Nga phản đối đề nghị chấm dứt chiến tranh Ukraine của Donald Trump 

0
697

(CaliToday) – Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov vào thứ Hai phản đối những đề nghị chấm dứt chiến tranh Ukraine do các đồng minh của  ông Donald Trump đưa ra, tạo bước thụt lùi đáng kể cho hy vọng chấm dứt xung đột của Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ. 

Lavrov trong cuộc phỏng vấn với cơ quan truyền thông chính phủ Nga TASS cho hay, Moscow “chưa nhận được bất cứ dấu hiệu chính thức nào liên quan đến thỏa thuận giải quyết vấn đề Ukraine,” nhưng Điện Kremlin phản đối những ý tưởng không chính thức đó.

“Tất nhiên, chúng tôi không hài lòng với những đề nghị của các thành viên trong toán ông Trump về việc hoãn Ukraine gia nhập NATO trong 20 năm, và triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình của Anh và châu Âu tại Ukraine,” Ngoại trưởng Nga nói về các đề nghị từ phía Tổng thống đắc cử Mỹ bị rò rỉ trong thời gian gần đây. 

Lavrov kêu gọi “những thỏa thuận đáng tin cậy và ràng buộc pháp lý sẽ loại bỏ nguyên nhân gốc rễ của cuộc xung đột, và thiết lập một cơ chế ngăn chặn khả năng vi phạm.”

Trump chưa chính thức đưa ra bất cứ đề nghị nào nhằm chấm dứt cuộc chiến xâm lược, nhưng vào đầu tháng thừa nhận xung đột tại đây sẽ khó giải quyết hơn so với ở Trung Đông. Tuy nhiên,  Tổng thống đắc cử vận động tranh cử với tuyên bố sẽ chấm dứt chiến tranh chiến tranh trong vòng 24 giờ sau khi nhậm chức.

Trong một cuộc phỏng vấn với Time Magazine  gần đây, Trump cho biết sẽ không công bố đề nghị thoả thuận vì như vậy nó sẽ trở thành “một kế hoạch vô giá trị” khi được công khai. Nhưng ông cam kết sẽ không bỏ rơi Ukraine trong bối cảnh lo ngại chính phủ kế nhiệm sẽ từ bỏ lãnh thổ miền đông Ukraine đang bị lực lượng Nga chiếm giữ nhưng lại không tìm ra giải pháp bảo vệ Kyiv.

“Tôi muốn đạt được một thỏa thuận, và cách duy nhất để đạt được thỏa thuận là không bỏ rơi,”  Trump nói.

Toán cố vấn của Tổng thống đắc cử, trong đó Trung tướng hồi hưu Keith Kellogg – đặc phái viên tương lai của Mỹ tại Ukraine  – đề nghị buộc Ukraine ngồi vào bàn thương lượng bằng cách đe dọa cắt viện trợ, và khiến Tổng thống Nga Vladimir Putin đàm phán với đe dọa gia tăng vũ khí.

Giải pháp chấm dứt chiến tranh được họ đưa ra gồm có từ bỏ nguyện vọng gia nhập NATO của Ukraine và ủng hộ lực lượng gìn giữ hòa bình châu Âu để đổi lấy các bảo đảm an ninh.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đưa việc gia nhập thành viên NATO thành phần quan trọng trong kế hoạch chiến thắng, và các viên chức Ukraine thúc đẩy bảo đảm an ninh hợp pháp, điều này khó có thể xảy ra bên ngoài NATO.

Lavrov khẳng định, Nga sẽ “không chấp nhận việc Ukraine trở thành thành viên NATO, bất chấp yếu tố lãnh thổ nào.” 

Hương Giang