MỪNG DANH CẦM KIM CHUNG ĐẾN MỸ- TIẾNG REO DÂY TÂY BAN CẦM THÁNH THÓT

0
282

Trần Củng Sơn

Trong vườn hoa âm nhạc bộ môn Tây Ban Cầm quê nhà không có nhiều nữ nhạc sĩ, cho nên hình ảnh một mái tóc mềm, dáng người thon thả ngồi ôm đàn với những ngón tay bấm vươn dài trên phím ghi ta vang ra những âm thanh réo rắc làm rung động khán giả.

Nhạc viện Sài Gòn nằm trên đường Nguyễn Du- con đường lá me bay thơ mộng- đã đào tạo vài nữ danh cầm ghi ta cổ điển- trong số người này thì Kim Chung được coi là nổi tiếng nhất.

Kim Chung từng là giảng viên dạy Tây ban Cầm của nhạc viện Sài Gòn hơn hai chục năm và cô đã trình tấu bản Recuerdos de La Alambra được 2.9 triệu lượt xem trên Youtube. Nhạc khúc này với kỹ thuật reo dây – Tremolo – gồm 3 ngón áp út, ngón giữa, ngón trỏ và ngón cái ( a, m, i, p ) là bản nhạc đặc biệt mà giới yêu ghi ta cổ điển đều nghe và chơi đàn. Khi vào Youtube có rất nhiều danh cầm trên thế giới đàn bản này mà Kim Chung reo dây rất đều, tạo nên tên tuổi của nữ nhạc sĩ Việt Nam trong giới Tây Ban Cầm ( Classical Guitar ).

Tuần rồi, Kim Chung từ thành phố Atlanta về Quận Cam để độc tấu ghi ta với một tiết mục trong một đêm nhạc và tôi có dịp hàn huyên cùng cô.

Kim Chung thi đậu vào Nhạc viện Sài Gòn lúc 15 tuổi, tốt nghiệp sau 10 năm học Tây Ban Cầm cổ điển và được giữ lại trường, trở thành giảng viên môn này. Cuối thập niên 1990, nhạc viện ở Tây Ban Nha tặng một học bỗng 2 năm về ghi ta và Kim Chung được nhạc viện Sài Gòn cử sang thủ đô Madrid tu nghiệp.

Nên biết rằng cây đàn ghi ta còn được gọi Spanish Guitar mà Việt Nam gọi là Tây Ban Cầm- cây đàn của nước Tây Ban Nha, điều này nói lên xứ sở yêu thích và chơi loại đàn này.

Khi đặt chân đến Tây Ban Nha xa lạ, Kim Chung không biết nói ngôn ngữ này cho nên cô gặp nhiều khó khăn thuở ban đầu. Nhạc viện Madrid dạy cho cô thêm những kỹ thuật mới mẻ về Tây Ban Cầm, trong đó có việc chăm sóc móng tay; cắt móng tay và mài dũa sao cho khéo để tạo nên tiếng đàn như ý muốn.

Tình yêu đầu đời của cô nhạc sĩ 28 tuổi chỉ biết yêu đàn đã bắt đầu chớm nở ở Tây Ban Nha. Vì mẹ bệnh nặng nên Kim Chung giã từ xứ đấu bò trở về quê nhà. Hai năm sau mẹ mất và Kim Chung tiếp tục dạy đàn tại nhạc viện Sài Gòn và mở thêm các khóa dạy đàn trên Online và thỉnh thoảng chơi đàn cho những buổi nhạc đặc biệt.

Tên tuổi nữ nhạc sĩ Tây Ban Cầm – Guitarist Kim Chung- trở nên nổi tiếng trong giới yêu âm nhạc ở Việt Nam.

Kim Chung kể rằng lúc còn bé ở Sài Gòn, ngồi coi truyền hình thập niên 1980, thấy những nữ nhạc sĩ chơi đàn ghi ta thì rất thích và ước mơ sẽ trở thành như vậy. Người anh lớn chơi đàn ghi ta và dạy cho cô chút đỉnh. Cây đàn ghi ta đầu tiên trong đời mà Kim Chung có được là một cây đàn cũ mà ông anh vứt bỏ; cô lượm nó, dùng tay cột lại những sợi dây đàn đứt rồi gắn vào đàn. Ngón tay của Kim Chung khi bấm vào phím nơi dây đàn kim loại nối lại nên bị chảy máu, nhưng cô không nản lòng.

Thời đó mỗi lần đi trên con đường Nguyễn Thiện Thuật, nơi có hai tiệm đàn nổi tiếng là Phúc Lợi và Phúc Châu, cô bé Kim Chung nhìn những cây đàn trong tủ kính mà mơ ước. Rốt cuộc ba má mua cho một cây đàn mới ở tiệm Phúc Châu để tập.

Trong những người thầy dạy đàn đầu tiên có Phùng Tuấn Vũ, sau đó vào trường nhạc thì Kim Chung học thêm ở Huỳnh Hữu Đoan, Bùi Thế Dũng. Nỗi đam mê Tây Ban Cầm cổ điển dào dạt giúp cô tốt nghiệp và được nhạc viện giữ lại để dạy đàn cho các nhạc sinh. Đây là một vinh dự cho Kim Chung.

Khi từ nhạc viện ở Tây Ban Nha trở về đầu thập niên 2000, Kim Chung muốn đem những phương pháp đã tu nghiệp mà áp dụng vào giảng dạy nhưng không được các giảng viên ghi ta trong trường đồng thuận. Đây cũng là nỗi buồn sâu kín và cũng là một trong những lý do cô rời bỏ nhạc viện Sài Gòn sau hơn hai chục năm giảng dạy.

Được bằng hữu chỉ dẫn, Kim Chung nộp đơn xin định cư tại Hoa Kỳ thuộc diện nhân tài. Với bằng cấp của nhạc viện Tây Ban Nha và bằng khen về những lần trình diễn quốc tế; lý lịch chính trị cô là con của một cựu cảnh sát đặc biệt VNCH; nên cô  được cấp chiếu khán để vào nước Mỹ vào mùa hè năm 2024, chọn một thị trấn nhỏ gần thành phố Atlanta làm nơi cư ngụ đầu tiên.

Lý do chính rời bỏ quê nhà để sang Hoa Kỳ là Kim Chung muốn đổi mới cuộc đời, đi tìm những cơ hội nơi đất nước giàu mạnh nhất thế giới và cũng là quốc gia có đông người Việt Nam định cư. Cô nói rằng mình đã cống hiến đủ cho nhạc viện Sài Gòn khi  giảng dạy ghi ta hơn hai chục năm. Bây giờ ở lứa tuổi năm mươi, ngũ thập tri thiên mệnh, Kim Chung biết rõ mình muốn gì, làm gì, trên vùng đất mới.

Từ tiểu bang Georgia về thăm người quen ở Quận Cam, Kim Chung có ý định dọn về miền Cali nắng ấm biển xanh, nơi có hàng trăm ngàn đồng hương cư ngụ và nhiều sinh hoạt văn nghệ rộn ràng.

Dù vậy tại thành phố Atlanta, Kim Chung vẫn nồng nhiệt với Tây Ban Cầm; cô mở lớp dạy ghi ta miễn phí tại một ngôi chùa vùng này.

Kim Chung kể rằng lần đầu xa quê hương đến cư ngụ tại một thị trấn nhỏ có nhiều người da đen, tâm lý cô lo ngại. Nhưng có một lần cô được vào bệnh viện cấp cứu thì thấy những y tá và bác sĩ người da đen ân cần chăm sóc thì Kim Chung mới cởi bỏ cái thành kiến cũ đó.

Là người mới định cư tại Hoa Kỳ, lợi tức thấp cho nên chi phí bệnh viện của cô được miễn trả. Kim Chung càng cảm nhận cái tốt cái thiện của đất nước hùng mạnh và tự do nhất thế giới.

Một số bằng hữu ngưỡng mộ tài năng Kim Chung dự tính thực hiện một đêm trình tấu Tây Ban Cầm cổ điển tại Quận Cam cho người nữ nhạc sĩ nổi tiếng này.

Tôi yêu cầu Kim Chung đàn cho một khúc nhạc. Được ngồi gần nhìn ngắm những ngón tay vươn dài trong thế bấm đẹp mắt của kỹ thuật Tây Ban Cầm cổ điển- Classical Guitar- bản Thành Phố Buồn của Lam Phương do Kim Chung soạn, thật là thú vị.

Tiếng reo dây- Tremolo- thánh thót điêu luyện là nét hay của cô. Cô nói rằng bàn tay mình nhỏ, ngón tay không dài  bằng những người khác, cho nên cô phải bỏ công sức tập luyện và nên biết rằng chơi ghi ta cổ điển đòi hỏi các ngón tay phải rất mạnh. Có lẽ bàn tay nhỏ, ngón tay ngắn cho nên Kim Chung reo dây rất đều.

Ngồi nghe nhìn Kim Chung độc tấu ghi ta đưa hồn tôi trở về kỷ niệm một thuở yêu đàn, học đàn, tập đàn. Tôi nhớ những lần ngồi nghe danh cầm Đỗ Đình Phương độc tấu bản Ngăn Cách ở căn nhà Huỳnh Khương Ninh trước khi Sài Gòn mất, anh năm nay 84 tuổi mà còn khỏe mạnh, hiện ở thành phố Garden Grove.  Tôi nhớ những lần ngồi nghe nhạc sĩ Dương Thiệu Tước nói về âm nhạc khi đến học đàn tại nhà ông trên đường Nguyễn Minh Chiếu; nhớ ngón Tremolo của danh cầm Trần Văn Phú trong tiệm đàn Phúc Lợi – anh qua đời 9 năm trước; nhớ Phùng Tuấn Vũ đàn bản Như Cánh Vạc Bay trong căn gác nhỏ Sài Gòn- anh hiện ở Sacramento.

Sài Gòn bây giờ ồn ào đông đúc cho nên chỉ khi nào trời mưa thì thành phố yên tĩnh và lúc đó tiếng đàn Tây Ban Cầm nghe thật trữ tình. Nhớ lúc dạy đàn cho người yêu thời tuổi trẻ mộng mơ ở quê nhà.

Chào mừng nữ nhạc sĩ Tây Ban Cầm Kim Chung đến nước Mỹ, mở ra quãng đời mới với con đường nghệ thuật đầy màu sắc.

Ghi chú hình

1- Kim Chung đàn Thành Phố Buồn

2- Guitarist Kim Chung- Nhạc sĩ Trần Chí Phúc

3- Kim Chung dạy ghi ta tại Thiền viện ở Atlanta, Georgia