Một cựu lãnh đạo NATO kêu gọi Tổng thống Joe Biden và các thành viên Đảng Dân chủ nên “ủng hộ quan điểm của Đảng Cộng hòa” về cuộc khủng hoảng biên giới phía Nam để giúp giảm bớt cơ hội chiến thắng của Donald Trump vào tháng 11 và bảo đảm viện trợ cho các đồng minh của Mỹ.
Mời xem video bài bình luận qua Youtube
Trong một cuộc phỏng vấn với Politico hôm thứ Ba, một ngày sau khi Trump thống trị các cuộc họp kín ở Iowa , cựu Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen nói rằng đảng Dân chủ nên đạt được thỏa thuận với đảng Cộng hòa về việc tài trợ cho biên giới phía Nam trong nỗ lực bảo đảm viện trợ mới cho Ukraine trong cuộc chiến của nước này chống lại Nga, cũng như hỗ trợ các đồng minh khác của Mỹ, đồng thời dập tắt một cơ hội để tấn công Tổng thống Biden của Đảng Cộng hòa.
Rasmussen nói rằng: “Nếu tôi được Đảng Dân chủ hỏi phải làm gì, lời khuyên của tôi sẽ là điều chỉnh quan điểm của Đảng Cộng hòa về vấn đề biên giới và tạo ra một gói gồm 4 yếu tố: hỗ trợ Ukraine, hỗ trợ Israel, hỗ trợ Đài Loan và giải quyết vấn đề biên giới”.
Tổng thống Biden nếu thực sự muốn giành chiến thắng, ông cần thể hiện sự quan tâm đến việc giải quyết vấn đề đó trước khi chiến dịch bầu cử bắt đầu một cách nghiêm túc.
Vấn đề biên giới đã trở thành mối quan tâm chính của cử tri năm 2024, theo một cuộc thăm dò của CBS News công bố hôm Chủ nhật cho thấy gần một nửa số cử tri Mỹ được khảo sát đồng ý với nhận xét gây tranh cãi của Trump rằng những người nhập cư bất hợp pháp đang “đầu độc máu” đất nước bất chấp Biden và các nhà lãnh đạo chính trị cho rằng nhận xét của Trump dựa theo chủ trương độc tài, phân biệt chủng tộc của Adolf Hitler.
Rasmussen, người từng giữ chức thủ tướng Đan Mạch từ năm 2001 đến năm 2009, cho biết các đảng viên Đảng Dân chủ nên lưu ý đến việc nhập cư đã thay đổi cục diện chính trị châu Âu như thế nào, thúc đẩy các chiến dịch của các chính trị gia cực hữu ở một số nước.
Người từng đứng đầu NATO cho biết rằng: “Nếu Tổng thống Biden không giải quyết vấn đề nhập cư và biên giới một cách hiệu quả thì chính ông ấy sẽ tiếp tay cho những kẻ cực đoan đánh bại ông”.
Tổng thống Biden, người đang muốn xoa dịu những lo ngại về lập trường của mình về vấn đề nhập cư khi vận động tái tranh cử, đã phải đối mặt với sự chỉ trích ngày càng tăng của lưỡng đảng về cách giải quyết xung đột biên giới Mỹ-Mexico của ông, khi đất nước này đang phải đối mặt với sự gia tăng số lượng người di cư vượt biên nhiều hơn trước đây gấp nhiều lần. Theo Cơ quan Hải quan và Biên phòng Hoa Kỳ, 2,4 triệu cuộc chạm trán ở biên giới phía Nam vào năm 2023 so với khoảng 1,7 triệu vào năm 2021.
Trong khi những người bảo thủ đổ lỗi cho các chính sách của chính quyền Biden về sự gia tăng người nhập cư đến ào ạt gần đây, họ cho rằng chính sách của ông Biden đã khuyến khích những người nhập cư bất hợp pháp mạnh dạn hơn, các chuyên gia lưu ý rằng các yếu tố khác, chẳng hạn như bất ổn chính trị và tài chính ở một số quốc gia Trung Mỹ, đã thúc đẩy làn sóng di cư sang Mỹ. Tổng thống Biden phải đối mặt với làn sóng chỉ trích mới vào cuối tuần khi ông từ chối gọi tình hình là “khủng hoảng quốc gia“.
Biden và các đảng viên Dân chủ trong quốc hội đã cố gắng trong nhiều tháng để bảo đảm hàng tỷ đô la viện trợ cho Ukraine, Israel và Đài Loan, nhưng đảng Cộng hòa, những người kiểm soát Hạ viện, đã từ chối đồng ý với dự luật tài trợ này trừ khi nó cũng bao gồm tài trợ để tăng cường an ninh biên giới và thắt chặt hơn nữa luật nhập cư.
Rasmussen nói rằng đảng Dân chủ nên coi chủ đề an ninh biên giới như đòn bẩy chính trị để đạt được thỏa thuận với các đồng nghiệp của họ ở Quốc hội. Ông kêu gọi bất kỳ đảng viên Đảng Dân chủ nào đang cố gắng ngăn chặn các thỏa thuận an ninh biên giới hãy “tỉnh ngộ”.
Rasmussen nói rằng: “Nếu tôi là người lãnh đạo chiến dịch tranh cử của Đảng Dân chủ, tôi sẽ không ngần ngại kết thúc vấn đề này – để tạo điều kiện cho Đảng Cộng hòa biến nó thành vấn đề không phải là vấn đề trong chiến dịch bầu cử sắp tới”.
Lời kết:
Về vấn đề nan giải “người nhập cư”, tôi hoàn toàn đứng về phía những đảng viên Cộng hòa, về phía Greg Abbott, thống đốc Texas, cũng là đồng quan điểm với ông Rasmussen, cựu Tổng thư ký NATO, những người họ nói đúng.
Nếu ông Biden vẫn khăng khăng từ chối gọi đây là một cuộc khủng hoảng quốc gia, không đồng ý tài trợ cho vấn đề an ninh ở biên giới thì ông sẽ không thể nào có được tài trợ cho Ukraine, Israel, Đài Loan. Chính sách đối ngoại của ông sẽ gặp khó. Đất nước đang rối ren, lửa đang âm ỉ cháy, không lo chữa cháy mà sang đứng canh chừng lửa có thể cháy bên nhà hàng xóm không phải là cách điều hành quốc gia một cách khôn ngoan.
Ông Biden cần phải cứng rắn hơn cả những người Cộng hòa, phải đóng cửa biên giới, kiểm soát, sàng lọc gay gắt hơn với những người tị nạn kinh tế, trước mắt để ổn định an ninh và khiến dòng người di cư sẽ chán nản, quay về. Không có nguồn lực nhân sự và tài chính để giải quyết mà để người di cư vào tràn lan, gây khó khăn cho các tiểu bang sát biên giới, dẫn đến việc chống đối chính quyền liên bang từ các tiểu bang sát biên giới. Nói đơn giản, một người đi buôn, trong túi chỉ có 10 đồng, nhưng muốn mua nhiều món hàng với giá vài chục đồng, không vay thêm được ai mà cũng chẳng muốn mua đúng với số tiền mình đang có. Ông Biden sẽ mất đi sự ủng hộ của các cử tri độc lập. Cộng với sự ủng hộ bất chấp một nhà nước diệt chủng Israel, viện trợ vũ khí ào ạt, ông lại đánh mất thêm sự ủng hộ từ những cử tri Hồi giáo và da màu.
Với tỷ lệ tán thành cho công việc của ông không được khả quan, thì hầu như sự mất điểm, mất sự ủng hộ là do chính sách tồi của ông mà ra chứ không vì sự tấn công của đảng Cộng hòa và Donald Trump. Nên tôi không thấy có hy vọng gì với khả năng chiến thắng của ông Biden với những chính sách mà tôi gọi một cách lịch sự là “không hợp thời thế, không hợp lòng người”. Nếu là như thế, thì không có cách nào thắng được.
Việt Linh
https://ecfr.eu/wp-content/uploads/2023/05/Brace-yourself-How-the-2024-US-presidential-election-could-affect-Europe.pdf https://www.economist.com/business/2024/01/16/many-ceos-fear-a-second-trump-term-would-be-worse-than-the-first