Châu Âu Sẽ Không Dễ Dàng Chống Lại Trump?

0
1055

Theo Giám đốc thị trường nội bộ của Liên minh Châu Âu, Thierry Breton, Trump đã nói với Chủ tịch Ủy ban Châu Âu, bà Ursula von der Leyen vào năm 2020 rằng “nếu Châu Âu bị tấn công, chúng tôi sẽ không bao giờ đến để giúp đỡ và hỗ trợ bạn”.

Mời xem video bài bình luận qua Youtube

Nhiều quan chức và nhà ngoại giao EU lưu ý rằng nhận định của Thierry Breton đến vào thời điểm đặc biệt khá nhạy cảm, khi EU đang cố gắng xây dựng khả năng phòng thủ của riêng mình bên ngoài liên minh NATO do Mỹ dẫn đầu. Không có gì bí mật khi kho đạn dược trên khắp các quốc gia thành viên NATO đã cạn kiệt vì sự hỗ trợ quân sự của phương Tây cho Ukraine.

Việc Trump có thực sự đưa ra những bình luận này hay không phần lớn không quan trọng đối với các quan chức châu Âu. Quan điểm gay gắt, khó chịu của Donald Trump về vai trò lịch sử của Mỹ đối với an ninh châu Âu đã được nhiều người biết đến trước đây. Trong nhiệm kỳ tổng thống của mình, Trump thường xuyên nói về việc cắt giảm ngân sách cho NATO đồng thời khen ngợi các nhà lãnh đạo độc tài, bao gồm cả Vladimir Putin của Nga, những người được coi là đối thủ của cùng một liên minh quân sự.

Tuy nhiên, lời nhắc nhở rằng Trump giữ quan điểm này và việc ông có thể sớm quay trở lại Tòa Bạch Ốc đã gây ra mối lo ngại thực sự ở Brussels.

Một phần, vì niềm tin của Trump bắt nguồn từ sự thật khó chịu rằng các quốc gia châu Âu đã thiếu hụt ngân sách cho quân đội của họ trong nhiều thập niên với giả định rằng chiến tranh khó có thể xảy ra và nếu điều tồi tệ nhất xảy ra, Mỹ sẽ nhanh chóng viện trợ.

Dù điều đó nghe có vẻ ngây thơ đến mấy, Trump đã bác bỏ giả định đó. Và thái độ thù địch của ông ta đối với nỗ lực chiến tranh ở Ukraine vẫn còn tác động đến tận bây giờ, khiến Đảng Cộng hòa lưỡng lự trong việc chuyển thêm nguồn tài trợ của Mỹ cho Ukraine.

Một nhà ngoại giao cấp cao của EU nói rằng: “Khi Donald Trump xuất hiện, chúng tôi nhận ra rằng không phải lúc nào Mỹ cũng hành động vì lợi ích của châu Âu, đặc biệt nếu điều đó đi ngược lại lợi ích của Mỹ. Nói ra thì có vẻ ngây thơ nhưng đó là giả định thực tế mà rất nhiều người đã đưa ra.”

Trong nhiệm kỳ tổng thống trước đây của Trump, thực tế mới này đã khiến châu Âu phải tự vấn lương tâm. Các quan chức kết luận rằng châu Âu cần chuẩn bị cho một tương lai mà không thể dựa vào Mỹ như trước đây. Tư duy đó càng được nhấn mạnh khi Tổng thống Joe Biden giữ nguyên nhiều chính sách nước Mỹ trên hết của Trump, đặc biệt là về thương mại và Trung Quốc.

Đây là lý do thứ hai khiến những lời nhắc nhở về tình cảm chống châu Âu của Trump trở nên nhức nhối. Bất chấp những ý định khá công khai về việc tự đứng lên về mặt quân sự của EU thì quan điểm chống Trump của châu Âu, như một số người gọi nó một cách thiếu lịch sự, vẫn chưa tiến xa lắm.

Về thương mại, châu Âu đã thực hiện các biện pháp để giảm sự phụ thuộc vào các quốc gia đơn lẻ và đa dạng hóa chuỗi cung ứng để không thể bị bắt bí nếu một đối tác thương mại đột ngột thay đổi chính sách, như Trump đã làm với thép, áp thuế 25% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và EU.

Ian Bond, phó giám đốc tại Trung tâm nghiên cứu cải cách châu Âu, cho biết rằng: “Không có biện pháp giảm thiểu rủi ro nào có thể bù đắp cho sự thay đổi chính sách đột ngột khiến người châu Âu khó bán hàng vào Mỹ hơn. Nếu nhiệm kỳ thứ hai của Trump thực sự xảy đến, không nằm ngoài khả năng ông ấy có thể cư xử với các quốc gia trong EU như những kẻ thù, và ngược lại, những quốc gia đối thủ của Mỹ có thể trở thành những quốc gia thân thiện, không còn xem họ là mối đe dọa đối với an ninh Mỹ.”

Về quốc phòng và an ninh, EU đã thừa nhận những thất bại trong quá khứ và đồng ý tăng đáng kể chi tiêu quốc phòng trên toàn khối và rộng hơn trên lục địa. Họ coi cuộc chiến ở Ukraine là rất nghiêm trọng, gửi hàng tỷ euro tài trợ cùng với vũ khí và viện trợ. EU cũng đang nỗ lực để đưa Ukraine gia nhập khối càng sớm càng tốt.

Mặc dù vậy, sự thật khó chịu là việc tái vũ trang 27 quốc gia và thay đổi cách thức thương mại của họ mất rất nhiều thời gian, do đó, mối quan hệ sâu xa và sự phụ thuộc lẫn nhau sẽ không dễ dàng tháo gỡ, ngay cả trong những trường hợp bình thường.

Những năm vừa qua không hề là chuyện bình thường đối với châu Âu. Covid-19 đã chiếm một lượng băng thông khổng lồ, trong khi cuộc chiến ở Ukraine, quốc gia giáp EU và đang cố gắng gia nhập khối, lại là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự tại mọi cuộc họp của các nhà lãnh đạo EU.

Bên cạnh những phiền nhiễu, việc chống lại Trump còn khó khăn hơn vì bản thân Trump là một mối đe dọa khá đặc biệt đối với châu Âu.

Không giống như Trung Quốc hay Nga, Mỹ không phải là một quốc gia thù địch. Họ là một đồng minh cũ và không chủ ý tấn công châu Âu theo cách mà Bắc Kinh hay Moscow có thể thông qua các cuộc tấn công mạng hoặc hành động quân sự.

Trong cả hai trường hợp đó, châu Âu có thể sử dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế hoặc tăng cường hiện diện quân sự để bảo vệ lợi ích của mình. Rõ ràng, ngay cả dưới thời Trump, điều đó sẽ không phù hợp hoặc cần thiết đối với Mỹ. Tuy nhiên, hành động ngoại giao chống lại Trump cũng rất phức tạp, vì bản chất bất nhất, thất thường của ông ta có nghĩa là bất kỳ lời chỉ trích nào cũng có nguy cơ gây ra phản ứng thái quá.

Kết luận mà một số nhà ngoại giao đã đưa ra là cách tốt nhất để đối phó với Trump, nếu ông ta giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm nay, là giữ bình tĩnh và tiếp tục duy trì khoảng cách giữa châu Âu với Mỹ, không nói nhiều, không chỉ trích, hay nói đơn giản hơn là phớt lờ Trump, không hợp tác, không ký kết, không tham dự các hội nghị quan trọng.

Một quan chức cao cấp EU nói với Reuters rằng: “Lần trước, chúng tôi đã mất rất nhiều thời gian để giải quyết phản ứng mỗi khi Trump buột miệng nói ra bất cứ điều gì vừa nảy ra trong đầu. Tuy nhiên, khá thường xuyên, ông ấy không hành động theo những gì mình nói”.

Một nhà ngoại giao châu Âu khác cho biết Brussels không thể bị phân tâm bởi Trump như lần đầu tiên, cũng như không thể chú ý quá nhiều nếu Trump nêu ra triển vọng chấm dứt hỗ trợ của Mỹ cho Ukraine, ông nói rằng: “Nếu ông ấy bắt đầu nói về điều đó, chúng tôi thực sự không thể làm được gì nhiều. Chúng ta chỉ cần tự trưởng thành và tiếp tục đi tới vì dù cuộc chiến này có kết thúc như thế nào thì chính châu Âu sẽ phải gánh chịu hậu quả chứ không phải Mỹ”.

Không có gì bí mật khi các quan chức châu Âu, chẳng ai muốn thấy Trump có được cơ hội trở lại Tòa Bạch Ốc. Christine Lagarde, người đứng đầu Ngân hàng Trung ương châu Âu, trong tuần này cho biết sự trở lại của Trump sẽ là một “mối đe dọa” đối với châu Âu. Di sản độc hại trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông ta có thể là mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương không bao giờ trở lại như cũ.

Lời kết:

Vấn đề đối với châu Âu là sẽ phải mất nhiều năm, có thể nhiều thập niên mới chấm dứt sự phụ thuộc vào Mỹ hoàn toàn. Nhưng, các quốc gia Châu Âu sẽ cương quyết đứng dậy và đi tới, sự đoàn kết của một khối 27 quốc gia cả về mặt kinh tế, thương mại, quân sự vẫn được xem là một sự đối trọng với Mỹ và Trung Quốc.

Nhìn chung, giữa ba khối mạnh nhất hành tinh này: Mỹ – Châu Âu – Trung Quốc đều ít nhiều phụ thuộc vào nhau để tồn tại và phát triển. Không riêng một khối nào có thể bế quan tỏa cảng, tự cung tự cầu mà có thể phát triển hùng mạnh, cường thịnh được. Và Hoa Kỳ cũng không phải là ngoại lệ.

Chỉ tiếc là Hoa Kỳ, cường quốc đứng đầu thế giới nhưng lại thiếu may mắn khi có nhiều người Mỹ muốn bầu lên một người lãnh đạo bất xứng, ái kỷ ác tính, tâm địa nhỏ nhen, bị cả thế giới này xem thường.

Việt Linh

https://www.cnn.com/2024/01/14/world/europe-leaders-trump-concerns-intl-cmd/index.html

https://www.politico.eu/article/how-europe-leaders-can-start-trump-proofing-security-us-elections-transatlantic-relations/

https://www.bloomberg.com/news/articles/2024-01-16/trump-s-return-to-the-white-house-looms-large-for-a-wary-world-after-iowa

https://apnews.com/article/eu-trump-iowa-causus-elections-08541c9db3723fc2dd706a86bf08cfad