Cảnh báo của Nam Hàn dành cho Washington 

0
707

(CaliToday) – Một tổng thống cánh hữu muốn trở thành độc tài, nhà lãnh đạo tấn công báo chí, bị cáo buộc lạm quyền vì lợi ích cá nhân, sử dụng quyền lực ngăn chặn các cuộc điều tra gia đình mình tham nhũng, hy vọng tiếp tục nắm quyền để tránh phải vào tù, và dường như chỉ có ý tưởng kế hoạch giải quyết tình trạng lạm phát và y tế của quốc gia mìn, vào tối khuya thứ Ba bất ngờ ban bố tình trạng thiết quân luật.
Đây không phải là một giấc mơ viễn vông về những gì có thể sớm xảy ra ở Hoa Kỳ, mà thay vào đó là cuộc khủng hoảng đang diễn ra nhanh chóng ở Nam Hàn, nơi Tổng thống Yoon Suk Yeol gây chấn động quốc gia khi đột ngột thực thi quyền lực vội vàng với lý do đe dọa quân sự từ Bắc Hàn và kẻ thù nội bộ trong nước. Tối khuya thứ Ba tại Seoul, Yoon trong bài phát biểu ngắn gọn trên truyền hình đã gọi Quốc hội là “hang ổ tội phạm,” và cáo buộc ngành hành pháp đang phá hoại chính quyền. Yoon tuyên bố cần thiết quân luật để ngăn chặn “các thế lực chống chính phủ hiện đang cướp bóc tự do và hạnh phúc của đồng bào chúng ta”.
Chỉ trong vòng vài tiếng đồng hồ sau, các cuộc biểu tình đã nổ ra xung quanh tòa nhà Quốc hội với hàng ngàn người tham gia, tình trạng trở nên căng thẳng tột độ. Các nhà lập pháp vội vã vượt qua hàng rào an ninh vũ trang để vào bên trong, bỏ phiếu 100 đồng tình bãi bỏ lệnh thiết quân luật của Tổng thống. Những cuộc đụng độ giữa đoàn người biểu tình và cơ quan thực thi công lực vẫn tiếp tục diễn ra kể từ sau thông báo của Tổng thống, và cuộc biểu tình có thể sẽ tiếp tục gia tăng, kêu gọi Yoon từ chức, thậm chí đòi tống ông ta vào tù.
“Tôi nghĩ Yoon xem như xong,” Karl Friedhoff – chuyên viên về Nam Hàn tại Hội đồng các vấn đề toàn cầu Chicago – nói. “Trong suy nghĩ của mình, ông ta có thể hình dung đây là một cuộc tranh giành quyền lực, nhưng điều này thiên về yếu kém hơn.”
Xã hội dân sự Nam Hàn rất mạnh mẽ và các cuộc biểu tình rầm rộ từ lâu là một yếu tố đặc trưng của văn hóa chính trị nước này. “Nếu đến Nam Hàn, và chưa từng thấy một cuộc biểu tình nào thì người ta chưa thực sự đến đó,” Friedhoff châm biếm.
Yoon trên cơ bản trở thành nhà lãnh đạo yếu kém kể từ cuộc bầu cử lập pháp vào tháng 4 năm 2024 ở Nam Hàn, trong đó chính đảng của ông bị tổn thất nặng nề. Giống như nhiều đồng nhiệm khác, Yoon đối mặt với cơn gió ngược toàn cầu về lạm phát. Tuy nhiên, phần lớn điểm tín nhiệm thấp là do chính ông ta tạo ra. Một trong những nhà môi giới quyền lực hàng đầu của Yoon được cho đã nhận tiền để bảo đảm ứng cử viên nào đó sẽ được chọn đề cử vào ghế lập pháp. Vụ bê bối này cũng gắn với cáo buộc Đệ nhất Phu nhân can thiệp bầu cử liên tiếp được giât tít trong những tuần gần đây, khi băng ghi âm các cuộc gọi điện thoại của Yoon bị rò rỉ ra công chúng. Tổng thống Nam Hàn đã sử dụng quyền lực của mình để ngăn chặn các cuộc điều tra những việc làm sai trái của gia đình. Cùng với việc quản trị yếu kém các dịch vụ công và nền kinh tế, những vụ bê bối này huỷ hoại thanh danh của Yoon. Theo một cuộc thăm dò gần đây, điểm tín nhiệm dành cho đương kim tổng thống chỉ 19%.
Nam Hàn là nền kinh tế lớn thứ 12 trên thế giới, và ngoài Nhật Bản, là nền dân chủ quan trọng nhất ở Đông Á. Nhưng đây cũng là một nền dân chủ tương đối non trẻ, chỉ mới thoát khỏi chế độ độc tài vào mùa hè năm 1987, sau cuộc nổi dậy của đồng bào mang tên “Cuộc đấu tranh Dân chủ Tháng Sáu.” Điều này quan trọng vì thiết quân luật không phải là một khái niệm trừu tượng đối với người cao niên ở Bắc Hàn, vì nó gợi lên ký ức sống động về quá khứ độc tài của quốc gia cách đây không lâu. Cuộc đảo chánh gần đây nhất ở Nam Hàn diễn ra vào năm 1980, sau khi một viên tướng tuyên bố thiết quân luật mở rộng, và sau đó ông ta trở thành tổng thống. Lần đó, phản ứng dữ dội của người dân đã bị dập tắt. Chế độ độc tài vẫn tồn tại thêm 8 năm nữa. Cần lưu ý, nhiều chuyên viên Nam Hàn và các chỉ số khoa học chính trị không xem Nam Hàn là một nền dân chủ thống nhất hoàn toàn cho đến năm 2002.
Kể từ đó, nền dân chủ của Nam Hàn đạt được tiến bộ đáng kể, và được ca ngợi là một trong những câu chuyện chống độc tài thành công lớn nhất vào cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21. Tuy nhiên, nền dân chủ vẫn còn mong manh và các thể chế trong nước có dấu hiệu căng thẳng trong một thời gian. Những yếu tố gây căng thẳng nghe có vẻ quen thuộc với người Mỹ, mặc dù bối cảnh rất khác. Gi-Wook Shin, giáo sư về Nam Hàn đương đại tại Đại học Stanford vào năm 2020 cho rằng, đất nước này đang phải đối mặt với một “cuộc suy thoái dân chủ,” trong đó “những người đối lập bị xem là ma quỷ, các chuẩn mực dân chủ bị xói mòn và đời sống chính trị ngày càng trở nên chia rẽ hơn.” Các chính trị gia, thay vì cố gắng xoa dịu căng thẳng, lại kêu gọi “chủ nghĩa dân tộc sô-vanh.” Tuy nhiên, không giống như ở Hoa Kỳ, hai cựu Tổng thống còn sống của Nam Hàn đã vi phạm luật pháp thực sự phải ngồi tù một thời gian trước khi được ân xá.
Việc nắm quyền của Yoon dường như sẽ thất bại. Nhưng việc áp dụng thiết quân luật thậm chí chỉ trong vài giờ sẽ gây thiệt hại lâu dài cho các chuẩn mực dân chủ. Một trong những nguyên tắc cốt lõi của quản trị dân chủ là cai trị dân sự, quy định quân đội bảo đảm an ninh nhưng không đóng vai trò trong quản trị chính trị. Các nền dân chủ sụp đổ khi rào cản đó bị dỡ bỏ, chẳng hạn như khi một cuộc đảo chánh diễn ra. Nhưng ngay cả những cuộc đảo chánh thất bại, hay những nỗ lực thi hành thiết quân luật thất bại, cũng có thể phá vỡ hàng rào dân sự-quân sự. Chúng nhắc nhở mọi người trong hệ thống chính trị rằng, một chính trị gia khao khát quyền lực, hay một viên tướng chỉ phục vụ lợi ích cá nhân, có thể ngay lập tức phá hủy sự tiến bộ hàng thập niên. Việc thiết lập tiêu chuẩn quân đội nằm ngoài phạm vi chính trị phải mất nhiều năm hành xử tốt, từ những người mặc quân phục, cũng như những người mặc thường phục. Việc phá hủy có thể chỉ cần một quyết định sai lầm.
Tình trạng bất ổn gần đây ở Nam Hàn cũng minh họa điều mà khoa học gia về chính trị quá cố Juan Linz gọi là “sự nguy hiểm của chủ nghĩa tổng thống.” Linz cho rằng, các thử nghiệm dân chủ có xu hướng thất bại khi chúng cho phép quyền hành pháp nằm trong tay tổng thống thay vì thủ tướng dưới sự ràng buộc của Quốc hội. Linz vào năm 1990 cảnh báo, “Việc phụ thuộc quá nhiều vào phẩm chất cá nhân của một nhà lãnh đạo chính trị – vào đạo đức của một chính khách, theo ý muốn, là một con đường mạo hiểm, vì người ta không bao giờ biết liệu có thể tìm được một người như vậy để điền vào Văn phòng tổng thống hay không.” Vào lúc đó, Linz chỉ ra một ngoại lệ dễ thấy: Hoa Kỳ.
Nỗ lực thất bại của Tổng thống Yoon trong việc củng cố quyền lực bằng thiết quân luật là một câu chuyện cảnh báo đối với Washington trước thềm chính quyền Trump thứ hai. Đôi khi, những kẻ độc tài bất tài thực hiện âm mưu chiếm đoạt quyền lực. Chúng vẫn gây thiệt hại đến các thể chế và chuẩn mực dân chủ trong quá trình này. Và đôi khi, việc giành lấy quyền lực thành công – bởi vì nền dân chủ tổng thống không được bảo vệ bởi hiến pháp được viết bằng giấy trắng mực đen. Đúng hơn, nó có thể sống sót qua những thời khắc nguy hiểm nhất thông qua hành động của những con người dũng cảm, trân trọng lý tưởng hơn là quyền lực. Như Linz đã cảnh báo, những người như vậy không phải lúc nào cũng có nhiều.
Hương Giang