1 năm sau bạo loạn, Brazil hồi phục tốt – Nước Mỹ 3 năm vẫn chưa?

0
1974

Vào ngày 8 tháng 1 năm 2023, quốc gia lớn nhất Châu Mỹ Latinh đã đứng trên bờ vực của cuộc khủng hoảng dân chủ khi những kẻ bạo loạn ủng hộ Tổng thống mãn nhiệm Jair Bolsonaro, vượt qua hàng rào an ninh xung quanh dinh tổng thống, Quốc hội và Tòa án Tối cao, trèo lên mái nhà, đập vỡ cửa sổ, tiểu bậy lên các tác phẩm nghệ thuật quý giá và làm hư hỏng kỷ vật lịch sử của Brazil và kêu gọi can thiệp quân sự để loại tổng thống đắc cử hợp pháp Luiz Inácio Lula da Silva khỏi chức vụ.

Mời xem video bài bình luận qua Youtube

Những cảnh này được phát sóng trực tiếp trên truyền hình, gợi lại những cảnh đã thấy trong cuộc tấn công vào Điện Capitol Hoa Kỳ ngày 6 tháng 1 năm 2021 và ngay lập tức thu hút sự tương đồng.

Một năm trôi qua, Brazil đã cố gắng vượt qua một cuộc tấn công độc hại nhất vào các thể chế của đất nước kể từ khi chế độ độc tài quân sự kết thúc cách đây gần bốn chục năm.

Quốc hội Brazil đã khai mạc một cuộc triển lãm vào thứ Hai với các tác phẩm bao gồm một tấm thảm thêu do nghệ sĩ nổi tiếng Burle Marx chế tác và một bản sao hiến pháp của đất nước năm 1988.

Cuộc trưng bày đáng chú ý không phải vì độ hiếm có của các đồ vật mà vì chúng là ký ức sống động về một trong những giai đoạn nghiệt ngã nhất trong lịch sử gần đây của Brazil : Khi cuộc bạo loạn chưa từng có ủng hộ cựu Tổng thống Jair Bolsonaro diễn ra vào ngày 8 tháng 1 năm 2023, tại các tòa nhà chính phủ ở thủ đô Brasilia, tấm thảm bị hư hại và bản sao hiến pháp đã bị lấy đi.

Nhiều người coi cuộc bạo loạn là một phần trong nỗ lực thất bại của Bolsonaro nhằm duy trì quyền lực sau thất bại trong cuộc bầu cử. Một năm và hàng ngàn vụ bắt giữ sau ngày đáng xấu hổ đó, Brazil vẫn đang hồi phục mạnh mẽ.

Creomar de Souza, người sáng lập công ty tư vấn rủi ro chính trị Dharma Politics, cho biết: “Xã hội Brazil vẫn chưa biết cách giải quyết những gì đã xảy ra. Xã hội Brazil hiện đang ở trong tình trạng phân cực chính trị gay gắt. Chúng tôi biết rằng, sự phân cực này sẽ rất khó để tìm được một điểm chung hay một tiếng nói chung trong tương lai gần.”

Bắt chước rập khuôn cuộc nổi dậy ngày 6 tháng 1 năm 2021 của những người ủng hộ Tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm 45, Donald Trump tại Điện Capitol ở Washington, hàng ngàn người ủng hộ Tổng thống sắp mãn nhiệm, Jair Bolsonaro đã xông vào dinh tổng thống, tòa nhà Quốc hội và tòa nhà Tòa án Tối cao, là những thách thức lớn nhất đối với quốc gia dân chủ đông dân nhất Mỹ Latinh.

Một năm sau, khoảng 400 người trong số khoảng 1.500 người vẫn bị bỏ tù đối mặt với cáo buộc bạo loạn và Bolsonaro đã bị Tòa án Tối cao điều tra về vai trò của ông ta trong tình trạng hỗn loạn. Nhưng đất nước vẫn đang quay cuồng với một giai đoạn mà một số người nói rằng họ tự hào.

Các thành viên của ba nhánh quyền lực ở Brazil cho biết nền dân chủ và các rào chắn của nó đã được khôi phục sau vụ đập phá các tòa nhà chính phủ. Nhưng các vụ bắt giữ đã khiến những người ủng hộ cựu tổng thống nói rằng quyền tự do ngôn luận của họ đang bị vi phạm và cho rằng họ bị đàn áp về mặt chính trị.

Một số người trong số họ cũng đã lên tiếng tuyên bố vô căn cứ rằng cuộc bạo loạn thực sự do chính quyền hiện tại và những người ủng hộ chính quyền lãnh đạo. Bolsonaro cũng đưa ra tuyên bố tương tự trong một cuộc phỏng vấn vào thứ Bảy.

Bolsonaro đã bị tòa án cấm tái tranh cử vào năm ngoái cho đến năm 2030, trong một vụ án không liên quan đến bạo loạn mà liên quan đến những tuyên bố vô căn cứ của ông ta rằng hệ thống bỏ phiếu điện tử trong cuộc bầu cử tổng thống vừa qua đã bị gian lận. Mặc dù vậy, lực lượng ủng hộ cực hữu của ông ta vẫn còn đông đảo trên đường phố và cảm thấy có khả năng thách thức Tổng thống Luiz Inácio Lula da Silva .

Một cuộc thăm dò sau ngày bạo loạn cho thấy 89% người Brazil nhìn nhận sự kiện ngày 8/1 một cách tiêu cực. Khoảng 47% tin rằng Bolsonaro bằng cách nào đó có liên quan đến cuộc bạo loạn.

Vào thứ Hai, Tổng thống Lula và các quan chức chính phủ sẽ tập trung tại Quốc hội để tham dự cuộc triển lãm đặc biệt mang tên “Nền dân chủ không thể lay chuyển” trong một buổi lễ mang tính biểu tượng nhằm trấn an người dân Brazil về sức mạnh của hệ thống chính phủ dân chủ của họ.

Tổng thống Lula nói với các phương tiện truyền thông Brazil hôm thứ Sáu rằng sự kiện hôm thứ Hai có thể giúp cho thấy người Brazil nên làm việc như thế nào để có thể sống “cả thế kỷ 21 mà không có bất kỳ cuộc đảo chính nào nữa xảy ra”.

Sau sự kiện ngày 8 tháng 1, Thượng viện Brazil đã trả khoảng 40.000 USD để thu hồi tấm thảm được sản xuất năm 1973, bị nước tiểu vấy bẩn và bị rách thành từng mảnh. Các thẩm phán Tòa án Tối cao ban đầu lo ngại bản sao hiến pháp đã bị đánh cắp sau khi một người ủng hộ Bolsonaro bị quay phim được cho là mang nó ra bên ngoài tòa nhà.

Nhiều chính trị gia có liên hệ với Bolsonaro đã chọn cách không xuất hiện tại sự kiện “Nền dân chủ không thể lay chuyển” tại Quốc hội.

Một trong những người ủng hộ trung thành nhất của Bolsonaro, nhà lập pháp Carla Zambelli, cho biết cô và nhiều người trong cơ quan của mình sẽ phớt lờ cuộc tụ họp mà cô gọi là “sự lãng phí năng lượng và công quỹ một cách lố bịch”. Thống đốc Sao Paulo Tarcisio de Freitas, người được nhiều người ủng hộ cựu tổng thống Jair Bolsonaro coi là người thừa kế chính trị tiềm năng, đã tới châu Âu trong kỳ nghỉ và cũng sẽ không tham dự.

De Souza, nhà tư vấn rủi ro chính trị, cho biết phản ứng của cơ quan thực thi pháp luật đối với các cuộc bạo loạn diễn và sự trừng phạt những kẻ gây bạo loạn đã diễn ra nhanh chóng nhưng điều đó không có nghĩa là nền dân chủ của đất nước hiện đã trở lại bình thường và có thể tiến lên phía trước.

Lời kết:

Không giống như ở Mỹ, cơ quan tư pháp Brazil đã loại Bolsonaro ra ngoài lề chính trường, gọn gàng, dứt điểm đến sau năm 2030 mới được tranh cử nếu còn đủ sức khỏe, còn đi được. Tòa án Tối cao cũng đang điều tra Bolsonaro về vai trò của ông ta trong cuộc nổi dậy. Hầu hết người Brazil đang tập hợp xung quanh lời kêu gọi giữ gìn nền dân chủ cùng Tổng thống Lula.

Ở Mỹ cũng đã có những nỗ lực nhằm giải trình trách nhiệm: khoảng 1.200 người đã bị buộc tội trong cuộc nổi dậy ngày 6 tháng 1 và Trump phải đối mặt với cả cáo buộc liên bang và tiểu bang vì tìm cách lật ngược kết quả bầu cử năm 2020. Ông ta đã bị cấm tham gia bỏ phiếu ở hai tiểu bang Colorado và vụ việc sẽ được đưa ra trước Tòa án Tối cao Hoa Kỳ. Nhưng nhìn chung, sự việc vẫn chưa đi đến đâu cả.

Tại đất nước dân chủ non trẻ Brazil, việc truy tố những kẻ gây loạn cộng với lệnh cấm Bolsonaro tranh cử và những diễn biến hoàn toàn trái ngược với Hoa Kỳ, nơi Donald Trump không hề bị gì sau 3 năm và còn hiên ngang ra tái tranh cử tổng thống và đang thống trị chiến dịch tranh cử của Đảng Cộng hòa cho đến nay, bất kể việc ông ta đang phải đối mặt với các cáo buộc liên bang và tiểu bang. So ra giữa hai nền dân chủ, một non trẻ và một lâu đời, một cường quốc giàu có và một nước đông dân và không giàu, nhưng người Brazil can đảm và mạnh mẽ hơn người Mỹ, biết quý trọng và gìn giữ nền dân chủ hơn người Mỹ.

Việt Linh

https://www.reuters.com/world/americas/brazil-mark-anniversary-january-8-attack-democracy-2024-01-08/

https://brazilreports.com/brazils-leaders-celebrate-unshaken-democracy-on-one-year-anniversary-of-government-attacks/5673/

https://brazilian.report/power/2024/01/08/effects-january-8-riots-remain-uncertain/

https://www.barrons.com/articles/lula-fetes-democracy-a-year-after-brazil-capital-riots-ef128370

https://www.rfi.fr/en/international-news/20240108-lula-fetes-democracy-a-year-after-brazil-capital-riots