Cộng hoà huỷ thoả thuận chi tiêu dưới áp lực Trump và Musk, Johnson gặp rủi ro 

0
336

(CaliToday) – Lãnh đạo Cộng hoà tại Hạ viện vào thứ Tư quay sang kế hoạch B sau khi hủy dự luật chi tiêu lưỡng đảng ban đầu của Chủ tịch Mike Johnson nhằm tránh đóng cửa chính phủ bị phe bảo thủ phản đối dữ dội.
Dự luật này khiến những người bảo thủ ở Hạ viện và Thượng viện tức giận, cũng như tỉ phú Elon Musk – người được Tổng thống đắc cử Donald Trump bổ nhiệm làm đồng Chủ tịch Bộ Hiệu quả Chính phủ (DOGE).
Ông Musk trong ngày thứ Tư liên tục lên mạng xã hội X chỉ trích, thậm chí đề nghị đuổi cổ các nhà lập pháp ủng hộ dự luật này. “Bất cứ thành viên Hạ viện hay Thượng viện bỏ phiếu cho dự luật chi tiêu đáng sỉ nhục này đều đáng bị bỏ phiếu chống trong 2 năm tới!” tỉ phú ghi.
Ngay sau ý kiến của Musk, ban chuyển giao quyền lực gởi ra tuyên bố chung chính thức của Trump và Phó Tổng thống đắc cử JD Vance, trong đó phản đối thỏa thuận ban đầu. Tất cả những diễn biến này buộc Johnson phải quay sang kế hoạch dự phòng để ngăn chặn đóng cửa chính phủ vào dịp Giáng sinh và duy trì sự ủng hộ trong nội bộ Cộng hoà Hạ viện hỗn loạn để có thể tiếp tục giữ chức Chủ tịch vào đầu năm tới.
“Các dân biểu dân cử đã lắng nghe quý vị, và giờ đây dự luật khủng khiếp đó đã chết,” Musk khoe khoang trên X, “Tiếng nói của người dân đã chiến thắng!”
Johnson chưa đưa ra kế hoạch thay thế cụ thể như thế nào, và những bước tiếp theo vẫn chưa rõ ràng vì các nhà lãnh đạo sẽ cần sự ủng hộ đáng kể từ lưỡng đảng, và cả Trump, mới có thể thông qua dự luật tài trợ chính phủ. Lãnh tụ đa số Hạ viện Steve Scalise (Louisiana) vào tối thứ Tư cho biết “không có thỏa thuận mới nào,” và Cộng hòa “đang xem xét một số lựa chọn.”
Nếu Quốc hội không gia hạn tài trợ đúng hạn, hầu hết các hoạt động của liên bang sẽ đóng cửa vào lúc 12:01 sáng thứ Bảy, mặc dù tác động của việc đóng cửa sẽ không hoàn toàn xảy ra cho đến thứ Hai.
“Cộng hòa cần chấm dứt chơi chiêu trò chính trị với thỏa thuận lưỡng đảng, nếu không họ sẽ làm tổn thương người dân Mỹ siêng năng, và gây ra bất ổn trên khắp quốc gia,” Phát ngôn nhân Toà Bạch Ốc arine Jean-Pierre ghi trong tuyên bố gởi ra vào tối thứ Tư.

Tốc độ mà Cộng hòa quay lưng lại với dự luật lưỡng đảng của Johnson vào thứ Tư nhấn mạnh tình thế khó khăn họ phải đối mặt như thế nào vào năm tới, khi Cộng hòa kiểm soát lưỡng viện với tỉ lệ sít sao, thậm chí còn mỏng hơn lưỡi dao cạo tại Hạ viện. Johnson trước đó cho hay trên Fox News, ông nhắn tin cho Musk và Vivek Ramaswamy – đồng Chủ tịch “Bộ Hiệu quả Chính phủ” – rằng, bất kỳ dự luật nào cũng cần sự ủng hộ của Dân chủ mới có thể thông qua, và Ramaswamy hiểu được thách thức đó.

Việc giải quyết bế tắc vào thứ Sáu có thể còn khó khăn hơn. Trump yêu cầu giữ lại một số điều khoản được Johnson ủng hộ, như tài trợ cho nông dân và những người sống sót sau thảm họa thiên tai, nhưng cũng yêu cầu Hạ viện hủy bỏ những mục được Dân chủ ưu tiên. Tổng thống đắc cử cũng yêu cầu Cộng hòa gia hạn đình chỉ trần nợ – giới hạn về số tiền mà chính phủ Hoa Kỳ có thể vay vốn sẽ hết hạn vào đầu nhiệm kỳ mới vào năm tới.

Johnson vào tối thứ Ba giới thiệu dự luật gia hạn ngân sách liên bang cho đến ngày 14 tháng 3, gửi $110,4 tỷ Mỹ kim cho những người sống sót sau thảm họa thiên tai, và lập điều lệ một loạt các thay đổi chính sách không liên quan. Vào cuối các cuộc thương lượng, Johnson bổ sung thêm $10 tỷ Mỹ kim tài trợ cho nông dân, và điều này đã mở ra cánh cửa cho một loạt các yêu cầu không liên quan của Dân chủ, như những điều kiện để bảo đảm dự luật có thể được Hạ viện và Thượng viện thông qua. Những yêu cầu đó bao gồm chuyển giao quyền kiểm soát Sân vận động RFK cho Washington, D.C., tăng lương cho thành viên của Quốc hội, các quy định mới cho các quản trị chăm sóc sức khỏe, và tài trợ liên bang tái thiết cầu Francis Scott Key bị sập ở Baltimore.

Một số nhà lập pháp Cộng hòa bảo thủ rất bất mãn với Johnson về những điều khoản đó, thậm chí trước khi Musk bắt đầu tấn công dự luật. Một số cho biết sẽ không ủng hộ Johnson tiếp tục giữ cây búa Chủ tịch trong khoá tới. Những người Cộng hòa từ phe cực hữu đến phe ôn hòa hơn đồng loạt phản đối cách Johnson tập hợp dự luật, và Musk — hiện là cố vấn thân cận của Trump – dành cả ngày thứ Tư chỉ trích dự luật này.

Dân chủ tỏ ra phẫn nộ trước sự sụp đổ của thoả thuận họ đạt được. “Những người Cộng hòa tại Hạ viện hiện đã đơn phương quyết định phá vỡ thỏa thuận lưỡng đảng mà họ đã đưa ra,” Lãnh tụ thiểu số Hạ viện Hakeem Jeffries (Dân chủ -New York) lên án. “Những người Cộng hòa tại Hạ viện sẽ chịu trách nhiệm đối với mọi thiệt hại họ gây ra cho người dân Mỹ do việc chính phủ đóng cửa hoặc tệ hơn. Thỏa thuận là thỏa thuận.”

Johnson thường xuyên cam kết sẽ tìm cách chỉ thông qua một dự luật thu hẹp, trong đó mở rộng tài trợ để tránh đóng cửa chính phủ, và viện trợ khẩn cấp cho những người sống sót sau thảm họa thiên tai.

Cần phải có ⅔ phiếu thuận tại Hạ viện thì dự luật mới có thể được thông qua, vì Johnson sẽ bỏ qua thủ tục bỏ phiếu thông thường trên sàn Hạ viện. Johnson sẽ không thể chỉ trông cậy vào Dân chủ để giành chiến thắng tiếp tục giữ chức Chủ tịch trong nhiệm kỳ tới. Vì vậy, ông sẽ cần 218 phiếu bầu từ nội bộ sít sao, và hiện đang rất bất mãn. Cộng hòa sẽ nắm quyền kiểm soát Hạ viện hẹp hơn trong nhiệm kỳ tới, cộng thêm một số ghế trống sau khi thành viên tham gia nội các của ông Trump khiến Johnson gần như không thể mất bất cứ lá phiếu nào từ đồng nghiệp.
Ông Kevin McCarthy (Cộng hoà – California) vào đầu năm 2023 phải mất 15 vòng bỏ phiếu để trở thành Chủ tịch, sau khi nhân nhượng và thoả hiệp với phe cực hữu, và khi đó Cộng hòa chiếm đa số hơn 5 ghế, còn bây giờ Johnson chỉ có đa số ba ghế.
Hương Giang