Giới Trẻ Thế Giới Ngả Về Phía Cực Hữu

0
445
Marie Le Pen
  • Trên khắp Âu châu, các đảng cực hữu đang tìm cách chiêu dụ sự ủng hộ của các cử tri trẻ tuổi.

Trong kỳ bầu cử Nghị Hội Âu châu hồi năm 2019, người ta thấy có rất nhiều khẩu hiệu được viết trên tường, và trong phòng phiếu, hô hào phải tẩy chay, đừng bầu cho những đảng cực hữu. Năm năm sau, trong kỳ bầu cử 2024, cử tri trẻ tuổi không còn muốn tẩy chay những đảng cực hữu nữa. Các nhà phân tích chính trị cảnh cáo rằng coi chừng bọn trẻ sẽ bầu cho các đảng cực hữu.

Quả thực, khi đến phòng phiếu, giới trẻ đã bầu cho những đảng cực hữu. Trong lúc đó, ở cuộc bầu cử Nghị Hội Âu châu hồi tháng Sáu vừa qua, kết quả cho thấy các đảng cánh hữu trung tâm ở Âu châu đã giành được thắng lợi. Nhiều đảng cực hữu đạt được thắng lợi rõ ràng đủ để làm cho các đảng xã hội, hay cấp tiến đang nắm quyền phải nghiêng ngả, chao đảo. Ở Pháp, đảng cực hữu National Rally của bà Marie Le Pen thắng lớn trong kỳ bầu cử, đạt được 30% tổng số phiếu bầu. Thắng lợi lớn này của đảng cực hữu là một đòn rất nặng cho Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đến nỗi ông phải cho tổ chức cuộc bầu cử quốc hội ngay tức khắc vào ngày 7 tháng Bảy. Ở Đức đảng cực hữu, tên là Alternative for Germany – AfD) về hàng nhì, chỉ đứng sau đảng đối lập của cánh hữu trung tâm, đảng Christian Democrats. Bám sát theo đảng Social Democrats của Thủ tướng Scholz. Việc đảng này liên minh với đảng Greens và đảng  cấp tiến Free Democrats khiến cho đảng đang cầm quyền rơi vào tình trạng bất ổn. 

Cử tri trẻ tuổi đóng vai trò quan trọng trong cuộc bầu cử năm nay. Trong số người đi bầu ở Pháp thuộc lứa tuổi dưới 34 đảng cực hữu National Rally được nhiều phiếu nhất, tới 32%. Mặc dù đảng cực hữu ở Đức- AfD- không phải là đảng nổi tiếng nhất trong giới trẻ ở Đức, song số phiếu họ giành được lần này đã tăng gấp ba trong số cử tri ở lứa tuổi từ 16 đến 24, từ 5% hồi năm 2019, lên đến 16%. Nước Đức là nước đầu tiên ở Âu châu hạ tuổi cử tri đi bầu từ 18 xuống 16. 

Cách đây năm năm, kết quả bầu cử như kể trên là điều không ai nghĩ có thể xảy ra được. Sự chuyển hướng được giải thích là do một số yếu tố như sau: Giới trẻ thuộc thế hệ Z- Z Generation- than trách tình trạng vật giá, nhà ở đắt đỏ quá mức, đặc biệt là giới trẻ sinh vào đầu thế kỷ- từ năm 2000 trở lại đây. Nhiều quan sát viên nhận xét rằng trang mạng xã hội cũng đã đem lại thành công cho các đảng cực hữu. Ví dụ như ông Jordan Bardella khoe rằng ông kết nối được với khoảng 1.5 triệu cử tri qua trang mang Tik Tok. Ông Jordan Bardella, mới 28 tuổi, đang là chủ tịch đảng National Rally nghe nói sẽ là người thay thế bà Marie Le Pen. Ông đã dùng trang mạng Tik Tok để kết nối trực tiếp với cử tri. Ở nước Đức, theo bà Laura-Kristine Krause, giám đốc tổ chức More in Common, một tổ chức cố vấn chính trị ở Berlin cho biết: “đảng cực hữu AfD có thể kết nối được rất nhiều cử tri, bằng tổng số tất cả cử tri của các đảng khác gộp lại.”. 

Hiện tượng độc đáo kể trên không chỉ xảy ra ở Pháp và Đức. Trên toàn cõi Âu châu các đảng cực hữu có thể lôi cuốn được thành phần cử tri trẻ tuổi không những vì họ sử dụng những diễn đàn mạng xã hội được giới trẻ ưa thích mà còn vì họ đánh trúng vào những vấn đề mà giới trẻ lo âu như thiếu nhà ở với giá có thể chịu được, họ muốn có chính sách hạn chế di dân vào nước họ. Đây là điều rất rõ nét được nhận thấy trong cuộc bầu cử ở Hà lan. Trong đó, khẩu hiệu chống di dân của đảng cực hữu Freedom Party đã được sự ủng hộ nồng nhiệt của giới trẻ, khoảng 17% cử tri trẻ tuổi từ 18 đến 34 (tăng 7% so với những cuộc bầu cử trước đây). Các đảng cực hữu ở những nước khác như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Phần Lan cũng nổi lên vì những lý do tương tự. 

Xu hướng chính trị hiện nay nêu lên điểm đặc biệt là có sự chuyển hướng rất rõ so với cách đây 5 năm. Xưa kia người ta vẫn nghĩ rằng cử tri trẻ tuổi thường có xu hướng cấp tiến, và chú ý nhiều về môi trường hơn là những người lớn tuổi. Thực tế cho thấy “những người trẻ đón nhận tất cả xu hướng chính trị từ mọi phía.”.  Nhà nghiên cứu chính trị người Đức, ôngThorsen Faas đưa ra nhận xét như trên. Thực vậy, đảng được giới trẻ ở Pháp ưa thích nhất là đảng khuynh tả France Unbowed của ông Jean-Luc Melenchon. Cử tri ở Đức chia nhau theo nhiều đảng khác nhau, đa số là theo đảng AfD, đảng Christian Democrats và đảng Greens

Bà Krause nói: “Người ta có ấn tượng cho rằng giới trẻ thường có xu hướng cấp tiến. Điều này không hẳn là đúng.”. Song bà cũng nói thêm rằng những người trẻ ủng hộ phe cực hữu không có nghĩa là họ ủng hộ ý thức hệ chính trị của cánh hữu đâu. Họ ủng hộ cách hữu vì họ cho rằng họ bị che khuất bởi một lực lượng “Thứ Ba Vô Hình”. Lực lượng này nằm lẩn khuất trong cơ cấu xã hội và chính trị, hòa nhập trong nhiều điểm mà nhóm cực hữu đề cập đến. Họ có cảm tưởng rằng họ không có cơ hội ngồi xuống nói chuyện trực tiếp với các chính trị gia. Giống như họ không được mời dự vào bàn tiệc.”

Những sự kiện trên không có nghĩa là cử tri thành phần trẻ tuổi đại diện cho một thế hệ cánh hữu trưởng giả. Ông Lucas Robinson thuộc tổ chức Eurasia Group’s Institute for Global Affairs tin rằng: “Việc giới trẻ chuyển hướng sang ủng hộ các đảng cánh hữu chẳng qua cũng giống như ngày xưa giới trẻ ủng hộ cánh tả: Đó là sự bất mãn, bực bội với những định chế, thế lực chính trị, và những chính sách đương thời. Viện nghiên cứu Eurasia Group mới đây còn tìm thấy rằng những khó khăn, thử thách của thế giới hiện nay, như bệnh dịch, sự thay đổi khí hậu được xem là những vấn đề lớn đối với giới trẻ (tuổi từ 18 đến 29) ở Pháp, Đức, Anh và Hoa Kỳ. Vấn đề thứ hai cũng làm cho họ lo ngại là những thành phần ưu tú của xã hội đã làm những quyết định sai lầm về chính trị, và vấn đề thứ ba mới là những khó khăn do vấn đề di dân đến đất nước họ. Nếu có những bài học nào thu thập được cho các đảng chính trị trung dung rút ra từ những cuộc bầu cử ở Âu châu, có lẽ đó là việc từ nay nhiều đảng phái chính trị không còn được sự ủng hộ đương nhiên của thành phần cử tri trẻ nữa. Ông Robinson nói: “Cử tri thuộc thế hệ Z và giới trẻ của thiên niên kỷ mới không phải là một khối cử tri nguyên khối như trước nữa. Kết quả bầu cử gần đây cho thấy quan điểm của giới trẻ về chính trị không còn có thể dự đoán được nữa.”.

Nguyễn Minh Tâm  dịch theo báo TIME