Năm Con Số Đo Lường Sức Khỏe Của Bạn

0
796

Khi bạn bè gặp nhau hỏi thăm nhau về sức khỏe, có lẽ bạn sẽ không khoe về mức mỡ cao, hay huyết áp cao của bạn. Tuy nhiên, bạn nên hiểu thật rõ về những con số này, vì nó liên hệ đến sức khỏe của bạn.

Vì sao chúng ta cần biết rõ những con số đó? Theo bác sĩ Josh Septimus, bác sĩ nội khoa ở bệnh viện Houston Methodist Hospital thì câu tục ngữ có từ xưa khuyên chúng ta rằng PHÒNG BỆNH CÓ GIÁ TRỊ GẤP NGÀN LẦN CHỮA BỆNH. Chỉ cần một điều kiện xấu rất nhỏ về tim mạch, về sự rối loạn trong việc chuyển hóa của cơ thể cũng có thể gây ra lớn chuyện cho sức khỏe, vô cùng đau đớn, và tốn kém tiền bạc. Bác sĩ Septimus nói: “Nếu chúng ta có thể chỉ ra được vài điểm giúp ngăn ngừa được bệnh tật, thì điều đó rất quý, và đáng để cho chúng ta lưu ý, dùng nhiều thời gian để lưu ý đến nó.”. 

Bạn không cần phải biết tất cả những điểm cần thiết này. Các chuyên gia thường tránh không muốn xét duyệt mọi bộ phận của cơ thể để phát hiện sớm những triệu chứng của căn bệnh, chẳng hạn như bệnh ung thư. Bác sĩ Septimus cũng tránh không muốn làm xét nghiệm VO, một loại xét nghiệm khá phức tạp để đo lường mức độ mạnh khỏe của cơ thể. Họ buộc bệnh nhân đứng trên máy chạy treadmill, và cho bệnh nhân mang mặt nạ để đo lường xem lượng oxygen và khí carbon thở ra hít vào là bao nhiêu trong lúc tập thể dục. Loại xét nghiệm này có thể đem lại ích lợi cho người lực sĩ, chơi thể thao, nhưng không cần thiết cho người bình thường.Trong khi đó, chúng ta có thể theo dõi tình trạng sức khỏe của một người bằng cách tinh ý quan sát quan sát- smartwatches- và đọc kỹ những kết quả xét nghiệm cũng đủ, không cần phải cầu kỳ làm những xét nghiệm phức tạp, khó khăn.

Khi bệnh nhân của ông không hiểu rõ những kết quả xét nghiệm phức tạp, bác sĩ Septimus đề nghị họ chỉ nên tập trung sự chú ý vào “những điểm căn bản”. Dưới đây là 5 con số mà tất cả chúng ta nên biết để thẩm định về tình trạng sức khỏe của chính mình:

1. Số Đo Của Vòng Bụng: Bác sĩ Septimus thường nói rằng nếu cần, ông chỉ muốn biết một số đo duy nhất, đó là số đo của vòng bụng, để dự đoán về tình trạng sức khỏe của một người có tốt hay không. Số đo này tiết lộ mức độ chất béo-fat- ở phần giữa của cơ thể. Nếu bạn có số đo vòng bụng hơn 35 inches cho phụ nữ, hay hơn 40 inches cho đàn ông, bạn sẽ có những rủi ro dễ bị mắc bệnh về tim, bệnh tiểu đường loại 2, và nhiều vấn đề khác trong việc chuyển hóa của cơ thể. Muốn đo vòng bụng, bạn hãy đứng dậy, thở ra, và lấy sợi dây đo quang vòng bụng ngang qua rốn. Nếu số đo của bạn cao hơn mức vừa nói ở trên, bạn nên tham vấn với bác sĩ để làm cách nào điều chỉnh, sửa chữa cho tốt. 

2. Con Số Đo Mức Cholesterol Trong Máu:  Sau khi xét nghiệm máu, bạn thường nhận được kết quả toàn bộ về cholesterol trong máu của bạn. Nó gồm có hai con số: HDL hay High-Density Lipoprotein, và đặc biệt số LDL hay Low-Density Lipoprotein. Theo bác sĩ Sam Setareth, chuyên gia về tim mạch ở bệnh viện Cedar-Sinai Medical Center con số LDL này rất quan trọng, nó sẽ cho biết người bệnh nhân có thể gặp rủi ro bị bệnh xơ cứng động mạch vành- tức là coronary hay atherosclerosis. Nghĩa là có mỡ đóng trong động mạch đưa máu vào tim. Ông thường kiểm tra mức mỡ trong máu của bệnh nhân ít nhất mỗi năm một lần. (Không phải bác sĩ nào cũng làm việc kiểm tra này. Bạn nên hỏi bác sĩ gia đình của mình xem họ có làm hay không.)

3.Huyết áp Cao.  Nếu bạn bị cao huyết áp, tim của bạn sẽ phải làm việc, đập nhiều hơn để bơm máu vào tim. Việc này có thể làm cho vách tường của mạch máu bị hư hại, và sẽ dẫn đến bệnh xơ cứng mạch vành. Bệnh cao huyết áp cũng gây ra những trường hợp đột quỵ tim (heart attack), hay tai biến mạch máu não (stroke). Ngoài ra, bệnh huyết áp cao cũng gây tác hại cho nhiều bộ phận khác của cơ thể, trong đó có não bộ, và thận. Vì thế cần phải kiểm tra huyết áp ít nhất một năm một lần. Hoặc thường xuyên hơn nếu bạn nằm trong trường hợp có những yếu tố làm phát sinh bệnh cao huyết áp. Những yếu tố như tuổi tác, trong gia đình có bệnh huyết áp cao di truyền, hay cơ thể của bạn béo mập. Bác sĩ Septimus cho biết: “Chúng ta có khoảng hơn một chục loại thuốc trị bệnh cao huyết áp, và những thuốc này rất rẻ, không tốn tiền nhiều. Chúng ta nên dùng để tránh bị đột quỵ và tai biến.”. 

4. Lượng đường trong máu.  Bác sĩ có nhiều cách để đo lường mức đường có trong máu của bạn. Tuy nhiên, thông thường nhất là xét nghiệm “hemoglobin A1C”. Theo bác sĩ Septimus: “Đây là phương pháp xét nghiệm thô sơ, và nó không trình bày tất cả những đặc điểm của căn bệnh, nhưng hiện nay nó khá phổ biến, và là con số được dùng nhiều nhất. “. Xét nghiệm này tính toán con số trung bình-average- lượng đường có trong máu trong khoảng thời gian hai ba tháng trước. Con số này được dùng để chẩn đoán xem bạn có bị bệnh tiểu đường loại 2, hay ở tình trạng “tiền tiểu đường” hay prediabetic. Bạn nên được xét nghiệm mỗi năm một lần để có con số của A1 C nếu bạn trên 45 tuổi, hay trẻ hơn nhưng bị béo mập, nặng ký. Hay bạn trẻ tuổi hơn, nhưng bạn thuộc loại biếng nhác không vận động, hay tập thể dục hàng ngày. Hoặc giả trong gia đình bạn có anh chị em bị mắc bệnh tiểu đường. Những người bị tiểu đường thường phải làm xét nghiệm máu ít nhất là 2 lần mỗi năm. 

5. Tỷ lệ chuyển hóa cơ bản- Basal Metabolic Rate (BMR).  Tỷ lệ BMR đo lường số năng lượng tối thiểu mà cơ thể của bạn cần khi ở trạng thái nghỉ ngơi. Bác sĩ Farhan Malik, giám đốc cơ quan Atlanta Innovative Medicine nói rõ hơn: “Đó là số nhiên liệu mà cơ thể bạn đốt đủ để sống  hàng ngày.”.Ông nói, hiểu được con số BMR bạn sẽ biết cơ thể của bạn đòi hỏi bạn nên ăn thêm loại thức ăn nào, nhu cầu cần thiết và căn bản. Nhờ tỷ lệ này, bạn sẽ biết mình nên thay đổi chế độ ăn uống hàng ngày, và phải tập thể dục ra sao. Bạn có thể đo tỷ lệ BMR trên mạng internet bằng cách ghi vào số tuổi, chiều cao, trọng lượng và phái tính. Con số kết quả có thể giúp bạn biết cơ thể của bạn cần những gì để bạn có thể hăng hái làm việc mỗi ngày.

Nguyễn Minh Tâm  dịch theo báo TIME ngày 30/9/2024