Nhiều đảng viên Đảng Dân chủ lo sợ rằng nhiệm kỳ thứ hai của Donald Trump sẽ biến nước Mỹ thành một chế độ độc tài. Họ không sai khi lo lắng như vậy. Nhưng có một điều, Trump đã nói về ý tưởng này mà không hoàn toàn bác bỏ nó. Và Hoa Kỳ không tránh khỏi chủ nghĩa dân túy cực đoan, vốn là tiền thân của chủ nghĩa độc tài, cũng như không thể lay chuyển được sự gắn bó về mặt thể chế với nền dân chủ tự do. Nếu có đủ thời gian, nước Mỹ cũng có thể nới lỏng các biện pháp kiểm tra và cân bằng của mình và rơi vào một số kiểu chuyên chế bầu cử của đa số.
Mời xem video bài bình luận qua Youtube
Ngay cả khi có khởi đầu thuận lợi trong nhiệm kỳ đầu tiên, Trump sẽ phải mất nhiều thời gian để uốn cong nền dân chủ của người Mỹ theo ý muốn của ông.
Như vậy, có thể nói rằng, sự hoảng loạn là không cần thiết. Hãy nhìn sang một quốc gia thành viên NATO, đó là Thổ Nhĩ kỳ, sự ra đời và phát triển của chủ nghĩa độc tài ở Thổ Nhĩ Kỳ trong suốt hai thập niên dưới sự cai trị hoàn toàn của Recept Tayyip Erdogan đã cho chúng ta thấy rõ là việc xây dựng một chế độ độc tài phải mất một thời gian khá dài. Như vậy, ngay cả bốn năm nữa của Trump cũng vẫn không đủ thời gian để biến nước Mỹ thành một chế độ độc tài hoàn toàn.
Tương tự như vậy ở Ba Lan và Hungary, các chính phủ phi tự do đã phải mất nhiều năm để hủy hoại nền pháp quyền. Những nhà độc tài có cùng một nhịp điệu và quy trình cụ thể để phá bỏ một nền dân chủ, nhưng khởi đầu họ vẫn cần một thời kỳ ươm mầm cho chế độ chuyên quyền, như: Luật pháp cần phải thay đổi, các thể chế cần dỡ bỏ, các liên minh cần xây dựng.
Với nỗ lực phối hợp của Trump, thời gian ủ bệnh có thể kéo dài thêm 8 năm liên tiếp chứ không phải 4 năm. 4 năm nữa là không đủ, mà phải là 8 năm liên tục hoặc dài hơn nữa thì may ra Trump mới có thể thành công chuyển đổi hoàn toàn nước mỹ sang một chế độ độc tài trọn vẹn. 4 năm nữa, đối với Trump là điều có thể xảy ra nhưng 8 năm là không thể vì mỗi người chỉ được làm tổng thống Mỹ tối đa 2 nhiệm kỳ, nhưng ai biết được, Trump có thể sẽ làm gì, có thể tương tự như Tập Cận Bình, Vladimir Putin, sửa đổi Hiến pháp để được tại vị nhiều nhiệm kỳ hơn như Putin hay ở yên trên ngôi vị đến suốt đời như Tập Cận Bình. Mọi chuyện đều hoàn toàn có thể xảy ra trong 4 năm nguy hiểm của Trump nếu “chó nhảy bàn độc” thành công một lần nữa.
Công bằng mà nói, Trump đã có khởi đầu thuận lợi trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, bổ nhiệm một số lượng ấn tượng các thẩm phán liên bang, lật đổ cán cân quyền lực trong Tòa án Tối cao, quảng bá các phương tiện truyền thông liên kết với MAGA như một nguồn lực thực tế thay thế, phủ nhận kết quả bầu cử, và gần đây, tuyên bố được miễn trừ pháp luật ngay cả sau khi rời nhiệm sở. Nhưng ông ta vẫn còn lâu mới đạt được quyền kiểm soát hoàn toàn các thể chế, truyền thông và cơ quan tư pháp Hoa Kỳ, hoặc xây dựng được sự đồng thuận xã hội mà ông ta cần để trị vì như một nhà độc tài.
Hãy để tôi mô tả một số trở ngại mà Trump hoặc bất kỳ nhà độc tài nào muốn trở thành nhà độc tài sẽ gặp phải trong quá trình chuyên quyền hóa ở Mỹ, dựa trên những gì đã xảy ra ở các quốc gia khác.
Truyền thông chính thống
Hầu hết những người theo chủ nghĩa dân túy phi tự do đều giả vờ chống lại một số loại âm mưu của giới tinh hoa nhằm ngăn cản cử tri có tiếng nói về vận mệnh của quốc gia. Có một bối cảnh truyền thông thay thế là điều cần thiết để thúc đẩy những câu chuyện như vậy, chẳng hạn như các cuộc bầu cử bị đánh cắp, và Trump sẽ không gặp vấn đề gì ở đó, vì channel Fox News cũng như toàn bộ hệ sinh thái các phương tiện truyền thông cánh hữu ủng hộ Trump đã thực hiện công việc đó. Nhưng vấn đề đối với ông ta sẽ là sự kiên trì của các cơ quan truyền thông độc lập và các kênh tin tức chính thống sẽ không phục tùng ông ta.
Ngay cả ở một nền dân chủ không hoàn hảo như Thổ Nhĩ Kỳ, phải mất trọn một thập niên từ 2007 đến 2017, Erdogan mới có được sự tuân thủ hoàn toàn từ truyền thông báo chí.
Tương tự như vậy ở Ba Lan, Đảng Luật pháp và Công lý vừa bị lật đổ đã cố gắng định hình lại bối cảnh truyền thông sau khi họ lên nắm quyền vào năm 2015 bằng cách biến các đài truyền hình nhà nước thành những kẻ tấn công đảng phái – nhưng chỉ đạt được tiến bộ không nhiều lắm. Kiểu thao túng truyền thông như vậy cũng có thể thực hiện được ở Mỹ, nhưng sẽ phải mất hơn 4 năm.
Tòa án
Tòa án là cần thiết để tiến hành các cuộc chiến tranh văn hóa và tạo ra bầu không khí sợ hãi giữa những người bất đồng chính kiến – là điều tất yếu đối với một chế độ độc tài. Nhưng để chuyển từ một nhà độc tài sơ khai sang một nhà độc tài thực sự có toàn quyền, Trump sẽ cần có sự trung thành hoàn toàn từ ngành tư pháp. Điều đó nói dễ hơn làm ở Mỹ, nơi hệ thống tư pháp được thiết kế để đặt ra những giới hạn đối với cơ quan hành pháp và các thẩm phán có nhiệm kỳ dài. Trump có thể đã thay đổi cán cân quyền lực ở Tòa án Tối cao và bổ nhiệm hơn 200 thẩm phán liên bang để định hình lại cơ quan tư pháp liên bang, bao gồm một số lượng ấn tượng các cuộc bổ nhiệm vào tòa phúc thẩm và tòa án quận đầy quyền lực. Điều đó có nghĩa là vào cuối nhiệm kỳ của Trump, hơn một phần tư số thẩm phán đang hoạt động là những người được Trump bổ nhiệm.
Các tòa án từ lâu đã trở thành một chiến trường ý thức hệ trong nền chính trị Hoa Kỳ và số lượng bổ nhiệm thẩm phán cao nhất trong thời hiện đại là dưới thời tổng thống Ronald Reagan – mặc dù điều đó vẫn chưa đủ để tạo ra một cơ cấu quản trị cánh hữu lâu dài. Hơn nữa, không phải tất cả những người được Trump bổ nhiệm đều hoạt động theo cách mà Donald Trump mong muốn, mặc dù nhiều người đã xuất thân từ một loại quy trình kiểm tra nào đó của Đảng Cộng hòa thông qua sự kiểm soát bởi Mitch McConnell.
Dựa trên các ví dụ từ Hungary, Ba Lan và Thổ Nhĩ Kỳ, chúng ta có thể nói một cách an toàn rằng vấn đề thực sự của Trump sẽ không phải là lòng trung thành hay tính bảo thủ của những người được ông ta bổ nhiệm tư pháp mà là sự hiện diện của những người khác – những người không phải là Trump. Trong số khoảng 800 thẩm phán liên bang, chỉ một phần tư được Trump bổ nhiệm, còn lại hàng trăm người khác trong hệ thống. Trong khi đó, chính quyền Biden đang trong một cuộc chạy đua nhằm định hình các tòa án bằng cách lấp đầy các chỗ trống và đẩy mạnh việc xác nhận các thẩm phán của chính họ.
Ở một đất nước tự hào về cơ chế kiểm tra và cân bằng, việc “dọn dẹp, thanh lọc” hàng trăm thẩm phán và công tố viên đang hoạt động không trung thành với Trump sẽ là một thách thức đối với bất kỳ nhà độc tài đang phát triển nào, vì các thẩm phán có nhiệm kỳ lâu dài và có nhiều tính độc lập. Hiến pháp Hoa Kỳ quy định các thẩm phán liên bang có thể giữ chức vụ của họ “khi có hành vi tốt” – cũng có nghĩa là suốt đời. Điều này khiến việc thúc đẩy hoặc trừng phạt các thẩm phán ngỗ ngược trở nên khó khăn hơn ngay cả khi phán quyết của họ đi ngược lại mong muốn của Tòa Bạch Ốc.
Điều Trump thực sự cần để buộc cơ quan tư pháp phải tuân theo là một cơ cấu hành chính tập trung, như ở Thổ Nhĩ Kỳ, Hungary, nơi ông ta có thể dễ dàng bổ nhiệm lại các thẩm phán bất hợp tác cho các tòa án khác nhau, thực hiện hành động trừng phạt hoặc chuyển họ đến các thành phố khác nhau – đó là những cách đã từng xảy ra ở Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng ở Hoa Kỳ, có hệ thống tư pháp chồng chéo và một khi việc bổ nhiệm đã được thực hiện, việc kiểm soát hoàn toàn một thẩm phán sẽ khó hơn. Các thẩm phán Hoa Kỳ cũng được trả lương cao, và ở một số tiểu bang, họ được bầu trực tiếp, điều này càng làm tăng tính độc lập của họ.
Tất cả những điều này làm cho việc kiểm soát hoàn toàn cơ quan tư pháp Hoa Kỳ trở thành một thách thức lâu dài, thậm chí là nhiều thế hệ đối với một nhà độc tài đầy tham vọng. Trump có thể cố gắng làm những gì mà những người theo chủ nghĩa dân túy ở nơi khác đã thử, cụ thể là thay đổi luật chơi. Kể từ năm 2010, Viktor Orban và Đảng Fidesz của ông ta đã dần dần phá bỏ tính độc lập của ngành tư pháp bằng cách buộc các thẩm phán phải nghỉ hưu, tạo ra một hệ thống tòa án thay thế và mở rộng quyền lực của Bộ trưởng Bộ Tư pháp đối với các thẩm phán. Luật pháp và Tư pháp ở Ba Lan đã cố gắng định hình lại các tòa án bằng các phương pháp tương tự sau khi giành lại quyền lực vào năm 2015, bao gồm giảm tuổi nghỉ hưu và mở rộng quyền lực của cơ quan quốc gia bổ nhiệm thẩm phán. Họ sử dụng các phương tiện truyền thông do chính phủ kiểm soát để nhắm vào các thẩm phán và biến tòa án thành một yếu tố cốt lõi trong các cuộc chiến văn hóa của nó. Cơ quan tư pháp cũng là vấn đề khiến ông Erdogan đau đầu. Năm 2006, nỗ lực của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ nhằm định hình lại hệ thống tư pháp và phá vỡ sự độc quyền của những người theo chủ nghĩa thế tục đã vấp phải sự phản đối to lớn của xã hội, buộc chính phủ phải tổ chức trưng cầu dân ý về cải cách tư pháp vào năm 2007 và 2010. Nhưng điều cuối cùng mang lại cho Erdogan quyền kiểm soát mà ông ta mong muốn chính là tuyên bố của Tổng thống với quyền lực khẩn cấp của tổng thống (tương tự đạo luật chống nổi dậy của Hoa Kỳ) sau nỗ lực đảo chính thất bại vào năm 2016 cho phép tổng thống hoặc Bộ Tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ có quyền bãi nhiệm hoặc luân chuyển các thẩm phán theo ý muốn.
Với câu hỏi: Liệu Donald Trump có thể yêu cầu quyền hạn khẩn cấp tương tự? Không dễ dàng. Ngay cả ở Thổ Nhĩ Kỳ, phải cần một nỗ lực đảo chính quân sự đẫm máu thì Erdogan mới có được loại quyền lực mà ông mong muốn. Donald Trump sẽ cần một sự kiện kịch tính có tính chất tương tự được coi là bất khả kháng và thuyết phục xã hội Hoa Kỳ rằng việc tổng thống nắm quyền kiểm soát cơ quan tư pháp là chấp nhận được.
Tất nhiên, Trump có những lựa chọn khác về mặt pháp lý nhưng khó khăn về mặt chính trị. Điều đáng ngạc nhiên là Hiến pháp Hoa Kỳ không quy định số lượng thẩm phán tại tòa án tối cao và quận. Nếu nhận được sự ủng hộ của Quốc hội, Trump có thể tập hợp các tòa án bằng cách mở rộng số lượng thẩm phán trên các ghế liên bang và Tòa án Tối cao. Nhưng một hành động như vậy sẽ bị xem là quá đáng và khó có thể được Quốc hội hoặc đảng Cộng hòa ủng hộ hoàn toàn. Tổng thống Franklin D. Roosevelt đã từng cố gắng tập trung các tòa án nhưng không thành công. Thật khó để tưởng tượng Bộ Tư pháp của Trump có thể xây dựng được sự đồng thuận về thể chế và xã hội chỉ trong khoảng thời gian bốn năm để đạt được điều mà FDR đã không làm được
Thành phố, Thị trưởng, Thống đốc
Một trở ngại lớn khác sẽ làm chậm con đường hướng tới chế độ độc tài của Trump là sự xuất hiện của các thành phố như những thành trì của phe tự do, với các thống đốc và thị trưởng trẻ tuổi của Đảng Dân chủ là những nhà lãnh đạo phe đối lập. Các nền dân chủ từng trải qua quá trình chuyển đổi phi tự do đều chứng kiến các thành phố lớn nổi lên như thành trì của những giá trị bất đồng chính kiến và tự do, trong đó các thị trưởng có uy tín thường trở thành gương mặt đại diện cho phe đối lập.
Điều đó không khác mấy so với những gì đã xảy ra ở Hungary, Thổ Nhĩ Kỳ và Ba Lan.
Vào năm 2019, Erdogan đã mất tất cả các thành phố lớn của Thổ Nhĩ Kỳ trong các cuộc bầu cử địa phương, trong đó thị trưởng phe đối lập của Istanbul, Ekrem Imamoglu, thực sự đã trở thành đối thủ chính trị của ông.
Vào năm 2020, thị trưởng đầy lôi cuốn của Warsaw, Rafał Trzaskowski, ra tranh cử với tư cách là ứng cử viên tổng thống và mặc dù thua với tỷ số chênh lệch nhưng ông đã đóng một vai trò quan trọng trong chiến thắng của phe đối lập vào năm 2023.
Ở Hungary, mặc dù nắm giữ quyền lực chính trị to lớn, Orban mất thủ đô Budapest vào tay ứng cử viên đối lập Gergely Szilveszter Karácsony vào năm 2019 – khiến thị trưởng trở thành một tiếng nói nổi bật của phe đối lập.
Trump có lẽ biết rằng các cuộc biểu tình chống chính phủ rầm rộ ở Hồng Kông, Warsaw, Istanbul và Budapest và lo lắng về sức mạnh của các thành phố cũng như sự nổi lên của các chính trị gia trẻ hơn và năng động hơn, cả thị trưởng và thống đốc, một số người trong số họ có thể củng cố cơ sở của Đảng Dân chủ và giới tinh hoa đô thị, biến New York, San Francisco, Chicago, hay Washington, DC, thành thành trì của sự bất tuân dân sự.
Căng thẳng này đã diễn ra trong nhiệm kỳ đầu tiên của Trump về các vấn đề như ứng phó với đại dịch, nhập cư và phá thai và sẽ chỉ gia tăng trong chính quyền Trump thứ hai.
Việc nắm được quyền kiểm soát các Thống đốc, thị trưởng tại các tiểu bang xanh phải mất một thời gian dài – và đòi hỏi sự đồng thuận thực sự về mặt xã hội và thể chế, điều mà Trump, trong nhiệm kỳ thứ hai, sẽ không có đủ thời gian để thực hiện.
Trong bốn năm có thể xảy ra của nhiệm kỳ thứ hai, Trump sẽ làm việc chăm chỉ để xây dựng sự đồng thuận xã hội có thể cho phép ông ta tiếp tục nắm quyền trong nhiệm kỳ thứ ba, nhưng qua những ví dụ của các quốc gia khác, thì thời gian 4 năm nữa là không đủ để ông ta làm điều đó.
Lời kết:
Nhưng quý vị đừng hiểu lầm tôi – tôi không nói rằng không có gì phải lo lắng. Không quốc gia nào nên coi dân chủ là điều đương nhiên phải có và sẽ tự tồn tại nhưng thực sự là có rất nhiều điều đáng lo ngại trong nhiệm kỳ thứ hai của Trump. Ngay cả khi Trump không đủ thời gian để biến mình thành một nhà độc tài toàn diện, thì ông ta vẫn có thể gây ra nhiều thiệt hại khác cho xã hội và nền dân chủ Mỹ.
Tuy nhiên, bốn năm nữa trên cương vị tổng thống, Trump sẽ không đạt được năng lực tổ chức, sự ủy nhiệm của người dân hoặc sự đồng thuận về thể chế để xây dựng một chế độ độc tài hoặc kéo dài nhiệm kỳ của mình qua nhiệm kỳ thứ ba.
Bất kỳ nỗ lực nào nhằm nắm quyền kiểm soát nhà nước của Trump sẽ phải đối mặt với sự phản kháng từ giới truyền thông, bộ máy quan liêu, các thành phố lớn và cơ quan tư pháp.
Sự phản kháng đó là cần thiết và sẽ xuất hiện ở mọi cấp độ của đời sống công dân. Nó cũng sẽ gây thiệt hại và xé nát nước Mỹ theo những cách mà ngày nay không thể tưởng tượng được. Ngăn chặn Trump ngay bây giờ sẽ dễ dàng hơn là đợi cho đến khi ông ta trở lại làm tổng thống, khi sự phân cực và sự thúc đẩy giữa Trump và phe đối lập sẽ làm tê liệt sự phát triển của quốc gia và gây thêm chia rẽ xã hội.
Vì vậy, điều tôi muốn nhấn mạnh đến những người Mỹ chân chính, hiểu biết, có nhận thức đúng đắn rằng đừng hoảng sợ – mà hãy tổ chức và xây dựng liên minh và phản đối hiệu quả để chống lại chủ nghĩa độc tài đang gia tăng, và thời điểm tốt nhất là từ bây giờ kéo dài đến trước cuộc bầu cử. Sau cuộc bầu cử, việc ngăn chặn nó sẽ khó khăn hơn rất nhiều.
Tại Hungary với một nền dân chủ phi tự do và tại Thổ Nhĩ Kỳ với một nền dân chủ không hoàn hảo, những nhà lãnh đạo chuyên quyền đã phải mất hơn một thập niên để xóa bỏ chế độ pháp quyền. Donald Trump có thể thử làm theo họ, nhưng 4 năm nữa, nếu viễn cảnh xấu xí này xảy ra, thì Trump sẽ thấy rằng phải cần một thời gian khá dài mới có thể trở thành nhà độc tài chính hiệu nhưng không phải trong Tòa Bạch Ốc mà có thể là trên giường bệnh, hay trong bệnh viện hay tệ hơn nữa là trong một nghĩa trang vắng vẻ.
Việt Linh
https://lavocedinewyork.com/en/news/2024/01/25/as-trump-threatens-a-dictatorship-legislators-try-to-protect-the-constitution/ https://www.washingtonpost.com/opinions/2024/01/30/trump-convicted-backup/