Tòa án sẽ nghe các các tranh luận miệng trong tuần này rằng Trump nên bị cấm tranh cử vì ông ta đã vi phạm Tu chính án thứ 14 của Hiến pháp và ủng hộ cuộc nổi dậy vào ngày 6 tháng 1. Theo nhiều chuyên gia Hiến pháp, các nhà học giả với sự hiểu biết sâu rộng về Hiến pháp đều có cùng nhận định rằng Tòa án Tối cao sẽ không loại bỏ Trump.
Mời xem video bài bình luận qua Youtube
Nói cách khác, trong một trường hợp mà Tòa án Tối cao có thể cần phải đặt ngón tay lên bàn cân ủng hộ việc giữ hòa bình cho đất nước hơn là tuân thủ luật pháp và nhận định vụ án theo chủ nghĩa nguyên bản, thì vụ án của Trump lần này chính là trường hợp đó.
Các học giả pháp lý, chuyên gia an ninh quốc gia và các nhà phân tích chính trị đang bàn luận khá sôi nổi về những hậu quả nghiêm trọng sẽ xảy ra một khi Trump bị loại khỏi lá phiếu.
Điều gì sẽ xảy ra nếu tòa án gây chấn động cả nước và phán quyết Trump không còn đủ tư cách?
Nó có ý nghĩa gì đối với cuộc đua tổng thống năm 2024, đối với Tòa án Tối cao và đối với một xã hội nơi căng thẳng chính trị đang gia tăng?
Chắc chắn sẽ xảy ra một loại bạo lực nào đó, hay liệu quyết định đó có thể bóp chết nó từ trong trứng nước?
Các nhà phân tích chính trị, học giả pháp lý và chuyên gia an ninh thông minh đã nghĩ trước, nghĩ xa về những điều mà những người bình thường như chúng ta không hay chưa từng nghĩ đến. Họ chỉ tóm gọn vào hai câu nhận định ngắn gọn, đó là: ‘Bạo lực có thể xảy ra bất kể chuyện gì xảy ra’ và ‘Không đời nào Tòa án Tối cao loại Donald Trump khỏi lá phiếu’.
Sau đây là một số quan điểm của họ:
Rachel Kleinfeld là thành viên cấp cao tại Quỹ Hòa bình Quốc tế Carnegie tin rằng quyết định của Tòa án Tối cao có thể đưa đất nước quay trở lại tình trạng bạo lực hàng loạt giống như ngày 6 tháng 1 là sai lầm.
Trong năm qua, Trump đã không thể tập hợp được những đám đông bạo lực lớn mặc dù ông ta đã thất bại trong nhiều phiên tòa. Các dòng tweet của ông ta chỉ có thể tạo động lực xúc tác cho những người theo dõi ông ta để đe dọa các mục tiêu cụ thể – chẳng hạn như thẩm phán, công tố viên , nhân chứng và FBI. Mặc dù quyết định của Tòa án Tối cao có thể sẽ gây ra nhiều cuộc biểu tình vũ trang tại các tiểu bang và các hành vi bạo lực cá nhân nhưng một sự kiện bạo lực lớn như ngày 6 tháng 1 ít có khả năng xảy ra.
- Trên thực tế, bạo lực vẫn sẽ xảy ra dù phán quyết là YES or NO.
Nếu Tòa án Tối cao không loại bỏ Trump và ông ta được quyền tiếp tục chiến dịch tranh cử của mình, thì những bài phát biểu và phong cách tranh cử của ông ta sẽ mạnh mẽ hơn, cổ võ bạo lực nhiều hơn vì ông ta đã vượt qua được luật pháp, sự mạnh mẽ và hung hăng của Trump có thể sẽ tạo ra nhiều vụ bạo lực đến mức một nhóm các nhà nghiên cứu bạo lực gần đây đã soạn thảo một tài liệu dài bảy trang sắp ra mắt liệt kê các mối lo ngại có thể xảy ra, từ tội phạm căm thù gia tăng đến bạo lực chống lại các nhà báo, người da màu, người nhập cư, người trong cộng đồng LGBT.
Nếu Trump thua cuộc bầu cử, những người ủng hộ ông ta có thể sẽ tham gia vào các cuộc bạo lực lớn. Nhưng trên thực tế, khả năng thu hút đám đông lớn của Trump hiện đã bị giảm sút do những người ủng hộ ông ta vẫn có cảm giác lo sợ khi thấy những người đã tham gia vụ bạo loạn ngày 6 tháng 1 vẫn còn đang trong lao tù.
Nếu tòa án không loại bỏ ông ta khỏi cuộc bỏ phiếu và Trump thắng cử, ông ta đã vạch ra kế hoạch tạo ra các trại giam giữ và trục xuất hàng loạt, điều này chắc chắn sẽ dẫn đến những cái chết không đáng của các công dân Mỹ cũng như những người nhập cư bất hạnh không có giấy tờ. Trump có thể sẽ sử dụng Đạo luật Chống nổi loạn để khai triển quân đội trên đường phố Mỹ và một lần nữa có thể lạm dụng cảnh sát liên bang. Những chiến thuật này có thể được mong đợi để chống lại các cuộc biểu tình có khả năng xảy ra sau lễ nhậm chức của ông ta cũng như tại các tiểu bang Xanh. Chính sách tồi là nguyên nhân chính khiến các cuộc biểu tình ôn hòa biến thành bạo loạn.
Vì vậy, việc tòa án quyết định giải quyết vấn đề này từ trong trứng nước là điều người Mỹ trên cả nước mong mỏi nhất.
- ‘Tòa án có thể tăng tính hợp pháp được công nhận của mình’
Aaron Tang là giáo sư luật tại Đại học California đồng thời là tác giả của cuốn sách “Sự kiêu ngạo và tự tin thái quá đang phá hủy tòa án như thế nào?” cho biết rằng: “Dự đoán tốt nhất của tôi là quyết định của Tòa án Tối cao loại Donald Trump khỏi lá phiếu trên cả nước sẽ đi kèm với rủi ro lớn nhưng bù lại là phần thưởng lớn cho đất nước và tòa án.
Về mặt rủi ro, mối quan tâm cấp bách nhất là những người ủng hộ nhiệt thành nhất của Trump sẽ phản ứng thế nào. Chúng tôi biết rất rõ từ ngày 6 tháng 1 rằng một số người ủng hộ ông ta sẵn sàng tham gia bạo lực vũ trang thay mặt ông ấy – và vì vậy, mối lo ngại là phán quyết không đủ tư cách sẽ dẫn đến các cuộc bạo loạn này. Nhưng cũng có mối lo ngại pháp lý lâu dài hơn, đó là: Một khi Mục 3 được sử dụng để loại một ứng cử viên chính khỏi lá phiếu, thì khả năng các quan chức bầu cử tiểu bang và tòa án tiểu bang sẽ sử dụng nó trong tương lai cho các mục đích đảng phái sẽ rất lớn. Ví dụ, Phó Thống đốc Texas, Dan Patrick đã đưa ra ý tưởng lập luận rằng Tổng thống Joe Biden nên bị loại dựa trên chính sách nhập cư. Ngay cả khi nhiều người tin rằng điều đó không cấu thành một cuộc nổi dậy Mục 3, thì vẫn có nguy cơ lớn là một số thẩm phán sẽ không đồng ý, dẫn đến sự không chắc chắn lớn và sự can thiệp bổ sung của Tòa án Tối cao vào các cuộc tranh cử trong tương lai.
Về mặt phần thưởng tiềm năng, tôi nghĩ rất có khả năng tòa án có thể nâng cao tính hợp pháp được công chúng nhận thức của mình, giả sử tòa án có thể đưa ra những khác biệt hợp lý để giải thích tại sao ngày 6 tháng 1 là một cuộc nổi dậy còn các lựa chọn chính sách thông thường khác thì không. Rốt cuộc, các đảng viên Đảng Dân chủ và những người ôn hòa phản đối Trump chắc chắn sẽ nghĩ rằng tòa án sẽ bớt thiên vị đảng phái hơn nếu loại bỏ ông ta, và bất kỳ sự bất mãn nào trong các đảng viên Đảng Cộng hòa có thể sẽ tan biến khi Đảng Cộng hòa chọn được một ứng cử viên mới, không có tai tiếng và rắc rối pháp lý như Trump.
Tuy nhiên, điều nghịch lý là tính hợp pháp được nâng cao này có thể gây ra bất lợi cho các đảng viên Đảng Dân chủ và những người ôn hòa về lâu dài. Vì Tòa án Tối cao có thể cảm thấy được khuyến khích nhiều hơn trong việc tham gia sâu hơn vào chính trị nhằm chuyển đổi luật về súng, luật môi trường, quyền phá thai, quyền bầu cử và nhiều hơn thế nữa. Nói cách khác, các thẩm phán bảo thủ có thể cảm thấy rằng phán quyết loại bỏ tư cách của Trump đã đem lại cho họ thêm một lợi thế chính trị nhất định mà họ có thể đem ra sử dụng trong tương lai để thúc đẩy các ưu tiên bảo thủ. Liệu đó có phải là một sự đánh đổi xứng đáng từ góc độ của quốc gia hay không là câu hỏi trị giá hàng triệu đô la.
- ‘Sẽ khó có thể coi đó là một quyết định “đảng phái” hay “tự do”‘
Richard L. Hasen là giáo sư luật và khoa học chính trị tại UCLA, nơi ông đứng đầu Dự án Bảo vệ Dân chủ. Ông là tác giả của cuốn sách: “Sửa đổi Hiến pháp có thể bảo vệ nền dân chủ Mỹ như thế nào.”
Ông cho rằng dù Tòa án Tối cao ra phán quyết như thế nào trong trường hợp Trump bị loại, thì chắc chắn sẽ có một số người sẽ tức giận. Các câu hỏi mà vụ kiện đặt ra rất phức tạp về mặt pháp lý, thực tế và thủ tục, và có rất ít tiền lệ để tòa án dựa vào khi giải quyết vụ việc. Điều đó có nghĩa là quan điểm về giá trị của vụ án, dù là của công chúng, của các luật sư khác hay của chính các thẩm phán, có thể bị ảnh hưởng một cách có ý thức bởi câu hỏi liệu Trump có nên bị loại khỏi lá phiếu hay không. Và bất kỳ phán quyết nào trái ngược với quan điểm chuẩn mực của một người về Trump đều có thể bị nhiều người nghi ngờ.
Nếu phán quyết đưa ra rằng Trump trên thực tế phải bị loại, sẽ khó có thể coi đó là một quyết định “đảng phái” hay “tự do”. Chỉ có ba thẩm phán do Đảng Dân chủ bổ nhiệm tại tòa án, vì vậy phán quyết chống lại Trump sẽ cần có phiếu bầu của ít nhất hai thẩm phán do Đảng Cộng hòa bổ nhiệm. Điều này trái ngược với phán quyết có thể xảy ra với tỷ số 6-3, trong đó các thẩm phán chia rẽ theo đường lối đảng phái với phe bảo thủ giữ Trump trong lá phiếu và phe tự do bỏ phiếu để loại bỏ ông ta. Có lẽ nếu Trump bị loại với cuộc bỏ phiếu của ít nhất hai thẩm phán bảo thủ, thì nhiều cử tri bất kể là ủng hộ đảng nào đều sẽ dễ dàng đồng tình với phán quyết loại bỏ tên Trump khỏi lá phiếu, và cơ sở đảng phái sẽ không có chỗ đứng của sự chỉ trích.
Ý tưởng rằng Tòa án Tối cao sẽ loại khỏi lá phiếu một ứng cử viên, người đang có hàng triệu người ủng hộ mạnh mẽ, ngay giữa cuộc bầu cử gần kề có nguy cơ gây bất ổn xã hội trong thời kỳ phân cực chính trị căng thẳng. Nhưng đó không phải là lý do để Tòa án Tối cao trốn tránh việc làm đúng.
‘Sự khởi đầu của một cuộc làm sáng tỏ đẫm máu hơn nữa’
Aziz Huq giảng dạy luật tại Đại học Chicago và là tác giả cuốn sách “Sự sụp đổ của các biện pháp hiến pháp”.
Aziz Huq nói rằng: “Nếu Tòa án Tối cao tuân theo chủ nghĩa nguyên bản của Hiến pháp và luật pháp, họ sẽ phải tuyên bố Donald Trump nên bị loại khỏi lá phiếu. Tôi không mong tòa án ra phán quyết như vậy nhưng nếu làm như vậy thì sự việc có được giải quyết không? Về mặt lý thuyết, quyết định này chỉ ràng buộc giữa hai bên Trump và các đương sự ở tiểu bang Colorado. Tôi dự đoán rằng một quyết định như vậy sẽ gây ra các làn sóng phản kháng chồng chéo và nối tiếp.
Đầu tiên, tôi không rõ liệu các nhà lập pháp và quan chức ở các tiểu bang thuộc Đảng Cộng hòa có tôn trọng quyết định đó của Tòa án Tối cao khi chuẩn bị các lá phiếu tổng tuyển cử vào tháng 11 hay không.
Thứ hai, các nhà lập pháp tiểu bang có thể hướng dẫn nhóm đại cử tri của Cử tri đoàn bỏ phiếu cho Trump bất kể là đảng Cộng hòa có một ứng cử viên khác. Không khó để tưởng tượng những lập luận có thể được đưa ra để biện minh cho điều này – rằng Trump đã bị loại một cách bất công, rằng việc sửa chữa điều này chỉ đơn giản là sự phục hồi chứ không phải là sự trừng phạt.
Cuối cùng, những cử tri bình thường của Trump thì sao? Họ sẽ chấp nhận kết quả đó một cách hòa bình hay coi đó là một biểu hiện khác của “trạng thái chia rẽ sâu sắc?” Tôi nghi ngờ rằng phán quyết của Tòa án Tối cao nếu loại ông ta khỏi chức vụ sẽ nâng cao những lời lẽ và hành động bạo lực của một số người.
Nói cách khác, chiến thắng dành cho các nguyên đơn ở Colorado sẽ không phải là dấu chấm hết, thay vào đó nó có thể là sự khởi đầu cho một cuộc tháo gỡ đẫm máu hơn nữa các chuẩn mực dân chủ.
- ‘Nhiều cử tri MAGA có thể không tham gia cuộc bầu cử’
Ashley Jardina là trợ lý giáo sư về chính sách công tại Trường Lãnh đạo và Chính sách công Frank Batten tại Đại học Virginia. Bà là tác giả của cuốn sách “Chính trị bản sắc da trắng năm 2019.”
Các nhà khoa học chính trị đã phát hiện ra rằng có một số lượng đáng ngạc nhiên khi có nhiều người Mỹ nói rằng họ sẵn sàng tha thứ cho bạo lực chính trị khi được hỏi trong các cuộc khảo sát dư luận. Bằng chứng đó, cùng với các sự kiện ngày 6 tháng 1, cho thấy chắc chắn có khả năng xảy ra tình trạng bất ổn nếu Trump bị loại khỏi việc tranh cử nhiệm kỳ thứ hai.
Tôi nghi ngờ việc Tòa án Tối cao sẽ loại Trump khỏi tư cách tranh cử tổng thống. Nhưng nếu Trump không có tên trong lá phiếu, chúng ta có thể thấy tỷ lệ cử tri Đảng Cộng hòa đi bỏ phiếu thấp hơn dự kiến. Vào năm 2016, lời kêu gọi của Trump đối với nền chính trị bất bình của người da trắng đã huy động được những người Mỹ da trắng phản đối việc nhập cư và thất vọng trước sự đa dạng chủng tộc và sắc tộc ngày càng tăng của đất nước. Khó có khả năng chính những cử tri da trắng này, những người thường là những người ủng hộ nhiệt tình nhất của Trump, sẽ chuyển lòng trung thành sang Nikki Haley. Điều đặc biệt khó xảy ra là Trump đã nêu bật bản sắc Nam Á của Nikki Haley và đặt câu hỏi về tư cách tranh cử tổng thống của bà vì tình trạng nhập cư của cha mẹ bà. Chắc chắn nhiều cử tri MAGA có thể không tham gia cuộc bầu cử.
- ‘Họ đơn giản sẽ phớt lờ Tòa án tối cao’
Scott Jennings là cố vấn lâu năm của Đảng Cộng hòa và là nhà bình luận chính trị cấp cao của CNN nói rằng: “Một số tiểu bang do Đảng Cộng hòa điều hành sẽ đơn giản phớt lờ phán quyết của Tòa án Tối cao và đưa tên Trump vào lá phiếu ngay cả khi RNC đề cử người khác.
Tôi nghi ngờ rằng Nikki Haley hoặc bất kỳ ứng cử viên chống Trump nào có thể nhận được đề cử trong những trường hợp này. Về mặt lý thuyết, tôi nghi ngờ đảng Cộng hòa có thể tiến tới việc đưa một người ủy quyền thay thế Trump cho việc đề cử, người đó chắc chắn không phải là Nikki Haley. Theo tất cả những gì tôi biết, có thể là Donald Trump Jr. để giữ tên Trump trên lá phiếu.
- ‘Các cuộc biểu tình cực hữu có vũ trang’
Steven Simon là giáo sư thỉnh giảng về Nghiên cứu Trung Đông tại Đại học Washington và là nhân viên của Hội đồng An ninh Quốc gia dưới thời chính quyền Clinton và Obama. Jonathan Stevenson là thành viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) và từng phục vụ trong Hội đồng An ninh Quốc gia dưới thời chính quyền Obama.
Cả hai ông đều cho rằng: “Đây là một câu hỏi gây khó chịu và cần thiết. Mục 3 của Tu chính án thứ 14 rõ ràng cấm Donald Trump trở lại làm tổng thống. Từ quan điểm pháp lý nghiêm ngặt, việc Tòa án tối cao này áp dụng nó để ngăn cản việc ứng cử của Trump là điều không cần bàn cãi. Nhưng bối cảnh chính trị đang trở nên phân cực gay gắt và hậu quả của việc Trump bị loại khỏi cuộc đua tổng thống có thể rất nghiêm trọng.
Căn cứ Đảng Cộng hòa MAGA của Trump, bao gồm các nhóm dân quân được trang bị vũ khí mạnh, đang sôi sục vì điều mà họ tin là thất bại gian lận của ông ta vào năm 2020 và nhiều người cho rằng họ sẽ trả thù vào tháng 11 năm nay. Câu hỏi quan trọng được đặt ra là có bao nhiêu người sẽ tham gia vào cuộc phản kháng có vũ trang.
Sự hoạt động mạnh mẽ của các cơ quan thực thi pháp luật liên bang sau vụ bạo loạn 6 tháng 1 dường như đã có tác dụng răn đe. Số lượng những người thực sự tin tưởng sẽ cầm vũ khí thay mặt Trump có lẽ không nhiều. Việc tăng cường giám sát và các nỗ lực thực thi pháp luật cũng khiến cho các cuộc nổi dậy có tổ chức và được dàn dựng tập trung trở nên khó khăn hơn.
Chính quyền dân sự liên bang có thể không thể khuất phục được bạo lực và khôi phục trật tự chung. Và tổng thống Biden có thể cảm thấy buộc phải áp dụng Đạo luật chống nổi dậy và khai triển quân đội Hoa Kỳ chống lại công dân Mỹ – một trong những quyền lực phi thường mà Trump đã ra hiệu rằng ông sẽ sử dụng nó nếu tái đắc cử.
- ‘Một điểm khó khăn cho một nước cộng hòa lập hiến’
Rick Wilson là một chiến lược gia chính trị kỳ cựu, người đồng sáng lập Dự án Lincoln.
Ông cho rằng nếu tòa án bằng cách nào đó ngăn chặn sự tham gia của Trump do vai trò của ông ấy trong cuộc nổi dậy, thì chúng ta sẽ rơi vào tình trạng bạo lực và hỗn loạn. Tôi vô cùng lo lắng về vấn đề đấu tranh giữa pháp quyền và mối đe dọa bạo lực dân sự. Đó là một điểm khó khăn cho một nước cộng hòa lập hiến.
- ‘Sự gia tăng rõ rệt của chủ nghĩa cực đoan bạo lực’
Donell Harvin là chuyên gia và nhà giáo dục về an ninh nội địa với hơn 30 năm phục vụ an ninh công cộng và là cây bút cộng tác cho Tạp chí POLITICO. Ông cho rằng, khả năng Tòa án Tối cao loại Donald Trump khỏi tư cách tái tranh cử sẽ dẫn đến tình trạng hỗn loạn đáng kể ở đất nước chúng ta, đặc biệt là trong số những người ủng hộ trung thành nhất của ông ta. Hậu quả trực tiếp và đáng lo ngại nhất đối với an ninh nội địa sẽ là sự gia tăng rõ rệt của chủ nghĩa cực đoan bạo lực. Trong sự nghiệp chính trị của mình, và đặc biệt là sau khi thất bại trong cuộc tái tranh cử năm 2020, Trump đã thành công trong việc tự coi mình là nạn nhân. Việc Trump nhấn mạnh rằng chính phủ đang theo đuổi những “người bình thường” và Trump đang bảo vệ họ nên phải chịu sự đàn áp đã gây được tiếng vang. Loại ngôn ngữ này bổ sung thêm cho những phần tử cực đoan gồm những thành phần bị gạt ra ngoài lề xã hội và bị cô lập, các nhóm chống chính phủ, các nhóm thù hận, những người theo thuyết âm mưu và dân quân vũ trang, những người đều lo sợ rằng một ngày nào đó chính phủ sẽ đến truy lùng họ.
Chủ nghĩa cực đoan bạo lực mà tôi hình dung sẽ bao gồm từ bạo lực lan rộng nhằm vào các tòa nhà và biểu tượng của chính phủ, đến các hành động bạo lực có mục tiêu và khủng bố ngẫu nhiên nhằm vào bất kỳ cá nhân nào được cho là đang tích cực làm việc chống lại lợi ích của Donald Trump. Vào ngày 6 tháng 1 năm 2021, thế giới đã tận mắt chứng kiến khả năng của phe cực đoan ủng hộ Trump, trong một cuộc tấn công đặc biệt và được lên kế hoạch hơi vội vàng nhằm vào Điện Capitol của Hoa Kỳ. Vậy thì, hãy tưởng tượng một lực lượng được chuẩn bị tốt hơn và quyết tâm hơn với sức mạnh lớn hơn, vũ khí nhiều hơn, đang tìm cách trả thù chính xác Tòa án Tối cao vì quyết định được cho là có động cơ chính trị của họ. Họ sẽ coi tòa án tối cao là những kẻ phản bội hiến pháp, giống như họ đã làm với Mike Pence, và tìm cách đưa ra hình phạt phù hợp cho tội ác của họ.
Cuối cùng, các cuộc thảo luận xung quanh việc ly khai của “các tiểu bang đỏ” hay khái niệm “ly hôn quốc gia” sẽ có được thêm động lực mới sau phán quyết của Tòa án Tối cao. Gần đây, chúng ta đã thấy cuộc thảo luận này được khơi dậy bởi Thống đốc Texas Greg Abbott về tranh chấp biên giới, với 25 thống đốc đảng Cộng hòa công khai bày tỏ sự ủng hộ đối với việc Abbott chế giễu một quyết định gần đây của Tòa án Tối cao.
Trong khi việc Donald Trump tái đắc cử có thể kéo theo làn sóng chủ nghĩa cực đoan trong nước được bình thường hóa, thì việc Donald Trump bị loại có thể đẩy chúng ta vào vực thẳm bạo lực và chia rẽ chưa từng thấy kể từ sau Nội chiến.
Lời kết:
Bằng cách giữ tên Trump trong lá phiếu, Tòa án Tối cao sẽ bãi bỏ một cách hiệu quả một phần Hiến pháp trực tiếp mà không cần bận tâm đến đại đa số ở cả lưỡng viện Quốc hội và cơ quan lập pháp tiểu bang mà Hiến pháp yêu cầu sửa đổi tài liệu đó.
Chỉ một quyết định đúng đắn duy nhất sẽ củng cố Hiến pháp, nền dân chủ và pháp quyền của người Mỹ. Câu thần chú “Tổng thống hay cựu Tổng thống không phải là Vua” nên áp dụng cho tất cả mọi người – kể cả các thẩm phán Tòa án tối cao và các tổng thống, cựu tổng thống.
Người Mỹ có lẽ phải chịu đau một lần để cắt bỏ khối ung nhọt ngày càng lớn, chịu đau một lần để không bị lần nữa. Nếu sợ đau, thì người Mỹ sẽ còn đau dài dài đến lúc tay chân bị hoại tử và phải cắt bỏ tứ chi để bảo toàn một thân thể không còn lành lặn.
Việt Linh
https://www.bbc.com/news/world-us-canada-66690276
https://www.scotusblog.com/2024/02/supreme-court-to-decide-whether-insurrection-provision-keeps-trump-off-ballot/