Tàu ngầm hạt nhân mới nhất của Trung Quốc bị chìm – Bắc Kinh mất mặt 

0
1539

(CaliToday) – Một tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân mới nhất của Trung Quốc bị chìm vào đầu năm nay, làm cho Bắc Kinh mất mặt khi đang tìm cách mở rộng tiềm lực quân sự.
Theo một viên chức cao cấp quốc phòng Mỹ tiết lộ, tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân hạng nhất mới của Trung Quốc chìm dọc theo một bến tàu vào khoảng giữa tháng 5 và tháng 6 vừa qua. Hiện chưa rõ nguyên nhân gây chìm tàu, trên tàu có nguyên liệu nguyên tử hay không, cũng như có thiệt hại nhân mạng hay không.
Trung Quốc hiện có lực lượng hải quân lớn nhất thế giới với hơn 370 tàu, và đã bắt tay vào sản xuất thế hệ tàu ngầm trang bị vũ khí hạt nhân mới.
“Chúng tôi không nắm rõ tình hình được nhắc đến, và không có thông tin gì cung cấp cho quý vị,” Phát ngôn nhân toà Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington tuyên bố.
“Ngoài những câu hỏi rõ ràng về tiêu chuẩn huấn luyện, và chất lượng trang thiết bị, vụ chìm tàu còn đặt ra những câu hỏi sâu hơn về trách nhiệm nội bộ cũng như sự giám sát của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đối với ngành công nghiệp quốc phòng vốn từ lâu đã bị nạn tham nhũng hoành hành,” viên chức quốc phòng Mỹ nói. Ông cũng nói thêm, không có gì đáng ngạc nhiên khi Hải quân Trung Quốc tìm cách che giấu vụ chìm tàu.
Một loạt hình ảnh vệ tinh từ Planet Labs từ tháng 6 cho thấy các cần cẩu hoạt động tại xưởng đóng tàu Vũ Xương ở thành phố Vũ Hán thuộc tỉnh Hồ Bắc, nơi tàu ngầm lẽ ra neo đậu.
Theo báo cáo của Ngũ Giác Đài, quân đội Trung Quốc tính đến năm 2022 có 6 tàu ngầm gắn hoả tiễn đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân, 6 tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân, và 48 tàu ngầm tấn công chạy bằng động cơ diesel. Lực lượng tàu ngầm đó được dự tính sẽ tăng lên 65 tàu vào năm 2025, và 80 vào năm 2035.
Bắc Kinh vào thứ Tư cho biết đã tiến hành thành công một vụ phóng hoả tiễn đạn đạo liên lục địa hiếm hoi vào Thái Bình Dương. Bước đi này làm dấy lên lo ngại quốc tế về việc xây dựng chương trình hạt nhân của nước này.
Hoa Kỳ và Trung Quốc vào đầu tháng 9 đã tổ chức các cuộc đàm phán mức tư lệnh lần đầu tiên, trong bối cảnh nỗ lực ổn định quan hệ quân sự và tránh hiểu lầm, đặc biệt là tại các điểm nóng khu vực như Biển Đông.

Hương Giang