Thẩm phán Chutkan công bố thêm chứng cớ vụ Trump đảo ngược bầu cử 2020 

0
1098

(CaliToday) – Thẩm phán Toà liên bang D.C vào thứ Sáu công bố thêm chứng cớ được Công tố viên Đặc biệt Jack Smith thu thập được trong vụ truy tố ông Donald Trump can thiệp vào bầu cử Mỹ, tiết lộ một lượng lớn hồ sơ được bôi xoá rất nhiều.
1.889 trang tài liệu mà toán luật sư tìm cách giữ kín, tạo thành bốn tập phụ lục mà các công tố đệ lên toà cùng với hồ sơ lập luận pháp lý về miễn tố tổng thống được công bố vào đầu tháng 10. Thẩm phán Tanya Chutkan vào thứ 5 bác bỏ thỉnh nguyện của ông Trump yêu cầu giữ kín những phụ lục này, và thông báo sẽ công bố chúng vào thứ Sáu.
Luật sư biện hộ phản đối việc công khai những tài liệu này quá sớm, cho rằng công bố chúng ngay bây giờ có thể khiến tòa có vẻ như đang tìm cách tác động đến bầu cử sắp tới. Nhưng Thẩm phán lại cho rằng, Chutkan việc giữ kín lại các tài liệu này có dấu hiệu cấu thành can thiệp vào bầu cử.
Công tố viên cho biết, phần phụ lục sẽ bao gồm thông tin và trích dẫn từ tài liệu công khai, nhưng thông tin từ các nguồn không công khai như biên bản đại bồi thẩm đoàn, báo cáo thẩm vấn nhân chứng, và trát khám xét, vốn hàng trăm trang sẽ vẫn được giữ bí mật. Bằng chứng đó được giữ kín theo lệnh bảo vệ được ban hành khi bắt đầu vụ truy tố vào năm ngoái, có khả năng bao gồm biên bản lời khai trước đại bồi thẩm đoàn và các cuộc thẩm vấn của FBI.
Công tố cũng đưa vào tài liệu bài phát biểu của cựu Tổng thống tại cuộ biểu tình Stop the Steal vào ngày 6 tháng 1 năm 2021, trong đó ông tuyên bố trước đám đông người ủng hộ rằng ông thắng cử, và hối thúc “chúng ta sẽ đến Điện Capitol.”
Và cuối cùng, tài liệu bôi xoá quá nhiều đến mức không giúp công chúng hiểu biết thêm nhiều, ngay cả những ý kiến tweet công khai của Trump cũng được giữ kín.
Một phần của phần phụ lục bổ sung thêm chi tiết mới là bản sao ít bị bôi xoá hơn so với biên bản được Uỷ ban Đặc biệt điều tra bạo động Điện Capitol ngày 6 tháng 1 công bố trước đó, trong đó cho thấy cựu Tổng thống đã được thông báo về cuộc bạo động sớm nhất vào lúc 1:21 chiều ngày 6 tháng 1 năm 2021.

Trong cuộc thẩm vấn của Uỷ ban Đặc biệt Hạ viện 6/1, một tuỳ tùng Toà Bạch Ốc cho hay, anh ta báo cho Trump biết, phần cuối bài phát biểu của ông tại Ellipse bị truyền hình cắt không phát sóng “vì bọn họ đang bạo loạn ở Điện Capitol.” Trump hỏi vậy có nghĩa gì, nhân chứng này nhắc lại bạo động đang diễn ra. Phụ tá này xác nhận, cuộc nói chuyện này xảy ra vào lúc 1h21’ chiều.

“Vậy khi Tổng thống quay lại vào thời điểm này — đây là mốc thời gian 1:21’ — anh đã nói với ông ấy rằng bài phát biểu của ông ấy đã bị cắt và họ chuyển sang đưa tin những gì đang diễn ra tại Điện Capitol. Có đúng vậy không?” một nhân viên điều tra hỏi.

“Đúng vậy, thưa ông,” nhân chứng đáp.

Phiên bản của biên bản này này Cộng hòa tại Hạ viện và tờ New York Times công bố vào đầu năm nay không nêu rõ chính xác thời gian trao đổi này diễn ra.

Gần 3 tiếng đồng hồ sau, đến tận 4h17’ chiều, Trump mới gởi ra băng kêu gọi người ủng hộ rút lui.

Chutkan trước đó công khai hồ sơ lập luận pháp lýdài 165 trang của Smith, trong đó có chi tiết các bằng chứng mà các nhà điều tra thu thập được với các chú thích cho biết nguồn gốc các tài liệu. Hồ sơ toà nhằm mục đích thuyết phục Thẩm phán rằng, Trump vẫn có thể bị truy tố ngay cả sau khi Tối cao Pháp viện vào tháng 7 phán quyết ông có quyền miễn tố tuyệt đối đối với những hành động chính thức.

Toán luật sư biện hộ ông Trump vào đầu ngày thứ 5 yêu cầu Thẩm phán Chutkan hoãn công bố tài liệu sẽ được bôi xoá cho đến 9 ngày sau ngày bầu cử 5 tháng 11. Điều đó sẽ diễn ra sau khi cựu Tổng thống đệ lên toà lập luận pháp lý bom tấn có thể lên đến 180 trang, với phụ lục riêng về các nguồn tài liệu tranh cãi lý do tại sao ông không nên bị đưa ra toà xét xử sau phán quyết miễn tố tổng thống của Tối cao Pháp viện.

Trong án lệnh dài 5 trang vào thứ 5, Thẩm phán Tanya S. Chutkan cho rằng, Trump không giải quyết được giả định của hệ thống pháp lý ủng hộ công khai thủ tục hình sự, và Toà phản đối khẳng định của cựu Tổng thống rằng có vẻ như Toà đang tìm cách tác động đến bầu cử bằng việc công khai những tài liệu bất lợi về bị cáo trong phụ lục của công tố.
“Nếu tòa giữ kín thông tin mà lẽ ra công chúng có quyền xem chỉ vì hậu quả chính trị có thể xảy ra đối với việc công bố thông tin đó, thì việc che giấu tự nó có thể cấu thành — hoặc trông có vẻ — can thiệp vào bầu cử,” án lệnh ghi. “Do đó, tòa sẽ gạt những cân nhắc chính trị ra khỏi quá trình đưa ra quyết định, thay vì đưa chúng vào như yêu cầu của Bị cáo.”
Trong khi biện hộ cho rằng, việc công bố tài liệu sẽ đầu độc bồi thẩm viên tương lai, Chutkan cho biết, hồ sơ của hai bên cuối cùng sẽ được cung cấp cho các bồi thẩm viên tiềm năng, bất kỳ hoen ố nào cũng có thể được nhổ tận gốc trong quá trình lựa chọn bồi thẩm đoàn, và Trump được tự do đưa ra các lập luận pháp lý của riêng tại tòa và trước công chúng.
Vấn đề miễn tố là phần quan trọng trong vụ truy tố hình sự Trump tìm cách đảo ngược ngược chiến thắng bầu cử của Joe Biden. Hồ sơ của ông Smith tiết lộ những chi tiết mới về bằng chứng mà các nhà điều tra thu thập được trong nỗ lực cứu vãn cáo trạng sau phán quyết miễn tố tổng thống mang tính bước ngoặt của Tối cao Pháp viện.
Công tố viên Đặc biệt cũng đệ cáo trạng thay thế 36 trang, thu hẹp so với cáo trạng ban đầu với hy vọng đặt vụ truy tố vào phạm vi phán quyết của Toà Tối cao, và giảm bớt lo ngại của Toà.
Trong hồ sơ đệ lên toà vào ngày 2 tháng 10, công tố hối thúc Thẩm phán Chutkan quyết định đưa Trump ra xét xử những tội ác tư của ông ta như bất cứ công dân nào khác. “Mặc dù bị cáo đang là đương kim tổng thống trong suốt những âm mưu bị cáo buộc, nhưng âm mưu của ông ta trên căn bản riêng tư,” hồ sơ toà ghi. Trump “hành động trong vai trò ứng cử viên khi ông ta theo đuổi nhiều biện pháp tội phạm, bằng gian lận và lường gạt, để cản trở chức năng của chính phủ trong việc thu thập và kiểm phiếu,” Smith lưu ý, tổng thống “không có vai trò chính thức” trong chức năng đó.
“Về cốt lõi, âm mưu của bị cáo là một âm mưu tư,” công tố lập luận. “Ông ta đã sử dụng rộng rãi các công dân tư và cơ sở hạ tầng chiến dịch tranh cử của mình để tìm cách đảo ngược kết quả bầu cử, và hoạt động với tư cách là ứng cử viên.”
Toà hiện chưa ấn định ngày xét xử vì vấn đề miễn tố sẽ tiếp tục vào tháng 12 và bất cứ phán quyết nào cũng có khả năng sẽ được đưa trở lại Tối cao Pháp viện. Nếu Trump thắng cử, ông có thể sẽ ra lệnh cho Bộ Tư pháp chấm dứt vụ truy tố.
Hương Giang