Những thúc đẩy khắc nghiệt cuối cùng ở Ukraine? 

0
179

(CaliToday) – Cuộc chiến ở Ukraine đang nhanh chóng leo thang và khó lường, với Kiev bây giờ đang sử dụng hỏa tiễn do Mỹ sản xuất tấn công vào lãnh thổ Nga, trong khi Moscow đe dọa trả đũa hạt nhân.
Tổng thống Joe Biden vào thứ Tư đồng ý cung cấp cho Ukraine mìn sát thương, nhằm ngăn chặn bước tiến công khi Moscow trong những tháng vừa qua tiến sâu thêm vào miền Đông Ukraine – thắng lợi lớn nhất trong hơn 2 năm xâm lược sau khi hy sinh hàng chục ngàn quân. Theo các nguồn tin dấu tên, số mìn này sẽ sớm được Washington giao, và sẽ được sử dụng trên lãnh thổ Ukraine. Kiev cũng cam kết không sử dụng mìn ở những khu vực đông dân cư.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vào thứ Tư cho biết sẽ đóng cửa Toà Đại sứ tại Kyiv sau khi “nhận được thông tin cụ thể về một cuộc không kích đáng kể có thể xảy ra vào ngày 20 tháng 11.”

“Vì lý do thận trọng, Toà Đại sứ sẽ đóng cửa và nhân viên đại sứ được yêu cầu ở trong nhà,” tuyên bố cho biết. “Đại sứ Hoa Kỳ cảnh báo công dân Mỹ chuẩn bị tinh thần ở trong nhà trú ẩn ngay lập tức trong trường hợp có cảnh báo không kích.” Toà Đại sứ Mỹ trước đây cũng đưa ra những cảnh báo tương tự về các cuộc không kích có thể xảy ra vào dịp Năm mới và vào thời gian Quốc khánh Ukraine vào tháng 8.

Tuy vậy, chiến tranh có dấu hiệu có thể sẽ sớm chấm dứt hơn bao giờ hết. Donald Trump hứa sẽ thương lượng lệnh ngừng bắn nhanh chóng sau khi nhậm chức vào tháng 1. Với việc Ukraine phụ thuộc mạnh mẽ vào Hoa Kỳ, Trump có thể buộc Kiev phải chấp nhận thỏa thuận.

Những điều này — những leo thang gần đây và khả năng kết thúc chiến tranh — có liên quan đến nhau. Khi chuẩn bị cho một thỏa thuận hòa bình, Ukraine và Nga đang nỗ lực cải thiện vị thế đàm phán của họ. Thực tế đó đã khởi động một giai đoạn nguy hiểm và cấp bách trong cuộc chiến, mặc dù giai đoạn này có thể chỉ kéo dài vài tháng.

Tăng tốc

Các sự kiện gần đây ở Ukraine có thể được tóm tắt như một loạt leo thang. Sau khi mất lãnh thổ ở mặt trận phía Đông, Ukraine mở mặt trận phía Bắc vào mùa hè năm ngoái tại khu vực Kursk, và lần đầu tiên trong cuộc chiến đã chiếm được lãnh thổ của Nga và nắm giữ được vùng đất này. Sau đó, Nga tuyển hơn 10.000 quân từ Bắc Hàn, bằng mọi cách giành lại khu vực trên.

Washington xem sự tham gia của Bắc Hàn là chuyện lớn. Rốt cuộc, Nga từng cảnh báo phương Tây không được gửi quân tham chiến, bảo vệ Ukraine. Tuy nhiên, Moscow thay đổi và nhận hỗ trợ từ bên ngoài. Hoa Kỳ đáp trả bằng việc cho phép Ukraine bắn hoả tiễn tầm xa do Mỹ sản xuất vào lãnh thổ Nga, và Kiev làm như vậy lần đầu tiên vào thứ Ba, bắn trúng một kho đạn dược của địch.

Hoả tiễn ATACMS do Mỹ cung cấp không có tầm bắn đến Moscow, vì Hoa Kỳ không muốn thấy ATACMS bay vào Điện Kremlin, thay vào đó, Ukraine có thể sử dụng chúng nhằm làm suy yếu Nga tiến công, và giữ lãnh thổ ở Kursk và những nơi khác.

Lý do tại sao Mỹ lại thận trọng như vậy về việc Ukraine sử dụng những vũ khí này như thế nào? Hành động của Nga ngày hôm qua đưa ra một lời giải thích. Họ tuyên bố quyền đáp trả bằng vũ khí hạt nhân đối với một cuộc tấn công của một quốc gia phi hạt nhân (là Ukraine) được một quốc gia có vũ khí hạt nhân (Hoa Kỳ) hỗ trợ. Kể từ khi bắt đầu chiến tranh, Tổng thống Nga Vladimir Putin dùng đe doạ vũ khí hạt nhân để ngăn chặn sự can dự của phương Tây. Ở một mức độ nào đó, đe dọa này đã có hiệu quả, như từng ngăn cản người Mỹ cung cấp ATACMS và phi cơ chiến đấu.

Theo các viên chức Hoa Kỳ, Putin thực ra không tiến gần hơn đến việc sử dụng vũ khí hạt nhân, nhưng hậu quả của một cuộc xung đột hạt nhân rất lớn, có khả năng hủy diệt thế giới, đến mức ngay cả một rủi ro nhỏ hoặc rủi ro hơi gia tăng cũng đáng báo động.


Tìm kiếm thỏa thuận tốt nhất

Có một yếu tố khác đằng sau quyết định của Tổng thống Biden cho phép Ukraine dùng hỏa tiễn của Mỹ tấn công vào bên trong lãnh thổ Nga, đó là chính quyền Donald Trump kế nhiệm.

Tổng thống đắc cử nói rõ sẽ không cung cấp hỗ trợ quân sự cho Ukraine như ở mức Biden lâu nay. Với mong muốn chấm dứt chiến tranh càng sớm càng tốt, Trump có thể sẽ tìm cách buộc cả hai bên ngồi xuống thương lượng thỏa thuận ngừng bắn, ngay cả khi Ukraine không giành lại được lãnh thổ của mình trong tiến trình này.

Điều đó có nghĩa, Kiev đang cạn kiệt thời gian cải thiện vị thế đàm phán của họ. Nếu có thể giữ được một số phần của Kursk, họ có lẽ có thể đổi khu vực này để lấy thêm lãnh thổ phía Đông đang nằm trong tay Nga. Nói cách khác, sức mạnh tại bàn đàm phán của Ukraine phụ thuộc vào việc chiến đấu chống quân Nga và Bắc Hàn trong những tháng tới.

Nga cũng đang tìm cách cải thiện tình thế trên chiến trường. Moscow đưa quân tiến sâu hơn vào miền đông Ukraine mặc dù phải gánh chịu tổn thất to lớn. Cho đến tháng trước, 600.000 đến 700.000 quân Nga bị thiệt mạng hoặc bị thương trong cuộc chiến. Nga tiếp tục chiến dịch tàn bạo khi biết rằng mỗi tấc đất họ tuyên bố chủ quyền hiện nay đều có thể được giữ lại mãi mãi.

Tất cả những điều này cộng lại thành một nghịch lý: Hòa bình có thể sắp đến gần, nhưng cuộc chiến có thể trở nên đẫm máu hơn khi cả hai bên tìm cách củng cố vị thế để có được một thỏa thuận có lợi hơn.

Hương Giang