Hàn Quốc cảnh báo người Mỹ về phiên tòa xét xử Donald Trump

0
3642

Với việc Hoa Kỳ hiện đang phải đối mặt với phiên tòa hình sự đầu tiên xét xử một cựu tổng thống Mỹ. Catherine Kim là trợ lý biên tập của Tạp chí POLITICO đã gọi cho Nathan Park, một thành viên tại Viện Quincy chuyên về chính sách đối ngoại và là một nhà quan sát thiên tả về Hàn Quốc, để hỏi Hoa Kỳ có thể học được gì từ lịch sử lâu dài của Hàn Quốc về cách bỏ tù thành công các nhà lãnh đạo trong quá khứ.

Mời xem video bài bình luận qua Youtube

Nathan Park, là người chỉ trích chính quyền Yoon Suk Yeol hiện tại, là người không đảng phái, không Dân chủ cũng chẳng Cộng hòa, đã thảo luận về hậu quả của việc truy tố các nhà lãnh đạo, làm thế nào để ngăn nó trở thành vũ khí chính trị và tại sao một tổng thống tương lai nên xem xét ân xá cho Trump nếu ông ta bị kết án.

Ông đồng ý rằng Hàn Quốc có nhiều điều để dạy cho các nhà tư pháp Mỹ về việc làm sao truy tố thành công các nhà cựu lãnh đạo.

Phiên tòa xét xử hình sự cựu Tổng thống 45, Donald Trump là một khoảnh khắc chưa từng có đối với Hoa Kỳ – nhưng trên toàn cầu, Hàn Quốc đã kết án khá nhiều các cựu tổng thống và chuyện này không được xem là chuyện lạ ở Hàn Quốc nói riêng và Châu Á nói chung.

Ba trong số bốn tổng thống gần đây nhất đã bị các công tố viên điều tra trong suốt một thập niên. Roh Moo-hyun, thuộc đảng tự do, chết vì tự tử trong khi ông và những người thân cận của mình bị điều tra tội hối lộ. Lee Myung-bak và Park Geun-hye bị kết tội và kết án tù vì tội nhận hối lộ và lạm dụng quyền lực. Yoon Suk Yeol, tổng thống hiện tại của Hàn Quốc, đã đóng một vai trò quan trọng trong bản cáo trạng của bà nữ cựu tổng thống Park Geun-hye với tư cách là tổng công tố viên vào thời điểm đó, và thành tích của ông đã đưa ông trở thành ngôi sao nổi tiếng mà ông cần để tranh cử tổng thống.

Từng được ca ngợi là chiến thắng của nền dân chủ trước nạn tham nhũng, các cơ quan công tố giờ đây đã đẩy Hàn Quốc vào một kỷ nguyên mới, với các viên chức chính phủ phải đối mặt với những lo ngại về các vụ kiện tụng và cáo buộc hình sự sau khi mãn nhiệm. Tệ hơn nữa, nó khiến các nhà lập pháp ngại thừa nhận lỗi vì sợ lời xin lỗi của họ sẽ bị sử dụng để chống lại họ trước tòa.

Nathan Park nói rằng: “Trên thực tế, bạn có thể cảm nhận được điều đó từ các viên chức chính phủ rằng họ cực kỳ sợ hãi khi làm bất cứ điều gì ngoài hướng dẫn. Mọi thứ họ làm đều cực kỳ phòng thủ.”

Sau đây là cuộc phỏng vấn giữa Catherine Kim và Nathan Park. Cuộc phỏng vấn này đã được chỉnh sửa đôi chút, đúc kết ý chính và rõ ràng, dễ hiểu hơn.

Việc luận tội và kết án bà nữ cựu tổng thống Park Geun-hye được coi là một chiến thắng dân chủ vào thời điểm đó – nhưng bây giờ có vẻ như chúng ta đang bị mắc kẹt trong một vòng truy tố không ngừng nghỉ đối với đảng đối lập. Ý nghĩa chính trị của bà ấy như thế nào kể từ khi tuyên án?

Những gì xảy ra sau đó khá độc đáo. Những gì các công tố viên đã làm là hợp pháp hóa chính trị. Hợp pháp hóa ở đây có nghĩa là chuyển từ bất hợp pháp sang hợp pháp, và chính sự hợp pháp hóa trong chính trị đã trở thành một loại luật pháp bất thành văn.

Với những câu hỏi đại loại như: Bạn có vi phạm pháp luật không? Bạn có thể chứng minh điều này trước tòa không?

Nathan Park trả lời: Và người có quyền lực nhất trong loại luật pháp bất thành văn này chính là các công tố viên. Điều cuối cùng đã xảy ra là Tổng công tố viên – Yoon Suk Yeol – công tố viên quyền lực nhất trong số họ, đã trở thành tổng thống nhờ sức mạnh của điều đó. Ông trở thành ngôi sao chính trị đầu tiên nhờ truy tố thnàh công nữ cựu tổng thống Park Geun-hye.

Ở Hàn Quốc, các viên chức chính phủ rất sợ hãi khi làm bất cứ điều gì ngoài sổ tay hướng dẫn. Chính phủ Hàn Quốc từng hoạt động rất hiệu quả so với các chính phủ khác. Bây giờ họ vẫn hiệu quả hơn các chính phủ khác, vì khi thi hành chức trách và nhiệm vụ, họ luôn phòng ngừa và xen lẫn một chút lo sợ rằng họ vẫn có khả năng bị truy tố vì một số lý do này hay lý do khác.

Một điều khác đã xảy ra là ông Yoon Suk Yeol cũng lo sợ điều tương tự sẽ xảy ra với mình khi mãn nhiệm. Vì vậy, mặt khác của vấn đề là chính quyền của ông sẽ không bao giờ thỏa hiệp và không bao giờ thừa nhận bất kỳ lỗi nào. Vì dụ như thảm họa Itaweon, đó thực sự là một điều khủng khiếp không thể tin được. Và điều xảy ra là không ai xin lỗi, không ai từ chức cả. Họ chỉ nói một cách chung chung rằng, “Ồ, chúng tôi rất tiếc vì điều này đã xảy ra.” Điều này giống như tư duy kiện tụng, khi bạn thừa nhận lỗi lầm, bạn có cảm giác như đang đặt mình vào nguy cơ phải chịu trách nhiệm pháp lý.

Đó có phải là vì một khi bạn phải chịu trách nhiệm pháp lý, mọi người sẽ cố gắng truy tố bạn và sử dụng điều đó để chống lại bạn trước tòa hay không?

Nathan Park trả lời: Vâng, đúng như vậy, bởi vì bây giờ, thay vì hoạt động chính trị thông thường, người ta kỳ vọng rằng mọi thứ sẽ chỉ còn là một vụ kiện và cáo trạng. Vì vậy, theo một nghĩa nào đó, người ta có thể lập luận rằng việc truy tố các nhà cựu lãnh đạo là một điều tiêu cực.

Bạn có nghĩ rằng các chính trị gia bây giờ coi việc truy tố là một cơ hội không? Họ có coi việc truy tố một tổng thống là cơ hội để đạt được sức mạnh không?

Nathan Park trả lời: Ồ, chắc chắn rồi. Trong trường hợp của ông Yoon, đó hoàn toàn là động cơ trực tiếp. Ông đã tận dụng những vụ truy tố này để tự mình trở thành một ngôi sao chính trị.

Tôi khó có thể tưởng tượng rằng điều này có thể xảy ra ở Mỹ chỉ vì cách cấu trúc hệ thống tư pháp của chúng ta. Nhưng hãy tưởng tượng ai đó thực hiện một cuộc tranh cử thống đốc hoặc tranh cử tổng thống với sức mạnh là một đối thủ mạnh mẽ hoặc công tố viên của Trump.

Bây giờ chúng ta đã chứng kiến ​​3 trong số 4 cựu tổng thống Hàn Quốc bị điều tra. Một người chết vì tự sát, hai người còn lại bị kết án tù. Bạn lo ngại đến mức nào khi quy trình này đã bị chính trị hóa và được sử dụng như một công cụ trả thù?

Nathan Park trả lời: Tôi nghĩ rằng có một cách đúng và cách sai để làm điều này. Nói ngắn gọn là nếu quy trình pháp lý nghiêm ngặt và tội phạm có vẻ rất rõ ràng và hiển nhiên thì đằng sau nó sẽ có tính hợp pháp hơn. Nếu không, thì nó sẽ làm suy yếu nền dân chủ, bởi vì nó bắt đầu giống như sự đàn áp.

Và tôi nghĩ đó là điều thực sự phân biệt cuộc điều tra của Roh Moo-hyun với cuộc điều tra của Park Geun-hye và Lee Myung-bak. Tội ác của hai cựu tổng thống Park Geun-hye và Lee Myung-bak thực sự rất rõ ràng. Họ không khó hiểu. Và những gì họ đã làm được xác định khá rõ ràng về mặt dấu vết trên giấy tờ. Trong khi trường hợp của Roh Moo-hyun thì giống hơn, thực sự không có bất kỳ bằng chứng nào kết nối trực tiếp ông ta với bất kỳ khoản hối lộ nào. Và khá rõ ràng là nó được thúc đẩy bởi chủ nghĩa trả thù.

Người dân Hàn Quốc và người dân Mỹ cũng không khác nhau nhiều về sự cảm nhận được liệu việc truy tố có được thúc đẩy bởi nhu cầu chính đáng hay mong muốn nhắm vào ai đó hay không. Mọi người đều thấy rằng khi hệ thống pháp luật đang hoạt động, nó sẽ phân loại những người phạm tội và những người không phạm tội.

Bạn nghĩ tại sao công chúng Hàn Quốc vẫn tin tưởng nhiều vào tòa án, bất chấp mọi hỗn loạn chính trị mà việc truy tố các tổng thống có thể gây ra?

Nathan Park trả lời: Khi bạn nhìn vào mức độ tin cậy trực tiếp vào chính phủ trong các cuộc khảo sát của OECD, Hàn Quốc thực sự đạt điểm rất thấp, thấp hơn nhiều so với Mỹ.

Và luận điểm cơ bản của tôi là: Người Hàn Quốc nhìn chung có niềm tin vào chính phủ thấp hơn nhiều so với người Mỹ. Nhưng tôi nghĩ rằng niềm tin thấp hơn thực ra là mặt trái của những kỳ vọng cao. Người Hàn Quốc có tiêu chuẩn cao về những gì chính phủ phải làm. Và khi bạn đáp ứng được tiêu chuẩn đó, tôi nghĩ người Hàn Quốc sẽ tin tưởng rất nhiều, bất chấp thực tế là mức độ tin cậy cơ bản của họ khá thấp. Tôi nghĩ đó là điều đang xảy ra với người Hàn Quốc.

Nếu quá trình truy tố một tổng thống có vẻ mang tính thù hận và không có tiêu chuẩn thực sự, thì nó sẽ bị coi là một kiểu đàn áp. Nếu quá trình truy tố tổng thống đáp ứng được tiêu chuẩn cao mà người ta đặt ra thì người ta sẽ chấp nhận sự thật rằng đây là cách công lý được thực thi.

Donald Trump hiện đang bị xét xử. Mỹ làm thế nào để tránh việc chính trị hóa các vụ truy tố như đã xảy ra ở Hàn Quốc?

Nathan Park trả lời: Tôi nghĩ quy trình này phải nghiêm ngặt và cần có sự phân biệt rõ ràng giữa những người đe dọa nền dân chủ với các loại tội phạm khác. Về cơ bản, tôi nghĩ rằng có một mối nguy hiểm trong nỗ lực chấm dứt nền dân chủ vào ngày 6 tháng 1. Tôi nghĩ cần phải có sự tố cáo rõ ràng và phân định rõ ràng những gì thực sự xúc phạm đến mức đáng bị truy tố đối với Donald Trump.

Mỹ nên học gì từ Hàn Quốc khi bắt tay vào truy tố cựu tổng thống 45?

Nathan Park trả lời: Tôi nghĩ việc truy tố Trump đã được giải quyết khá tốt. Di chuyển thận trọng và bảo đảm rằng mọi thứ liên quan đến vấn đề pháp lý đều được ràng buộc một cách hoàn hảo – tôi nghĩ những điều đó rất tốt và đầy thuyết phục. Họ có chứng cứ, nhân chứng, vật chứng đầy đủ và hầu hết những nhân chứng đều là người thuộc đảng Cộng hòa.

Theo quan điểm của tôi, có vẻ khá rõ ràng rằng phe của Trump mới là phe đang bày ra trò hề này. Và mặt khác, cơ quan công tố đang tiến hành một cách chuyên nghiệp. Đó thực sự sẽ là điều quan trọng nhất.

Điều tương tự cũng xảy ra với nữ cựu tổng thống Park Geun-hye. Các luật sư của bà Park Geun-hye cũng làm những trò hề. Thay vì cố gắng đưa ra một lập luận nghiêm túc, họ sẽ xuất hiện với một lá cờ và có một bài phát biểu dài về việc những người truy tố bà là những người theo chủ nghĩa cộng sản. Bà ấy không giống như Trump, có được những luật sư giỏi, chuyên nghiệp đại diện cho mình. Vì thế trong mắt dư luận, cô đã thua cuộc khá nhanh.

Tôi cũng muốn đề cập đến một điều: Việc Hàn Quốc truy tố nhiều tổng thống thường đi đôi với việc họ được ân xá khá nhanh chóng chỉ sau vài năm. Có nhiều ý kiến ​​​​khác nhau về vấn đề này. Họ cần phải trải qua quá trình xét xử, bị kết án và vào tù như bao người khác, và họ không đứng trên pháp luật. Và sự ân xá chỉ nên đến sau đó, không phải đến trước đó.

Đó có phải là điều mà hệ thống Tư pháp Mỹ nên noi theo hay không?

Nathan Park trả lời: Vì luật hình sự của Hoa Kỳ tương đối độc đáo ở chỗ các hình phạt cực kỳ khắc nghiệt. Đây là lời chỉ trích rất mạnh mẽ mà tôi có với tư cách là một luật sư hình sự, rằng mọi thứ ở Mỹ đều bị trừng phạt với mức án tù quá nặng. Vì vậy, đặc biệt là với Trump, nếu một số cáo buộc này được đưa ra, tôi không thấy ông ấy nhận được bất cứ điều gì ít hơn thời hạn 20 năm vì chúng đều là những cáo buộc nghiêm trọng. Ông ta không còn trẻ, rõ ràng điều đó có nghĩa là ông ta sẽ chết trong tù. Nhưng, tôi tin rằng, mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi nếu ông ta bị kết án, có thể phải ngồi tù từ ba đến bốn năm. Nếu sức khỏe của ông ấy sa sút, ông ấy có thể nhận được ân xá và ít nhất hãy để ông ấy có được những ngày cuối đời bình thường như những người dân bình thường sống trên đất nước này.

Và đó là những gì Hàn Quốc đã làm với hai người cựu tổng thống Lee Myung-bak và Park Geun-hye, phải không?

Đúng vậy, đó chắc chắn là những gì họ đã làm, đặc biệt là với bà Park Geun-hye. Sức khỏe của bà Park Geun-hye thực sự rất tệ và bà cũng có những người hâm mộ chân thành rằng nếu chết trong tù thì bà sẽ là một kẻ tử vì đạo. Ông Lee Myung-bak cũng thế, cũng mang trong người đủ thứ bệnh của người gia, ông ấy cũng nhận được ân xá để về nhà sum họp cùng người thân, sống những tháng ngày cuối đời như một người bình thường.

Và tôi cần nhắc lại một lần nữa, rằng sự ân xá chỉ có ý nghĩa khi những kẻ phạm tội bị kết án, phải nhận một bản án bao nhiêu năm tù giống như bất cứ những kẻ phạm tội khác, và họ cũng phải trải qua ít nhất vài năm trong chốn lao tù, để người dân còn có niềm tin vững chắc vào câu nói “Không ai đứng trên luật pháp” và sau đó, họ sẽ thoải mái, dễ dàng tha thứ và chấp nhận một khi lệnh ân xá được đưa ra. Chỉ đến lúc đó, mọi hành động và quyết định sẽ mang đầy đủ ý nghĩa tuyệt đối.

Việt Linh

https://www.politico.com/news/magazine/2024/04/17/south-korea-president-prosecutions-qa-00152630
https://www.washingtonpost.com/national-security/2024/04/11/presidents-foreign-leaders-charged-history/
https://www.nbcnews.com/meet-the-press/data-download/happened-democracies-leaders-faced-criminal-charges-rcna89931

https://thehill.com/opinion/criminal-justice/4044955-learn-from-south-korea-nothing-good-will-come-of-putting-a-former-president-in-prison/https://www.congress.gov/116/meeting/house/110281/documents/HHRG-116-JU00-20191204-SD1118.pdf