Đủ rồi! Tòa án tối cao phải dừng lại!

0
3173

Khi các chính trị gia Đảng Cộng hòa cố gắng tước bỏ quyền phá thai, họ thường thua cuộc sau đó. Họ thua các cuộc bầu cử giữa kỳ, bầu cử Quốc hội tiểu bang và liên bang và thậm chí có thể cả các cuộc bầu cử tổng thống như một hình phạt cho sự vi phạm quá mức của chủ nghĩa phát xít Christo. Nhưng khi những thành phần bảo thủ trong Tòa án Tối cao tước bỏ những quyền này thì chẳng có gì xảy ra cả.

Mời xem video bài bình luận qua Youtube

Khi các viên chức được bầu nhận hối lộ hoặc tham nhũng, họ thường thua cuộc khi đến những cuộc bầu sơ bộ hoặc bị loại khỏi ủy ban và đôi khi phải đối mặt với cáo buộc hình sự. Nhưng khi các thẩm phán bảo thủ trong Tòa án Tối cao tham gia vào hoạt động tham nhũng hoặc nhận hối lộ thì chẳng có gì xảy ra cả.

Tòa án Tối cao về cơ bản là phản dân chủ – và cách duy nhất để hạn chế thiệt hại mà tòa án này có thể gây ra là phải giảm quyền lực của họ, giảm ngân sách và buộc phải nhận trách nhiệm giải trình như các thẩm phán các tòa dưới.

Khi Donald Trump phạm tội, ông ta thường thoát tội một cách dễ dàng. Tuy nhiên, ít nhất mọi người vẫn cố gắng buộc ông ta phải chịu trách nhiệm, và đôi khi ông ta bị buộc tội hoặc luận tội hoặc buộc phải nộp phạt hàng trăm triệu đô la. Nhưng khi Tòa án Tối cao giúp Trump thoát khỏi tội ác của mình, hoặc ít nhất giúp ông ta trì hoãn việc xét xử cho đến sau cuộc bầu cử — như họ đã làm vào đầu tuần này khi Tòa án đồng ý xét xử yêu cầu miễn trừ truy tố liên bang của ông ta— thì sẽ không có gì xảy ra với những thẩm phán bảo thủ này cả.

Tòa án Tối cao bắt buộc phải trả một cái giá – một cái giá chính trị, thể chế, chuyên nghiệp – cho hành vi côn đồ chính trị đang diễn ra được ngụy trang một cách nhẹ nhàng dưới dạng luật học. Các thành viên của Tòa án này sẽ không bao giờ ngừng hành động một cách lạm quyền chỉ cho đến khi những người Mỹ còn lại ngăn họ làm điều đó. Và cách duy nhất để ngăn chặn họ là hạn chế quyền lực, giảm ngân sách và trách nhiệm giải trình bắt buộc.

Những người này, ý tôi nói chung là cả 9 người, bao gồm cả những người theo chủ nghĩa bảo thủ lẫn những người theo chủ nghĩa tự do—họ đã hành động như thể họ là 9 con người đặc biệt, không ai có thể chạm tới họ được.

Chín thẩm phán là những ông bà trùm của nền dân chủ Mỹ. Họ hành động như thể họ sở hữu cả thế giới này. Mọi tổ chức khác ở đất nước này đều đối xử với Tòa án Tối cao với sự tôn trọng tuyệt đối và hoàn toàn chấp nhận quyền lực của nó. Nhưng tại sao? Những người này đã làm gì để xứng đáng được trao quyền sử dụng quyền lực mà không ai được phép thắc mắc hay phản kháng?

Vấn đề bắt đầu từ chính những người Mỹ bình thường, những người hành nghề truyền thông báo chí và truyền hình. Họ không cúi đầu trước các tổng thống hay dân biểu ở đất nước này. Họ thẳng thắn chỉ trích, tấn công, quấy rối các chính trị gia.

Tuy nhiên, các thẩm phán của Tòa án Tối cao có thể đi khắp đất nước này, trao quyền và lợi ích cho một số người, tước bỏ quyền và lợi ích của những người khác, và những người Mỹ bình thường, những người hành nghề truyền thông báo chí và truyền hình chỉ nhún vai, lắc đầu vì họ biết họ không thể đụng đến những vị thần áo đen bất khả xâm phạm này.

Các cuộc biểu tình lớn nhỏ có thể diễn ra nhưng thường là chết yểu vì người Mỹ đã quen ăn sung mặc sướng, quen đi chơi, hưởng thụ và cà thẻ vô tội vạ, người Mỹ không có có được sự kiên trì và chịu đựng như người Brazil, người Argentina, người Nam Hàn, người Philippines, người Israel, người Pháp, người Ukraine, người Đức nên những cuộc biểu tình điển hình của người Mỹ như sau các vụ xả súng, thảm sát chỉ quy tụ được một số ít người, cũng la hét rân trời, cờ xí ngợp trời, khóc lóc, thương tiếc ầm ỉ nhưng chỉ được đôi ba lần, một vài ngày là ai về nhà nấy, lại tiếp tục đi chơi, đi ăn , đi nhảy, nếu xảy ra nữa những vụ đó thì người Mỹ sẽ lại diễn những vai cũ, cảnh mới, màn hai, lại khóc lóc, mua hoa, mua đèn đến nơi xảy ra sự việc với những gương mặt buồn hơn cha chết mẹ chết, chia buồn đôi ba phút xong rồi về, lại tiếp tục sinh hoạt như bình thường. Khi các tổ chức dân sự đòi hỏi ra luật kiểm soát súng gắt gao hơn thì người Mỹ giẫy nảy lên như ai cướp của nhà mình, thế là mọi chuyện lại trở lại như cũ.

Trở lại chuyện các thẩm phán được phép sống tiếp phần đời còn lại của họ một cách bình thường sau khi đưa ra những phán quyết tham nhũng, trái với lòng dân nhưng được lòng đảng phái chính trị và những người bạn giàu có tỷ phú của họ thì chẳng ai lên tiếng cả, như thể người Mỹ buộc phải cúi đầu chấp nhận những phán quyết trời ơi, tước bỏ một số số quyền và lợi ích của nhiều người Mỹ.

Tòa án Tối cao không có quân đội, nhưng tất cả các tổng thống ngoại trừ người đương nhiệm đều sẵn sàng thực thi các phán quyết của tòa án, ngay cả khi những phán quyết đó không có lý trí, logic hay sự công bằng cơ bản.

Tòa án Tối cao không có khả năng huy động tiền, nhưng Quốc hội cung cấp cho những người này một số thứ mà Hiến pháp không yêu cầu, bao gồm một tòa án sang trọng, các thư ký và nhân viên chính phủ cũng như những áo choàng đen chính thức để các thẩm phán có thể hóa trang thành những tu sĩ tôn giáo.

Mới tuần rồi, tờ The Washington Post đã đăng cả một chuyên mục để phân tích tỉ mỉ chỉ ra đảng nào đã bổ nhiệm các thẩm phán và các thẩm phán cai trị chúng ta có “công bằng” hay không. Họ không do người dân Mỹ bầu lên thì tại sao người Mỹ lại phải cam tâm, cúi đầu tuân phục những thầm phán do các đảng chính trị đưa vào. Chuyên mục này được lấy cảm hứng từ một thẩm phán – người muốn giấu tên vì người này tự nhận là một người hèn nhát – là người cảm thấy khó chịu khi bị gọi là thẩm phán do Reagan bổ nhiệm và phàn nàn với một trong những người bạn truyền thông của họ.

Tòa án Tối cao liên tục rên rỉ và phàn nàn về việc báo chí đưa tin, trong đó các thẩm phán như Samuel Alito và Amy Coney Barrett phàn nàn với cường độ ngày càng tăng trong những năm gần đây. Điều này thật điên rồ khi những vị thần áo đen này nghĩ rằng họ có quyền cai trị với quyền lực tối cao và phải nhận được sự ưu ái, kính trọng của báo chí, không được dòm ngó, soi mói đời tư, chuyện làm ăn, chứng khóan, nhà xe, biệt thự, du thuyền của họ.

Các thẩm phán Tòa án Tối cao không trả lời những câu hỏi mà họ không muốn được hỏi, không tham gia phỏng vấn trừ khi họ đang quảng cáo một cuốn sách và không tổ chức các sự kiện công cộng nào ngoài những sự kiện mà toàn bộ chủ đề được xác định trước là không có giới hạn.

Tổng thống là viên chức hành pháp cao nhất đất nước nhưng mỗi khi bước ra khỏi cửa phòng Bầu Dục thì đã có sẵn một đám phóng viên đang đứng chờ để hỏi ông đủ thứ chuyện. Nhưng báo chí đã nghiêm túc để chín thẩm phán của Tòa án Tối cao được yên và chỉ cho phép họ phát biểu thông qua những quan điểm và mệnh lệnh cực đoan, vô căn cứ của mình.

Hãy nhớ đến điều này: Trong mùa hè, chín người điều hành toàn bộ một nhánh của chính phủ hoàn toàn biến mất. Họ tiếp tục “nghỉ phép” và báo chí không theo dõi họ và không yêu cầu họ giải thích về bất kỳ nỗi kinh hoàng nào mà họ đã gây ra cho nữ giới Mỹ vào tháng Sáu. Thậm chí không ai hỏi họ ai đã trả tiền cho kỳ nghỉ hè sắp tới của các thẩm phán. Nói thẳng ra là báo chí truyền thông phớt lờ, không quan tâm đến công cuộc tàn phá nền dân chủ của những vị thần áo đen, nhưng thực ra, chính họ mới là những người quyết định vận mệnh của 330 triệu người Mỹ.

Người Mỹ cúi đầu trước Tòa án Tối cao vì họ sợ rằng việc tước bỏ quyền lực của những vị thần áo đen sẽ khiến đất nước đang rạn nứt sẽ sớm dẫn đến một cuộc nội chiến. Nếu không còn sự hiện diện của những vị thần áo đen trong Tòa án Tối cao thì ai sẽ quyết định? Điều gì xảy ra khi Texas hoặc California không đồng ý với Quốc hội liên bang? Điều gì xảy ra khi Texas hoặc California bất đồng với tổng thống? Điều gì xảy ra khi Quốc hội hoặc tổng thống hoàn toàn sai? Mối đe dọa hỗn loạn luôn rình rập nền dân chủ, và trong hệ thống hiện tại, người Mỹ đã tự cho phép Tòa án Tối cao trở thành những trọng tài cuối cùng cho các cuộc xung đột.

Nhà hoạt động nữ quyền người Mỹ Jane Adams đã từng nói rằng: “Phương thuốc chữa trị những căn bệnh của nền dân chủ là dân chủ nhiều hơn nữa.” Theo quan điểm của tôi, ý chí và phiếu bầu của chín người không thể quan trọng hơn ý chí và phiếu bầu của 330 triệu người. Nếu mọi người đều được phép bỏ phiếu, nếu số phiếu của mọi người được tính như nhau, thì người dân chứ không phải tòa án sẽ là trọng tài cuối cùng cho các vấn đề của nước Mỹ.

Theo tôi, tất cả sự tôn kính, tuân phục theo thói quen xưa nay đối với Tòa án Tối cao phải chấm dứt nếu chúng ta muốn kiềm chế những thẩm phán tham nhũng này. Tòa án này đã chứng minh bằng các hành động rõ ràng của họ với những quyết định có động cơ chính trị, việc sử dụng quyền lực như vậy là không phù hợp, là đảng phái, là thiên vị và bất công.

Như nhiều người đã biết, quyết định của tòa án trì hoãn phiên tòa xét xử Donald Trump, về mặt chức năng là vô thời hạn, là không thể bào chữa được và là một dấu hiệu rõ ràng về quan điểm chính trị thay vì nhanh chóng áp dụng công lý. Quyết định đó chỉ là quyết định mới nhất trong hàng loạt phán quyết kéo dài hàng thập niên nhằm giúp đảng Cộng hòa đạt được các mục tiêu chính trị lâu dài của họ. Từ phá thai đến quyền bầu cử, hành động khẳng định, luật lao động, luật súng, quy định về môi trường, quy định tài chính.

Có thể nói là hầu hết, nếu không phải tất cả, những sáng kiến ​​chính sách này đều là những sáng kiến ​​mà Đảng Cộng hòa không thể ban hành thông qua bầu cử và các dự luật, vì vậy Tòa án Tối cao đã vào cuộc và ra sắc lệnh buộc thi hành tất cả những gì Đảng Cộng hòa không thể đạt được thông qua nền dân chủ.

Bước đầu tiên để ngăn chặn các hành động chính trị cực đoan, đảng phái của Tòa án Tối cao là coi các thẩm phán như những chính trị gia và khiến họ phải chịu mọi sự giám sát, áp lực và phản đối mà các chính trị gia bình thường phải đối mặt hàng ngày. Hiến pháp nói rằng họ có thể giữ công việc của mình suốt đời, nhưng không nói rằng họ có thể tận hưởng bỗng lộc đó suốt đời đi cùng với những quyết định sai trái, đảng phái.

Bước thứ hai là cắt giảm quyền lực của họ. Tổng thống Biden và đảng Dân chủ cần mạnh mẽ ủng hộ việc mở rộng nhân sự tòa án, bổ sung các thẩm phán vào tòa án để vượt qua hay ít nhất là cân bằng nhân số đảng Cộng hòa cực đoan hiện nay. Việc mở rộng tòa án quả thực có thể  làm giảm quyền lực của bất kỳ thẩm phán bảo thủ hay tự do nào, nhưng về cơ bản nó vẫn giữ nguyên quyền lực của tòa án. Đó là một cuộc cải cách về cách tòa án sử dụng quyền lực chứ không phải là một nỗ lực nhằm thay đổi mức độ quyền lực của tòa án.

Quốc hội cần khẳng định một số luật nhất định phải được loại bỏ khỏi sự xem xét của Tòa án Tối cao – đây là một cách chính thức để tước bỏ quyền lực khỏi những người này.

Nhiều chuyên gia pháp lý đưa ra một đề nghị nghe qua rất dễ thực hiện và hợp lý. Rằng tại sao Quốc hội không đưa ra một nguyên tắc gởi đến Tòa án Tối cao, cho họ biết rằng tất cả các phán quyết phải được xác nhận đồng ý bởi ít nhất một thẩm phán của cả hai bên, nếu không sẽ không có hiệu lực. Nếu Tòa án Tối cao không thể đi đến một thỏa thuận lưỡng đảng về cơ bản thì phán quyết của tòa phúc thẩm sẽ trở nên có hiệu lực và nếu các tòa phúc thẩm không đi đến một thỏa thuận lưỡng đảng thì phán quyết của tòa sơ thẩm sẽ trở nên có hiệu lực. Nếu cách này được thực thi, thì chẳng có đảng nào phải tốn công giành giật nhân số để có được thế đa số. Nói đơn giản là, một phán quyết do 6 thẩm phán bảo thủ sẽ không thể có hiệu lực nếu không có được 1 phiếu đồng ý của một trong ba thẩm phán đảng Dân chủ.

Lời kết:

Giờ đây, người Mỹ cần nghiêm túc nhận thức rằng Tòa án Tối cao là kẻ thù của nền dân chủ, chứ không phải người bảo vệ nó.

Những người họ đều nghĩ rằng họ là những người đặc biệt và có thể vượt trên các quy tắc thông thường của nền dân chủ bất kể họ làm gì đúng sai cho đất nước này. Tất cả chín người trong số họ sẽ bảo vệ lẫn nhau bất cứ khi nào họ bị kêu gọi chịu trách nhiệm trước công chúng về hành động của mình.

Chín thẩm phán này không phải là bạn của những người dân Mỹ bình thường. Họ không ở đây để giúp đỡ những người Mỹ bình thường, và bất cứ lúc nào họ cũng có thể lấy đi thứ mà người Mỹ coi trọng nhất, đó là: nền dân chủ hơn hai trăm năm tuổi. Đã 24 năm trôi qua, kể từ khi họ bổ nhiệm George W. Bush làm tổng thống vào năm 2000 bất chấp thực tế là Bush đã thua số phiếu phổ thông ở Florida. Khi đó, người Mỹ đã không trừng phạt được tòa án vì sự vi phạm quá đáng của họ, và sự thất bại đó chỉ càng tạo thêm động lực cho tòa án trở thành hung hăng, cực đoan và lộng quyền như ngày nay.

Nói một cách đơn giản, dễ hiểu, rằng: Tòa án tối cao phải dừng lại.

Để đạt được điều đó, tất cả người dân Mỹ cần nhận thức được mức độ nguy hiểm về sự lạm quyền của những vị thần áo đen trong Tòa án Tối cao. Điều đó phải chấm dứt, bởi vì chín người này sẽ phá nát nền dân chủ nếu người Mỹ không hành động để ngăn chặn những kẻ tham nhũng cao cấp này.

Việt Linh

https://www.theguardian.com/us-news/2024/mar/07/trump-supreme-court-boost

https://www.aljazeera.com/news/2024/3/5/bad-sign-legal-scholars-question-us-supreme-courts-trump-primary-ruling

https://www.theguardian.com/law/2024/mar/04/us-supreme-court-14th-amendment-key-takeaways

https://constitutioncenter.org/blog/the-supreme-courts-mixed-opinion-in-trumps-colorado-case

https://www.vox.com/scotus/2024/3/4/24090163/supreme-court-donald-trump-anderson-ballot-disqualification-fourteenth-amendment