Bài quan điểm của Ruth Ben-Ghiat
Ngày 26/5/2024 (Do Linda Thanh Thảo lược dịch)
Ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hòa Donald Trump, người đã kích động một cuộc nổi dậy bạo lực vào tháng 1 năm 2021 để cố gắng giữ chiếc ghế quyền lực một cách bất hợp pháp sau khi thua cuộc bầu cử năm 2020, đã nói rõ về loại tổng thống mà ông ta dự định trở thành nếu quay lại Tòa Bạch Ốc vào tháng 1 năm 2025. .
Vào tháng 12 năm 2023, Trump tuyên bố rằng ông ta sẽ trở thành một nhà độc tài “vào Ngày đầu tiên” khi còn đương chức. Trump đề nghị sẽ sử dụng Lực lượng Vệ binh Quốc gia và thậm chí cả quân đội làm lực lượng trục xuất di dân trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 4 với tạp chí Time. Thêm vào tuyên bố gần đây của Trump tại hội nghị Hiệp hội Súng trường Quốc gia rằng ông ta có thể cần ba nhiệm kỳ tổng thống (khi Hiến Pháp Mỹ ấn định tối đa là 2 nhiệm kỳ), và một video mới từ tài khoản Truth Social của Trump nói về “việc thành lập một Đế chế thống nhất” – danh xưng dành cho Đức Quốc xã là Đế chế thứ ba – và có vẻ như chiến thắng của Trump sẽ mở ra một kỷ nguyên chuyên quyền mới cho nước Mỹ.
Tuy nhiên, hình như rất nhiều người ở Mỹ đang coi cuộc bầu cử này chỉ là chính trị như thường lệ. Các cuộc bầu cử sơ bộ, họp kín và các sự kiện khác vẫn tiếp tục diễn ra, ngay cả khi ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hòa từ chối cam kết chấp nhận kết quả bầu cử hợp pháp nếu ông ta không chiến thắng. Và hầu hết đảng viên GOP vẫn chấp nhận thực tế sai lầm rằng Trump đã thắng trong cuộc bầu cử năm 2020.
Tình huống siêu thực này phản ánh cả sự thiếu hụt thông tin lẫn dư thừa thông tin sai lệch. Một cuộc thăm dò ý kiến vào tháng 3 với các cử tri ở các tiểu bang chiến địa cho thấy hầu hết những người được hỏi đều không biết về các cáo buộc hình sự của Trump, các mối đe dọa của nhà độc tài này, việc Trump sử dụng ngôn ngữ phát xít (chẳng hạn như gọi mọi người là “sâu bọ”) và thề sẽ ân xá cho những kẻ bạo loạn mà Trump gọi là “người yêu nước” đã tấn công vào Điện Capitol ngày 6 tháng 1, 2021. Đáng lo ngại hơn nữa là cuộc thăm dò này đã không dùng những cử tri tin rằng Biden đã đánh cắp cuộc bầu cử năm 2020 (tức những thành phần cực đoan MAGA). Những người được khảo sát, mặc dù họ không lạc vào vũ trụ ảo do dối trá và thuyết âm mưu dựng lên của những người theo chủ nghĩa Trump, nhưng lại thiếu thông tin để xem xét nghiêm túc các mối đe dọa đối với nền dân chủ của chúng ta.
Và nhiều người Mỹ có hiểu biết tốt hơn cũng không coi trọng những tuyên bố và hành động của Trump. Thay vào đó, họ cáo buộc những người đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về hành động của kẻ độc tài chỉ là những lời lẽ cường điệu và hoảng loạn.
Chắc chắn người Mỹ có xu hướng nghĩ “điều đó không thể xảy ra ở đây”. Đất nước chúng ta đã tồn tại nhờ danh tiếng là một pháo đài của tự do và dân chủ, và vì chúng ta chưa bao giờ có chế độ độc tài trên quê hương (mặc dù Jim Crow South là một chế độ độc tài trong khu vực), nên nhiều người không nhận ra sự leo thang chuyên quyền khi nó đang diễn biến. Nhưng như bài viết gây xôn xao dư luận của Robert Kagan trên tờ The Washington Post đã nói: “Chế độ độc tài của Trump ngày càng trở nên khó tránh khỏi. Chúng ta hãy ngừng giả vờ đi.”
Tuy nhiên, có quá nhiều người vẫn đang giả vờ. Tuổi của Tổng thống Joe Biden được đưa tin nhiều hơn những tuyên bố của Trump rằng nếu trở lại Tòa Bạch ốc, ông ta sẽ giam giữ và trục xuất hàng triệu người và cho phép nước Nga của Vladimir Putin “làm bất cứ cái quái gì họ muốn”. Như vậy, mối quan hệ của Trump với chế độ độc tài của Nga gắn bó đến mức ông ta sẽ để Moscow tấn công các quốc gia thành viên NATO nếu họ gây trở ngại cho tham vọng đế quốc của Putin – một tình huống có thể gây ra Thế chiến thứ ba.
Những kết quả thảm khốc này có vẻ không thực tế, một thế giới khác xa với cuộc sống hàng ngày của chúng ta với việc đón con đến trường, thăm khám bác sĩ, gắn bó với công việc và những cuộc thi đấu thể thao. Sống trong sự phủ nhận là bản chất mặc định của hàng triệu người đã coi các quyền tự do của chúng ta là đương nhiên và không muốn nghĩ về việc cuộc sống của họ sẽ bị thay đổi như thế nào bởi sự ra đời của một chính quyền độc tài ở Mỹ.
Người Mỹ không phải là những người đầu tiên sống trong tình trạng phủ nhận tập thể này. Những người độc tài thường nói với chúng ta những gì họ sẽ làm, nhưng mọi người hiếm khi tin họ, có lẽ vì cảm thấy rằng mình không thuộc thành phần mà những kẻ độc tài này nhắm đến nên họ sẽ không bị ảnh hưởng. Sau này, khi đến lượt họ bị sách nhiễu hoặc bức hại, thì đã quá muộn.
Khi Thủ tướng Ý Benito Mussolini tuyên bố chế độ độc tài (Phát xít) vào năm 1925, hầu hết những người chống Phát xít tích cực đều cố gắng rời khỏi Ý hoặc lẩn trốn để tránh phải vào tù. Nhưng Ignazio Silone, một người Cộng sản Ý trú ẩn trong một ngôi nhà an toàn ở Milan, đã nghe một đồng chí nói rằng ngay cả khi đường phố tràn ngập lực lượng an ninh Phát xít, người ta vẫn xếp hàng bên ngoài nhà hát opera La Scala, chờ xem cảnh tượng mới nhất như thể Việc Mussolini nắm quyền không khiến họ bận tâm.
Ở Đức, nhà ngôn ngữ học người Do Thái Victor Klemperer, người ghi nhật ký về cuộc đời mình dưới thời Hitler cai trị, không phủ nhận nguy cơ, nhưng ông phải ở lại Đức Quốc xã vì không tìm được việc làm đại học ở nước ngoài. “Đừng nghĩ tới chuyện đó, hãy sống cuộc đời của mình, vùi mình vào những chuyện riêng tư nhất!” ông viết vào ngày 20 tháng 9 năm 1938 với hy vọng rằng mỗi đợt đàn áp mới sẽ là đợt cuối cùng.
Ngay cả khi nền dân chủ chết vì đảo chính, và sự đàn áp diễn ra nặng nề và ngay lập tức, một số người vẫn đánh giá thấp tác động và coi tình hình chỉ là tạm thời. Sau cuộc đảo chính đẫm máu ở Chile năm 1973, cựu Tổng thống Chile Eduardo Frei Montalva, một đảng viên Đảng Dân chủ Thiên chúa giáo bảo thủ, đã chắc chắn rằng chế độ độc tài quân sự mới sẽ lập lại trật tự và sau đó “trả lại quyền lực cho nền dân chủ”. Nhưng khi nhà độc tài Augusto Pinochet siết chặt nắm tay quyền lực, Frei nhận ra sai lầm nghiêm trọng của mình và bắt đầu chỉ trích chế độ. Ông chết chưa đầy một thập kỷ sau đó, với cáo buộc của gia đình ông rằng Frei đã bị đầu độc theo lệnh của Pinochet.
Chế độ chuyên chế “tiến lên với tốc độ của một chiếc đinh vít siết chặt hơn là với lưỡi dao đao phủ lao tới”, G.A. Borgese, người Ý chống Phát xít lưu vong viết vào năm 1937. Chúng ta có thể học hỏi từ lịch sử đau buồn này và coi những hành động cũng như tuyên bố của Trump là nghiêm trọng với tất cả nguy cơ mà chúng sẽ đem lại.