bang John McCain cũng đã lựa chọn bà Sarah Palin, thống đốc tiểu bang Alaska đứng phó cùng trong liên danh với ông.

Tuy nhiên phải đợi đến năm 2016 thì mới có một phụ nữ được một đảng chính trị lớn tại Hoa Kỳ là đảng Dân Chủ lựa chọn để làm ứng viên chính thức ra tranh cử tổng thống là Ngoại trưởng Hillary Clinton. Tuy thất bại trước đối thủ Donald Trump về số phiếu cử-tri-đoàn, nhưng bà Clinton cũng đã dành được số phiếu phổ thông của dân Mỹ trên toàn quốc hơn ông Trump đến gần 3 triệu phiếu.

Đến năm 2020, cũng chính đảng Dân Chủ lại lựa chọn một phụ nữ khác là nghị sĩ liên bang Kamala Harris vào đứng phó trong liên danh cùng với ông Joe Biden, và khi họ thắng cử, bà Harris đã trở thành nữ phó tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ. 

Hôm nay, đúng ngày kỷ niệm 104 năm sau ngày chính thức thông qua Tu Chính Án số 19 xác nhận quyền đi bầu của phụ nữ trên toàn quốc, nhiều người đang nô nức đón chờ giờ phút trọng đại khi một phụ nữ như bà Kamala Harris được chính thức lựa chọn và có rất nhiều xác suất để thắng cử và trở thành nữ tổng thống đầu tiên trong lịch sử của Hoa Kỳ. 

Tuy phải chờ đợi hơn 104 năm, nhưng khi cái niềm hy vọng của nhiều người dân cuối cùng cũng đến thì nó cũng đem lại niềm vui mãn nguyện cho nhiều người.

Mai Loan