Liệu Trump tái đắc cử có thực sự rút khỏi liên minh NATO hay không giờ đây đối với những lãnh của các quốc gia Châu Âu không còn quan trọng.
Ivo Daalder, cựu đại sứ Hoa Kỳ tại NATO, là Giám đốc điều hành của Hội đồng các vấn đề toàn cầu Chicago và là người dẫn chương trình podcast hàng tuần “Điểm tin thế giới với Ivo Daalder”.
Mời xem video bài bình luận qua Youtube
Với tư cách là cựu đại sứ Hoa Kỳ tại NATO, ông thường được giới truyền thông hay hỏi ông rằng, liệu việc Donald Trump tái đắc cử vào tháng 11 có đồng nghĩa với sự kết thúc của NATO hay không. Ông đã trả lời một cách dứt khoát rằng: Có và Không!
Tại sao lại là một câu trả lời: Có và Không?
Đúng vậy, “Có” ở đây, có nghĩa là việc Donald Trump tái đắc cử sẽ có nghĩa là sẽ xảy một sự thay đổi cơ bản đối với NATO cho dù ông ta có quyết định rút khỏi tổ chức này hay không. Và “Không” ở đây, có nghĩa là liên minh không nhất thiết phải kết thúc. Liên minh vẫn tiếp tục hoạt động mà không có Hoa Kỳ.
Sự thù địch của Trump đối với NATO – thực ra là với tất cả các liên minh an ninh của Mỹ trên khắp thế giới – đã được nhiều người biết đến. Khi tranh cử tổng thống lần đầu tiên, ông ta thường xuyên kêu lên rằng NATO “đã lỗi thời”, và khi còn đương nhiệm, ông ta liên tục đe dọa rút khỏi tổ chức này. Trump đã từng hét vào mặt Cố vấn An ninh Quốc gia lúc bấy giờ là John Bolton trong một cuộc tranh luận sôi nổi rằng: “Tôi không quan tâm đến NATO.”
Sau đó, Trump thông báo với Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen rằng: “Bà cần hiểu rằng nếu Châu Âu bị tấn công, chúng tôi sẽ không bao giờ đến giúp đỡ và hỗ trợ”, theo một quan chức EU có mặt tại cuộc họp. Sau đó, ông nói thêm: “NATO đã chết và chúng tôi sẽ rời đi, chúng tôi sẽ rời bỏ NATO.”
Khi cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine vào năm 2022 đã nhắc nhở nhiều người về giá trị và tầm quan trọng của NATO – cũng như cam kết của Mỹ đối với an ninh châu Âu – Trump đã ca một bài ca con cá kiểu mới khi ông ta gọi Tổng thống Nga Vladimir Putin là “thông minh”, “hiểu biết” và “thiên tài”, Trump còn tuyên bố rằng nếu có cơ hội, ông ta có thể kết thúc chiến tranh chỉ trong một ngày bằng cách cắt mọi viện trợ của Mỹ cho Ukraine và áp lực đòi Ukraine phải nhường lãnh thổ và đầu hàng Nga.
Ngày nay, sự ác cảm của Trump đối với NATO vẫn không hề giảm bớt, và nếu ông ta quay trở lại Phòng Bầu dục thành công, thì chắc chắn những ác cảm đó vẫn sẽ tiếp tục. Thế thì người Châu Âu có gì phải đáng ngạc nhiên?
Hơn nữa, không ai nên đặt nhiều niềm tin chắc chắn vào một sắc lệnh Quốc hội ban hành gần đây nhằm ngăn chặn một tổng thống rút khỏi liên minh mà không có sự đồng ý của Quốc hội. Vì có một điều mà nhiều người không biết rằng, không ai có thể buộc một tổng thống Mỹ bảo vệ một quốc gia khác bằng toàn bộ lực lượng của quân đội Hoa Kỳ – kể cả Quốc hội.
Về mặt pháp lý, Hoa Kỳ hoặc bất kỳ thành viên NATO nào khác chỉ có nghĩa vụ thực hiện “hành động mà họ thấy cần thiết, bao gồm cả việc sử dụng lực lượng quân đội để khôi phục và duy trì an ninh của khu vực Bắc Đại Tây Dương”. Nói cách khác, mỗi thành viên được quyền tự quyết định xem có nên hành động như thế nào trong trường hợp một cuộc tấn công vũ trang vào đồng minh hay không. Và ngay cả điều khoản đó, là Điều 5, cũng chỉ có tính ràng buộc sau khi tất cả các thành viên NATO đồng ý thực hiện cam kết.
Tuy nhiên, điều làm cho một liên minh an ninh trở nên hiệu quả không phải là một mệnh lệnh pháp lý nào đó – mà là sự tin tưởng mà các đồng minh dành cho nhau, rằng họ sẽ bảo vệ lẫn nhau và độ tin cậy của cam kết đó trong mắt đối thủ của họ. Các cam kết ràng buộc về mặt pháp lý có thể củng cố niềm tin đó, nhưng họ không thể tự mình duy trì nó — chứ chưa nói đến việc xây dựng nó.
Nhận biết được vấn đề thực tế qua lăng kính chính trị đầy bất ổn và phân cực của nướ c Mỹ, thì không ai còn ngạc nhiên với ý định của Trump có thực sự rút khỏi NATO như nhiều người lo ngại hay không, điều này không còn quan trọng nữa. Đơn giản là việc gì đến ắt nó sẽ đến.
Thực tế đơn giản là việc tái đắc cử của Trump sẽ được coi là sự phủ nhận cơ bản lòng tin mà các đồng minh NATO đã đặt vào Mỹ để bảo vệ họ trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công vũ trang. Hơn nữa, hiện nay khả năng xảy ra một cuộc tấn công như vậy đang rất lớn ở châu Âu sau cuộc chiến tàn khốc của Nga ở Ukraine. Cả các nhà lãnh đạo đồng minh và công chúng của họ đều không tin tưởng rằng một nước Mỹ do Trump lãnh đạo sẽ hỗ trợ họ.
Thực tế này không nhất thiết đánh dấu sự kết thúc của NATO, mặc dù nó sẽ biến tổ chức này thành một liên minh khác về cơ bản so với liên minh đã tồn tại trong 75 năm qua. NATO sẽ không kết thúc ngay cả khi Mỹ chính thức rút lui – tổ chức này sẽ chỉ bớt đi một thành viên rắc rối, khó chịu, vô ơn và ích kỷ.
Tất nhiên, Mỹ không giống mọi thành viên NATO khác – vì với sức mạnh thực sự của Mỹ chính là xương sống thực sự của liên minh. Bắt đầu với Tướng Dwight D. Eisenhower, chỉ huy tối cao của nó luôn là người Mỹ. Quân đội Mỹ cũng chiếm một phần đáng kể trong năng lực tổng quát của NATO và các lực lượng vũ trang của nước này tạo thành hạt nhân trung tâm mà hầu hết các đồng minh NATO đã xây dựng quân đội của riêng họ. Hơn 100.000 lực lượng lục quân, không quân và hải quân Mỹ hiện đang được khai triển trên khắp châu Âu để hỗ trợ trực tiếp cho NATO.
Hơn nữa, kho vũ khí hạt nhân của Mỹ, bao gồm cả vũ khí được khai triển ở châu Âu để các lực lượng không quân đồng minh sử dụng, “là sự bảo đảm tối cao cho an ninh của liên minh”. Trong khi Pháp và Anh sở hữu năng lực hạt nhân đáng kể, sự sẵn lòng và khả năng mở rộng chiếc ô hạt nhân cho tất cả các đồng minh của họ là không chắc chắn và chưa được kiểm chứng.
Tuy nhiên, NATO sẽ vẫn là một liên minh quân sự đáng gờm ngay cả khi không có Hoa Kỳ. Các thành viên của NATO bao gồm hầu hết các quốc gia ở Châu Âu, cộng với Canada, và tổ chức này sở hữu các quy trình, thủ tục và chương trình phòng thủ tập thể rất phát triển và có khả năng rất hiệu quả. Tất nhiên, tiềm năng đó có được biến thành hiện thực hay không chủ yếu phụ thuộc vào các thành viên còn lại.
Lời kết:
Một NATO không có Mỹ sẽ gần như không hiệu quả như NATO có Mỹ. Nó cũng sẽ là một biện pháp ngăn chặn kém hiệu quả hơn đối với Nga và các đối thủ khác.
NATO có thể không kết thúc với việc ông Trump đắc cử, nhưng liên minh này sẽ yếu đi đáng kể nếu không có đối tác mạnh về quân sự như Mỹ, khiến an ninh châu Âu trở nên bấp bênh hơn nhiều so với mức cần thiết hoặc mong muốn. Và không chỉ người châu Âu phải chịu thiệt thòi về vấn đề an ninh mà cả người Mỹ cũng vậy.
Dân gian Việt nam có câu: “Không có mợ thì chợ vẫn đông”. NATO không có Mỹ thì NATO yếu đi nhưng sẽ không chết. Mỹ có rời bỏ NATO thì Mỹ sẽ không thể hiên ngang ra đi mà thay vào đó sẽ phải cúi gằm mặt, mắc cở ra đi vì các quốc gia NATO chưa mắc nợ Mỹ điều gì, nhưng ngược lại Mỹ vẫn còn mắc nợ các quốc gia trong khối NATO chưa trả được.
Người Mỹ có thể quên NATO nhưng vụ 911 thì chắc chắn là người Mỹ sẽ không thể nào quên.
Việt Linh
https://www.nytimes.com/2019/01/14/us/politics/nato-president-trump.html
https://www.politico.com/news/magazine/2024/02/13/bolton-trump-2024-nato-00141160