Có phải Trump đã thắng quyền miễn trừ ở Tối cao Pháp viện rồi?

0
3506

Vào thứ Năm, ngày 25 tháng 4, Tối cao Pháp viện sẽ nghe tranh luận miệng trong vụ Trump kiện Hoa Kỳ, vụ án mà cựu Tổng thống 45, Donald Trump tuyên bố rằng ông ta không thể bị truy tố vì bất kỳ “hành vi chính thức” nào mà ông ta đã thực hiện khi còn đương chức.

Thành thật mà nói trước khi cuộc tranh luận miệng xảy ra, bởi vì rất khó để chỉ trích hay lên án sự thiên vị khá công khai về những gì các thẩm phán có thể nói trong ý kiến ​​​​của họ. “Đó là bởi vì Trump đã thắng rồi.”

Mời xem video bài bình luận qua Youtube

Vụ án này liên quan đến việc trì hoãn phiên tòa xét xử ông ta ở Washington DC vụ ngày 6 tháng 1 và Tối cao Pháp viện do Đảng Cộng hòa kiểm soát đã gần như trao cho ông ta mọi thứ mà ông ta có thể hy vọng một cách hợp lý và nhiều hơn thế nữa.

Lập luận của Trump trong trường hợp này là rất yếu, và khó có khả năng đối với ngay cả Tối cao Pháp viện này, với đa số 6-3 nghiêng về đảng Cộng hòa, sẽ cho rằng Trump được phép phạm tội khi ông ta còn là tổng thống. Lập luận về quyền miễn trừ của Trump rộng đến mức luật sư của ông ta, Todd Blanche nói với tòa án cấp dưới rằng điều đó sẽ được áp dụng ngay cả khi ông ta ra lệnh cho quân đội giết một trong những đối thủ của mình và mạnh mẽ khẳng định rằng Trump chỉ có thể bị truy tố nếu lần đầu tiên bị luận tội và kết án.

Nhưng trường hợp này thực ra chưa bao giờ đề cập đến việc liệu Hiến pháp có cho phép một tổng thống đương nhiệm tránh bị truy tố hay không nếu ông ta sử dụng quyền lực của tổng thống để phạm tội. Mục tiêu của Trump không phải là giành được một lệnh khó có thể xảy ra của Tối cao Pháp viện cho rằng ông ta có thể ám sát các đối thủ chính trị của mình mà mục tiêu của Trump chính là trì hoãn phiên tòa hình sự ở Washington của ông ta vì âm mưu lật ngược chiến thắng của Tổng thống Joe Biden trong cuộc bầu cử năm 2020 càng lâu càng tốt – và lý tưởng nhất là kéo dài được cho đến sau cuộc bầu cử năm 2024.

Và Tối cao Pháp viện này dường như đã sẵn lòng giúp đỡ ông ta. Thế nên tôi mới nói rằng: “Đó là bởi vì Trump đã thắng rồi.”

Theo nguyên tắc chung, các tòa án liên bang chỉ cho phép một tòa án có thẩm quyền xét xử một vụ việc tại một thời điểm. Vì vậy, khi Trump kháng cáo phán quyết của Thẩm phán Tanya Chutkan rằng, ông ta có quyền miễn trừ của tổng thống thì coi như đương nhiên thẩm phán Tanya Chutkan đã mất quyền giám sát tiếp tục phiên tòa hình sự của Trump cho đến khi kháng cáo đó được giải quyết.

Công tố viên đặc biệt Jack Smith hiểu rõ vấn đề này hơn bất kỳ ai, đó là lý do tại sao ông muốn Tối cao Pháp viện bỏ qua tòa phúc thẩm trung gian và ra phán quyết ngay lập tức về yêu cầu miễn trừ của Trump vào tháng 12 năm ngoái. Nhưng các thẩm phán đã từ chối yêu cầu đó. Sau khi tòa phúc thẩm ra phán quyết, họ cũng từ chối yêu cầu của Jack Smith về việc giải quyết vụ việc theo một lịch trình khẩn cấp hơn nhiều.

Vì vậy, đó là nhiều tháng trì hoãn, và tất cả đều là nhằm mục đích bề ngoài là cho phép các thẩm phán có thêm thời gian để tìm hiểu, nghiên cứu, suy nghĩ và cân nhắc câu hỏi liệu Trump có thể ra lệnh cho quân đội giết Joe Biden khi Trump vẫn còn là tổng thống hay không. Ngay cả khi thẩm phán Tanya Chutkan bắt tay vào giải quyết vụ án này ngay khi nó được trả lại cho bà ấy, vẫn chưa rõ liệu bà ấy có thể đưa vụ án ra phán quyết trước cuộc bầu cử vào tháng 11 này hay không.

Các luật sư của Trump tìm cách làm mờ ranh giới giữa các vụ kiện dân sự và truy tố hình sự – có nghĩa là tổng thống thực sự không thể bị kiện vì những hành động chính thức được thực hiện khi còn đương chức.

Theo tiền lệ của Tối cao Pháp viện, tất cả các viên chức chính phủ, từ một cảnh sát mới vào nghề cho đến tổng thống, đều được hưởng quyền miễn trừ ở một mức độ nào đó trước các vụ kiện liên bang do các công dân tư nhân đệ trình. Nếu chúng ta theo dõi các cuộc tranh luận về cải cách cảnh sát, chắc chắn chúng ta đã nghe thấy thuật ngữ “miễn trừ đủ điều kiện”. Đây là một học thuyết pháp lý thường cho phép các sĩ quan cảnh sát và hầu hết các viên chức chính phủ khác trốn tránh trách nhiệm pháp lý khi họ vi phạm các quyền của công dân.

Như Tối cao Pháp viện ra phán quyết trong vụ Harlow kiện Fitzgerald (1982), có ghi rõ rằng: “các quan chức chính phủ thực hiện các chức năng tùy ý, thường được miễn trách nhiệm pháp lý đối với các thiệt hại dân sự trong chừng mực hành vi của họ không vi phạm các quyền theo luật định hoặc hiến pháp đã được thiết lập rõ ràng mà một người bình thường lẽ ra đã biết”.

Mục đích của quyền miễn trừ này là để bảo vệ các viên chức chính phủ khỏi loại trách nhiệm pháp lý có thể ngăn cản họ thực hiện tốt công việc của mình. Harlow lập luận rằng “quyền miễn trừ đủ điều kiện” bảo đảm rằng những căng thẳng của vụ kiện tụng sẽ không làm chệch hướng “năng lượng chính thức khỏi các vấn đề công cộng cấp bách”. Nó ngăn chặn các vụ kiện ngăn cản “những công dân có năng lực chấp nhận chức vụ công”. Và Tòa án ở Harlow cũng cảnh báo về “mối nguy hiểm rằng nỗi sợ bị kiện sẽ làm giảm nhiệt tình của tất cả mọi người, ngoại trừ những viên chức chính phủ kiên quyết nhất hoặc vô trách nhiệm nhất trong việc thực hiện nhiệm vụ của họ một cách không nao núng.’”

Tuy nhiên, mặc dù quyền miễn trừ đủ điều kiện thường ngăn cản các vụ kiện dân sự chống lại cảnh sát và các viên chức chính phủ khác được tiến hành, nhưng nó chưa bao giờ được hiểu là lá chắn chống lại việc truy tố hình sự. Chỉ cần hỏi Derek Chauvin, viên cảnh sát bị kết án vì đã tước đoạt mạng sống của một người đàn ông da Đen, George Floyd.

Tối cao Pháp viện cũng đã ra phán quyết rằng một danh sách ngắn các viên chức chính phủ – công tố viên, thẩm phán và tổng thống – có “quyền miễn trừ tuyệt đối” khỏi các vụ kiện dân sự. Điều này là do những người đảm nhiệm ba công việc này rất dễ bị tổn thương trước các vụ kiện quấy rối do các đương sự tư nhân đệ trình. Các công tố viên thực hiện nhiệm vụ đòi hỏi họ phải chống lại các đương sự tiềm năng: bị cáo hình sự. Và nhiệm vụ của các thẩm phán nhất thiết đòi hỏi họ phải ra phán quyết có lợi cho một số bên và chống lại những bên khác – những người sau đó có thể quay lại và kiện thẩm phán.

Trong khi đó, Tối cao Pháp viện cảnh báo trong vụ Nixon kiện Fitzgerald (1982) rằng tổng thống “sẽ là mục tiêu dễ dàng xác định cho các vụ kiện đòi bồi thường dân sự” vì “sự hiện diện của văn phòng ông ấy và ảnh hưởng của hành động của ông ấy đối với vô số người”.

Tòa án lo ngại rằng các vụ kiện dân sự “có thể khiến Tổng thống mất tập trung vào các nhiệm vụ công cộng của mình, gây tổn hại không chỉ cho Tổng thống và văn phòng của ông mà còn cho Quốc gia mà chức vụ Tổng thống được thiết kế để phục vụ.”

Nhưng ngay cả khi quyền miễn trừ “tuyệt đối” này dành cho các tổng thống cũng không hoàn toàn tuyệt đối. Ví dụ, Tối cao Pháp viện phán quyết trong vụ Clinton kiện Jones (1997) rằng các tổng thống vẫn có thể bị kiện vì bị cáo buộc có hành vi sai trái không liên quan đến nhiệm vụ chính thức của họ. Và, quyền miễn trừ tuyệt đối chưa bao giờ được hiểu là lá chắn chống lại việc truy tố hình sự.

Trong khi Trump là tổng thống Mỹ duy nhất thực sự bị truy tố hình sự, có rất nhiều ví dụ về các thẩm phán hoặc công tố viên phải đối mặt với cáo buộc hình sự sau khi họ nhận hối lộ hoặc vi phạm luật hình sự. Và Văn phòng Cố vấn Pháp luật, một văn phòng thuộc Bộ Tư pháp có nhiệm vụ giải thích Hiến pháp cho cơ quan hành pháp của chính phủ, đã nói ít nhất từ ​​những năm 1970 rằng một cựu tổng thống có thể “phải chịu thủ tục tố tụng hình sự sau khi ông ấy rời nhiệm sở hoặc bị cách chức”.

Tổng thống khi đó là Gerald Ford cũng nổi tiếng với việc ân xá cho cựu Tổng thống Richard Nixon vì liên quan đến vụ bê bối Watergate. Quyết định của Gerald Ford đưa ra lệnh ân xá cũng như quyết định chấp nhận nó của Nixon sẽ không có ý nghĩa gì nếu Richard Nixon được miễn truy tố. Nếu có quyền miễn truy tố, bất khả xâm phạm thì việc gì phải nhận ân xá, điều này tôi đã có đề cập trong các bài bình luận trước đây nhiều lần.

Điều đó nói lên rằng, trong một bài xã luận đăng trên tờ New York Times ngay sau khi Tối cao Pháp viện quyết định trì hoãn phiên tòa xét xử Trump, giáo sư luật Lee Kovarsky của Đại học Texas đã đưa ra lập luận mạnh mẽ nhất có thể về việc cho các thẩm phán ít nhất một khoảng thời gian để đưa ra một giải pháp phù hợp, một cách tiếp cận đa sắc thái cho câu hỏi liệu một cựu tổng thống có được miễn truy tố hình sự hay không.

Kovarsky lập luận rằng Trump không nên được miễn truy tố vì cố gắng lật ngược cuộc bầu cử. Nhưng ông cảnh báo rằng “nền dân chủ Mỹ đang bước vào một thời kỳ cực kỳ nguy hiểm của sự phân cực – một thời kỳ mà những tổng thống ít ác ý hơn có thể phải đối mặt với những cuộc truy tố phù phiếm, mang tính chính trị hóa khi họ rời nhiệm sở”.

Vì lý do này, Kovarsky lập luận rằng “Tối cao Pháp viện nên nắm bắt cơ hội này để phát triển quyền miễn trừ hạn chế của tổng thống trong các vụ án hình sự” nhằm ngăn cản một tổng thống Cộng hòa tương lai truy tố Tổng thống Biden về tội là một đảng viên Đảng Dân chủ.

Lời kết:

Vấn đề với lập luận này là ngay cả khi Tối cao Pháp viện hiện tại có thể đưa ra một khuôn khổ pháp lý cho phép Jack Smith tiến hành truy tố Trump, đồng thời sàng lọc bất kỳ trường hợp nào trong tương lai mà tổng thống bị truy tố vì những lý do không chính đáng. Nhưng không ai có thể tin rằng Tối cao Pháp viện trong tương lai sẽ tuân theo khuôn khổ này.

Ngày nay, trong tÌnh hình chính trị phân cực nặng nề, một Tối cao Pháp viện hiện tại đã có những phán quyết mang tính chính trị lộ liễu và công khai nhất.

Quyết định của Tối cao Pháp viện công khai cố tình trì hoãn phiên tòa xét xử Trump trong nhiều tháng, thay vì đẩy nhanh vụ án này như Jack Smith yêu cầu là điều không thể biện minh được.

Ngày nay, Trump đang tìm kiếm một hình thức miễn trừ hoàn toàn mới, một hình thức miễn trừ chưa bao giờ được bất kỳ tòa án nào công nhận và một hình thức có thể loại bỏ hậu quả của việc vi phạm luật hình sự nếu một tổng thống quyết định sử dụng quyền lực của mình như một bạo chúa.

Việt Linh

https://www.bnnbloomberg.ca/trump-s-immunity-gambit-at-supreme-court-a-delay-is-still-a-victory-1.2062145

https://thehill.com/homenews/ap/ap-politics/ap-what-to-know-about-the-supreme-court-case-about-immunity-for-former-president-trump/

https://www.motherjones.com/politics/2024/04/supreme-court-homeless-trump/

https://www.ourquadcities.com/news/national-news/ap-the-supreme-court-will-decide-whether-trump-is-immune-from-federal-prosecution-heres-whats-next-2/