Đừng để các thẩm phán quyết định kết quả bầu cử thay cho lá phiếu

0
2801

Hôm nay là những ngày đầu năm 2024 thì tôi chỉ muốn dùng hai từ “có thể” mà không dám dùng hai từ “chắc chắn” để nói rằng những người Mỹ bình thường “có thể” sẽ có cơ hội bỏ phiếu lần cuối cùng trong một cuộc tái đấu có thể xảy ra giữa Joe Biden và Donald Trump vào ngày 5 tháng 11. Nhưng, đó không phải là những lá phiếu quyết định cho một người được thắng cử.

Mời xem video bài bình luận qua Youtube

Vì trên thực tế, có một tầng lớp người Mỹ đặc biệt – đó là các thẩm phán – họ đã, đang và sẽ bỏ phiếu theo những cách riêng của họ, và những phán quyết nay mai ra đời sẽ định hình kết quả của cuộc đua sắp tới.

Ngày 19 tháng 12, Tòa án Tối cao Colorado đã ra phán quyết với tỷ số 4-3 rằng Trump bị loại khỏi tư cách tranh cử tổng thống dựa trên điều khoản nổi loạn trong Tu chính án thứ 14 của Hiến pháp.

Qua việc này, nhiều chuyên gia pháp lý, các nhà học giả đã có những quan điểm trái ngược nhau, kẻ bênh người chống, và đảng phái không phải là yếu tố, có nghĩa là người của đảng Dân chủ có thể chống đối, người của đảng Cộng hòa có thể ủng hộ, nhưng con số bênh và chống còn rất rời rạc theo quan điểm đảng phái chứ không dựa vào Hiến pháp. Nhưng đa số người, chủ yếu là các tổ chức dân quyền, họ cho rằng việc theo đuổi chủ nghĩa tự do pháp lý là một sự xao lãng khỏi việc huy động một liên minh đa số cử tri để chống lại một nhà độc tài tương lai.

Trong sự phát hiện trước đó của thẩm phán Sarah Wallace làm cơ sở cho quyết định này, Tòa án Tối cao Colorado đã ra phán quyết rằng việc Trump kích động vụ tấn công Điện Capitol ngày 6 tháng 1 đã cấu thành một cuộc nổi dậy. Kết quả là, Trump bị cấm xuất hiện trong cuộc bỏ phiếu sơ bộ của Đảng Cộng hòa ở Colorado, chứ đừng nói đến cuộc bỏ phiếu tổng thống của bang. Hôm thứ Năm, Tòa án Tối cao Michigan đã đưa ra kết luận ngược lại , từ chối nghe những lập luận loại Trump trong lá phiếu.

Hai quyết định đến từ hai Tòa án Tối cao của hai tiểu bang với hai tính cách làm việc khác nhau khá rõ. Ở Colorado, họ lắng nghe,tranh luận và đi đến phán quyết 4/3. Ở Michigan, họ bác bỏ, không lắng nghe lập luận của bên nguyên đơn.

Vụ án ở Colorado dự kiến ​​sẽ được chuyển lên Tòa án Tối cao. Nhóm Tự do ngôn luận cho mọi người, là nhóm đã đệ đơn kiện ở Michigan, cũng lên kế hoạch đưa vụ kiện lên Tòa án Tối cao. Cũng trong ngày thứ Năm, Tổng thư ký hành chính tiểu bang Maine tuyên bố rằng Trump không đủ tư cách để có tên trong lá phiếu, một lần nữa dựa trên cơ sở của Mục 3 Tu chính án thứ 14.

Có cơ sở hợp lý để tin rằng quyết định của Colorado có cả tính logic và luật pháp. Những nỗ lực của Trump nhằm lật đổ kết quả cuộc bầu cử năm 2020 chắc chắn là một cuộc nổi dậy, không sai chạy ngay cả khi ai đó muốn hiểu sai về hai từ nổi dậy mặc dù thực tế là Trump vẫn chưa bị kết án về tội đó trong một vụ án hình sự đang diễn ra. Các nhà phân tích chính trị sắc sảo tại tờ báo Nation, chẳng hạn như Brian Beutler và John Nichols đã lập luận một cách thuyết phục rằng hành vi của Trump rõ ràng nằm dưới sự kiểm soát chặt chẽ của Tu chính án thứ 14.

Nhưng có sự khác biệt giữa một lập luận hợp lý về mặt pháp lý và một lập luận khôn ngoan về mặt chính trị.

Cuối cùng, người phân xử ý nghĩa của luật pháp là các thẩm phán. Các quyết định khác nhau ở Colorado, Maine và Michigan cho thấy sự thiếu đồng thuận về mặt pháp lý có xen lẫn một chút tư duy khác biệt về quan điểm đảng phái. Về mặt chính trị, Michigan có hậu quả lớn hơn nhiều. Vào năm 2020, Joe Biden đã giành chiến thắng vang dội ở Colorado , nhận được hơn 54% phiếu bầu trong khi Donald Trump chỉ giành được dưới 42%. Biden cũng giành chiến thắng dứt khoát ở Maine, tỷ lệ 53% so với 44% của Trump. Nhưng ngược lại, Michigan là một tiểu bang xoay vòng mà Trump đã giành chiến thắng vào năm 2016 và Biden chỉ giành được chiến thắng sát nút vào năm 2020 với 50,6% so với 47,8% của Trump.

Nói một cách khác, ngay cả khi các quyết định của Colorado và Maine được giữ nguyên, chúng có thể sẽ không mang lại lợi ích gì cho Biden, trong khi quyết định của Michigan khiến bang này trở thành một chiến trường thiết yếu mà các đảng viên Đảng Dân chủ sẽ phải dồn cả trái tim và tâm hồn vào để giành chiến thắng một lần nữa.

Một chuyên gia bầu cử, Elie Mystal, một người theo dõi sát sao các hoạt động của tòa án, tỏ ra lạc quan cho rằng quyết định của Tòa án Tối cao của Colorado có thể vẫn được tồn tại sau khi được Tòa án tối cao xem xét vì đối với những người bảo thủ trên Tòa án Tối cao như John Roberts hoặc Neil Gorsuch, là những người thường có lập trường nguyên tắc chấp nhận thực tế rằng việc giữ nguyên quyết định của Colorado là phù hợp với cam kết thường xuyên được nêu rõ của họ đối với chủ nghĩa văn bản và “quyền của các tiểu bang”.

Phân tích của Elie Mystal đặt ra câu hỏi liệu thất bại tại Tòa án Tối cao giờ đây có giá trị hơn chiến thắng hay không. Xét cho cùng, việc khẳng định các học thuyết phản động như chủ nghĩa văn bản và quyền của các tiểu bang khó có thể được những người theo chủ nghĩa tự do hoặc cánh tả hoan nghênh nếu lợi ích duy nhất là mang lại cho Biden một chiến thắng chắc chắn ở một tiểu bang mà ông ấy đã trên đà giành chiến thắng. Những người họ thà để những kẻ phản động tại Tòa án Tối cao lên tiêng chỉ trích họ là những kẻ đạo đức giả còn hơn là để Biden giành chiến thắng một cách dễ dàng như vậy.

Học thuyết về “quyền của các tiểu bang” thường được những kẻ phản động sử dụng tại Tòa án Tối cao để hạn chế các quyền dân sự, bao gồm cả quyền bầu cử của người Mỹ gốc Phi. Người Mỹ nhiều thành phần khác nhau liệu có dễ dàng chấp nhận những kẻ phản động trong Tòa án Tối cao “đồng ý” với “học thuyết quyền của các tiểu bang” để đàn áp quyền bầu cử nhưng lại “bác bỏ” “học thuyết quyền của các tiểu bang” để bảo vệ giáo chủ của đảng MAGA trump hay không? Chắc chắn là không. Nếu đã tôn trọng “học thuyết quyền của các tiểu bang” thì bất cứ vấn đề nào cũng có giá trị như nhau.

Nhưng đối với những người muốn bảo vệ nền dân chủ Mỹ, họ sẽ vướng vào một nút thắt khó gỡ mới, đó là liệu chúng ta có khôn ngoan hay không khi vô tình đồng ý và khẳng định quyền của các tiểu bang với tất cả những thiệt hại lâu dài có thể xảy ra hay không?

Giáo sư luật Samuel Moyn của đại học Yale thường xuyên chỉ trích những người theo chủ nghĩa tự do đã cố gắng để luật pháp thực hiện công việc và quyết định thay cho chính trị. Trong mọi trường hợp, ông cho rằng việc tập trung vào biện pháp khắc phục Tu chính án thứ 14 là sai lầm — một nỗ lực nhằm giành chiến thắng trong một trận chiến với các thẩm phán phản động trong Tòa án Tối cao sẽ làm suy yếu mục đích lớn hơn của việc chống Chủ nghĩa Trump bằng lá phiếu của cử tri.

Phán quyết này có thể tạo ra một phiên bản mới nguy hiểm khi nó biến một cuộc trưng cầu dân ý quốc gia về tương lai của đất nước thành một cảnh tượng phân xử người chiến thắng trong một cuộc tranh cử của tòa án với các thẩm phán phản động trong Tòa án Tối cao quốc gia mà không phải chịu trách nhiệm như vụ Bush kiện Gore năm 2000. Một phán quyết như vậy sẽ đặt nền dân chủ vào tình thế rủi ro lớn hơn, bị phụ thuộc nhiều hơn vào các thẩm phán phản động trong Tòa án Tối cao, trong trường hợp này, những lá phiếu của cử tri sẽ hầu như không còn giá trị về mặt pháp lý, chỉ trên hình thức mà thôi.

Lập luận của Giáo sư Samuel Moyn không chỉ dựa trên vấn đề các kết quả pháp lý có thể xảy ra mà còn dựa trên các nguồn gốc cơ bản của mối nguy hiểm độc tài của Trump và sự phản đối dân chủ ngày càng lớn hơn của Đảng Cộng hòa — đã thể hiện rõ cả trong nhiệm kỳ tổng thống của Trump và nỗ lực đảo chính năm 2021 — không phải là mối đe dọa dân túy được ủng hộ bởi một phong trào MAGA. Trump chưa bao giờ thực sự giành được số phiếu phổ thông ủng hộ mà ông ta chỉ thu phục được các nhóm nhỏ dân túy cực đoan muốn phá hủy nền dân chủ Mỹ.

Chính Cử tri đoàn đã đưa Trump trở thành tổng thống năm 2016.

Chính Thượng viện, do các thượng nghị sĩ đã bán linh hồn cho trump trong nỗi sợ hãi đã ngăn cản hai cuộc luận tội của Trump.

Việc đặt để các thẩm phán trong các tòa án liên bang và Tòa án Tối cao là những người không được bầu cử là di sản chính trị độc hại của Chủ nghĩa Trump — và là di sản bảo đảm rằng cái bóng của ông ta sẽ chi phối hầu hết các chính sách của chính phủ trong nhiều thập niên tới về các vấn đề như phá thai và quyền bầu cử. Quyền lực to lớn của các tòa án không được bầu cử là nền tảng mạnh nhất của quyền lực GOP và là lợi thế thực sự khiến những người theo chủ nghĩa Trump có thể lấy đi nền dân chủ của những người Mỹ khác.

Trong mùa bầu cử năm 2020, bất chấp bạo lực đường phố bùng phát, hầu hết cử tri đều coi các cuộc biểu tình chống lại sự tàn bạo của cảnh sát là hoạt động chính trị ôn hòa, hợp pháp , bác bỏ nỗ lực bôi nhọ họ bằng những lời lẽ đe dọa của Trump. Trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2022, nhiều người phản đối lời đe dọa về “làn sóng đỏ” của Đảng Cộng hòa và nỗi lo sợ về sự an nguy của nền dân chủ là động lực chính đối với cử tri.

Lời kết:

Người Mỹ yêu dân chủ, tự do không thể xuôi tay để chấp nhận định mệnh khắc nghiệt mà Trump và đảng Cộng hòa muốn áp đặt lên cuộc đời của họ và của các thế hệ con cháu.

Với thực tế khó chịu này, các phong trào chống Trump phải liên kết lại xung quanh vấn đề dân chủ, vận động cử tri, xuống đường, lên tiếng. Hãy nói thật to những âm mưu thâm độc của Trump và đồng đảng cho những người Mỹ khác được biết. Hãy bỏ qua cuộc chiến vô ích với Tu chính án thứ 14. Người Mỹ cần biết rằng, không có Colorado và Maine thì Trump vẫn có thể giành chiến thắng.

Việc tập hợp cử tri, thúc đẩy họ đi bỏ phiếu thật đông cho người xứng đáng, gìn giữ nền dân chủ, loại bỏ kẻ độc tài. Những công việc này quan trọng hơn việc đánh mất thời gian để thưa kiện, tranh đấu với Tu chính án thứ 14. Hãy để sức mạnh của lá phiếu quyết định vận mệnh của nền dân chủ thay vì trao quyền quyết định vào tay các thẩm phán phản động trong Tòa án Tối cao.

Việt Linh

https://www.theatlantic.com/ideas/archive/2023/12/trump-2024-win-why-unlikely/676354/

https://www.washingtonpost.com/opinions/2023/11/30/trump-dictator-2024-election-robert-kagan/

https://www.nytimes.com/2023/12/30/us/trump-maine-democracy.html

https://www.forkingpaths.co/p/what-would-authoritarian-america

https://www.ft.com/content/00e33739-7d5d-4cda-9304-89700d2135c3